Hãy cùng tìm hiểu về các nguy cơ do hóa chất vĩnh cửu gây ra, các nghiên cứu về chúng và các chiến lược giảm thiểu rủi ro
Kẻ xâm lăng vô hình rình rập trong nước máy, bám vào dụng cụ nấu ăn và ẩn náu trong bao bì thực phẩm, đe dọa một cách thầm lặng đến sức khỏe con người. Đó chính là các Perpolyfluoroalkyl substances (PFAS), còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”. Chúng đã thâm nhập vào môi trường, thức ăn và thậm chí cả cơ thể chúng ta.
Trong khi các cộng đồng trên khắp đất nước đang vật lộn với vấn đề ô nhiễm, thì các nhà khoa học cũng đang dần phát hiện ra mối liên hệ giữa những chất ô nhiễm dai dẳng này với nhiều loại ung thư khác nhau.
PFAS là gì?
Do khả năng chống phân hủy cao, PFAS tồn tại trong môi trường lâu tới hàng thế kỷ. Việc sử dụng rộng rãi những hóa chất này dẫn đến một thực tế là chúng đang hiện diện ở khắp nơi, trong nguồn nước, trong thức ăn và đất. Những hóa chất này còn tích tụ trong cơ thể và môi trường theo thời gian.
David Andrews, Phó Giám đốc điều tra và là Nhà khoa học cao cấp của Nhóm Công tác Môi trường (EWG), cho The Epoch Times biết rằng, tình trạng nhiễm PFAS đã gia tăng ở mức đáng báo động trên khắp Hoa Kỳ. Tính đến tháng 5 năm 2024, có hơn 6.000 địa điểm ở tất cả 50 tiểu bang xác nhận bị nhiễm các hợp chất độc hại này, gia tăng đáng kể so với con số 3.186 địa điểm được EWG báo vào tháng 8 năm 2023.
Một số thiết bị dụng cụ có sử dụng PFAS. (The Epoch Times)
Những hiểu biết mới về PFAS và tác dụng gây ung thư
Vào tháng 3 năm 2024, tại một hội thảo trực tuyến, các nhà khoa học của EWG và các nhà nghiên cứu đại học đã thảo luận về mối liên quan giữa PFAS và ung thư. Alexis Temkin, Tiến sĩ về y sinh học biển và khoa học môi trường, đồng thời là nhà độc chất học cao cấp của EWG, đã trình bày về cách thức PFAS thúc đẩy ung thư phát triển, nhấn mạnh đến tác động gia tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn, ung thư thận và ung thư vú của cả PFAS chuỗi dài lẫn PFAS chuỗi ngắn trong nước uống.
Ông Andrews lưu ý, việc trong nước uống có chứa PFAS có thể giúp giải thích lý do tại sao Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phát hiện ra những hóa chất này trong máu của ít nhất 97% người Mỹ.
Mặc dù việc tiếp xúc với PFAS đã được biết là có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau, chúng ta cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm nữa để hiểu được đầy đủ toàn bộ tác động của chúng.
Các cộng đồng dân cư, sống gần các khu công nghiệp hoặc căn cứ quân sự sử dụng bọt chữa cháy chứa PFAS, có tỷ lệ ung thư cao hơn bình thường. Một nghiên cứu năm 2023, công bố trên Tạp chí Triển vọng Sức khỏe Môi trường, đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự hiện diện của PFOS trong máu của quân nhân với ung thư tinh hoàn. PFOS là một nhóm hóa chất có liên quan với PFAS, thường được sử dụng trong các sản phẩm chống dính và chống vết bẩn.
Một bài đánh giá năm 2020 trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Y tế Công cộng thấy rằng PFAS sở hữu các đặc điểm chính của một chất gây ung thư, bao gồm tác dụng gây ra stress oxy hóa, ức chế hệ miễn dịch và tương tác với các thụ thể truyền tin tế bào.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia (Hoa kỳ) vào năm 2024 cho thấy mối liên quan giữa một số hóa chất PFAS với loại ung thư trẻ em phổ biến nhất trên toàn cầu. Nghiên cứu này tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư tăng cao và nồng độ cao của hai loại PFAS, cụ thể là axit perfluorooctanesulfonic và một trong số những tiền chất của nó.
Sivanesan Dakshanamurthy, giáo sư tại Khoa Ung thư học thuộc Trường Y, Đại học Georgetown, nói với The Epoch Times rằng PFAS tích lũy sinh học trong cơ thể, đặc biệt là ở gan, thận, tinh hoàn và huyết thanh. Ông nói rằng, chúng tương tác với các thụ thể tế bào và các con đường truyền tín hiệu có khả năng khởi phát khối u.
PFAS cũng phá hủy DNA và các thành phần cấu tạo của tế bào, đồng thời, chúng phá vỡ khả năng loại bỏ tế bào ung thư của hệ miễn dịch, ông Dakshanamurthy nói thêm.
Làm thế nào để giảm thiểu tiếp xúc với PFAS
Theo Tasha Stoiber, nhà khoa học cấp cao có bằng tiến sĩ về hóa học môi trường tại EWG, các bộ lọc sử dụng hạt than hoạt tính có thể giảm lượng PFAS trong nước uống một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, bà lưu ý, thẩm thấu ngược mới là phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ PFAS và các chất gây ô nhiễm khác. Các hệ thống thẩm thấu ngược có thể được lắp đặt dưới bồn rửa hoặc được thiết kế thành một bộ phận trong hệ thống tổng thể của ngôi nhà.
Bà Stoiber nói thêm, mọi người còn có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với PFAS mạnh mẽ hơn nữa bằng cách chọn các sản phẩm không chứa PFAS, chẳng hạn như một số dụng cụ nấu ăn chống dính, quần áo chống thấm nước và bao bì thực phẩm.
Việc làm sạch PFAS trong nước uống đòi hỏi một cách tiếp cận đa phương diện, bà nói. Điều này liên quan đến các công nghệ xử lý tiên tiến, nâng cao nhận thức của công chúng, ngăn chặn ô nhiễm tại nguồn và dọn sạch các địa điểm bị ô nhiễm.
Theo bà Stoiber, cần có một bộ luật toàn diện nhắm tới giải quyết mọi khâu từ sản xuất, sử dụng cho đến xử lý thải bỏ PFAS để ngăn chặn ô nhiễm gia tăng. Đồng thời các công ty sản xuất cũng cần phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm PFAS, chịu chi phí dọn dẹp cũng như các biện pháp phòng ngừa khác.
Chính sách về PFAS và các sáng kiến sức khỏe cộng đồng
Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Thư tín Khoa học & Công nghệ Môi trường cho thấy rằng hơn 200 triệu người Mỹ có thể đang phải sử dụng nước có chứa PFAS ở mức 1 nanogram trên một lít – 1 phần nghìn tỷ (ppt) – hoặc cao hơn.
Mức độ này là đáng lo ngại, bởi vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả mức PFAS cực kỳ thấp cũng đã có thể gây hại, ông Dakshanamurthy nói. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã đặt ra mức khuyến cáo đối với PFOA và PFOS ở mức không vượt quá 70 ppt cho cả hai chất cộng lại.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một số tiểu bang đã áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nhiều, với mức an toàn chỉ là 1 ppt. Ví dụ, Vermont đã đặt ra giới hạn pháp lý là 20 ppt cho cả PFOA và PFOS trong nước ngầm, và Michigan đã áp dụng giới hạn đề xuất là 70 ppt cho các hóa chất này trong nước ngầm được sử dụng cho nước máy.
Ông Andrews cho biết, tình trạng thiếu kiểm soát sử dụng PFAS trong nhiều thập kỷ qua, là một thất bại về mặt quy định. Chúng ta cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu rủi ro sức khỏe và cải thiện các quy định. Ông cũng lưu ý rằng các bộ lọc nước chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Vào tháng 2 năm 2024, Thượng nghị sĩ Nancy Skinner (D-Calif.) đã giới thiệu SB 903, Đạo luật Chấm dứt Hóa chất Vĩnh cửu, nhằm mục đích cấm PFAS trong tất cả các sản phẩm vào năm 2030, trừ khi thật cần thiết và không có lựa chọn thay thế nào an toàn hơn. PFAS đã bị cấm trong một số sản phẩm – còn PFOA và PFOS đang bị dần loại bỏ khỏi các sản phẩm thương mại – tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại trong nhiều sản phẩm khác, bao gồm các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân.
Theo ông Dakshanamurthy, do PFAS rất bền, tồn tại rất lâu dài và được sử dụng rất rộng rãi, nên việc giải quyết vấn đề ô nhiễm đòi hỏi phải liên tục nghiên cứu, điều chỉnh quy định và phát triển công nghệ. Ông lưu ý đến một số nỗ lực để giảm thiểu rủi ro của PFAS, bao gồm:
- Chính phủ phải có quy định hạn chế sản xuất và sử dụng
- Thiết lập các hướng dẫn an toàn về phơi nhiễm, tiếp xúc với hóa chất
- Thực hiện giám sát và xử lý nước uống
- Nghiên cứu liên tục về tác động đến sức khỏe
- Nâng cao nhận thức của công chúng
Zena le Roux, The Epoch Times
Quân Dương biên dịch
Zena le Roux là một nhà báo y tế có bằng thạc sĩ về báo chí y tế điều tra và là huấn luyện viên sức khỏe và thể chất có chứng nhận, chuyên về dinh dưỡng chức năng. Cô được đào tạo về dinh dưỡng thể thao, ăn uống có chánh niệm, hệ thống nội bộ gia đình và áp dụng lý thuyết polyvagal. Cô có phòng khám tư nhân và là nhà giáo dục dinh dưỡng cho một trường y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh.
NTD Việt Nam