Sông băng Upper Wright nằm trong Thung lũng khô McMurdo, Nam Cực, nơi không có lấy một giọt mưa trong 14 triệu năm. (Ảnh: Wikipedia)
Hoang mạc, sa mạc có thể có nhiều hình dạng khác nhau từ những dải cát rộng lớn đến những tảng băng khổng lồ. Nhưng trong số chúng, thì hoang mạc, sa mạc lớn nhất thế giới ở đâu? Và những loài sinh vật sống nào có thể tồn tại ở những nơi cực kỳ khô hạn này?
1. Hoang mạc là gì? Hoang mạc và sa mạc khác nhau như thế nào?
1.1 Hoang mạc là gì?
Để trả lời các câu hỏi nói trên, điều quan trọng là phải xem xét chính xác điều gì khiến một địa điểm trở thành hoang mạc.
Hoang mạc là vùng có lượng mưa rất ít, ít hơn lượng cần thiết để hầu hết các loại thực vật sinh trưởng, là vùng đại diện cho những khu vực có khí hậu nhiệt đới lục địa khô. Các hoang mạc còn được mô tả là những khu vực mà nước bị mất theo phương thức thoát bốc hơi nhiều hơn so với mưa. Nhìn chung các hoang mạc có lượng mưa ít hơn 250 mm (10 in) mỗi năm.
Những loài sinh vật chủ yếu ở hoang mạc:
– Những loại cây có vòng đời ngắn ngủi trong mùa mưa và hạt có thể tồn tại trong mùa khô kéo dài.
– Những loại cây mọng nước như xương rồng, có thể tích trữ lượng nước lớn, lá biến thành gai để hạn chế tối đa sự mất nước.
– Những loại cây lớn, có bộ rễ ăn sâu xuống tầng đất sâu nhất để hút nước.
– Các loài động vật có khả năng chịu nóng, chịu khát cao, có thói quen đi săn và kiếm ăn vào ban đêm, còn ban ngày trú ngụ tại các hang động hoặc dưới tán cây tránh nắng.
Dựa vào tính chất, các nhà khoa học phân ra 4 loại hoang mạc khác nhau:
– Hoang mạc đất sét
– Hoang mạc cát
– Hoang mạc đất muối
– Hoang mạc đồi núi
1.2. Hoang mạc và sa mạc khác nhau như thế nào?
Sa mạc thường dùng để chỉ những hoang mạc cát. Trong các văn bản tiếng Việt dịch từ tiếng Anh đôi khi nhầm lẫn giữa khái niệm “hoang mạc” nói chung và “sa mạc”, bởi trong tiếng Anh không tồn tại từ ngữ cụ thể chỉ “sa mạc” mà chỉ có “desert” dùng để chỉ “hoang mạc”, ví dụ như Nam Cực đôi khi bị hiểu lầm là sa mạc. Tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19 còn dùng danh từ đại hạn hải (大旱海) để chỉ sa mạc.
Ở một số sa mạc nóng, khí hậu thường nóng có thể tới 58°C như ở sa mạc México, Turfan (Tân Cương) nhiệt độ ban ngày mùa hạ lên tới 82,3 °C, có nơi lại lạnh đến -45 °C như ở sa mạc Gobi thuộc Châu Á. Ở vùng sa mạc Sinai, biên độ nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm có thể đến hơn 80 °C, đất đai cằn cỗi. Sa mạc thường có lượng bức xạ mặt trời lớn, nhiều cát và gió nóng luôn thổi mạnh tạo ra rất nhiều trận bão cát, hiện nay có khoảng 1/3 diện tích Trái Đất (lục địa) là sa mạc. Người ta thường dùng lạc đà làm phương tiện di chuyển trong sa mạc.
2. Hoang mạc, sa mạc lớn nhất thế giới ở đâu?
2.1. Hoang mạc, sa mạc lớn nhất thế giới
Trong tất cả các hoang mạc thỏa mãn điều kiện lượng mưa nói trên, Nam Cực là hoang mạc lạnh lớn nhất và Sahara là sa mạc nóng lớn nhất trên Trái đất.
Wille nói với Live Science: “Với diện tích 14,2 triệu km vuông, Nam Cực là hoang mạc lớn nhất thế giới. Một số khu vực ở Nam Cực, như Thung lũng khô McMurdo, được cho là đã không có mưa trong 14 triệu năm”. Tình trạng thiếu mưa trầm trọng này phần lớn là do nhiệt độ lạnh, những ngọn núi gần đó che khuất mây và gió mạnh hút hơi ẩm từ không khí.
Ngay cả so với một hoang mạc, Thung lũng khô McMurdo cũng đặc biệt khô cằn. Theo các nhà khoa học thuộc dự án Nghiên cứu sinh thái dài hạn (LTER) của Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ ở Nam Cực, khu vực này không có tuyết hoặc băng ngoại trừ một số hồ bị đóng băng vĩnh viễn. Nhưng nó không hoàn toàn cằn cỗi. Có những vi khuẩn, rêu và địa y có thể chịu đựng được điều kiện tại đây.
Wille, người đứng đầu một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí JGR Atmospheres về lượng mưa ở Nam Cực, cho rằng hoang mạc băng giá này thường bị bỏ qua. Tuy các khu vực xa xôi trong đất liền của Nam Cực hầu như không có sự sống, nhưng ông nói rằng nhiều sinh vật hơn, chẳng hạn như chim hải âu và chim cánh cụt, đã thiết lập các khu vực nơi chúng có thể bắt cá và các sinh vật biển khác từ vùng nước lạnh giá; và hải cẩu đôi khi cũng lên bờ.
Sa mạc Sahara trải dài khắp phía bắc châu Phi hoàn toàn trái ngược với Nam Cực. Nó có kích thước 9,2 triệu km vuông. Mặc dù một số người có thể coi nó như một vùng đất hoang, nó lại có sự đa dạng sinh học một cách đáng ngạc nhiên. Theo André Vicente Liz, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Porto ở Bồ Đào Nha, hoang mạc này bộc lộ nhiều đặc điểm địa lý và dạng sống.
Liz nói với Live Science: “Sahara thể hiện các đặc điểm địa lý rõ ràng mà hầu như mâu thuẫn với nhận thức đã có, chủ yếu là [cảnh quan] rất đa dạng và các loại… khác nhau [của vật liệu bên dưới bề mặt] nhưng khí hậu cũng có sự thay đổi đáng kể theo không gian”.
Các cảnh quan đa dạng của Sahara không chỉ bao gồm các cồn cát rộng lớn mà còn có địa hình đá, đồng muối, núi và thảo nguyên thậm chí có thể có nước. Đã có những thay đổi mạnh mẽ về khí hậu trong quá khứ, dẫn đến sự đa dạng sinh học rộng lớn ở các vùng khác nhau của hoang mạc. Liz đã dẫn đầu một nghiên cứu năm 2022 trên Journal of Biogeography khám phá các loài động vật ở Sahara mà trước đây không được chú ý nhiều.
Ở những hoang mạc nóng bức, những sinh vật máu lạnh phát triển mạnh vì nhiệt độ cơ thể của chúng điều chỉnh theo nhiệt độ của môi trường xung quanh khi chúng di chuyển từ ánh nắng thiêu đốt vào những cái hang mát mẻ. Liz đã quan sát nhiều loài thằn lằn nhỏ thích nghi đặc biệt tốt với môi trường khô cằn. Một số loài bò sát và lưỡng cư cũng có thể ngủ đông trong thời gian hạn hán. Bên cạnh thằn lằn, rắn, bọ cạp, bọ cánh cứng và kiến, Sahara thậm chí có một số loài ếch và cóc sống trong các hồ đá. Sa mạc này còn là nơi sinh sống của các loài động vật có vú và chim như linh dương, lạc đà, báo săn, đà điểu và cáo hoang mạc.
Có một số khu vực, chẳng hạn như các hồ đá được gọi là “gueltas”, có sự đa dạng sinh học đặc biệt cao vì chúng đóng vai trò là nơi trú ẩn cho các loài phải chạy trốn khỏi môi trường sống của chúng do thời tiết thay đổi đột ngột và khó chịu. Liz và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu kỹ lưỡng các khu vực này để tìm ra điều gì khiến chúng trở thành những địa điểm tốt để sinh tồn.
Vì vậy, hoang mạc có thể là những nơi đánh lừa chúng ta với bề ngoài trông như vô hồn cho đến khi có thứ gì đó bò hoặc trườn ra ngoài. Chúng có thể khô cằn, nhưng điều đó không có nghĩa là đơn điệu.
2.2. Các hoang mạc lớn trên Trái Đất
Các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền trên Trái Đất. Phần đất bên dưới có thể bị phủ muối. Quá trình gió là các yếu tố chính định hình nên các cảnh quang hoang mạc. Các hoang mạc vùng cực (hay “hoang mạc lạnh”) có những đặc điểm tương tự, ngoại trừ dạng giáng thủy chính là tuyết thay vì mưa.
Các loại hoang mạc cả nóng và lạnh có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ của Trái Đất. Sở dĩ có điều này là do chúng phản xạ nhiều ánh sáng tới và suất phản chiếu (albedo) của chúng cao hơn các khu rừng và biển.
Bảng Top 10 hoang mạc lớn nhất thế giới
Hạng | Tên | Diện tích (km²) | Khu vực |
1 | Hoang mạc Nam Cực | 14.200.000 | Nam Cực |
2 | Hoang mạc Bắc Cực | 13.900.000 | Bắc Cực |
3 | Sa mạc Sahara | 9.100.000 | Châu Phi |
4 | Sa mạc Ả Rập | 2.600.000 | Trung Đông |
5 | Sa mạc Gobi | 1.300.000 | Châu Á |
6 | Sa mạc Patagonia | 670.000 | Nam Mỹ |
7 | Sa mạc Great Victoria | 647.000 | Australia |
8 | Sa mạc Kalahari | 570.000 | Châu Phi |
9 | Sa mạc Great Basin | 490.000 | Bắc Mỹ |
10 | Sa mạc Syria | 490.000 | Trung Đông |
Văn Thiện
Xem thêm:
Có thể bạn quan tâm:
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam