Cái tên “Trư Bát Giới” ẩn chứa huyền cơ. Rốt cuộc Nhị sư huynh giới điều gì? (Ảnh: Tranh minh họa Tây du ký của người nhà Thanh)
Trong câu chuyện Tây Du Ký, Trư Bát Giới ham ăn lười biếng, nhát gan sợ phiền phức, tham nữ sắc, thích thể hiện thông minh, nhưng nét chất phác không bị đánh mất của Trư Bát Giới cũng đã mang lại niềm vui cho tuổi thơ của rất nhiều người chúng ta. Nhưng nếu nói về biệt hiệu “Trư Bát Giới” của nhị sư huynh này, rốt cuộc nó có ý nghĩa gì?
Đường Tăng dẫn Tôn Ngộ Không đến trang viên nhà Lão Cao và hay biết rằng có một con lợn yêu tinh ở núi Phúc Lăng. Con lợn này tự tiến cử nó làm con rể của nhà họ Cao. Kỳ quái là con lợn này đặc biệt thích ăn đồ chay, thậm chí không đụng đến bất kỳ loại thức ăn mặn nào, chỉ xét ở điểm này thôi cũng biết nó có kỷ luật khá tốt.
Ban đầu, con lợn yêu tinh này còn có hình dáng con người, nhưng sau một thời gian lâu, nó đã hiện nguyên hình. Hóa ra là một tên ngốc tai to miệng dài, sau gáy còn có một hàng lông, thân hình thô kệch thật sự rất đáng sợ, nhìn mặt thì rõ ràng là giống con heo rừng. Nhưng những người dân thường nào đã từng nhìn thấy con quái vật như thế bao giờ, hàng xóm ai thấy cũng đều khiếp sợ. Con lợn yêu tinh còn thường gây ra gió, mây, sương mù, khiến đá và cát bay tứ tung, làm gia đình họ Cao và người dân trên làng dưới xóm cảm thấy bất an.
Con lợn yêu tinh chiếm đoạt cô con gái út của nhà họ Cao, và nhốt cô ở ngôi nhà phía sau trong sân, ngay cả ông Cao cũng không được gặp con gái trong suốt nửa năm. Ông Cao đáng thương suốt ngày thấp thỏm lo sợ, không biết con gái còn sống hay đã chết. Vì vậy, ông Cao muốn nhờ pháp sư tới hàng phục yêu ma.
Ngộ Không vừa nghe nói đến việc hàng phục yêu ma, lập tức trở nên linh lợi, an ủi ông Cao: “Việc này có gì khó đâu? Lão gia đừng lo, đảm bảo với ông đêm nay ta sẽ bắt được nó”.
Ngộ Không đợi đến nửa đêm thì con heo lộ nguyên hình. Nó vừa thấy Tôn Đại Thánh đã sợ hãi bỏ chạy về hang Vân Sạn ở núi Phúc Lăng, đóng chặt cửa hang và không chịu ra nghênh chiến.
Tôn Ngộ Không ở cửa động lớn tiếng quát to: “Tên súc sinh ngu ngốc kia, mau ra đây đánh nhau với Lão Tôn”. Con lợn lông bờm nay kỵ nhất khi bị kẻ khác mắng là súc sinh ngu ngốc, đột nhiên nổi giận lôi đình, mang theo cái cào ra khỏi hang ứng chiến.
Kiếp trước con lợn lông bờm này là Thiên Bồng Nguyên soái, chỉ vì đầu thai nhầm mà biến thành con lợn rừng. Tuy mang thân hình con lợn nhưng nó vẫn ghi nhớ lời dạy của Bồ Tát, tâm linh nó vẫn còn tồn tại không hề mất đi.
Con lợn lông bờm mắng chửi: “Cái con khỉ này, ta nhớ ngươi đã đại náo Thiên Cung. Nhà của ngươi ở động Thuỷ Liêm trên núi Hoa Quả Sơn ở nước Ngạo Lai, Đông Thắng, Thần Châu. Đã lâu rồi không nghe nói về ngươi, sao ngươi lại tới đây, đến bắt nạt ta à? Chẳng lẽ là bố vợ ta mời ngươi tới đó sao?”
Ngộ Không nói: “Cha vợ ngươi không mời ta. Bởi vì Lão Tôn ta cải ta quy chính, cải đạo làm tăng nhân, bảo vệ Pháp sư Đường Tam Tạng (Huyền Trang) của Đông Thổ Đại Đường đi Tây Thiên bái Phật cầu kinh”.
Quả thật là không đánh không quen nhau. Con lợn lông bờm vừa nghe thấy từ “cầu kinh”, vội vàng buông cái cào trong tay xuống và hét lớn lên: “Anh đi lấy kinh ở đâu? Phiền anh giới thiệu cho tôi”.
“Ngươi, một con yêu quái, muốn gặp người đi lấy kinh để làm gì? ” – Tôn Ngộ Không thầm nghĩ và cảm thấy rất tò mò. Con lợn yêu tinh nói: “Tôi vốn là được Quán Thế Âm Bồ tát khuyên bảo hướng thiện, tiếp nhận giới hành của Bà, giữ giới ăn chay ở đây, lệnh cho tôi theo người lấy kinh tới Tây Thiên bái Phật cầu kinh, lấy công đền tội, mới đắc được chính quả. Bà dặn tôi chờ đợi người đi lấy kinh nhiều năm như thế, nhưng vẫn chưa có tin tức gì. Giờ anh trở thành đồ đệ của người đó, tại sao lại không nói sớm cho tôi biết việc đi lấy kinh Phật, còn ở đây hung bạo hăm doạ, lại còn tới nơi tìm tôi?”
Ngộ Không yêu cầu Lão Trư thề trước Trời Đất rằng sẽ tuyệt đối bảo vệ Đường Tăng, không được có bất kỳ sự giả dối nào. Vừa nghe thấy vậy, Trư Bát Giới lập tức quỳ xuống đất, nhìn lên bầu trời, dập đầu bái lạy và thề, sẽ chân tâm thành ý bảo vệ Đường Tăng.
Ngộ Không yêu cầu Lão Trư nhóm lửa và đốt hang lợn. Lão Trư cũng ngoan ngoãn nghe lời, bèn thật sự mang cỏ lau sậy và gai tới, châm lửa đốt hang lợn. Vậy là, Ngộ Không túm lấy tai Lão Trư, kéo đến gặp Đường Tăng.
Đường Tăng thấy Lão Trư chịu làm đệ tử của mình, nên muốn đặt cho hắn một Pháp danh. Lão Trư nói rằng, Bồ Tát đã từng làm mô đỉnh và thụ giới cho hắn, đặt cho hắn Pháp danh là Trư Ngộ Năng. Vì thọ giới Bồ Tát nên hắn đã đoạn tuyệt ngũ huân, tam yếm từ lâu.
Giờ đây đã bái Đường Tăng làm thầy, Lão Trư cho rằng có thể quay trở lại ăn mặn được. Đường Tăng khuyên hắn: “Không được, không được. Mặc dù ngươi đã không ăn ngũ huân, tam yếm, ta vẫn sẽ đặt cho ngươi một cái tên khác, gọi là Bát Giới”. Đây chính là nguồn gốc của cái tên Trư Bát Giới.
Về ngũ huân, có nhiều giả thuyết khác nhau, một trong số đó đề cập đến năm món cay nồng gồm “tỏi, hành, hành tây, hẹ, kiệu”. Năm loại rau này ăn sống có mùi vị rất khó ngửi, khi nấu chín ăn lại kích thích dục vọng của con người, vì vậy những người tu luyện không ăn năm loại này.
Tam yếm là chỉ chim nhạn, chó nhà và rùa. Người xưa cho rằng “chim nhạn có nghĩa vợ chồng, chó có nghĩa biết bảo vệ chủ; rùa có lòng trung kính vua tôi, nên không nỡ ăn”. Từ “yếm” ở đây có nghĩa là không đành ăn. Tuy nhiên, ngũ huân và tam yếm này là do tác giả “Tây Du Ký” đã trộn lẫn những cách nói của Phật giáo và Đạo giáo, trong khi “bát giới” của Phật môn lại đề cập đến một điều khác.
Bát giới Phật môn là nói đến tám điều giới luật, có vai trò ngăn ác, đề phòng phạm lỗi lầm cho đệ tử tu tại gia. Nội dung cụ thể là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không ăn sau buổi trưa, không thoa hương thơm hay cài hoa lên tóc, không xem hay nghe múa hát, không ngồi nằm trên giường cao lớn.
Lão Trư sẵn sàng quy y cửa Phật, kiềm chế bản thân theo giới hành Bồ Tát và tuân theo giới hành “Bát giới”. Người đời sau chê cười nói nhìn thấy đồ ngon không được ăn, đối diện với nữ sắc mà phải nhìn như không thấy, trong lòng của nhị sư huynh Bát Giới thường xuyên chịu đựng nổi khổ lớn.
Xét từ truyện Tây Du Ký, cuộc đời của Trư Bát Giới có một số khởi nguyên, vốn là Thiên Bồng Đại nguyên soái của Thiên giới, nhưng khi hạ xuống phàm trần lại bị rơi nhầm bào thai lợn. Trư Bát Giới xấu xí vụng về, đa tâm, ham ăn lười làm, sợ chết, háo sắc, nhát gan, gặp khó khăn thì khích bác ly gián, tung tin đồn thất thiệt, xúi bẩy, chí hướng đi lấy kinh không kiên định, khuyết điểm thì vô số kể. Hầu như tất cả những tính xấu đều tập trung vào nhân vật này.
Nhưng một kẻ đầy yếu kém như Bát Giới, dưới sự đốc thúc, mài giũa và ảnh hưởng của nhóm thầy trò cùng đi thỉnh kinh, lại có lòng tin đi tới Tây Thiên tu thành Thần, đắc được chính quả, vậy thì còn ai mà tu không thành được! Có lẽ, đây chính là một tầng ý nghĩa mà “Tây Du Ký” muốn nói với thế hệ mai sau.
Theo Bạch Ế – SOH
Minh An biên dịch
NTD Việt Nam