Huyền Trang tên tục là Trần Y, là người Câu Thị, Lạc Dương (Yển Sư Hà Nam ngày nay). Ông có Pháp danh là Huyền Trang, là Pháp sư Tam tạng nổi tiếng đời Đường, thế nên người đời sau gọi ông là Đường Tăng. Để nghiên cứu các kinh điển nguyên tác của Phật giáo, ông đã đi năm vạn dặm sang phía Tây đến Thiên Trúc cầu Pháp, trải qua 19 năm ròng. Nhận sắc mệnh của Đường Thái Tông, Huyền Trang đã đem những điều mắt thấy tai nghe trên đường sang Tây Thiên viết thành quyển sách “Đại Đường Tây Vực ký”.
Bộ sách này do Huyền Trang thuật lại, Biện Cơ soạn lại. Những ghi chép và văn hiến lịch sử của bộ sách này hoàn toàn trùng khớp với những phát hiện khảo cổ, tính chân thực của bộ sách được mọi người công nhận.
Một trong Tứ đại danh tác cổ điển Trung Quốc là “Tây du ký”, miêu tả câu chuyện cao tăng Đại Đường là Huyền Trang sang Tây Thiên lấy kinh, được lưu truyền thiên cổ. Theo các ghi chép các thư tịch cổ, trong lịch sử xác thực có sự tích Huyền Trang đến Ấn Độ lấy kinh, dọc đường Huyền Trang cũng thực sự gặp rất nhiều trải nghiệm thần kỳ.
Về sự tích Huyền Trang lấy kinh, sách “Cựu Đường thư” và “Tân Đường thư” đều có ghi chép, nhưng đều giản lược. Đệ tử của Huyền Trang là Huệ Lập và Ngạn Tông căn cứ theo lời thuật của Pháp sư Huyền Trang, đã viết thành một quyển “Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp sư truyện” (Gọi tắt là “Từ Ân truyện”), đã ghi chép khá chi tiết và trung thực.
Thiên lý mã của Thích môn
Theo “Cựu Đường thư” ghi chép: “Đường Huyền Trang họ Trần, người Yển Sư Lạc Châu. Xuất gia vào năm cuối niên đại Đại Nghiệp, ông học rộng kinh luận. Thường nói các bản phiên dịch có nhiều sai sót, do đó muốn đi Tây Vực, tìm các dị bản để tham khảo kiểm nghiệm. Năm Trinh Quán thứ nhất, ông theo các thương nhân đi Tây Vực.
Huyền Trang từ nhỏ đã có lĩnh ngộ phi thường đối với kinh Phật. Năm 13 tuổi ông xuất gia ở Lạc Dương. Trình độ Phật học của ông rất nhanh chóng đạt đến cảnh giới cao thâm. Thế là ông đi khắp nơi du học, cùng mọi người tìm tòi nghiên cứu Phật Pháp, được ca ngợi là “Thiên lý mã của Thích môn”.
Đương thời kinh Phật đều được phiên dịch, có những bản dịch khác nhau đều có những chỗ sai lệch khác nhau. Huyền Trang có rất nhiều nghi hoặc không có được lời giải đáp chính xác. Sau này có một vị tăng nhân người Thiên Trúc nói với ông rằng, ở nước Thiên Trúc có một ngôi chùa tên gọi là chùa Na Lạn Đà (Nālaṃdā vihāra), trong chùa có Pháp sư Giới Hiền (Śīlabhadra) giỏi giảng kinh điển Đại thừa Phật giáo là “Du già sư địa luận”. Nếu nghiên cứu rành mạch kinh này thì rất nhiều nghi hoặc đều có thể được giải quyết. Thế là Huyền Trang liền hạ quyết tâm đến Tây Thiên cầu Pháp.
Đương thời pháp luật Đại Đường không cho phép tăng nhân ra khỏi địa phương. Sau này đến năm Trinh Quán thứ nhất, kinh thành bị nạn đói, cho phép tăng nhân ra ngoài hóa duyên, khất thực. Huyền Trang nhân cơ hội này lên đường nhằm hướng tây thẳng tiến.
Đi sang hướng Tây qua đài phong hỏa
Đương thời quan hệ giữa triều Đường với Đột Quyết phía tây rất căng thẳng, đường đi Tây Vực rất nguy hiểm, triều đình có lệnh không cho phép ai vào Tây Vực. Huyền Trang trên đường đi đã giảng giải lý do ông đi Tây Thiên cầu Pháp cho các quan lại, tướng sỹ ngăn cản ông trên đường Tây du. Quyết tâm kiên định chí thành của ông đã cảm động họ, cuối cùng họ cũng để ông đi.
Ở biên cương Đại Đường đương thời cứ cách 100 dặm lại dựng một đài phong hỏa, giữa các đài phong hỏa là sa mạc, vô cùng khó đi. Huyền Trang sau khi ra khỏi Dương Quan phải đi qua 5 đài phong hỏa. Nếu muốn lấy nước thì chỉ có thể đến dưới đài phong hỏa lấy. Chỉ có ở đó mới có nước.
Huyền Trang đến đài phong hỏa thứ nhất, khi vừa chuẩn bị lấy nước thì một mũi tên bắn ra trước mặt. Ông liền gọi lớn đừng bắn tên, tôi là hòa thượng từ Trường An đến, đi Tây Thiên cầu Pháp. Thế là các binh sỹ liền đón ông vào thành.
Vừa khéo tướng sỹ trấn thủ đài phong hỏa này tên là Vương Tường, cũng là người tín Phật Pháp. Ông ta lệnh cho người lấy nước cho Huyền Trang, đồng thời bảo với ông rằng, đi đến đài phong hỏa thứ tư, người trấn giữ thành là thân thích của ông ta, tên là Vương Bá Lũng sẽ giúp ông.
Đến đài phong hỏa thứ tư, Vương Bá Lũng nói với ông rằng: “Ông không được đi tiếp nữa, người trấn giữ đài phong hỏa thứ năm nhất định sẽ bắt giữ ông, tôi biết người đó.”
Vương Bá Lũng nói với Huyền Trang rằng, bắt buộc phải đi ở bên sa mạc, ở một nơi là Dã Mã Tuyền có một nguồn nước, nhất định phải tìm được nơi ấy thì mới có thể đi qua sa mạc được. Vương Bá Lũng giúp Huyền Trang đổ đầy túi nước, Huyền Trang liền xuất phát.
Thần tích sa mạc
Sách “Từ Ân truyện” miêu tả, trên sa mạc đó, trên không có chim bay, dưới không có dã thú, phải dựa vào phân của ngựa, lạc đà và xương người chết để nhận biết dấu hiệu. Trong sa mạc còn thường xuyên có ảo ảnh “quỷ mị gió nóng” huyễn hóa ra, vô cùng đáng sợ.
Kết quả Huyền Trang không tìm được Dã Mã Tuyền, hơn nữa khi uống nước lại lỡ tay đánh đổ túi nước, nước chảy ra ngoài hết. Trong sa mạc không có nước thì chắc chắn chết. Ông đành nhằm phía trước bước đi. Lúc này, ông đột nhiên nghĩ đến tâm nguyện mà ông đã phát tâm trước khi xuất phát: “Lần đi Tây Thiên cầu Pháp này, không lấy được chân kinh thì quyết không đi một bước về phía đông.”
Ông liền nghĩ, đúng rồi, mình thà đi về phía tây mà chết cũng không thể vì để sống tiếp mà quay trở về. Đi được 4 ngày 5 đêm, không có nước uống, toàn thân nóng bừng, khát đến mức đi không nổi, toàn thân vô lực.
Khi Huyền Trang ý thức đã không còn thanh tỉnh nữa, miệng vẫn niệm kinh, cầu nguyện Bồ Tát Quán Âm. Ông nói rằng: “Đệ tử lần này đi lấy kinh, không vì danh, không vì lợi, chỉ để đem được chân kinh đại thừa trở về Đông Thổ, mong Bồ Tát Quán Âm gia trì.”
Cuối cùng ông đã hôn mê ngất đi. Đến đêm, một trận gió mát thổi tới, ông mới tỉnh lại, thể lực khôi phục được một phần. Ông muốn ngủ một giấc trong sa mạc.
Sách “Từ Ân truyện” viết, đúng lúc sau khi ông ngủ say thì mộng thấy một Thần nhân giáp vàng đứng trước mặt ông, Thần vô cùng cao lớn, nói với ông rằng: “Ngủ cái gì. Mau dậy đi.”
Tỉnh dậy ông thấy một con ngựa, thế là ông leo lên lưng ngựa. Con ngựa đó đột nhiên không khống chế được, nó bắt đầu chạy điên cuồng. Con ngựa chạy liền một mạch, đem ông đến bên một dòng suối, như thế Huyền Trang đã được cứu.
Khi Huyền Trang đi đến nước Kế Tân, bởi vì đường xá hiểm trở, lại có hổ báo xuất hiện, không thể nào đi qua được. Huyền Trang nghĩ không ra cách nào hay bèn khóa cửa phòng lại, ngồi trong phòng tĩnh tọa. Đến tối mở cửa thấy có một lão tăng mụn nhọt đầy mặt, máu mủ toàn thân đang ngồi một mình trước giường, không biết ông ta từ đâu đến.
Huyền Trang thi lễ bái kiến. Lão tăng truyền miệng cho ông một quyển “Đa tâm kinh”, lại bảo Huyền Trang tự mình ngâm tụng một lượt, bỗng thấy núi sông bằng phẳng, đường xá rộng rãi, hổ báo ẩn tích, ma quỷ ẩn tàng.
Gặp cướp
Huyền Trang trên đường đi Tây phương, đi qua Yên Kỳ, Khố Xa vào Lăng Sơn. Ngọn núi này cao tít trời mây, đỉnh núi băng tuyết không bao giờ tan, leo núi cực kỳ không dễ, đêm chỉ có thể ngủ trên băng. Sau đó Huyền Trang lại leo núi Đại Tuyết Sơn còn khó leo hơn cả Lăng Sơn. Cuối cùng sau hơn một năm rời Trường An ông đã đến miền Bắc nước Thiên Trúc.
Huyền Trang ở Bắc Thiên Trúc một thời gian, rồi lại đi về hướng Trung Thiên Trúc, nơi có chùa Na Lạn Đà, giữa đường phải qua nước A Da Mục Khư (Ayamukha). Khi đó Huyền Trang ngồi thuyền xuôi theo dòng sông Hằng Hà đi. Khi thuyền đi được một nửa đường thì bỗng nhiên từ trong rừng cây hai bên bờ hơn chục chiếc thuyền cướp xông ra.
Mọi người thấy cướp đều sợ hãi lắm, rất nhiều người nhảy xuống nước mạo hiểm bị chết chìm để thoát mạng. Bọn cướp vây quanh thuyền, yêu cầu mọi người đều phải cởi y phục ra, lục soát vơ vét của cải. Huyền Trang là tăng nhân, không có một thứ gì cả, nhưng khi chúng trông thấy Huyền Trang thì vô cùng vui mừng.
Bởi vì Huyền Trang tướng mạo cao lớn phong thái, bọn cướp tin theo một tà giáo, vào mùa thu mỗi năm đều phải tìm một người đàn ông giết đi để tế lễ. Do đó chúng thấy Huyền Trang thì vô cùng vui mừng, xưa nay chưa từng thấy người nào tướng mạo đẹp như thế này, thế là chuẩn bị đem Huyền Trang đi giết tế lễ.
Bọn cướp bắt đầu dựng đàn ở bên bờ sông. Huyền Trang không hề sợ hãi, ông ngồi đả tọa nhập định. Bọn cướp thấy ông vô cùng an hoàn thì rất tôn kính ông.
Sau khi Huyền Trang nhập định, nguyên thần liền ly thể. Khi đó ông phát một nguyện rằng: “Hy vọng lần này đệ tử nếu cầu Pháp không thành thì có thể vãng sinh đến Phật quốc, đến Thiên thượng nghe Pháp, nghe xong Pháp vẫn có thể chuyển sinh trở về nhân gian để độ những tên cướp giết mình.”
Sau khi ông phát ra một nguyện này, từng tầng từng tầng lên đến Thiên thượng, thấy Bồ Tát thì trong lòng vui thích. Khi nguyên Thần của ông đến thế giới Phật quốc, thì ở nhân gian trên mặt đất liền biến động ghê gớm.
Lúc đó đột nhiên gió đen nổi lên tứ bề, những cây đại thụ đều bật gốc, đất cát bay mù mịt khắp trời, thuyền bè bên sông rất nhiều đều bị lật, sóng lớn kinh người.
Những tên cướp cảm thấy đã khiến Trời Đất nổi giận, đều rất kinh hoàng. Có người nói, tăng nhân này không được giết, đây có thể là người từ Đông Thổ Đại Đường đến lấy kinh.
Lúc này Huyền Trang xuất định, bọn cướp vứt dao sang một bên, tất cả quỳ xuống. Huyền Trang thuyết Pháp cho bọn cướp, bọn cướp đều đem tất cả hung khí dùng để cướp bóc vứt hết xuống sông Hằng Hà, sau đó thụ ngũ giới, đảnh lễ với Huyền Trang rồi mới ra đi. Cuối cùng Huyền Trang đã thượng lộ bình an đến nước Thiên Trúc – Thánh địa Phật giáo.
Huyền Trang tiếp nhận sự sám hối của bọn cướp, còn khuyên chúng vứt bỏ hành ác, tránh phải chịu ác báo. Bọn cướp vứt hết vũ khí xuống sông, đem của cải trả lại chủ cũ, sau đó tiếp nhận ngũ giới của Huyền Trang, quyết tâm bỏ ác theo thiện.
Đến chùa Na Lạn Đà
Chùa Na Lạn Đà là trung tâm nghiên cứu Phật học đương thời ở Ấn Độ cổ. Đây là điểm đến mà Huyền Trang phải trèo đèo lội suối vạn dặm tìm đến. Đại đức đứng đầu chùa Na Lạn Đà là Giới Hiền đại sư đã trên 100 tuổi, mọi người gọi ông là “Chính Pháp Tạng”.
Các tăng lữ đi cùng Huyền Trang đến bái kiến Giới Hiền. Huyền Trang cung kính đến trước Giới Hiền hành đại lễ. Sau một hồi hàn huyên, Giới Hiền bảo Huyền Trang và các cao tăng cùng ngồi xuống.
Giới Hiền hỏi: “Ông từ đâu đến?”
Huyền Trang đáp: “Học trò từ nước Đại Đường ở Đông Thổ xa xôi đến, mục đích là đến học “Du già sư địa luận” của đại sư để hoằng dương Phật Pháp ở Đông Thổ.”
Giới Hiền nghe những lời của ông thì nước mắt lã chã, lập tự gọi đệ tử của ông, cũng là người cháu của ông là Giác Hiền đến, muốn Giác Hiền kể lại những trải nghiệm ba năm trước khi Giới Hiền mắc bệnh ra cho Huyền Trang nghe trước mặt mọi người.
Giác Hiền là một lão tăng trên 70 tuổi, ông nói: “Chính Pháp Tạng mắc bệnh phong thấp, mỗi lần phát tác đều rất đau khổ khó chịu đựng nổi. Ba năm trước bệnh phát tác đặc biệt nghiêm trọng, đau đớn đến mức ông không muốn sống tiếp nữa. Thế là ông dự định tuyệt thực cho xong. Sau khi ông có ý nghĩ này, bỗng nhiên mộng thấy ba vị Thiên nhân đến tìm ông, một người màu vàng kim, một người màu xanh ngọc bích, còn một người màu trắng bạc.
Họ nói với Chính Pháp Tạng rằng: ‘Trong kinh điển tuy có thuyết Pháp khổ tu, nhưng tuyệt đối không có chỗ nào bảo người ta tự kết thúc sinh mệnh mình. Hiện nay ông chịu nỗi khổ này là có nguồn gốc từ tội nghiệp đã tạo từ đời trước. Ngày nay nên nhẫn chịu, dốc sức hoằng dương kinh luận để tiêu trừ tội nghiệp xưa của ông. Như thế mới có thể tránh được đời sau chịu nỗi thống khổ giống như thế’.
Chính Pháp Tạng vội vàng bái lạy họ. Lúc đó Thiên nhân màu vàng kim chỉ Thiên nhân màu xanh ngọc nói: ‘Vị này chính là Bồ Tát Quán Âm’. Tiếp theo lại chỉ Thiên nhân màu trắng bạc nói: ‘Vị này là Bồ Tát Từ Thị’ (tức Bồ Tát Di Lặc).
Chính Pháp Tạng liền nói với Bồ Tát Từ Thị rằng: ‘Đệ tử hy vọng có thể chuyển sinh đến bên Bồ Tát, không biết có thể được hay không?’
Bồ Tát Từ Thị trả lời: ‘Chỉ cần ông dốc toàn lực hoằng dương Phật Pháp thì có thể thực hiện được nguyện vọng.’
Thiên nhân màu vàng kim tự giới thiệu là Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù nói với Chính Pháp Tạng rằng: ‘Tôi biết ông muốn tự tử, do đó đã đến đây khuyên can. Chỉ cần ông đem “Du già sư địa luận” truyền bá đến nơi vẫn chưa thấy bộ kinh này thì đau đớn bệnh tật của ông sẽ tự khỏi.’
Bồ Tát Văn Thù lại nói tiếp: ‘Ông không cần phải chủ động sai người đi truyền bá hồng dương, rất mau thôi sẽ có một vị cao tăng Đại Đường đến đây thỉnh giáo ông. Người ấy sẽ đem bộ kinh “Du già sư địa luận” trở về hồng dương. Ông nhất định phải đợi người ấy, dạy người ấy.’
Sau đó ba vị Thiên nhân biến mất. Chính Pháp Tạng tỉnh dậy, việc không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra, từ hôm đó trở đi, bệnh phong thấp của ông đã hoàn toàn khỏi hẳn.”
Các tăng nhân nghe những lời nói của Giác Hiền đều tấm tắc nói kỳ lạ. Huyền Trang vừa vui vừa buồn nói: “Nếu đúng là như vậy, đệ tử ắt dốc hết khả năng nỗ lực học tập “Du già sư địa luận“”.
Giới Hiền hỏi: “Ông đến đây, từ lúc xuất phát đến hiện nay là mất bao nhiêu thời gian?”
Huyền Trang bấm ngón tay tính, từ mùa thu năm Trinh Quán thứ nhất xuất phát từ Trường An, đến nay đã là mùa thu năm Trinh Quán thứ 4, vừa tròn 3 năm. Mà giấc mộng của Giới Hiền cũng xảy ra vừa đúng 3 năm trước. Sự trùng hợp về thời gian này khiến họ càng tin tưởng duyên phận giữa họ là Thiên ý. Họ đã minh bạch rằng: Họ tương phùng thời khắc này chính là đã được an bài từ những niên đại xa xưa, họ đều là những người mang theo sứ mệnh thần thánh.
Thần tích tái hiện
Huyền Trang cũng đến núi Trượng Lâm theo học hai năm với luận sư Thắng Quân (Jayasena), người có danh tiếng ngang với Giới Hiền. Một đêm Huyền Trang có một giấc mộng kỳ lạ. Trong mộng thấy chùa Na Lạn Đà hoang vắng, có mấy con trâu đang buộc ở đó nhưng tìm khắp tứ phía không thấy bóng dáng tăng lữ nào. Chỉ thấy Thần nhân màu vàng kim ở trên Tứ Trùng Các bỗng nhiên đứng trước mặt. Ông muốn lên lầu thì bị Thần nhân ngăn lại. Thần nhân màu vàng kim nói: “Ta là Bồ Tát Văn Thù, tội nghiệp đời trước của ông chưa hết, không được lên.” Sau đó chỉ tay xuống dưới nói: “Ông hãy nhìn ngoài kia.”
Huyền Trang nhìn về hướng theo tay Bồ Tát chỉ, chỉ thấy trên bầu trời phía ngoài chùa rực đỏ, cả thôn làng đang chìm trong biển lửa. Huyền Trang đang muốn hỏi thì Bồ Tát nói: “Ông trở về nước mau lên. Bắt đầu từ bây giờ, 10 năm sau vua Giới Nhật Vương (Harsha) sẽ băng hà, Ấn Độ sẽ đại loạn. Hãy nhớ kỹ.”
Huyền Trang tỉnh dậy đem những lời Bồ Tát Văn Thù nói và tình cảnh trong mộng ra nói với Thắng Quân. Thắng Quân nói: “Nhân thế vốn vô thường. Việc Bồ Tát nói trong mộng rất có thể sẽ xảy ra. Bồ Tát đã điểm hóa như thế này rồi thì ông hãy tự làm mau đi.”
10 năm sau, đặc sứ Đại Đường là Vương Huyền Sách đến Ấn Độ, vua Giới Nhật Vương quả thực đã băng hà. Sau này còn xảy ra việc Vương Huyền Sách mượn binh bắt sống loạn thần phản lại Giới Nhật Vương. Đây là chuyện sau này.
Chuyện Huyền Trang lấy kinh tuy không có những cảnh Thần thoại như trong “Tây du ký” nhưng cả hai đều có điểm chung, chính là Huyền Trang hoàn toàn không có công năng đặc dị gì, luận về Thần thông thì kém xa Tôn Ngộ Không 10 vạn tám ngàn dặm, nhưng có một điểm là Tôn Ngộ Không không thể nào sánh nổi, đó là chính tín đối với Phật Pháp. Tôn Ngộ Không do làm quan chăn ngựa trên Thiên Cung, chê chức vị thấp kém, lòng sinh đố kỵ, đại náo Thiên Cung. Trong quá trình đi lấy kinh, Ngộ Không không chịu được tức khí, động tí là nổi giận đùng đùng. Mà tu trì Phật Pháp thì coi trọng tâm tính. Pháp sư Đường Tăng Huyền Trang đức lớn dựa vào chính tín đối với Phật Pháp, có thể xả bỏ tất cả mọi thứ chốn nhân gian, trước sinh tử không hề biến sắc. Chính nhờ chính tín như thế này, ông mới có thể liên tiếp gặp được Thần tích trên suốt dọc đường lấy kinh, cuối cùng lấy được chân kinh.
vn.minghui.org