Kẽm có thể ức chế sự nhân lên của virus bên trong tế bào, nhưng lại là một loại khoáng chất được hấp thụ kém. (Ảnh: pexels.com)
Các nghiên cứu sơ bộ phát hiện rằng bệnh nhân COVID-19 có nồng độ kẽm dưới 50 mcg/dl khi nhập viện sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn 2,3 lần so với những người có nồng độ từ 50 mcg/dl trở lên. Kẽm có thể giúp cứu sống hàng ngàn người, vậy tại sao các phương tiện truyền thông vẫn chọn cách im lặng?
Tổng quan
- Kẽm có thể ức chế sự nhân lên của virus bên trong tế bào, nhưng lại là một loại khoáng chất được hấp thụ kém. Các phân tử ionophore kẽm (phân tử vận chuyển kẽm) như quercetin, epigallocatechin-gallate (EGCG) và thuốc hydroxychloroquine tạo điều kiện thuận lợi để hấp thu kẽm
- Vào năm 2010, sự kết hợp của kẽm và ionophore kẽm đã được chứng minh là có tác dụng ức chế virus SARS trong ống nghiệm. Trong nuôi cấy tế bào, hợp chất này cũng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong vòng vài phút
- Thiếu kẽm làm suy giảm chức năng miễn dịch
- Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bệnh nhân COVID-19 có nồng độ kẽm trong huyết tương dưới 50 mcg/dl khi nhập viện có nguy cơ tử vong tại bệnh viện cao hơn 2,3 lần so với những người có nồng độ kẽm từ 50 mcg/dl trở lên
- Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân COVID-19 có khả năng bị thiếu kẽm cao hơn so với những người khỏe mạnh. Bệnh nhân thiếu kẽm cũng có kết quả điều trị kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong khi có 70,4% bệnh nhân thiếu kẽm có các biến chứng, thì chỉ có 30% bệnh nhân có đủ kẽm xuất hiện biến chứng.
Hệ miễn dịch của chúng ta là hàng rào phòng thủ quan trọng nhất để chống lại mọi bệnh tật, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm. Có rất nhiều cách để bạn có thể tăng cường và cải thiện chức năng hệ miễn dịch của mình. Trong đó có một loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng, có khả năng giúp hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhiễm của virus. Đó chính là kẽm.
Kẽm gluconat, kẽm axetat và kẽm sulphate đều đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức độ nặng và thời gian nhiễm virus trong những bệnh do virus như cảm lạnh. Kẽm cũng là một trong những thành phần chính của phác đồ điều trị sử dụng hydroxychloroquine (HCQ).
Lý do sử dụng như vậy là vì HCQ là một loại ionophore kẽm (phân tử vận chuyển kẽm), nghĩa là HCQ là một loại thuốc giúp cải thiện sự hấp thu kẽm của tế bào. Khi ở trong tế bào của bạn, kẽm sẽ ngăn chặn sự nhân lên của virus. Đây cũng là lý do tại sao kẽm và các ionophore kẽm cần được sử dụng rất sớm trong giai đoạn đầu, khi vừa mới mắc bệnh hoặc chúng ta cũng có thể sử dụng phác đồ này để điều trị dự phòng.
Vấn đề là kẽm hầu như không tan trong nước và khó có thể đi qua màng tế bào cấu tạo bằng lipid. Việc đưa kẽm vào tế bào rất quan trọng, bởi vì đây là nơi diễn ra quá trình nhân lên của virus. Đó là lý do tại sao các phân tử ionophore kẽm cũng không kém phần quan trọng.
Ngoài hydroxychloroquine, còn có một số loại ionophore kẽm tự nhiên an toàn hơn như quercetin và epigallocatechin-gallate (EGCG). Nếu được sử dụng sớm, kẽm cùng với kẽm ionophore, ít nhất là về mặt lý thuyết, sẽ giúp giảm tải lượng virus và giúp hệ miễn dịch tránh bị quá tải.
Kẽm rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch
Kẽm rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Tương tự như vitamin D, kẽm tham gia điều hòa chức năng miễn dịch của bạn. Vào năm 2010 sự kết hợp giữa kẽm với ionophore kẽm đã được chứng minh là có tác dụng ức chế virus SARS trong ống nghiệm. Trong nuôi cấy tế bào, kẽm cũng có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus trong vòng vài phút.
Một điều quan trọng là, tình trạng thiếu kẽm đã được chứng minh là có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch. Trong một bài báo được đăng vào năm 2013, các nhà chuyên gia đã nhận xét về tình trạng thiếu kẽm như sau:
“Kẽm là chất truyền tín hiệu thứ hai của các tế bào miễn dịch và kẽm tự do trong tế bào tham gia vào các chuỗi truyền tín hiệu nội bào. Kẽm… rất hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở người già. Kẽm không chỉ có khả năng điều hòa đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào mà còn là một chất chống viêm và chống oxy hóa”.
Tương tự, một bài báo được đăng trên Tạp chí Medical Hypotheses tháng 9 năm 2020 với tiêu đề “Bổ sung kẽm có nâng cao hiệu quả lâm sàng của Chloroquine/Hydroxychloroquine để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 ngày nay hay không?” đã chỉ ra rằng:
“Bên cạnh tác dụng kháng virus trực tiếp, CQ/HCQ [chloroquine và hydroxychloroquine] còn có tác dụng đặc biệt đưa kẽm ngoại bào vào các lysosome nội bào. Đây là vị trí kẽm sẽ can thiệp vào hoạt động của RNA polymerase phụ thuộc RNA và sự sao chép của coronavirus.
Bởi vì tình trạng thiếu kẽm thường xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi và những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh đái tháo đường, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng việc bổ sung CQ/HCQ cùng với kẽm có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong việc làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do COVID-19 so với khi sử dụng đơn trị liệu CQ hoặc HCQ. Do đó, CQ/HCQ kết hợp với kẽm nên được xem là một nhánh nghiên cứu bổ sung ở các thử nghiệm lâm sàng COVID-19”.
Nồng độ kẽm thấp làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy những người có nồng độ kẽm thấp có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn những người có nồng độ kẽm cao. Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị về các bệnh do virus corona của Hiệp hội vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu (ESCMID) tổ chức trực tuyến từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 25 tháng 9 năm 2020 và được đăng trên trang medRxiv vào ngày 11 tháng 10, 2020 có biết.
Nồng độ kẽm trong huyết tương khi nhập viện tăng lên một đơn vị sẽ giúp làm giảm 7% nguy cơ tử vong tại bệnh viện. Những người có nồng độ kẽm trong huyết tương thấp hơn 50 mcg/dl khi nhập viện có nguy cơ tử vong tại bệnh viện cao gấp 2,3 lần so với những bệnh nhân có nồng độ kẽm trong huyết tương từ 50 mcg/dl trở lên.
Trong video trên, tiến sĩ John Campbell đã đánh giá nghiên cứu này và những nghiên cứu khác về kẽm. Theo ghi nhận của các tác giả: “Kẽm giúp cân bằng các phản ứng miễn dịch và tác dụng kháng virus trực tiếp đã được chứng minh đối với một số loại virus”. Như đã đề cập ở trên, tác dụng kháng virus chính của kẽm là làm giảm sự nhân lên của virus bên trong tế bào.
Để đánh giá tầm quan trọng của nồng độ kẽm trong huyết tương đối với kết quả điều trị của bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích hồi cứu 249 bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Barcelona, Tây Ban Nha, trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 2020 bằng nồng độ kẽm trong huyết tương lúc đói. Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu này là 63.
Những bệnh nhân có nồng độ kẽm thấp khi nhập viện có tình trạng viêm cao hơn trong quá trình mắc bệnh và nhóm người này cũng có nguy cơ tử vong do các biến chứng liên quan đến COVID-19 cao hơn. Theo báo cáo của Medical Xpress:
“Nồng độ kẽm trung bình của 249 bệnh nhân là 61 mcg/dl. Nồng độ kẽm trung bình của những bệnh nhân tử vong thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 43 mcg/dl so với nồng độ trung bình 63,1 mcg/dl ở những bệnh nhân sống sót.
Nồng độ kẽm cao hơn liên quan đến nồng độ tối đa của interleukin-6 thấp hơn (protein thể hiện tình trạng viêm toàn thân) trong thời kỳ nhiễm bệnh.
Sau khi hiệu chỉnh theo độ tuổi, giới tính, độ nặng của bệnh và việc có được sử dụng hydroxychloroquine hay không, phân tích thống kê cho thấy mỗi đơn vị kẽm trong huyết tương khi nhập viện tăng lên giúp làm giảm 7% nguy cơ tử vong tại bệnh viện.
Những bệnh nhân có nồng độ kẽm huyết tương thấp hơn 50 mcg/dl khi nhập viện có liên quan đến nguy cơ tử vong tại bệnh viện cao hơn 2,3 lần so với những bệnh nhân có nồng độ kẽm huyết tương từ 50 mcg/dl trở lên.”
Tình trạng thiếu kẽm có liên quan đến kết quả điều trị COVID-19 kém
Một bài đánh giá khác của tiến sĩ Campbell đã được đăng trên Tạp chí International Journal of Infectious Diseases vào tháng 11 năm 2020. Trong bài đánh giá này, nhóm tác giả đã phát hiện rằng những người nhập viện có các triệu chứng liên quan đến COVID-19 có khả năng bị thiếu kẽm cao hơn so với những người khỏe mạnh. Nồng độ kẽm trung bình ở những bệnh nhân COVID-19 nhập viện là 74,5 mcg/dl, so với mức 105,8 mcg/dl ở nhóm đối chứng. Theo báo cáo của các tác giả:
“Trong số các bệnh nhân COVID-19, 27 người (57,4%) được phát hiện có tình trạng thiếu kẽm. Những bệnh nhân này có tỷ lệ biến chứng, hội chứng suy hô hấp cấp cao hơn (18,5% so với 0%) và tỷ lệ điều trị bằng corticosteroid cao hơn, thời gian nằm viện dài hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn (18,5% so với 0%). Tỷ lệ chênh (OR) xuất hiện biến chứng là 5,54 đối với những bệnh nhân COVID-19 có tình trạng thiếu kẽm”.
Một điều quan trọng là, trong khi có 70,4% bệnh nhân thiếu kẽm có các biến chứng, thì chỉ có 30% bệnh nhân đủ kẽm xuất hiện biến chứng. Cũng như điều tiến sĩ Campbell đã lưu ý, ở đây chúng ta thấy rằng những người khỏe mạnh trong nhóm chứng có lượng kẽm cao hơn nhiều so với những bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ trong nghiên cứu ở Tây Ban Nha.
Các bệnh nhân nhập viện cũng có nồng độ kẽm cao hơn mức trung bình. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng ngưỡng 50 mcg/dl của Tây Ban Nha có phải vẫn còn quá thấp hay không. Ông chỉ ra rằng nồng độ kẽm “bình thường” nằm trong khoảng từ 72 mcg/dl đến 144 mcg/dl. Điều này dường như cũng hỗ trợ cho những phát hiện trong nghiên cứu ở Tây Ban Nha, đánh giá xem những bệnh nhân có nồng độ kẽm thấp sẽ có diễn biến bệnh như thế nào.
Kẽm là thành phần chính của phác đồ MATH+
Một trong số các phác đồ điều trị COVID-19 hiệu quả nhất là phác đồ MATH+ do Nhóm Công tác của Liên minh các bác sĩ tuyến trên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng (FLCCC) đưa ra.
Trong cuộc phỏng vấn ở trên, tiến sĩ Paul Marik đã giải thích cách phát triển quy trình chăm sóc tích cực cho bệnh nhân COVID-19 từ phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết của ông (với thành phần cốt lõi là vitamin C), vì ông và nhiều bác sĩ khác đã nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa bệnh nhân nhiễm trùng huyết và bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, đặc biệt là dòng thác viêm mất kiểm soát.
Ngoài ra vẫn có những điểm khác biệt rõ giữa hai bệnh lý trên và để giải quyết những vấn đề này, tiến sĩ Marik cùng 9 bác sĩ khác đã thành lập FLCCC và bắt đầu xây dựng một phát đồ sửa đổi dành riêng cho COVID-19.
Kẽm là một trong những thành phần chính của phác đồ này. Kể từ phiên bản cập nhật vào tháng 7 năm 2020, trong phác đồ này bao gồm cả việc sử dụng quercetin để tạo điều kiện hấp thu kẽm. Hiện tại đã có phác đồ MATH+ để điều trị dự phòng hoặc sử dụng cho các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ. Phác đồ này có thể được dùng để điều trị tại nhà và dùng để điều trị tích cực cho những bệnh nhân nhập viện.
Liên minh FLCCC đã đưa ra một số phiên bản cập nhật của phác đồ MATH+ kể từ tháng 4 năm 2020. Bạn có thể tải xuống các phiên bản mới nhất từ trang web Chăm sóc bệnh nhân COVID dành cho bác sĩ lâm sàng của Trường Y khoa Đông Virginia.
Chất vận chuyển kẽm tự nhiên – Quercetin và EGCG
Như đã đề cập ở trên, quercetin và EGCG là các ionophore kẽm tự nhiên có tác dụng tương tự như HCQ. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2014, nhiều tác dụng sinh học của quercetin và EGCG dường như có liên quan đến khả năng làm tăng hấp thu kẽm của tế bào. Theo giải thích của các tác giả:
“Kẽm tự do là một phần rất nhỏ trong tổng số kẽm nội bào, liên kết lỏng lẻo với protein và có thể dễ dàng trao đổi, giúp điều hòa hoạt động của nhiều con đường truyền tín hiệu và trao đổi chất. Các polyphenol thực vật có trong thức ăn như quercetin flavonoid (QCT) và epigallocatechin-gallate hoạt động với vai trò là các chất chống oxy hóa và các phân tử tín hiệu.
Đáng chú ý, hoạt động của nhiều enzym có liên quan đến polyphenol phụ thuộc vào kẽm. Trước đây chúng tôi đã chỉ ra rằng các polyphenol này chelate các cation kẽm và chúng tôi cũng đưa ra giả thuyết rằng các flavonoid này có thể hoạt động như ionophore kẽm, giúp vận chuyển cation kẽm qua màng tế bào.
Để chứng minh giả thuyết này, chúng tôi đã chứng minh được khả năng làm tăng nhanh kẽm tự do trong tế bào ung thư biểu mô gan Hepa 1-6 của chuột và trong liposome của QCT và epigallocatechin-gallate… Hoạt tính ionophore của polyphenol trong thức ăn có thể giúp hỗ trợ khả năng làm tăng nồng độ kẽm tự do trong các tế bào của polyphenol và do đó sẽ giúp tăng cường nhiều hoạt tính sinh học của chúng”.
Bên cạnh việc làm tăng khả năng hấp thụ kẽm, cả quercetin và EGCG đều ức chế 3CL protease – một loại enzyme được virus SARS corona sử dụng để lây nhiễm cho các tế bào khỏe mạnh. Nội dung này đã được giải thích trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào năm 2020: 3CL protease là loại enzyme “rất cần thiết để xử lý các polyprotein được dịch từ ARN của virus”.
Và, theo một nghiên cứu khác vào năm 2020, khả năng ức chế virus SARS corona của quercetin, EGCG và một số flavonoid khác “được cho là có liên quan trực tiếp đến việc ức chế hoạt động của SARS-CoV 3CLpro trong một số trường hợp”.
Niacin (vitamin B3) và selen cũng giúp cải thiện sự hấp thụ và khả dụng sinh học của kẽm. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố năm 1991 đã chứng minh rằng khi phụ nữ trẻ sử dụng chế độ ăn thiếu vitamin B6, lượng kẽm trong huyết thanh của họ sẽ giảm. Điều này cho thấy tình trạng thiếu B6 ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa kẽm khiến “kẽm được hấp thụ nhưng không thể sử dụng được”.
Có một nghiên cứu sâu hơn giải thích về mối quan hệ của niacin và selen với kẽm được đưa ra trong một bài báo đã được đăng vào năm 2008 với tiêu đề “Kẽm, Metallothionein và Tuổi thọ: Mối quan hệ qua lại với Niacin và Selenium”.
Nhiều người ủng hộ việc sử dụng Quercetin
Dự án Green Stars cũng đã đưa ra những báo cáo ủng hộ việc sử dụng quercetin đề điều trị COVID-19. Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge đã sử dụng siêu máy tính SUMMIT đế tìm kiếm các phân tử có khả năng ức chế sự tương tác của protein gai trên bề mặt virus COVID-19 với tế bào người. Quercetin đứng thứ năm trong danh sách này.
Nhìn chung, Quercetin cũng là một loại thuốc kháng virus mạnh. Như đã trình bày chi tiết trong phần “Quercetin làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus”, những cơ chế giúp loại thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19 bao gồm:
- Ức chế khả năng lây nhiễm vào tế bào của virus
- Ức chế sự nhân lên của các tế bào đã bị nhiễm bệnh
- Giảm sức đề kháng của các tế bào bị nhiễm bệnh đối với việc điều trị bằng thuốc kháng virus
- Ức chế việc sản xuất yếu tố hoại tử khối u (TNF-α) do sự kích thích của lipopolysacarit (LPS) trong đại thực bào.
TNF-α là một cytokine liên quan đến tình trạng viêm hệ thống, do các đại thực bào đã hoạt hóa tiết ra. Đại thực bào là một loại tế bào miễn dịch có chức năng tiêu hóa các chất lạ, các tế bào vi khuẩn cũng như các thành phần gây hại hoặc hư hỏng khác
- Ức chế giải phóng histamine và các cytokine tiền viêm bằng cách điều chỉnh dòng canxi đi vào tế bào
- Ổn định dưỡng bào
- Điều hòa các chức năng cơ bản của tế bào miễn dịch
- Điều chỉnh giảm hoặc ức chế những con đường và cơ chế gây viêm
Tỷ lệ kẽm – đồng có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch
Khi thảo luận về việc bổ sung kẽm, không phải khi nào nhiều hơn cũng sẽ tốt hơn. Trên thực tế, việc bổ sung này có thể gây ra tác dụng ngược nếu bạn không duy trì tỷ lệ kẽm – đồng phù hợp. Tiến sĩ Chris Masterjohn là tiến sĩ ngành khoa học dinh dưỡng, đã giải thích trong một bài báo và trong loạt bài đăng trên Twitter của ông rằng:
“Trong một nghiên cứu, khi sử dụng 300 mg kẽm/ngày chia làm hai liều, mỗi liều 150 mg kẽm sulfat sẽ làm giảm các marker quan trọng của chức năng miễn dịch, ví dụ như làm giảm khả năng di chuyển và tiêu diệt vi khuẩn của các tế bào bạch cầu đa nhân.
Tác động đáng lo ngại nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là việc bổ sung kẽm như vậy làm giảm chỉ số kích thích tế bào lympho xuống 3 lần. Đây là thước đo khả năng tăng số lượng tế bào lympho T để đối phó với các mối đe dọa của cơ thể. Lý do điều này rất đáng lo ngại trong bối cảnh của dịch COVID-19 là số lượng tế bào lympho thấp có liên quan đến kết quả điều trị kém…
Tác động tiêu cực đến sự tăng sinh tế bào lympho khi sử dụng 300 mg/ngày và mức bổ sung an toàn là 150 mg/ngày cho thấy khả năng làm tổn thương hệ miễn dịch có thể bắt đầu ở mức nào đó trong khoảng từ 150 đến 300 mg/ngày …
Rất có thể tác hại của việc sử dụng 300 mg kẽm/ngày đối với chỉ số kích thích tế bào lympho chủ yếu hoặc hoàn toàn là do tình trạng thiếu đồng…
Những tác động tiêu cực của kẽm đối với lượng đồng cần thiết đã được chứng minh chỉ với 60 mg kẽm/ngày. Lượng kẽm này làm giảm hoạt động của superoxide dismutase, một loại enzyme quan trọng có tác dụng bảo vệ chống oxy hóa và tham gia chức năng miễn dịch phụ thuộc vào cả kẽm và đồng…
Một nghiên cứu được thực hiện với lượng kẽm hấp thụ tương đối thấp cho thấy rằng tỷ lệ kẽm và đồng có thể chấp nhận được và có lợi cho việc hấp thu kẽm nằm trong khoảng từ 2:1 đến 15:1. Lượng đồng tối đa có thể hấp thu là 10 mg/ngày.
Một điều đáng chú ý là lượng kẽm tối đa mà một người có thể hấp thu trong khi tỷ lệ kẽm-đồng vẫn ở trong phạm vi có thể chấp nhận được và còn nằm trong giới hạn trên của đồng là 150 mg/ngày”.
Thêm một điều cần lưu ý nữa là một số chất phụ gia có thể ức chế sự hấp thụ kẽm. Điều này hoàn toàn trái ngược với mong muốn của chúng ta. Các nghiên cứu cho thấy axit xitric, glycine, mannitol và sorbitol có thể làm giảm hấp thu kẽm nên viên ngậm kẽm chứa các thành phần này sẽ có hiệu quả kém hơn.
Bạn sẽ cần bao nhiêu kẽm?
Các chuyên gia khuyến cáo rằng lượng kẽm cần thiết trong chế độ ăn là 11 mg đối với nam giới trưởng thành và 8 mg đối với phụ nữ trưởng thành. Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú được khuyến cáo sử dụng liều cao hơn một chút.
Bởi vì được xem là một biện pháp dự phòng COVID-19 và các bệnh virus khác, tiến sĩ Masterjohn khuyến cáo bạn nên dùng 7mg đến 15mg kẽm bốn lần một ngày. Lý tưởng nhất là uống khi bụng đói hoặc dùng với thức ăn không có phytate. Ông cũng khuyên bạn nên bổ sung từ thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung ít nhất 1mg đồng với mỗi 15mg kẽm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy nhớ rằng có rất nhiều loại thực phẩm chứa kẽm, vì vậy có thể bạn sẽ không cần thiết phải dùng thực phẩm bổ sung. Ví dụ: Tôi ăn khoảng 350 gram thịt bò hoặc thịt cừu mỗi ngày, chế độ ăn này có thể cung cấp khoảng 20mg kẽm. Cá nhân tôi không dùng thêm bất kỳ loại thực phẩm bổ sung kẽm nào ngoài lượng kẽm được hấp thu từ thức ăn.
(Được xuất bản lần đầu vào ngày 11 tháng 1 năm 2023 trên Mercola.com
Tác giả – Joseph Mercola: Bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Ông là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình và là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình).
Theo The Epoch Times – Epoch Health tiếng Anh
Đức Nhân biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam