Tranh vẽ Tôn Quyền. (Wikipedia)
Từ thời Tôn Quyền trở đi, sự giao lưu giữa Trung Quốc và các nước vùng biển phía nam được đẩy mạnh. Thuyền buôn giao thương qua lại, có thể nói hàng hải của Đông Ngô đã thu lợi lớn nhất.
Năm 226, Thái thú Giao Chỉ (nay là Việt Nam) Sĩ Nhiếp qua đời, con trai là Sĩ Huy nổi loạn, bị Thứ sử Quảng Châu của Đông Ngô là Lã Đại dẫn ba nghìn quân ngày đêm tiến theo đường biển tiêu diệt, từ đây đất Giao Châu hoàn toàn bị nước Ngô chiếm đóng.
Từ năm 224 đến năm 252, Chu Ưng và Khang Thái nhận lệnh Tôn Quyền đi sứ Phù Nam (nay là Campuchia) và các nước vùng nam hải, tiến hành các hoạt động ngoại giao. Họ đi xa tới tận vùng Lâm Ấp (nay là Trung Nam bộ Việt Nam), rồi tới các nước Phù Nam, đi tới trên một trăm nước, và kiến lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước.
Sau khi về nước, Chu Ưng viết cuốn “Phù Nam dị vật chí”, Khang Thái viết cuốn “Ngô thời ngoại quốc truyện”, hai cuốn sách này là tư liệu quan trọng về sự bang giao của Đông Ngô với ngoại quốc. Đáng tiếc là cả hai quyển đã bị thất truyền, chỉ còn lại một vài trích dẫn trong các cuốn “Thủy kinh chú”, “Bắc Đường thư sao”, “Nghệ văn loại tụ”, “Sơ học ký”, “Thông điển”, “Thái Bình ngự lãm”, “Văn tuyển chú”.
Nhờ chuyến đi sứ thành công của hai người mà các quốc gia hải ngoại cũng cử sứ giả đến nước Ngô. Ví dụ năm 243, vua Phù Nam Phạm Chiên cho sứ giả hiến tặng nhạc công cùng sản vật địa phương. Ngoài ra, các nước Lâm Ấp, Thiên Trúc (nay là Ấn Độ), Ba Tư (nay là Iran) cũng cử sứ giả cùng lễ vật tới Đông Ngô. Tôn Quyền lấy lễ tương đãi, tặng lại tơ lụa tinh mỹ của Trung Quốc cùng nhiều vật phẩm.
Ngoài ra, năm 242, Tôn Quyền còn phái tướng quân Niếp Hữu, hiệu úy Lục Khải dong thuyền tới Châu Nhai (nay là bán đảo Lôi Châu), Đam Nhĩ (nay là đảo Hải Nam), cho khôi phục lại chế độ quận huyện kiến lập từ thời Hán.
Tới thăm La Mã cổ
Theo ghi chép của Vạn Chấn trong “Nam Châu dị vật chí”, từ năm 234 tới năm 237, có một thương nhân tên là Tần Luận người Đại Tần (đế quốc La Mã cổ đại) tới Giao Chỉ, Thái thú Giao Chỉ Ngô Mạc cử người đưa tới gặp Tôn Quyền.
Tôn Quyền hỏi thăm về phong thổ nhân tình, Tần Luận trả lời rành mạch.
Tôn Quyền tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thương nhân đó kinh doanh. Bảy, tám năm sau đó, Tần Luận chuẩn bị về nước, Tôn Quyền cử người đưa ông về nước, còn tặng thêm mười người hầu nam nữ. Trong “Ngô thời ngoại quốc truyện” cũng viết: ‘Từ Gia Na Điều Châu, đi thuyền lớn trên biển, giương bẫy buồm, thuận gió đi hơn tháng thì tới được Đại Tần (La Mã cổ đại)’
Tôn Quyền đã có thể cử người đưa Tần Luận về nước, chứng minh kỹ thuật tiên tiến về hàng hải của Đông Ngô, cùng lực lượng hải quân hùng mạnh. Tiếc là tư liệu lịch sử có hạn, nên chúng ta không biết rõ được nhiều về ngoại giao của Tôn Quyền với hải ngoại, cùng sự thịnh vượng của Đông Ngô.
Di ngôn của Tôn Sách: Nhìn nhận chính xác
Sử sách có ghi, Tôn Quyền chấp chính 52 năm, là vị quân chủ cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Tam Quốc. Trong thời gian tại vị, ông liên kết Thục Hán phía tây, kháng Tào Ngụy phía bắc, quốc nội thì bình định Sơn Việt, khai phá nhiều vùng hoang vu Giang Nam, là vị Hoàng đế đầu tiên hùng cứ Giang Nam sau thời Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc.
Tôn Quyền sinh vào năm Quang Hòa thứ năm thời Đông Hán (năm 182) tại Từ Châu, Hạ Phi (nay là Giang Tô thành phố Từ Châu, Phi Châu), cha của ông là Tôn Kiên khi ấy làm chức huyện thừa Hạ Phi, Tôn Quyền còn có một người anh là Tôn Sách. Tương truyền họ là hậu duệ của Tôn Vũ – binh pháp gia nổi tiếng thời Xuân Thu.
Trong “Giang biểu truyện” có ghi: Tôn Quyền sinh ra mắt sáng tinh quang, môi dày miệng rộng, thân thể cao lớn, khác hẳn thường nhân.
Theo một ghi chép khác trong “Sưu Thần ký”, khi Ngô phu nhân mang thai Tôn Quyền, mộng thấy trăng sáng bay vào lòng, rồi còn mộng thấy cả mặt trời bay vào bụng. Tôn Kiên nghe phu nhân kể cả mừng nói: ‘Nhật nguyệt là tinh hoa của âm dương, là tượng trưng cho cực kỳ phú quý.’
Năm cuối thời Đông Hán, Tôn Kiên được thăng nhiệm Thái thú Trường Sa, ông khởi binh hưởng ứng liên quân Quan Đông thảo phạt Đổng Trác, đồng thời di cư đến huyện Thư quận Lư Giang (nay là tây nam huyện Lư Giang tỉnh An Huy), Tôn Sách và Tôn Quyền cùng mẹ là Ngô phu nhân đi theo. Ở đó, Tôn Sách gặp được vị anh hùng trác việt Chu Du, hai người tính tình tương hợp, coi nhau như anh em.
Năm 191, Tôn Kiên phụng mệnh Viên Thuật thảo phạt Thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu, không may tử trận. Năm 195, Tôn Sách dấy binh thảo phạt Giang Đông, mời Chu Du phò tá cho mình, Tôn Quyền cũng theo cạnh trợ giúp.
Khi ấy Tôn Quyền mới 15 tuổi, tính cách khoáng đạt hào phóng, sùng thượng hiệp nghĩa, giỏi thu hút môn khách, danh tiếng không kém bậc cha anh.
Ông còn thường tham gia hoạch định mưu lược cùng Tôn Sách, làm cho Tôn Sách cảm thấy kinh ngạc. Mỗi lần có yến tiệc cùng môn khách, Tôn Sách thường quay đầu lại bảo Tôn Quyền: ‘Những người này về sau đều sẽ là thuộc hạ của hiền đệ.’
Năm 196, Tôn Sách nhậm mệnh Tôn Quyền mới 15 tuổi làm Huyện trưởng Dương Mộ (nay là Nghi Hưng Giang Tô), sau đó Tôn Quyền được tuyển chọn làm Hiếu liêm, rồi được tiến cử Mậu tài, còn làm đại diện chức Phụng nghĩa Hiệu úy.
Năm 199, Tôn Quyền theo Tôn Sách thảo phạt Thái thú Lư Giang là Lưu Huân. Sau khi đánh bại Lưu Huân, Tôn Quyền tiến quân tiếp xuống Sa Tiễn để thảo phạt Thái thú Hoàng Tổ. Sau khi đánh bại một số thế lực cát cứ, Tôn Sách đã bắt đầu đặt được chỗ đứng vững chắc đầu tiên ở vùng Giang Đông.
Đồng thời Tôn Sách còn tụ tập được một số nhân tài xuất sắc, như Trương Chiêu người Bành Thành, Trương Hoành người Quảng Lăng, rồi Tần Tùng, Trần Đoan, giúp cho việc vận hành địa khu Giang Đông trở lên thuận lợi. Đặc biệt là hai vị Trương Chiêu, Trương Hoành đã có những công lao đóng góp to lớn trong chinh chiến Giang Đông của Tôn Sách. ‘Hoành và Trương Chiêu đều làm tham mưu, thường một người ở lại phòng thủ, một người ra trận chinh thảo.’
Vào lúc sự nghiệp sắp thành, năm Kiến An thứ năm (năm 200), Tôn Sách bị địch nhân phục kích ám sát. Trước khi lâm chung, ông nói với Tôn Quyền: ‘Lợi dụng dân chúng Giang Đông, ra quyết sách tác chiến, tranh bá thiên hạ, thì đệ không bằng ta; nhưng cử hiền đãi sĩ, để họ tận tâm, bảo vệ Giang Đông thì ta không bằng đệ.’
Sự thực sau này chứng minh nhận định của Tôn Sách là tương đối chính xác.
Cử hiền đãi sĩ, triển hiện tài hoa
Lúc Tôn Sách chết, Tôn Quyền khi ấy mới 18 tuổi kế vị, cả ngày khóc lóc bi thương, không trông coi chính sự. Trương Chiêu khuyên can: ‘Nay thiên hạ đại loạn, lang sói đầy đường, chỉ ôm bi thương mà chẳng màng quốc sự, có khác chi mở rộng cửa đón trộm cắp vào nhà, nhất định tự chuốc lấy họa tai.’
Tôn Quyền nghe lời, nén đau thương, bắt đầu xử lý chính sự, đích thân thị sát quân đội, ổn định lòng quân dân.
Sau khi nghe lời kiến nghị của mưu thần lương tướng, Tôn Quyền chọn chính sách đối nội: ‘Vỗ về Sơn Việt, thảo phạt những kẻ không theo’, ra sức mở rộng Giang Nam. Về đối ngoại thì không đối kháng trực tiếp với Tào Tháo, chịu nhận chức Thảo lỗ Tướng quân, Thái thú Cối Kê để tránh xung đột.
Về phương diện nhân sự, Tôn Quyền đối đãi Trương Chiêu như thầy dạy, mời Chu Du, Trình Phổ, Lã Phạm làm tướng soái; đồng thời tích cực ‘Chiêu lãm tân tú, trưng cầu danh sĩ’ (chiêu mời nhân tài mới, trưng cầu hiền sĩ).
Tôn Quyền có câu danh ngôn về cách dùng người: ‘Quý kỳ sở trường, vong kỳ sở đoản’ (Trân quý ưu điểm, bỏ qua nhược điểm), ông cho rằng để thưởng thức chỗ hay của người ta, thì cũng cần bao dung chút dở của người ta, nếu không rất dễ bị hãm vào tranh cãi vô ích, thậm chí làm sự việc tệ hơn. Ví dụ, ông đã trọng dụng Lỗ Túc, người bị Trương Chiêu cho là ‘Niên thiếu thô sơ’ (tuổi trẻ vụng về), rồi Lã Mông có xuất thân hèn kém, đây là những dẫn chứng cụ thể.
Tôn Quyền không chỉ giỏi thu hút nhân tài, giỏi dùng người, hiểu người, mà còn dùng người không nghi hoặc. Như dùng Chu Cát Cẩn là anh trai Gia Cát Lượng, cuối thời Hán di cư đến Giang Đông, được Tôn Quyền hết sức trọng dụng, làm quan tới chức Thái thú Nam Quận, Đại tướng quân.
Đêm trước trận chiến Di Lăng giữa Ngô và Thục, Gia Cát Cẩn từng viết thư cho Lưu Bị, ngăn chặn việc liên minh Ngô Thục tan rã. Có người mật cáo với Tôn Quyền, nói Gia Cát Cẩn thông đồng với địch. Tôn Quyền không tin, còn bảo: ‘Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có thệ ước sống chết có nhau, Tử Du không phụ ta, ta cũng không phụ Tử Du.’
Đông Ngô khi ấy có những lão tướng từ thời Tôn Kiên, Tôn Sách, họ trung dũng có thừa nhưng trí mưu còn thiếu sót, khi Tôn Quyền đề bạt những tướng trẻ cầm quân, Tôn Quyền làm thế nào để các lão tướng tâm phục khẩu phục.
Một lần, Tôn Quyền cho Chu Thái – người có xuất thân bần hàn, làm tướng quân trấn thủ thành nhỏ Nhu Tu, lão tướng Chu Nhiên, Từ Thành làm phó tướng. Tôn Quyền biết hai vị lão tướng không phục, do đó lấy cớ đi thị sát chiến trận để tới Nhu Tu. Trong tiệc rượu say sưa, ông bảo Chu Thái cởi áo ra, thấy thương tích đầy mình, có thể hình dung không có chỗ nào lành.
Ông hỏi Chu Thái: ‘Chu tướng quân, vết thương này là do đâu?’, ‘Chu tướng quân, vết này là ở trận nào?’, ‘Chu tướng quân, vết thương kia là ở chiến dịch nào?’
Nghe Tôn Quyền và Chu Thái người hỏi người trả lời mà cử tọa chấn kinh. Tôn Quyền vỗ vai Chu Thái nói: ‘Tướng quân, ta với khanh thân như anh em, tướng quân đã vì ta trên chiến trường mà liều chết, chịu nhiều thương tích, ta sao có thể không biết cảm ân báo đáp, ủy thác trọng trách cho tướng quân đây?’
Chu Nhiên, Từ Thành đứng bên nghe tròn mắt ngây người, từ đó trở đi không dám bất kính với Chu Thái nữa.
Chu Thái quả nhiên cũng không phụ sự phó thác của Tôn Quyền.
Tào Tháo dẫn bốn mươi vạn quân tấn công Nhu Tu Khẩu, đánh mấy trận mà không chiếm được lợi thế. Khi Tào Tháo đứng từ xa quan sát quân đội Đông Ngô, chiến thuyền tề tựu, bất giác thốt lời khen ngợi quân đội Đông Ngô được huấn luyện nghiêm minh tề chỉnh: ‘Sinh con nên được như Tôn Trọng Mưu (tức Tôn Quyền), còn con của Lưu Cảnh Thăng (tức Lưu Biểu) chỉ như đồ chó lợn thôi!’
Chính vì Tôn Quyền hiểu người rất rõ, lại giỏi dùng người, dùng người không nghi hoặc, nên mới có xung quanh mình rất nhiều kẻ sĩ tài trí, bề tôi tài năng, đại tướng thiện chiến. Cũng chính vì điều này mà Đông Ngô mới gây dựng được được nền chính trị trong sáng, dân giàu nước mạnh.
(Còn tiếp)
Lưu Hiểu – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam