Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Theo một số tài liệu hiện nay, âm nhạc Trung Quốc xuất hiện sớm nhất vào thời kỳ Phục Hy, khoảng 7.000 năm TCN. Tương truyền rằng Phục Hy đã dựa trên số lượng chu thiên và ngũ hành để chế tạo ra đàn cổ cầm, phỏng theo hình dạng cánh phượng hoàng chế tạo ra tiêu. Ngoài ra, ông còn sáng tác bản nhạc cổ “Giá Biện”.
Vào thời Hoàng Đế khoảng 5.000 năm trước, nhạc khúc “Vân Môn Nhạc” ra đời. Đến thời Chuyên Húc đế, vì ông rất thích nghe âm thanh gió thổi như rì rào, vi vu, xào xạc, nên đã cho người sáng tác nhạc phỏng theo tiếng gió từ tám phương và đặt tên là “Thừa Vân”, chuyên dùng để tế Trời. Thời kỳ này, người xưa còn phát minh ra trống. Vào thời Đế Khốc, ông lệnh cho Hàm Hắc sáng tác các ca khúc như “Cửu Chiêu”, “Lục Liệt”, “Lục Anh”, còn cho người chế tác các loại nhạc cụ như trống, chuông, đàn đá, khèn. Khi diễn tấu còn có chim phượng hoàng, chim thiên trĩ nhảy múa. Đế Khốc dùng điệu múa này để ca ngợi công đức của Thiên Đế. Sau khi vua Nghiêu lên ngôi, ông lệnh cho Quỳ sáng tác nhạc. Quỳ mô phỏng âm thanh của núi rừng, thung lũng để sáng tác nhạc, rồi lấy da hươu bọc lên chum đất để gõ. Ông còn vỗ vào phiến đá, mô phỏng âm thanh Ngọc Bàn (nghĩa là đá ngọc) của Thiên Đế, nhằm thôi thúc muôn thú nhảy múa. Nhạc khúc này được đặt tên là Cửu Đại Chương (Nghĩa là chín bài nhạc long trọng) dùng để tế Trời. Cổ Tẩu còn cải tiến đàn sắt năm dây thành đàn sắt 15 dây, ông cũng để lại cho hậu thế bài “Đại Thành Nhạc”.
Sau khi vua Thuấn lên ngôi, Ngưỡng Diên đã cải tiến cây đàn tranh do Cổ Tẩu (cha của vua Thuấn) lên 23 dây. Vua Thuấn lại lệnh cho Quỳ sửa đổi các bài hát như “Cửu Chiêu”, để tôn vinh ân đức của Thiên Đế. Vua Thuấn nói: “Quỳ, ta bổ nhiệm ngươi làm quan cai quản nhạc lễ, dùng âm nhạc giáo hóa người trẻ tuổi, giúp cho họ có được nhân cách như: nhân hậu ung dung mà lại cẩn trọng trang nghiêm, kiên cường chính trực nhưng không độc ác tàn bạo, độ lượng và không kiêu ngạo. Khuyến khích họ dùng thơ ca để bày tỏ chí hướng và khát vọng, lời nói của họ dùng để ca hát và ngâm thơ, âm thanh trầm bổng du dương phải phù hợp âm luật của thơ ca, âm luật phải hài hòa với ngũ âm (cung, thương, giốc, chuỷ, vũ). Tám loại nhạc cụ (Kim, Thạch, Thổ, Da, Dây, Gỗ, Bầu, Trúc) phải hài hòa, phối hợp nhịp nhàng với nhau, chỉ có như vậy, con người và Thần linh mới hòa hợp, mới có thể cảm động đất trời”. Quỳ nói: “Vâng, thần sẽ dựa theo cách này để gõ khánh đá tạo ra âm nhạc, khiến muông thú nhảy múa theo điệu nhạc”. Nhạc khúc nổi tiếng thời bấy giờ là “Đại Thiều Nhạc”. Sau này Khổng Tử từng nói câu: “Nghe Thiều Nhạc, ba tháng không biết mùi vị thịt”.
Có thể thấy, mục đích sáng tác âm nhạc vào thời kỳ đầu của Trung Quốc là nhằm mục đích câu thông giữa con người và Thần, dùng để phản ánh việc con người tôn kính Thần linh mà có được sự bình yên, niềm hân hoan và cảm giác vui mừng, hơn nữa thông qua âm nhạc giáo hóa người dân không đi theo cực đoan. Các vị Đế Vương thời Tam Hoàng Ngũ Đế coi trọng âm nhạc cũng bởi vì nó có thể khơi gợi lòng tôn kính, hy vọng và sự gửi gắm của con người đối với Thần linh.
Thêm vào đó, cổ nhân cho rằng việc sáng tác âm nhạc cần phải có điều kiện tiên quyết, đó là phải tiết chế dục vọng. Người không tham dục, không phóng túng mới có thể sáng tác âm nhạc. Hơn nữa, việc sáng tác âm nhạc còn có phương pháp nhất định, cần phải xuất phát từ sự ôn hòa, mà sự ôn hòa lại được sinh ra từ Đạo.
Nhạc khúc “Đại Hạ Nhạc” được sáng tác từ thời Đại Vũ trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết vào thời nhà Hạ. Vào thời nhà Thương, nhiều bộ nhạc cụ được ra đời. Hiện nay, người ta đã tìm thấy sáo đất nung, khánh đá, chuông đồng, nao đồng, trống vào thời nhà Hạ. Điều này chứng minh rằng, nền âm nhạc thời bấy giờ đã đạt trình độ khá cao. Nhạc cụ thời nhà Thương có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế, trong đó phải kể đến chuông và khánh. Đặc biệt là chiếc khánh đá lớn được khai quật tại ngôi mộ lớn ở làng Vũ Quan, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Âm cao của nó chỉnh hơi cao hơn nốt #c1 (nốt Đồ thăng). Âm thanh trầm ấm vang dội, âm sắc gần giống với đồng thau và có tiếng vang ngân dài. Chiếc khánh đá lớn này là độc nhất vô nhị, được gọi là khánh đặc biệt, là một nhạc cụ cỡ lớn ra đời sớm nhất được phát hiện cho đến nay. Ca múa thời nhà Thương có thể được khảo chứng là “Tang Lâm” và “zC”. “Tang Lâm” ban đầu là chỉ một hoạt động tế lễ quy mô lớn của quốc gia. Cho đến thời kỳ Xuân Thu (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN), “Tang Lâm” vẫn là hoạt động tế lễ lớn được quần chúng quan tâm. Các tác phẩm ca múa được sử dụng trong lễ tế “Tang Lâm” cũng được gọi là “Tang Lâm” theo tên gọi của lễ tế. “zC” ở thời nhà Chu được dùng để tế tổ mẫu Khương của nhà Chu, có người nói rằng nội dung của nó có liên quan đến việc nhà Thương tế tổ mẫu Giản Địch.
Thuận theo việc đạo đức con người ngày càng trượt dốc, người ta cũng dần trở nên mơ hồ đối với nội hàm của Đại Đạo, cách lý giải về âm nhạc cũng có sự thay đổi, âm nhạc đã mất đi ý nghĩa và công dụng ban đầu của nó. Vị bạo chúa cuối triều Hạ là Hạ Kiệt và Trụ Vương của triều Ân đã cho ra đời những bản nhạc phóng đãng, coi sự hoành tráng là điều tốt, coi sự đa dạng là tráng lệ, hưởng thụ quá độ, không tuân thủ pháp luật. Đây chính là khởi đầu cho sự suy đồi của âm nhạc.
Đến triều Chu, âm nhạc bắt đầu kết hợp với các nghi lễ nhân gian (nghi thức tế lễ, yến tiệc,v.v.) để quy phạm hành vi của con người, được gọi là “lễ nhạc”. Lễ nhạc vào triều Chu phân cấp bậc rất chặt chẽ, trong những trường hợp khác nhau, người có thân phận khác nhau, không chỉ nghi lễ khác nhau, mà nhã nhạc và nhạc cụ được sử dụng cũng khác nhau. Ví dụ trong nhã nhạc triều Chu, khi tế lễ Trời và Thần linh, người ta sẽ tấu Hoàng Chung, hát bài Đại Lữ, múa “Vân Môn”; khi tế lễ Đất, sẽ tấu bài Thái Thốc, hát bài Ứng Chung, múa “Hàm Trì”; khi tế lễ sông núi, sẽ tấu bài Nhuy Tân, hát Hàm Chung, múa “Đại Hạ”; khi hai vị quân chủ gặp nhau, thì họ sử dụng bài nhạc đại nhã “Văn Vương”, v.v. Nhạc cụ, vũ đạo và ca hát thông thường được thực hiện chuyên biệt, không hoàn toàn kết hợp chung với nhau, ví dụ vũ đạo kết hợp với các loại sáo trúc và ca hát, ca hát được đệm tấu bằng đàn tranh hoặc kèn sáo. “Kim tấu” là sự hòa tấu của chuông, trống và khánh. Nó có yêu cầu rất cao, chỉ có Thiên Tử và chư hầu mới được phép sử dụng. Quan lại và sĩ tử chỉ có thể đơn giản là dùng trống. Chuông và khánh với âm lượng lớn và âm sắc đặc trưng đan xen tạo thành âm thanh trang nghiêm và tráng lệ, kết hợp với tiếng trống, thực sự có thể tạo ra hiệu quả “chí cao vô thượng” và vô cùng “uy nghiêm” của Thiên Tử và chư hầu. Vào thời điểm đó có thể nhìn thấy “Lục Đại Nhạc Vũ” (ca múa nhạc của sáu triều đại), tức là “Vân Môn” thời Hoàng Đế, “Hàm Trì” thời Nghiêu, “Thiều” thời Thuấn, “Đại Hạ” thời Vũ, “Đại zC” thời Thương và “Đại Vũ” thời Chu.
Nhà Chu còn lập ra tổ chức âm nhạc “Đại Tư Nhạc” để đào tạo âm nhạc một cách bài bản cho con cháu quý tộc. Khi đó, người ta đã chú ý đến sức ảnh hưởng của âm nhạc đối với tình cảm và ý chí của con người. Trong “Chu Lễ – Xuân Quan – Đại Tư Nhạc”, có đề cập đến vũ điệu “Đại Vũ” nổi tiếng thời Tây Chu, thể hiện sự kiện lịch sử Chu Vũ Vương phạt Trụ. Theo ghi chép trong “Lễ Ký – Nhạc Ký”, “Đại Vũ” có quy mô rất lớn, được trình diễn trong thời kỳ Xuân Thu gồm có sáu phần, có ca hát và dàn nhạc đệm tấu. Nó có hình thức kết cấu hoàn chỉnh và có trình độ nghệ thuật khá cao.
Nhạc cụ thời Tây Chu có số lượng hàng chục loại, chỉ riêng trong bộ “Kinh Thi” đã xuất hiện 29 loại nhạc cụ. Không chỉ có các loại nhạc cụ gõ và nhạc cụ hơi, mà còn có nhạc cụ dây. Nhạc cụ thời bấy giờ có thể phân thành tám loại dựa trên chất liệu, bao gồm: Kim, Thạch, Thổ, Da, Dây, Gỗ, Bầu, Trúc. Sách sử gọi là “Bát Âm”. Ngoài ra, dàn nhạc hòa tấu cỡ lớn được gọi là “Chuông Trống Chi Nhạc” cũng ra đời vào thời Tây Chu, nhạc cụ chính của dàn nhạc này là chuông nhạc và trống lớn. Lúc này, chuông nhạc đã phát triển từ ba cái trước đây thành năm cái, thậm chí tám cái. Chuông đá được khai quật ở thôn Tề Gia, huyện Phù Phong, tỉnh Thiểm Tây, với tổng âm vực là ba quãng tám, và được sắp xếp theo thứ tự Vũ, Cung, Giác, Trưng, Vũ, Cung.
Nhà Chu còn xác lập lý luận về thập nhị luật và ngũ âm (Cung, Thương, Giác, Trưng, Vũ). Thời bấy giờ, người ta đã biết rằng âm Cung đóng vai trò chủ đạo trong ngũ âm hoặc thất âm. Việc thay đổi vị trí âm Cung được gọi là Toàn Cung, nhờ đó có thể đạt được hiệu quả chuyển gam.
Thời nhà Chu, âm nhạc gắn liền với đời sống, tuy nhiên những dòng nhạc xa xỉ vẫn không ngừng xuất hiện. Ví dụ, khi nước Tống suy tàn, họ sáng tác bài Thiên Chung; khi nước Tề suy tàn, họ lại sáng tác bài nhạc Đại Lữ; khi nước Sở suy tàn, họ lại sáng tác ra thứ âm nhạc ma quái. Những loại nhạc này đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa vốn có của nó.
Kể từ sau thời nhà Chu, âm nhạc truyền thống Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào hình thức bề mặt và kỹ xảo, nhưng lại không chú trọng nội hàm thực sự của âm nhạc giống như con người ở thời kỳ thượng cổ. Tuy nhiên, khi lịch sử phát triển đến thời nhà Đường, là thời kỳ tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo thịnh hành, sáng tác âm nhạc đã đạt đến một đỉnh cao mới.
Sự phóng khoáng cởi mở trong văn hóa nghệ thuật ở thời kỳ nhà Đường đã làm cho âm nhạc và vũ đạo từ các dân tộc thiểu số vùng biên giới và các nước láng giềng du nhập mạnh mẽ vào Trung Nguyên. Nhờ vậy, những thành tựu rực rỡ về ca vũ dưới thời nhà Đường đã đạt đến đỉnh cao chưa từng có. “Thanh Thương Nhạc”, “Quy Từ Nhạc” và “Tây Lương Nhạc” tạo thành trào lưu âm nhạc chính dưới thời Đường. “Thanh Thương Nhạc” hình thành từ thời kỳ Ngụy Tấn, là nhạc dân gian của người Hán ở Trung Nguyên, nó sử dụng các nhạc cụ truyền thống như cổ cầm, đàn sắt, đàn trúc, đàn tỳ bà, khèn, tiêu, sáo, đàn tranh, đàn hạc nằm, chuông nhạc, khánh, v.v.. Âm thanh tao nhã êm dịu, bởi vì đa số các vũ nữ đều biểu diễn trên sân khấu, nên tổng số người múa và hát tối đa là bốn người, kỹ thuật biểu diễn tinh xảo. “Tây Lương Nhạc” có nguồn gốc từ nhà nước Hậu Lương, thường kết hợp với các nhạc cụ của người Hán như chuông, khánh, sáo, đàn tranh, đàn hạc nằm, đàn hạc đứng của Tây Vực và đàn tỳ bà. Vậy nên, trong “Tùy thư – Âm nhạc chí hạ” gọi nó là “Âm nhạc thanh điệu khác biệt với sách sử”, là sự kết hợp giữa âm nhạc của người Hồ và người Hán. “Quy Từ Nhạc” đến từ vùng biên ải Tây Bắc xa xôi thời Tiền Tần, nó được liệt vào danh sách các loại nhạc cụ chính của Tây Lương như hichiriki, đàn tỳ bà năm dây, vỏ sò, chập cheng, phách, trống lớn, v.v.. Phần lớn do các nghệ sĩ của Lập Kỹ Bộ đứng biểu diễn trên sân khấu, số lượng các nghệ sĩ có thể từ 64 người cho đến 180 người, khí thế hùng tráng, vũ điệu dứt khoát mạnh mẽ, mang đến một phong cách nghệ thuật cởi mở và rung động lòng người.
Âm nhạc thời Đường được phân thành đại khúc và tiểu khúc. Đại khúc hoành tráng hùng vĩ, tiểu khúc nhẹ nhàng sống động. Trong đại khúc có một phần gọi là pháp khúc, có nguồn gốc từ tôn giáo, vì vậy thường được trộn lẫn với âm nhạc của Đạo giáo.
“Tần Vương phá trận nhạc” (còn gọi là thất đức) do Thái Tông sáng tác, thuộc thể loại múa võ. Lời bài hát do Lữ Tài, Lý Bách Dược, Ngu Thế Nam, Trữ Lượng và Ngụy Trưng sáng tác. Trong bữa tiệc có 120 người mặc giáp, cầm kích nhảy múa, vua tránh ngồi vào ngai vàng để mọi người trong yến tiệc đều vui vẻ. Nhạc khúc này “tiếng trống vang dội, xen lẫn với Quy Từ nhạc, âm thanh vọng xa trăm dặm, rung chuyển cả núi rừng”. “Khánh Thiện nhạc” (còn gọi là Cửu Công) cũng do Thái Tông sáng tác, thuộc thể loại văn vũ. Khúc này chỉ dùng nhạc Tây Lương, rất thanh nhã. Nhạc khúc gồm có 64 vũ công múa, mặc áo tím, tay áo rộng, vạt áo ngắn, đội búi tóc giả, đi ủng da. Vũ điệu nhẹ nhàng khoan thai, tượng trưng cho đạo đức nhân văn và thiên hạ thái bình.
“Nghê Thường Vũ Y” là nhạc khúc nổi tiếng nhất thời nhà Đường. Bạch Cư Dị có bài thơ viết: “Thiên ca bách vũ bất khả số, tựu trung tối ái vũ y vũ” (Tạm dịch: Trong hàng ngàn ca khúc trăm vũ điệu thì yêu nhất là vũ điệu Vũ Y). Tương truyền vào một đêm rằm trung thu năm Khai Nguyên (niên hiệu của Vua Đường Huyền Tông), đạo sĩ Diệp Pháp Thiện đã mời Huyền Tông cùng du ngoạn cung trăng, lắng nghe khúc nhạc tiên “Tử Vân khúc”. Huyền Tông thông hiểu âm luật, đã lén ghi nhớ lại, khi quay về ngài đã đích thân phổ nhạc và dạy cho các vũ nữ của Lê Viên Nhạc biểu diễn. Đó chính là nguồn gốc của nhạc khúc “Nghê Thường Vũ Y” tuyệt đẹp. Trong nhạc có nhiều tiếng đàn sáo, thanh nhã uyển chuyển; các vũ công mặc áo khổng tước xanh cùng với chiếc váy tươi sáng như cầu vồng, uyển chuyển như tiên nữ giáng trần, trông giống như cảnh tượng mọc cánh thành Tiên bay lên của Đạo gia.
Từ đó về sau, âm nhạc xuất hiện trong các triều đại có âm nhạc êm đềm, có âm nhạc phóng đãng, có lúc chính thống, có lúc dâm tà. Người hiền minh nhờ giúp phát triển âm nhạc chính thống mà hưng vượng, kẻ ngu si vì nó mà diệt vong.
ChanhKien.org