Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Chương 3: Phạm vi địa lý của Trung Quốc
Ban đầu người Trung Quốc không có khái niệm về phạm vi địa lý, mà chỉ có khái niệm về quần thể người. Mọi người theo bộ lạc mà di chuyển. Thuận theo sự phát triển của nông nghiệp, con người dần chuyển từ di cư không ngừng sang định cư. Bởi lẽ có một số địa khu nhất định bị hạn chế trong thời gian dài, từ đó dần dần hình thành quan niệm khu vực. Dấu hiệu chủ yếu nhất là sự hình thành của quốc gia. Quốc gia chân chính đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là vương triều nhà Hạ xuất hiện vào thế kỷ 21 trước công nguyên.
Căn cứ vào các tư liệu khảo cổ và văn hiến, khu vực trung tâm của triều Hạ nằm ở phía Tây tỉnh Hà Nam, bờ Bắc sông Hoàng Hà và phía Nam tỉnh Sơn Tây ngày nay. Lúc ấy ảnh hưởng của nhà Hạ từng vươn tới khu vực giữa sông Trường Giang và sông Hoài. Mặc dù nhà Hạ có phạm vi hoạt động tương đối cố định ở lưu vực sông Hoàng Hà, nhưng chưa có quản lý và phân biệt địa giới một cách thống nhất.
Tới thời Chiến Quốc, các nước khi đó đều cố gắng mở rộng lãnh thổ ra bên ngoài, xây dựng Trường Thành. Quan niệm “thiên hạ” mà người đời sau ưa dùng cũng hình thành từ thời kỳ này, đây cũng chính là cách gọi chung để chỉ lãnh thổ quốc gia của các nước trong thời Chiến Quốc. Các trước tác về địa lý Trung Quốc thời kỳ đầu có “Vũ Cống”, “Chức Phương” có ghi chép lại về “thiên hạ cương vực” như sau: “Mang mang vũ tích, hóa vi Cửu Châu”, có nghĩa là lấy thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc làm bản đồ sơ bộ. “Thiên hạ” chính là “Cửu Châu”, ý nghĩa của “Cửu Châu” chính là chỉ chín khu vực địa lý lớn trong thiên hạ.
Vào thời Tiên Tần, các nước chư hầu đều có một thành trì làm biểu tượng cho quốc gia. Thành mất thì nước mất, câu “Thành phá quốc vong” chính là có ý tứ này. Lúc ấy đô thành và nước chư hầu (đặc biệt là các nước nhỏ) đều có chung một tên. Sau này khi nhà Tần thống nhất các nước và thực hành chế độ quận, huyện, thì các đô thành này thường trở thành địa điểm xử lý việc công của quận, huyện đó.
Sự phát triển của lãnh thổ Trung Quốc cổ đại dưới thời các triều đại sau khi nhà Tần thống nhất đất nước
Năm 221 trước công nguyên, Tần vương đã chấm dứt cục diện cát cứ kéo dài suốt thời Chiến Quốc, thành lập nên chính quyền trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – nhà Tần. Kinh đô đặt tại Hàm Dương, nay là vùng phụ cận Tây An tỉnh Thiểm Tây. Tần vương tự xưng là Thủy Hoàng Đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên.
Lãnh thổ của nhà Tần phía Đông tới Tây Bắc bán đảo Liêu Đông, phía Tây tới phía Đông của tỉnh Cam Túc ngày nay, giáp với dải Tứ Xuyên – Vân Nam, phía Nam đến vùng Lĩnh Nam (ở Quảng Đông), phía Bắc tới cao nguyên Mông Cổ. Vì các chính sách tàn bạo của hoàng đế, triều Tần tồn tại chưa đến 20 năm thì diệt vong.
Sau đó Trung Quốc lại trải qua các triều Tây Hán, Đông Hán, Tam Quốc, Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Tây Hán, Đường và Thanh là ba triều đại thịnh thế. Vào các triều đại này, lãnh thổ của Trung Quốc được khuếch trương, mở rộng đến quy mô rất lớn, cuối cùng đặt định cho phạm vi lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc hôm nay.
Triều Tây Hán (năm 206 – 8 TCN) và triều Đông Hán (25 – 220) đều tập trung xây dựng quốc gia, chính trị, kinh tế và văn hóa tại khu vực trung hạ lưu của sông Hoàng Hà, dựa trên cơ sở lãnh thổ, bờ cõi thời nhà Tần (Tây Hán định đô ở Trường An, Đông Hán đặt tại Lạc Dương). Nhưng phạm vi lãnh thổ của mỗi triều lại có biến đổi và phát triển riêng. Sự mở rộng phạm vi lãnh thổ của nhà Tây Hán diễn ra chủ yếu dưới thời Hán Vũ Đế. Phía Đông Bắc mở rộng đến miền trung bán đảo Triều Tiên, Tây Bắc đến hành lang Hà Tây và khu Tây Vực, Tây Nam đến Vân Nam và khu vực Tứ Xuyên cùng với phía Bắc đảo Hải Nam. Con đường tơ lụa nổi tiếng chính là được khai thông vào thời kỳ này, ý nghĩa trọng yếu của nó là tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực Trung, Tây Á và châu Âu.
Tới thời Đông Hán, vì tộc Hung Nô ở phương Bắc xâm chiếm xuống phía Nam nên lãnh thổ quốc gia bị thu nhỏ lại. Phạm vi thế lực không bằng Tây Hán. Phạm vi quản hạt bị thu nhỏ chủ yếu vì thất bại không bảo vệ được quận Sóc Phương (nằm ở khu vực Nội Mông ngày nay).
Sau Đông Hán là các thời kỳ cát cứ diện rộng ở Trung Quốc như thời Tam Quốc (220 – 280), Lưỡng Tấn (265-420) và Nam Bắc Triều (420 – 581).
Lãnh thổ Trung Quốc vào thời Tam Quốc không khác biệt mấy so với thời Đông Hán. Ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều tiến hành việc mở rộng biên cương một cách nhất định.
Nhà Tây Tấn thống nhất dựa trên cơ sở chính quyền của ba nước Ngụy, Thục, Ngô, do đó lãnh thổ quốc gia về cơ bản gần giống với thời Lưỡng Hán và Tam Quốc. Thời Đông Tấn 16 nước và thời Nam Bắc Triều, các châu (đơn vị hành chính ngày xưa) được thiết lập càng ngày càng nhiều và phức tạp, rơi vào thời kỳ hỗn loạn.
Sau đó Dương Kiên thống nhất Trung Quốc, lập nên nhà Tùy (581- 618). Nhà Tùy chỉ tồn tại vỏn vẹn 38 năm. Vào thời cực thịnh của nó thì lãnh thổ cũng không thể so với thời Hán, mà chỉ có thể so sánh với nhà Tây Tấn. Mặc dù có được khu vực Hà Sáo và khu vực Đông Nam của cao nguyên Mông Cổ, nhưng lại mất đi Liêu Đông, miền Tây của Tây Vực và đại bộ phận cao nguyên Vân Quý.
Sau khi nhà Tùy ngắn ngủi diệt vong, Trung Quốc nghênh đón một triều đại huy hoàng kế tiếp sau nhà Tây Hán – chính là triều Đường (618 – 907). Đặc biệt là vào thời kỳ Trinh Quán trị vì những năm đầu nhà Đường, các phương diện về văn hóa, kinh tế, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán, giao thông, v.v… đều vượt rất xa các thời đại trong quá khứ. Lúc ấy trên thế giới không nước nào là không biết tới nhà Đường. Sau này “Đường” trở thành từ đồng nghĩa với Trung Quốc. Một mạch cho tới hôm nay, người nước ngoài vẫn gọi người Hoa là “Đường nhân”, gọi khu vực có nhiều người Hoa sinh sống là “Phố Đường nhân”, gọi trang phục người Hoa mặc là “Đường trang”.
Sự thịnh suy giữa thời Tiền Đường và Hậu Đường có mức độ tương phản rất lớn, lãnh thổ quốc gia khác biệt cũng thật rõ ràng. Lãnh thổ nhà Đường vào thời huy hoàng nhất không chỉ có được phạm vi lãnh thổ giống như Tần Hán (chỉ thiếu khu vực Tây Nam của tỉnh Vân Nam ngày nay), mà phía Đông Bắc còn tiến tới tận bờ Tây biển Nhật Bản, đảo Khố Trang (đảo Sakhalin) và Tây Nam bán đảo Triều Tiên. Phía Bắc tới hồ Baikal và vùng thượng du sông Diệp Ni Tắc (sông Yenisey). Phía Nam mở rộng đến miền Nam đảo Hải Nam. Về phía Tây, triều Đường còn thống nhất được Tây Vực, tăng cường sự thống trị với Tây Vực. Biên giới mở rộng ra tận Hàm Hải (biển Aral), phạm vi thế lực kéo dài tới Lý Hải (biển Caspian).
Sau năm 755 nhiều biến động, lãnh thổ nhà Đường suy giảm rất nhiều, đặc biệt là ở Đông Bắc và Tây Vực.
Vào những năm cuối nhà Đường xuất hiện tình trạng hỗn chiến quân phiệt kéo dài đến 54 năm, thời kỳ này được gọi Ngũ Đại Thập Quốc (907 – 960). Sau đó là sự xuất hiện của nhà Liêu (947 – 1075), nhà Tống (Bắc Tống 960 – 1127 và Nam Tống 1127 – 1279) và nhà Kim (1123 – 1223) cùng nhiều triều đại khác.
Lãnh thổ của nước Liêu chỉ giới hạn ở vùng Đông Bắc và bộ phận khu vực Hoa Bắc hiện nay. Lãnh thổ của nhà Bắc Tống so với lãnh thổ thời kì cuối của nhà Đường cũng có sự thay đổi. Biên giới phía Nam của Bắc Tống đã không còn miền Bắc của Việt Nam, Tây Bắc đến Hoành Sơn, Thiểm Tây, phía Đông đến Cam Túc, lưu vực sông Hoàng Thủy, Thanh Hải tiếp giáp với Tây Hạ, Thổ Phiên. Phía Bắc thì giằng co vùng Hà Bắc và miền trung của Sơn Tây với nước Liêu.
Nước Kim do dân tộc Nữ Chân thành lập và triều Nam Tống giằng co ở vùng Sông Hoài và Tần Lĩnh hơn trăm năm, họ chiếm cứ vùng Đông Bắc và cả khu vực Trung Nguyên rộng lớn. Triều Nam Tống khuất nhục chấp nhận địa vị phục tùng nhà Kim, đánh mất cả vùng Trung Nguyên rộng lớn. Vào các thời kỳ Liêu, Tống, Kim, ở Tây Nam tại cao nguyên Thanh Tạng có các nước như Thổ Phiên. Còn ở cao nguyên Vân Nam thì có chính quyền nước Đại Lý lấy khu vực Đại Lý làm trung tâm.
Tới thời nhà Nguyên (1206 – 1368), cùng với việc mở rộng đối ngoại, lãnh thổ quốc gia từng có thời điểm trải dài ra cả hai đại lục Á Âu: Đông Bắc đến biển Nhật Bản, Bắc tới khu vực Siberia tại vòng cực Bắc của nước Nga ngày nay, Tây Bắc tiếp giáp với Hãn quốc của Oa Khoát Thái (con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn), vốn là khu vực Tân Cương ngày nay, Hãn quốc của Sát Hợp Thai (con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn), cũng là Tân Cương ngày nay, Khâm Sát Hãn quốc (do cháu của Thành Cát Tư Hãn là Bạt Đô lập nên), nằm ở nước Nga ngày nay, và Y Lợi Hãn Quốc (do cháu của Thành Cát Tư Hãn là Húc Liệt Ngột lập nên), nằm tại Iran ngày nay. Tay Nam giáp với Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam. Đông Nam giáp biển.
Thời kỳ đầu nhà Minh (1368 – 1661), lãnh thổ quốc gia về cơ bản không sai khác mấy với lãnh thổ thời kỳ cuối nhà Nguyên. Đông Bắc tiếp giáp Triều Tiên lấy sông Áp Lục (Yalu) làm ranh giới. Ở phương Bắc cùng với các bộ lạc Mông Cổ có quan hệ phiên thuộc (chư hầu, lệ thuộc) ở mức độ khác nhau. Ở Tây Bắc tiếp giáp với phía Tây của thành phố Hami ngày nay và nước Diệc Lực Bả Lí (vốn là Hãn quốc của Sát Hợp Thai phát triển mà thành). Những năm về sau của nhà Minh, cương vực của các bộ lạc Mông Cổ ở phương Bắc có sự phát triển. Các bộ lạc này phân chia lãnh thổ với nhà Minh từ phía Tây của Trường Thành tại Gia Dục Quan tới phía Đông Trường Thành tại Sơn Hải Quan. Biên giới tại Đông Bắc lui về lưu vực sông Liêu Hà, Tây Bắc giáp với các vương quốc do các bộ lạc Mông Cổ thành lập. Ở Tây Nam, ranh giới phía Tây của Vân Nam cũng đã dịch chuyển về phía Đông. Vào những năm cuối của triều đại nhà Minh, đảo Macao và Đài Loan cũng bị người phương Tây xâm chiếm.
Tới thời kỳ cuối của nhà Minh, nước Hậu Kim do dân tộc Nữ Chân thành lập bắt đầu trở nên lớn mạnh, tới năm 1636 đổi quốc hiệu là Thanh. Nhà Thanh cuối cùng cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử đặt định ra lãnh thổ quốc gia Trung Quốc. Lãnh thổ quốc gia vào thời hoàng đế nổi tiếng nhất nhà Thanh là Khang Hy thống trị có phía Đông giáp biển, phía Tây tới núi Thông Lĩnh (núi Pamir), phía Nam tới vùng biển phía Nam của Trung Quốc, phía Bắc tới bên ngoài dãy Hưng An, Tây Bắc tới hồ Balkhash, Đông Bắc đến Khố Trang đảo. Tổng diện tích là 13 triệu km².
Lãnh thổ vào thời kỳ cuối triều Thanh và Trung Hoa Dân Quốc
Từ giữa thế kỷ 19 trở về sau, các quốc gia phương Tây bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc, chia nhau cát chiếm lãnh thổ Trung Quốc. Đây là thời kỳ quan trọng nhất trong vấn đề biên cương. Việc các quốc gia phương Tây xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc đại khái có thể chia làm bốn loại hình như sau:
Loại thứ nhất là các nước láng giềng chiếm đoạt lãnh thổ Trung Quốc. Nga và Nhật Bản là điển hình của loại này. Ở Đông Bắc, nước Nga thông qua việc ép buộc nhà Thanh ký kết Điều ước Trung Nga Aigun năm 1859 và Điều ước Trung Nga Bắc Kinh năm 1860 chiếm đoạt khu vực phía Bắc Hắc Long Giang và phía Đông Ô Tô Lý Giang (sông Ussuri). Ở Tây Bắc, nước Nga thông qua việc ký kết các hiệp ước bất bình đẳng như Ước ký điều chỉnh biên giới Tây Bắc Trung – Nga năm 1864 (Điều ước Chuguchak) và Điều ước Y lê năm 1881 (Điều ước Saint Petersburg) nhằm chiếm đoạt một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Đường Nỗ Ô Lương Hải (Tannu Uriankhai), Khoa Bố Đa đến hồ Balkhash và dãy núi Pamir. Nhật Bản một năm sau khi đánh bại Trung Quốc trong chiến tranh Giáp Ngọ (1894) đã buộc Trung Quốc phải ký kết Điều ước Mã Quan Trung – Nhật, chiếm tỉnh Đài Loan của Trung Quốc.
Loại thứ hai là các cường quốc châu Âu sáp nhập lãnh thổ Trung Quốc vào các thuộc địa mà họ thành lập ở các nước xung quanh Trung Quốc. Anh và Pháp là hai nước điển hình. Anh quốc đem không ít lãnh thổ Trung Quốc từ khu vực Mạt Mễ Nhĩ ở phía Bắc, qua Tây Tạng tới Vân Nam sáp nhập vào các thuộc địa vốn có của mình. Pháp quốc thì đem Điền Nam Ô Đắc, Mạnh Ô hai vùng đất này nhập vào thuộc địa của mình là vùng Giao Chỉ.
Loại thứ ba là các nước Tây phương cưỡng ép Trung Quốc cho thuê hoặc chiếm đoạt các khu vực duyên hải. Như Bồ Đào Nha ở Macao, Anh quốc ở Hồng Kông, Uy Hải, Đức ở Vịnh Giao Châu, Nga (và sau này Nhật Bản) ở Lữ Thuận Khẩu tại vịnh Đại Liên, Pháp ở vịnh Nghiễm Châu đều áp dụng thủ đoạn này.
Tới năm 1912 Trung Hoa Dân Quốc thành lập. Vào năm đầu Dân Quốc, tình hình biên cương Trung Quốc vẫn như cũ vô cùng ác liệt. Ở Ngoại Mông Cổ có Sa Hoàng nước Nga đạo diễn hai sự kiện “Độc lập” và “Tự trị”. Năm 1914, Đường Nỗ Ô Lương Hải bị Nga Sa Hoàng xuất binh cưỡng chiếm. Từ năm 1913 đến năm 1914, nước Anh lập kế bày ra Hội nghị Shimla hòng thôn tính Tây Tạng. Đại biểu của chính phủ Trung Quốc cự tuyệt không ký, không thừa nhận cái gọi là “Điều ước Shimla” của Anh Tạng.
Năm 1931, sự kiện “918” nổ ra, vùng Đông Bắc rơi vào tay Nhật Bản. Năm 1937, chiến tranh kháng Nhật bùng nổ toàn diện. Các vùng lãnh thổ ở Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoa Nam, Tây Nam, v.v… rơi vào tay Nhật Bản. Tới năm 1945, kháng chiến chấm dứt. Sau chiến tranh, Trung Quốc thu hồi lại được những đất đai đã mất ở đại lục, tỉnh Đài Loan vốn đã bị Nhật xâm chiếm trong 50 năm và một số đảo vốn bị Nhật Bản chiếm đóng trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai.
Lãnh thổ Trung Quốc hiện nay
Sau khi Trung Cộng xây dựng chính quyền, phạm vi lãnh thổ Trung Quốc như sau: phía Đông tới chỗ giao hội giữa Hắc Long Giang và Ô Tô Lý Giang, phía Tây đến cao nguyên Mạt Mễ Nhĩ, phía Nam tới vùng biển phía Nam của Trung Quốc, phía Bắc đến Mặc Hà (thành phố Mohe). Nhưng ở Đông Bắc và Tây Nam vẫn tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Đầu những năm 50, Trung Cộng và Liên Xô ký kết Điều ước đồng minh hỗ trợ hữu hảo Trung Xô và trao đổi văn kiện “Hiệp định bổ sung” về việc xác nhận và bảo chứng địa vị độc lập của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Thông qua điều ước hoặc văn kiện kể trên, khu vực Ngoại Mông Cổ chính thức độc lập, Trung Quốc đánh mất khu vực rộng lớn lên tới 1,54 triệu km² đất đai của Ngoại Mông. Ngoài ra, Trung Cộng còn chỉ định Tân Cương và Đông Bắc là “khu vực thuộc địa và phạm vi thế lực của Nga Xô Viết”. Đối với những khu vực lãnh thổ còn tranh chấp, những kẻ đứng đầu Trung Cộng vì lợi ích riêng của của bản thân đã đem bán đứng vào cuối thế kỷ 20.
Tới năm 1997 và năm 1999, Trung Quốc tiếp quản lại Hồng Kông và Macao. Nhưng ngày 9 và ngày 10 tháng 12 năm 1999 là hai ngày khiến người dân Trung Quốc cảm thấy bị sỉ nhục. Trong hai ngày này, lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân và tổng thống Nga Boris Yeltsin khi ấy đang ở thăm Trung Quốc, đã ký kết “Nghị định tự thuật về hai đoạn biên giới Đông Tây Trung Nga giữa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính phủ Liên bang Nga” (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư”).
Trong Nghị định thư này, Trung Quốc đánh mất hơn 1 triệu km² lãnh thổ, bao gồm khu “Ngoại Hưng” rộng hơn 600.000 km² về khu vực phía Nam bên ngoài dãy Hưng An và phía Bắc của Hắc Long Giang, khu “Ô Đông” rộng 400.000 km² chính là khu vực phía Đông của Ô Tô Lý Giang, khu vực Đường Nỗ Ô Lương Hải rộng 170.000 km² và Khố Hiệt Đảo rộng 76.400 km². Các vùng lãnh thổ kể trên có diện tích bằng ba tỉnh Đông Bắc cộng lại. Hơn nữa khu vực cửa biển ở Đồ Môn Giang cũng giao lại cho Nga, khiến đường đi từ Đông Bắc Trung Quốc ra biển Nhật Bản bị phong kín.
Ngoài ra, Giang Trạch Dân đại biểu cho Trung Cộng còn cùng với Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan ký kết Hiệp định hoạch định biên giới Trung – Tajikistan, Hiệp định hoạch định biên giới Trung – Kazakhstan, v.v… Cơ bản đã buông bỏ tất cả các khu vực lãnh thổ đang có tranh chấp. Ví dụ, Giang và tổng thống Tajikistan đã ký ước, đem khu vực đang có tranh chấp rộng 27.000 km² gần Mạt Mễ Nhĩ bán đứng cho Tajikistan, mà Trung Quốc chỉ được có 1000 km².
Về tranh chấp lãnh thổ ở phía Nam, Trung Cộng cũng thực hiện chính sách khuất phục tương tự. Ví dụ, cuối tháng 11 năm 1996, Giang Trạch Dân viếng thăm Ấn Độ và ký kết “Hiệp định biện pháp kiến lập tín nhiệm khu vực quân sự dọc đường kiểm soát thực tế ở khu vực biên giới Trung – Ấn”, lấy đường kiểm soát thực tế hiện tại giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ làm cơ bản để phân giới tuyến. Việc này tương đương với việc thừa nhận đường McMahon phi pháp, vứt bỏ đi khu vực chân núi phía Nam phì nhiêu của dãy Himalaya có diện tích 90.000 km².
Từ diễn biến lịch sử phát triển lãnh thổ Trung Quốc, chúng ta có thể nhận được khải thị nào đây?
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/37818
ChanhKien.org