Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Chương 4: 24 tiết khí của Trung Quốc
Lịch pháp (cách làm lịch) của Trung Quốc cổ đại và công lịch (dương lịch) đang được sử dụng ở Trung Quốc hiện đại là không giống nhau. Kể từ năm 1911, Trung Quốc bắt đầu sử dụng công lịch, cho nên gọi lịch pháp trước đây là nông lịch.
Hiện nay, người ta thường chia một năm làm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng, vào 3000 năm trước ở Trung Quốc, người bấy giờ cũng đã chia một năm thành bốn mùa như vậy, lại còn xác định được cả ngày Đông chí và Hạ chí. Sau đó, người ta lại phát hiện ra một năm có hai ngày mà thời gian ngày và đêm dài bằng nhau, bèn đặt tên cho hai ngày này là ngày Xuân phân và Thu phân.
Hơn 2000 năm trước vào thời Chiến Quốc, người ta lại xác định được ngày bắt đầu của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nên đặt tên cho những ngày này là: lập xuân, lập hạ, lập thu và lập đông. Từ đó, người Trung Quốc đã có tám tiết khí là lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, đông chí, hạ chí, xuân phân và thu phân. Nó phản ánh nhận thức của người Trung Quốc cổ đại về các hiện tượng tự nhiên như khí hậu.
Vào thời Tây Hán 2000 năm trước, người Trung Quốc lại đem tám tiết khí này phát triển thành 24 tiết khí, càng tiến thêm một bước phản ánh được sự biến hóa của thời tiết. Mọi người căn cứ vào những biến hóa này của thời tiết mà thu xếp các hoạt động nông nghiệp.
Ở nông thôn Trung Quốc ngày nay, người dẫn vẫn thích căn cứ vào 24 tiết khí này để sắp xếp cuộc sống và lao động của mình.
Chương 5: Rồng Trung Quốc
Trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, rồng là một trong bốn loại thú cát tường trong truyền thuyết. Trong “Lễ ký – Lễ Vận Thiên” có viết: “Long Lân Quy Phụng, vị chi tứ linh”. Trong truyền thuyết, lân là vua của các loài thú, phụng (phượng) là vua của các loài chim, quy (rùa) là vua của các loài giáp xác có vỏ hoặc mai ở dưới nước, long (rồng) là vua của các loài có vẩy. Sự xuất hiện của chúng đều là điềm báo tốt lành và may mắn. Ví như trong hồi thứ 80 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có viết: “Kỳ lân giáng sinh, phượng hoàng lai nghi, hoàng long xuất hiện”, chính là dùng để nói về điềm báo trước của thịnh thế. Long, Phượng và Kỳ Lân ở đây đều là loài động vật cực kỳ có linh tính trong truyền thuyết.
Nghe nói, rồng có đầu giống lạc đà, sừng hươu, tai trâu, thân rắn, có vẩy, móng của chim ưng và đuôi rùa. Nó có thể bay ở trên trời, lại có thể bơi dưới đáy biển.
Sự sùng bái rồng ở Trung Quốc có lịch sử hơn 5.000 năm. Trong các thời kỳ quân chủ, rồng là tượng trưng cho hoàng quyền, đế vương tự xưng là “Chân long thiên tử”. Triều Tây Hán được thành lập hơn 2000 năm trước là một trong những thời kỳ cường thịnh nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Hoàng đế lúc đó tự nhận mình là hóa thân của rồng, còn con cháu của mình là con rồng cháu rồng. Đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng, đồ đi lại của hoàng đế toàn bộ đều có họa tiết hình rồng, những người khác không thể dùng các họa tiết hình rồng này. Hoàng đế các vương triều sau này đều tiếp tục sử dụng cách làm này.
Hiện tại ở rất nhiều địa phương tại Trung Quốc nơi các hoàng đế từng sinh sống, người ta đều có thể nhìn thấy các di tích về văn hóa rồng. Ví như trong Cố Cung, tại các bậc thang, trên cửa chính, trên các bức tranh trong phòng, trên đèn, ở những nơi như ghế ngồi của hoàng đế, đều có thể nhìn thấy đủ các kiểu hình rồng khác nhau.
Hàn Phi Tử từng nói, rồng và đế vương là giống nhau, đều có “Nghịch lân” (hay vảy ngược) không thể chạm vào, nếu không long nhan đại nộ, sẽ bị tru di cửu tộc. Cho nên nhà thơ Lý Bạch mới có câu thơ: “Hữu sách bất cảm phạm long lân, thoán thân nam quốc tị hồ trần” (ý rằng có mưu lược cũng không dám phạm vảy rồng mà dâng lời can gián, ta chạy về phía Nam lánh chiến loạn). Hôm nay, rồng hạ xuống thần đàn (đàn tế lễ của Thần), mỗi con dân Hoa Hạ, vô luận là đang ở phương nào, đều xưng mình là “truyền nhân của rồng”.
Theo lịch sử ghi lại, rồng Trung Quốc có gia tộc rất lớn, có hoàng long, thanh long, xích long, bạch long, ô long, kim long, ứng long là rồng ngàn năm, chúc long là rồng không chân, cù long là rồng có sừng, li long là rồng không sừng, v.v…Chúng có loài tốt loài xấu, loài thiện loài ác. Rồng phương Đông đại đa số có hình tượng chính diện, là hộ pháp bên cạnh Phật tổ, là thân vàng kim cuốn quanh cột trụ trên đại điện trong hoàng cung, là một trong rất nhiều thiên tượng hoành tráng vĩ đại trong lịch sử, từng hiển hiện tại nhân gian cùng với hạc và phượng. Trong quyển thứ 28 “Phong Thiền Thư” của “Sử ký” có viết: “Hoàng đế thừa long thượng thiên, quần thần vô pháp cân tùy, chích năng bão trứ lạp đoạn đích long nhiêm khốc khấp”. Có nghĩa là hoàng đế theo rồng lên trời, quần thần không thể đi theo, chỉ có thể ôm kéo đoạn râu rồng mà khóc. Lấy hoàng long tượng trưng cho hoàng đế, cổ nhân Trung Quốc lấy rồng làm tôn chủ. Nhưng trong truyền thuyết cũng không thiếu những ghi chép về đồ long, đấu long, như Nữ Oa giết hắc long, Đại Vũ giết xuẩn long, cha con Lý Băng hàng phục nghiệt long, Chu Xử trừ giao long, v.v. Ví như Na Tra náo hải, ngộ sát tam thái tử của Long Vương. Long Vương giận giữ, nhất định muốn lấy mạng Na Tra. Lý Tĩnh quỳ xuống khẩn cầu Long Vương từ bi. Nhưng Long Vương không tha, khiến cho nước ngập cả nhà, Lý Tĩnh chỉ có thể trơ mắt nhìn con mình tự vẫn.
Tuy rằng rồng là tượng trưng của hoàng quyền, nhưng tại dân gian Trung Quốc, rồng cũng được người dân xem là tượng trưng cho cát tường phú quý. Ý nghĩa tượng trưng này được thể hiện trong các phong tục và các phương diện cuộc sống hàng ngày của người dân. Ví như, trong dịp năm mới, rất nhiều địa phương có biểu diễn múa rồng. Mấy người hoặc mười mấy người điều khiển một khung hình rồng lớn, múa theo điệu nhạc, trông vô cùng đẹp mắt. Mọi người nhân sự kiện này mà biểu đạt nguyện vọng tốt đẹp của mình. Còn có các phong tục như treo đèn rồng và đua thuyền rồng ở phía Nam.
Tết đến, có nhà theo tập tục truyền thống dán tranh vẽ môn Thần trước cửa nhà. Việc này cũng có quan hệ với rồng. Trong truyện “Tây Du Ký” có miêu tả lại tỉ mỉ việc này. Kính Hà Long Vương vì đánh cược cùng với một vị thầy bói, nên vi phạm giới luật của trời, tội này phải trảm. Ngọc Đế bổ nhiệm Ngụy Trưng làm quan giám sát việc trảm long. Kính Hà Long Vương vì muốn giữ mạng nên cầu cứu Đường Thái Tông. Đường Thái Tông nhận lời, đến đúng lúc trảm long, bèn tuyên triệu Ngụy Trưng tới đánh cờ cùng mình. Nhưng không ngờ Ngụy Trưng đang đánh cờ thì ngủ gục, hồn liền thăng thiên, chém đầu Long Vương.
Long Vương oán giận Thái Tông nói mà không giữ lời, ngày đêm ở ngoài cung kêu khóc đòi mạng. Thái Tông báo cho quần thần biết việc này. Đại tướng Tần Thúc Bảo thưa: “Nguyện cùng Uất Trì Kính Đức mặc quân phục đứng ngoài cửa đón tiếp”. Thái Tông bằng lòng. Đêm hôm đó quả nhiên vô sự. Thái Tông không đành lòng để hai vị tướng của mình phải cực nhọc, liền ra lệnh cho những người thợ khéo tay lấy màu vẽ chân dung hai vị tướng, dán lên trên cửa. Người đời sau liền bắt chước theo. Thế là, hai vị đại tướng liền trở thành Thần trấn thủ môn Thần của thiên gia vạn hộ. Hiện nay tại Triều Sán trên hai cánh cửa lớn một số căn nhà kiểu cũ, chúng ta có thể thấy Thần Trà, Thần Uất Lũy hoặc hai viên chiến tướng oai vệ hùng dũng. Hình tượng của họ có vẻ giống nhau, nhưng nếu cẩn thận quan sát, thì trong đó có một vị cầm cương tiên (roi thép), một vị cầm kiếm sắt. Vị cầm cương tiên là Uất Trì Kính Đức, vị cầm kiếm là Tần Quỳnh.
Ngoài ra, người Trung Quốc khi kết hôn thường sẽ nói “Long Phượng cát tường”. “Long” là chỉ tân lang (chú rể), “Phượng” chỉ tân nương (cô dâu). Khi bé trai mới chào đời, người ta cũng thích dùng chữ “Long” để đặt tên cho cháu.
Hiện nay, hình tượng rồng được sử dụng rộng khắp ở các loại lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật, văn học, hội họa, điêu khắc, phục sức, nhằm biểu đạt nguyện vọng tốt đẹp của mọi người.
Như vậy rồng có tồn tại thật hay không? Nếu quả thực rồng là do con người không có căn cứ tưởng tượng mà ra, thì vì lẽ gì ở trong lịch sử của rất nhiều quốc gia, trong các niên đại triều đại khác nhau, mà đặc biệt là trong thời trung cổ, lại có rất nhiều ghi chép về rồng như vậy. Thậm chí từ “Long” này cũng được sử dụng hàng ngày, được phiên dịch thành đủ loại ngôn ngữ như thế?
Mà người Trung Quốc xác thực trong lịch sử đã nhìn thấy rồng, hơn nữa còn có ghi chép tỉ mỉ, có hẳn là rồng đã biến mất hay không? Hay chúng đang sống ở một nơi bí ẩn nào đó?
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/37819
ChanhKien.org