Ảnh minh hoạ Pompeii trước khi xảy ra thảm họa núi lửa năm 79 sau Công nguyên: Pixabay
Vào ngày 24 tháng 8 năm 79 sau Công nguyên, núi lửa Vesuvius đã phun trào dung nham, bắn lượng tro bụi lớn lên cao tới 32 km. Khi rơi xuống, nó đã chôn vùi hầu như toàn bộ hai thành phố cổ là Pompeii và Herculaneum.
Theo hầu hết các tài liệu: Cả hai thành phố đều bị xóa sổ, người dân ở đó bị chôn vùi trong đống tro tàn và rơi vào quên lãng theo thời gian.
Nhưng nghiên cứu gần đây đã chú ý đến những người sống sót sau thảm họa núi lửa này và cuộc sống của họ. Một số phát hiện của nghiên cứu được giới thiệu trong một tập của bộ phim tài liệu mới của PBS, “Pompeii: The New Dig.” (tạm dịch: Pompeii: Những phát hiện mới).
Tìm thấy bằng chứng về khoảng 200 người sống sót
Pompeii và Herculaneum là hai thành phố giàu có trên bờ biển nước Ý, ngay phía nam thành phố Naples. Pompeii là một cộng đồng khoảng 30.000 người với nền công nghiệp thịnh vượng và mạng lưới tài chính và chính trị tiên tiến. Herculaneum, với dân số khoảng 5.000 người, có một đội tàu đánh cá đang hoạt động và một số xưởng sản xuất đá cẩm thạch. Cả hai nền kinh tế đều tạo ra các biệt thự của những người La Mã giàu có ở vùng nông thôn xung quanh.
Trong văn hóa đại chúng, vụ phun trào núi lửa này thường được mô tả như một sự kiện tận thế không có người sống sót: Trong các tập phim truyền hình “Doctor Who” và “Loki”, mọi người ở Pompeii và Herculaneum đều chết.
Nhưng bằng chứng cho thấy có người có thể đã trốn thoát từ thảm hoạ đó.
Giáo sư Steven L. Tuck của Đại học Miami (Mỹ) đã tạo ra một phương pháp để xác định xem có thể tìm thấy những người sống sót hay không.
Ông đã lựa chọn những dòng họ đặc trưng của vùng Pompeii hoặc Herculaneum – chẳng hạn như Numerius Popidius và Aulus Umbricius – và tìm kiếm những người thuộc dòng họ này đã sống ở các cộng đồng xung quanh trong thời kỳ sau vụ phun trào. Ông cũng tìm kiếm bằng chứng bổ sung, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng ở các cộng đồng lân cận phù hợp với người di cư.
Sau tám năm nghiên cứu cơ sở dữ liệu của hàng chục nghìn chữ khắc La Mã trên tường và bia mộ ở các vùng này, ông đã tìm thấy bằng chứng về hơn 200 người sống sót, con cháu của họ hiện đang sinh sống ở 12 thành phố. Các đô thị này chủ yếu nằm trong khu vực chung của Pompeii. Nhưng họ có xu hướng ở phía bắc núi Vesuvius, bên ngoài khu vực bị tàn phá nặng nề nhất.
Có vẻ như hầu hết những người sống sót đều đã tập trung cùng với nhau ở quanh khu vực Pompeii và dựa vào cơ sở hạ tầng còn lại từ các thành phố cũ để tái định cư.
Một số người sống sót đã đạt được sự thịnh vượng trong cuộc sống
Một số gia đình sống sót dường như đã phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống mới của họ.
Gia đình Caltilius tái định cư ở Ostia – lúc đó là thành phố cảng lớn ở phía bắc Pompeii, cách Rome 45 km. Họ đã rất thành công trong việc buôn bán ngũ cốc và họ đã xây dựng một quần thể lăng mộ hoành tráng của gia đình, được trang trí bằng những dòng chữ và chân dung lớn của các thành viên trong gia đình.
Ở đó, họ cũng đã dựng một ngôi đền thờ vị thần Serapis của Ai Cập. Tượng Thần Serapis đội một giỏ ngũ cốc trên đầu để tượng trưng cho sự hào phóng của vị Thần ban cho con người ngũ cốc trên trái đất.
Các thành viên của gia đình Caltilius kết hôn với một gia đình sống sót khác, Munatiuses. Cùng nhau, họ đã tạo dựng nên một đại gia đình giàu có và thành đạt.
Thành phố cảng bận rộn thứ hai ở Ý thời La Mã, Puteoli – ngày nay được gọi là Pozzuoli – cũng chào đón những người sống sót từ thảm họa Pompeii. Gia đình Aulus Umbricius, một người buôn garum, một loại nước mắm lên men nổi tiếng, đã định cư ở đó. Sau khi vực dậy công việc kinh doanh garum của gia đình, Aulus và vợ đặt tên cho đứa con đầu lòng của họ là Puteolanus, hay “Puteolanean”, đây chính là tên của thành phố đã cưu mang họ khi họ thoát khỏi vụ núi lửa phun trào kia.
Những người khác đã phải vượt qua thời điểm khó khăn
Không phải tất cả những người sống sót sau vụ phun trào đều giàu có hoặc đạt được thành công trong cộng đồng mới của họ. Một số đã gặp tình cảnh éo le ngay từ đầu. Họ dường như đã đánh mất vận may của gia đình họ, có lẽ từ chính vụ phun trào.
Fabia Secundina từ Pompeii – được đặt theo tên của ông nội cô, một thương gia buôn rượu giàu có – cũng đã đến Puteoli. Ở đó, cô kết hôn với một đấu sĩ, người qua đời ở tuổi 25, khiến cô rơi vào tình trạng khó khăn tài chính.
Ba gia đình rất nghèo khác từ Pompeii – gia đình Avianii, Atilii và Masuri – sống sót và định cư trong một cộng đồng nhỏ, nghèo hơn tên là Nuceria, nằm gần Nocera ngày nay và cách Pompeii khoảng 16,1 km về phía đông.
Theo một tấm bia mộ còn sót lại, gia đình Masuri đã nhận một cậu bé tên là Avianius Felicio làm con nuôi. Đáng chú ý, có khả năng Felicio là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong thảm họa núi lửa.
Ví dụ nhỏ này minh họa mô hình lớn hơn về lòng hào phóng của những người sống sót – ngay cả những người nghèo khó – đối với những người sống sót khác và cộng đồng mới của họ.
Những người sống sót được đối xử như thế nào?
Trong khi những người sống sót tái định cư và xây dựng cuộc sống trong cộng đồng mới của họ, chính phủ cũng đóng một vai trò nào đó.
Các hoàng đế ở Rome đã đầu tư rất nhiều vào khu vực, xây dựng lại những cơ sở hạ tầng bị hư hại mới cho những người dân phải di dời, bao gồm đường sá, hệ thống nước, nhà hát và đền thờ.
Mô hình phục hồi sau thảm họa này có thể là bài học cho ngày hôm nay. Chi phí tài trợ cho việc phục hồi dường như chưa bao giờ bị thiếu. Những người sống sót không bị cô lập trong các trại tập trung, họ cũng không bị buộc phải sống vô gia cư trong các thành phố.
Không có bằng chứng nào cho thấy họ gặp phải sự phân biệt đối xử trong cộng đồng mới của mình. Thay vào đó, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy cộng đồng đã chào đón những người sống sót.
Nhiều người trong số họ đã mở doanh nghiệp riêng và giữ các chức vụ trong chính quyền địa phương. Và chính phủ đã phản ứng bằng cách đảm bảo rằng các nhóm dân cư mới và cộng đồng của họ có đủ nguồn lực và cơ sở hạ tầng để xây dựng lại cuộc sống của họ.
Theo The Conversation
NTD Việt Nam