Khi hai người nào đó đang giận nhau, chúng ta rất dễ nhận ra. Khuôn mặt họ đỏ bừng và những tiếng la hét chói tai sẽ vang lên. Điều gì thôi thúc con người hành động như vậy khi giận dữ? Chắc chắn bạn sẽ yêu thích lời lý giải thâm thúy nhưng cũng rất thú vị của nhà hiền triết trong câu chuyện dưới đây.
Một hôm, có một vị hiền triết dẫn theo một nhóm đệ tử đến sông Hằng tắm rửa và cầu nguyện. Khi đến bên bờ sông, họ nhìn thấy một gia đình đang quát tháo nhau ầm ĩ vang cả một góc trời. Ông nhìn họ một lát, rồi mỉm cười quay lại hỏi những đệ tử của mình “Vì sao người ta thường la hét khi nổi giận?”
Các đệ tử suy nghĩ một lúc, một người nói “Chúng ta la hét vì mất bình tĩnh”.
“Nhưng vì sao phải la hét khi người khác đứng ngay gần con? Con hoàn toàn có thể nói với anh ta với một phong thái nhẹ nhàng cơ mà?”Vị hiền triết hỏi.
Các đệ tử đưa ra vài câu trả lời khác nhau nhưng không có câu nào trong đó đủ sức thuyết phục.
Sau khi nghe tất cả các đệ tử bày tỏ quan điểm của mình, vị hiền triết mới hiền hòa giải thích: “Khi hai người đang bực tức nhau, đó là khi tấm lòng của họ đang ở cách nhau rất xa. Họ buộc phải hét lên để vượt qua khoảng cách đó và có thể nghe được nhau nói gì.
Điều gì sẽ xảy ra đối với hai người đang yêu? Họ không la hét hay quát tháo mà trò chuyện rất nhẹ nhàng. Khi đó tâm hồn họ ở rất gần nhau, giữa họ không tồn tại khoảng cách, hoặc nếu có thì rất nhỏ… Điều gì sẽ xảy ra khi họ yêu nhau hơn nữa? Họ không cần nói, chỉ thì thầm, thủ thỉ nhưng tình cảm của họ ngày càng trở nên sâu đậm.
Cuối cùng, thậm chí họ không cầm thì thầm, họ chỉ nhìn nhau và hiểu tất cả. Nghĩa là càng yêu nhau nhiều, con người ta càng trở nên gần gũi và thấu hiểu.”
Vị hiền triết nhìn các đệ tử một lượt với ánh trìu mến rồi trầm ngâm:“Khi các con tranh cãi cùng với sự tức giận là các con đang đẩy nhau ra xa. Vì thế đừng bao giờ nói những lời làm người khác tổn thương. Đến lúc, khi khoảng cách trở nên quá lớn, các con sẽ không thể tìm thấy đường về…”
Một câu chuyện tuy nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Trong cuộc sống, khi chúng ta cảm thấy khó chịu hay tức giận một ai đó là khi chúng ta không hài lòng và đang phán xét họ. Nếu chúng ta dùng tấm lòng khoan dung của mình để thấu hiểu và cảm thông người khác, thì sự việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mâu thuẫn, xung đột hay tranh cãi sẽ không xảy ra mà chỉ còn lại niềm vui và sự yên bình. Hơn nữa, độ lượng, tha thứ cho người khác chính là tô đẹp tâm hồn của chính mình vì chẳng ai cảm thấy thoải mái và dễ chịu nếu cứ hận thù và nghĩ tới lỗi lầm của người khác.
Xuân Dung biên dịch / Theo DKN