Nhiều người thường nghĩ ngay đến việc dùng nước khi có đám cháy, nhưng đó không phải lúc nào cũng là quyết định khôn ngoan. Khi nào không nên dùng nước để dập lửa? (Ảnh: Pexels/RDNE Stock project)
Đúng nước có thể dập lửa. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong một số trường hợp, nước có thể làm lửa cháy mạnh hơn.
Nước là một chất dập lửa hấp thụ nhiệt và không bốc cháy. Khi được phun vào đám cháy, nó hấp thụ nhiệt do nhiên liệu cháy tỏa ra và biến thành hơi nước, thứ ngăn nhiên liệu và oxy tiếp tục tương tác. Đây chính là cách mà lính cứu hỏa sử dụng nước. Họ dùng vòi phun chuyên dụng phun nước thành những giọt nhỏ vào đám cháy. Điều này sẽ giúp nước nhanh chuyển đổi thành hơi và dập tắt đám cháy nhanh hơn.
Tuy nhiên, nước không phải lúc nào cũng là kẻ thù của lửa. Trong một số trường hợp, nó thậm chí có thể làm lửa cháy mạnh hơn. Bạn không bao giờ nên sử dụng nước để dập tắt đám cháy nếu nguồn gây cháy là một trong những thứ nào sau đây:
Xăng dầu, khí đốt, dầu mỡ và thiết bị điện
Nước bay hơi khi tiếp xúc với dầu nóng trong chảo, nhưng nó lại mang theo những giọt dầu nhỏ li ti có thể cháy ngay lập tức. Trong trường hợp này, bạn phải sử dụng bình chữa cháy an toàn cho nhà bếp. Nếu không có bình chữa cháy, bạn hãy làm ướt một chiếc khăn, vắt kiệt nước và đắp lên chảo.
Gas hoặc xăng
Không bao giờ sử dụng nước trong trường hợp này, vì nó có thể gây ra vụ nổ. Bạn hãy sơ tán ra khỏi khu vực cháy và gọi ngay cho sở cứu hỏa càng sớm càng tốt.
Chập điện, sự cố lắp đặt điện hoặc thiết bị điện bắt đầu cháy
Bởi vì nước dẫn điện, bạn có nguy cơ bị điện giật nếu dòng điện vẫn bật. Do đó, trong trường hợp hỏa hoạn do điện, hãy nhanh chóng tắt nguồn điện, dập tắt đám cháy bằng bình chữa cháy chuyên dụng (như bình chữa cháy hóa chất khô), sơ tán khỏi tòa nhà và thông báo cho sở cứu hỏa.
Cháy hóa chất
Đây là những tình huống cháy ít gặp trong các hộ gia đình. Những đám cháy này thường bắt nguồn từ các kim loại dễ cháy, bao gồm magiê, titan, kali và natri, và chỉ có thể được dập tắt bằng bình chữa cháy.
Phân loại đám cháy
Hỏa hoạn được chia thành năm loại dựa trên các vật liệu cháy. Một đám cháy đòi hỏi nhiệt, oxy và nhiên liệu. Để dập lửa thành công, chúng ta cần loại bỏ một trong những yếu tố này.
Có năm loại đám cháy chính, mỗi loại có một vật liệu dễ cháy đặc trưng và đòi hỏi một chiến lược riêng để dập tắt. Sử dụng kỹ thuật không chính xác để dập lửa có thể có rủi ro và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
- Đám cháy loại A liên quan đến các vật liệu rắn như gỗ, quần áo, giấy và nhựa.
- Đám cháy loại B liên quan đến chất lỏng dễ cháy thay vì chất rắn.
- Đám cháy loại C liên quan đến điện và có thể được bắt đầu trong hệ thống dây điện cũ, dây bị sờn hoặc các thiết bị hỏng.
- Đám cháy loại D rất hiếm gặp và xảy ra khi kim loại bốc cháy.
- Đám cháy loại K liên quan đến chất lỏng và dầu mỡ nấu ăn. Đôi khi đám cháy loại này có thể được gộp với loại B.
Nước không dập tắt đám cháy loại B. Nó thậm chí có thể giúp lan truyền chất lỏng dễ cháy, làm cho hỏa hoạn trở nên tồi tệ hơn. Để cắt nguồn cung cấp oxy của đám cháy loại này, bạn cần sử dụng bột, bọt hoặc bình chữa cháy carbon dioxide.
Theo Sciencetimes
NTD Việt Nam