Ngày xưa có một người tên là Vương Liệt, ông là người hiểu biết, rộng lượng, thấu hiểu lòng người.
Thời đó trong nước có một người trộm trâu bị người chủ trâu bắt được. Người trộm trâu nói: “Tôi trước đây mê muội không biết nên sống như thế nào, từ nay về sau tôi xin hối cải làm lại cuộc đời. Ông đã tha tội, dung thứ cho tôi thì xin đừng để cho Vương Liệt biết”. Sau đó, Vương Liệt biết được chuyện này, tỏ ý muốn tặng cho người trộm trâu này một ít vải vóc, thưởng cho anh ta vì có thiện tâm biết xấu hổ mà hối cải, để khích lệ anh ta.
Vài năm sau, có một ông lão đi đường gánh một gánh nấm rất nặng, có người đã giúp ông gánh đi hơn chục dặm đường. Ông lão muốn mời anh ta về nhà, nhưng anh ta đặt gánh nấm xuống liền rời đi luôn, hỏi tên anh ta không nói.
Ông lão tiếp tục đi, trên đường đi lại bị rơi mất thanh kiếm. Có người nhặt được thanh kiếm, vốn định để kiếm ở ven đường rồi đi, nhưng lo rằng người phía sau sẽ nhặt mất, liền cầm kiếm đứng ở bên đường đợi đến tận tối. Ông lão quay lại tìm bảo kiếm bị mất, phát hiện ra người nhặt được kiếm đợi ở ven đường để trả lại kiếm cho mình chính là người hảo tâm đã gánh nấm giúp mình lúc trước. Ông lão kéo áo vị ân nhân nói: “Lúc trước anh đã gánh nấm giúp tôi, tôi còn chưa biết tên anh. Bây giờ anh lại ở đây trông giữ kiếm và trả lại cho tôi. Không có ai nhân nghĩa được như anh. Xin cho tôi biết danh tính của anh, tôi cần phải nói cho Vương Liệt biết”. Anh ta liền cho ông lão biết tên rồi rời đi. Ông lão nói cho Vương Liệt, Vương Liệt nói: “Ta chưa bao giờ thấy người nhân nghĩa như vậy trên đời”. Ông cho người đi điều tra, hóa ra là người trộm trâu ngày trước.
Chính nhờ Vương Liệt đã tặng vải vóc cho người trộm trâu, khích lệ anh ta hối cải hướng thiện, nên người trộm trâu mới trở thành người lương thiện, nhân nghĩa, giúp người gánh nặng, nhặt được bảo kiếm trả lại người mất. Cảm hóa đạo tặc trở thành người tốt, chỉ có thời xưa mới có chuyện như vậy.
Giả như người trộm trâu sống trong xã hội Trung Quốc ngày nay thì cuộc đời đã kết thúc rồi, không phải bị phê bình đấu tố thì cũng bị đưa đi cải tạo lao động, ở trong thùng thuốc nhuộm lớn này thì chỉ có càng cải tạo càng hỏng, ra khỏi tù cũng không có đường sống trong xã hội, chỉ có thể tiếp tục ăn trộm mà sống, lại thêm cảnh sát đòi cống nạp thì không muốn ăn trộm cũng phải ăn trộm, suốt đời chìm ngập trong xã hội “ăn thịt người” này.
Tài liệu tham khảo: “Thái Bình ngự lãm, quyển 9, bộ Bách thú, Thập nhị Ngưu hạ” do Lý Phưởng đời nhà Tống biên soạn.
Theo chanhkien.org