Cổ ngữ có giảng: “Nhĩ bất nhân, ngã bất năng bất nghĩa” (Người bất nhân, ta không thể bất nghĩa). Học được quên đi, đối xử thiện với hết thảy các sinh mệnh, buông bỏ tâm oán hận là căn nguyên để thiện giải lòng người. Người không oán không hận là người đạt đến cảnh giới từ bi.
Trong xã hội từ xưa đến nay, người gặp oán hận mà không buông bỏ được thì rất khó để làm được việc lớn và sống vui vẻ. Còn người thản nhiên khi bị người khác làm nhục có thể phân làm hai kiểu: Một kiểu là người có ý chí tinh thần sa sút, sống tạm bợ, chỉ biết hưởng an nhàn bản thân. Còn kiểu kia là người có chí hướng cao xa, co được giãn được, nhẫn chịu được gánh nặng, có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Đây là những người biết nhìn xa trông rộng.
Thời xưa, người ta thường gọi những người này là “hào kiệt chi sĩ”, hay “kẻ sĩ hào kiệt”, bậc đại trí,… Những người này tất có khí tiết hơn người thường, không chỉ nhẫn được điều khó nhẫn mà còn tha thứ được cho cả điều người thường khó tha thứ. Người bình thường thấy nhục liền ôm hận trả thù hay “tuốt kiếm tương đấu”. Người xưa cho rằng, đây không phải là cái “dũng” của kẻ sĩ.
Khổng Tử: Đời người cần học được chữ “thứ”
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Tạm dịch: Đạo của ta chỉ một gốc mà xuyên suốt). Tăng Tử cũng viết: “Phu tử chi đạo trung thứ nhi dĩ hĩ” (Tạm dịch: Đạo của Khổng Tử dạy trung và thứ).
Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình, đồng thời có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác. Điều đó không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình có thể nâng cao lên mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Nhân thiện ngã, ngã diệc thiện chi, nhân bất thiện ngã, ngã diệc thiện chi.” (Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người.)
Tha thứ là từ bi, là cách hóa giải ác duyên
Xưa kia, có một vị hòa thượng đi đến một gia đình giàu có hóa duyên vào lúc trời đang mưa tầm tã. Vị hòa thượng cũng xin được ngủ lại nhà vị phú hộ này một đêm. Nhưng chủ nhà lại một mực không cho hòa thượng vào ngủ nhờ. Vì vậy, hòa thượng đành nằm ngủ ngoài hiên cổng, nhẫn chịu đói và chịu lạnh.
Sáng sớm ngày hôm sau, người quản gia của gia đình đó ra mở cổng, nhìn thấy hòa thượng đã toàn thân ướt hết, đang run lên vì lạnh. Vị hòa thượng hỏi tên họ của người chủ nhà rồi vội vã rời đi.
Nhiều năm sau, vị hòa thượng ấy trở thành sư trụ trì trong ngôi chùa lớn. Người vợ của vị phú hộ kia muốn đến chùa bái lễ. Vừa tiến đến cổng chùa, bà nhìn thấy rõ tên chồng mình được khắc trên tấm bảng treo trên một cây cột đặt nơi ra vào. Người vợ của phú hộ kia thấy vô cùng kỳ lạ, bèn tiến đến hỏi một vị hòa thượng nguyên do.
Hòa thượng nói: “Bởi vì chủ nhà này từng không chịu bố thí tăng nhân, nên sư trụ trì chùa chúng tôi mới ghi lại tên của ông ấy.”
Người vợ phú hộ kia giận dữ nói: “Sao sư trụ trì của chùa các ông lại có lòng dạ nhỏ mọn, hẹp hòi như vậy?”
Vị hòa thượng nói: “Cũng không phải như thí chủ nghĩ! Sư trụ trì chùa chúng tôi cho rằng, gia chủ không bố thí tăng nhân, nhất định là còn có ác duyên chưa dứt bỏ từ tiền kiếp. Vì vậy, sư trụ trì mới ghi lại tên của gia chủ vào tấm bảng kia. Mỗi ngày, khi tụng kinh niệm Phật, ngài đều cầu nguyện cho gia đình họ bình an, may mắn, nhằm hóa giải ác duyên kia.”
Sau khi nghe xong những lời này, người vợ phú hộ vô cùng cảm động trong lòng, lập tức trở về nhà kể lại cho chồng bà nghe hết thảy mọi chuyện.
Vị phú hộ sau khi nghe xong, trong lòng vô cùng hối hận, liền tự mình đến chùa dâng hương, đáp tạ sư trụ trì. Cũng từ đó, gia đình phú hộ tình nguyện cung cấp lương thực, nuôi dưỡng toàn bộ tăng nhân và tu sửa chùa.
Câu chuyện ngắn cho chúng ta thấy rằng, thiện có thể hóa giải oán duyên. Oan oan tương báo đến khi nào mới thôi? Chi bằng hãy dùng tâm từ bi, mở rộng tấm lòng khoan dung mà thiện giải.
Tha thứ là buông bỏ, là cách khiến tâm mở rộng hơn
Ở một lớp học nọ, để làm một điều tra đơn giản thầy giáo đã hỏi các sinh viên của ông: “Các em! Nếu có người làm tổn thương các em, các em sẽ tha thứ hay là quên đi?”
Sinh viên đầu tiên được hỏi trả lời rõ ràng rằng: “Thưa thầy! Em có thể tha thứ nhưng không thể quên đi!” Phần lớn các sinh viên trong lớp đều có chung câu trả lời như vậy.
Thầy giáo trầm giọng nói: “Kỳ thực, không thể quên đi chính là không thể buông bỏ được tâm oán hận!”
Con người ta sở dĩ thất vọng là bởi vì người ta có truy cầu, ham muốn, thất vọng càng lớn thì tức là truy cầu càng nhiều. Một khi bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, thất vọng mà người khác không thông cảm, thậm chí còn vô tình vô nghĩa đến làm tổn thương thì thật rất khó quên.
Nhưng chính vì sự “không thể quên” ấy đã khiến con người rơi vào buồn bực, chán nản và sinh ra oán hận. Người ta nói rằng, trước khi đầu thai sang kiếp khác, các linh hồn đều phải uống canh Mạnh Bà, xóa bỏ trí nhớ về những gì ở kiếp trước, phải chăng cũng là bởi nguyên nhân này!
Mọi người thường xuyên nói rằng phải học được cách quên đi. Nguyên lai là bởi vì hoàn toàn “quên đi” mới là cách để buông bỏ tâm oán hận. Sinh mệnh quá ngắn ngủi, để oán hận mất đi, tựa như chưa từng xảy ra thì trong lòng mới thoải mái, rộng rãi.
Sống trên đời, phải nên làm một người có thể bao dung người khác, tha thứ được những lỗi lầm của người khác. Những thương tổn đến từ bên ngoài giống như những tảng đá ngầm bên bờ biển, bất quá chỉ làm cho những bọt sóng thêm trắng xóa xinh đẹp, biển rộng không than thở mà dung nạp hết thảy.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta, những giá trị “nhân, nghĩa” này dường như đã bị quên đi, có người chỉ biết đến tiền tài vật chất, thậm chí có người còn bất nhân bất nghĩa, không đạt được những danh lợi ấy thì mang tâm oán hận. Như vậy, cái được chẳng bù nổi cái mất vì cho dù là thời nào đi nữa thì một người có tấm lòng rộng mở, đại nhân đại nghĩa thì luôn thắng được lòng người.
Bên Phật gia dạy rằng, con người có nợ thì phải hoàn trả. Trong dòng lịch sử dài này, trong vòng luân hồi chuyển kiếp này, rất có thể vì chúng ta đã từng làm tổn thương người khác cho nên giờ đây người khác mới làm tổn thương lại mình. Cho nên, hãy coi như đây là cách hoàn trả cho họ đi!
Cổ nhân có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi” (Tạm dịch: Ngồi yên tĩnh thường suy xét lỗi mình, trò chuyện đừng nhắc lỗi người). Đây là cảnh giới chỉ có thể buông bỏ được oán hận trong lòng thì mới làm được.
An Hòa (dịch và t/h/Trithuc.vn)