Thời Mạt Hán loạn thế, quần hùng lớp lớp xuất hiện, Gia Cát Lượng hội đủ các tố chất trung, hiếu, nghĩa, mưu, có thể nói ông được công nhận là biểu tượng của trí tuệ và mưu lược. Từ khi trai trẻ, Gia Cát Lượng đã ôm hoài bão dọc ngang trời đất, an bang định quốc, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, hùng tài đại lược, ngồi trong trướng mà định quyết thắng ngoài ngàn dặm.
Gia Cát Lượng (181~234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, người Dương Đô, quận Lang Gia, từng ẩn cư ở Nam Dương. Khi Lưu Bị ‘tam cố mao lư’ (ba lần đến lều cỏ), Gia Cát Lượng đề xuất sách lược ‘Long Trung đối’ chia ba thiên hạ, sau đó xuất sơn trợ giúp Lưu Bị chiếm Kinh Châu, Ích Châu, cuối cùng đặt định cục diện chân vạc của thời Tam Quốc. Lưu Bị phó thác con trai cho Gia Cát Lượng sau khi chết, ông điều hành chính sự, tận tâm phụng sự, đến chết mới thôi.
Tại thời kỳ lịch sử đầy sóng gió của thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã để lại rất nhiều câu chuyện về trí tuệ cùng mưu lược, Long Trung đối, nỏ Liên Châu, trâu gỗ ngựa gỗ, cho đến Bát Quái trận đồ, đều hết sức thần kỳ vi diệu, dù ngàn năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn được hậu thế tìm về ngưỡng mộ.
Chưa xuất sơn đã biết thiên hạ chia ba
Khi ấy, ẩn sĩ Tư Mã Huy tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, Lưu Bị liền ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng phò tá để thành tựu đại nghiệp. Gia Cát Lượng phân tích thế cục chính trị đương thời, hình thế quân sự, nói rõ đối sách nào cần lựa chọn. Đây chính là sách lược được thiên cổ truyền tụng: “Long Trung đối”.
Gia Cát Lượng phân tích, Tào Tháo đã nắm trong tay bách vạn đại quân, hiệp thiên tử lệnh chư hầu, không thể giao tranh trực diện. Tôn Quyền có thể kết minh, nhưng không thể cùng mưu sự nghiệp; còn nói rõ Kinh Châu, Ích Châu là hai châu có quân chủ nhu nhược, chỉ có hai châu này là có thể chiếm đoạt. Ông còn giảng giải sách lược đánh chiếm Trung Nguyên.
Gia Cát Lượng còn bảo tiểu đồng mang ra một bức địa hình đồ, nói với Lưu Bị: “Đây là bản đồ địa hình của 54 châu Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành bá nghiệp, thì bắc nhường Tào Tháo – kẻ chiếm thiên thời, nam nhượng Tôn Quyền – kẻ chiếm địa lợi, bản thân tướng quân có thể chiếm nhân hòa. Trước tiên lấy Kinh Châu làm nhà, sau đoạt Tây Xuyên dựng cơ nghiệp, thành lập thế chân vạc, sau đó có thể mưu đồ thống trị Trung Nguyên.”
Lưu Bị vội vàng rời chỗ vòng tay cung kính đáp: “Lời dạy của tiên sinh, làm tôi như mở nút thắt trong lòng, vén mây thấy mặt trời, nhưng Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu đều là tông thất nhà Hán, tôi sao có thể nhẫn tâm chiếm đoạt địa bàn của họ?”
Gia Cát Lượng cười nhẹ nói: “Tôi nửa đêm nhìn thiên tượng, thấy rõ Lưu Biểu sẽ sớm qua đời; còn Lưu Chương không phải là kẻ kiến công lập nghiệp, Ích Châu sau này nhất định thuộc về tướng quân.”
Từ cuộc gặp gỡ này mà Lưu Bị đã triển khai chiến lược đại di chuyển, lấy Kinh Châu, định Ích Châu, liên minh Tôn Quyền, cự Tào Tháo, từ đó hình thành lên thế cục chân vạc Tam Quốc.
Kế sách ‘Long Trung đối’ đã thể hiện ra trí tuệ siêu xuất của Gia Cát Lượng, tuy chưa xuất sơn, nhưng ông đã biết được thế cục cùng phương hướng của lịch sử, thậm chí biết rõ tính khí thói quen của những nhân vật cách ở cách xa ngàn dặm như lòng bàn tay, đúng như lời Lão Tử: “Bất xuất hộ, tri thiên hạ” (không ra khỏi nhà mà biết chuyện thiên hạ).
Trâu gỗ ngựa gỗ
Trong tác chiến với quân Tào Ngụy, cần vận chuyển một lượng lớn quân lương từ Tứ Xuyên lên Hán Trung phía bắc, nhưng cần đi qua dãy Tần Lĩnh hiểm trở, xe kéo dùng súc vật thông thường không thể đi qua, thế là ông thiết kế ‘Mộc ngưu lưu mã’ (trâu gỗ ngựa gỗ) để vận chuyển quân lương, giải quyết được vấn đề này.
Thời nam bắc triều, Bùi Tùng Chi (372~451) ghi chú trong “Gia Cát Lượng truyện” có dẫn dùng cụm từ ‘Mộc ngưu lưu mã’, chứng tỏ rằng ‘Trâu gỗ’ và ‘Ngựa gỗ’ là hai công cụ vận chuyển.
Ghi chép còn ghi rõ về cấu tạo ngoại hình của chúng, kích thước lớn nhỏ, chính xác đến từng li. Mộc ngưu lưu mã không phải là hình dạng của chúng giống như trâu, ngựa, mà là chỉ công dụng của chúng giống như trâu ngựa vận chuyển thồ hàng. Kết cấu của trâu gỗ còn có chỗ giống với con trâu. Nhưng lưu mã thì có ‘hình tượng như voi’, đại để ‘han trường tứ, kinh diện tứ thốn tam phân’ (‘han’ là miếng da khô treo phía trước ngựa gỗ dài bốn tấc, dọc bốn thốn ba phân).
Trâu gỗ ‘Đặc hành giả sổ thập lý, quần hành giả nhị thập lý dã’ (đi một mình vài chục dặm, cả đoàn đi hai chục dặm), mỗi đầu mang được một năm lương thảo. Mỗi ngựa gỗ có hai túi vuông, mỗi túi chứa được hai hộc ba đấu, tải trọng mang được bằng khoảng ¼ trâu gỗ. Ngựa gỗ mang tải ít hơn nhưng tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều so với trâu gỗ.
Nỏ liên nỗ của Gia Cát
“Thục ký” có viết: ‘Mộc ngưu chi kỳ, tắc phi ban mô, thần nỗ chi công, nhất hà vi diệu!’ (Chỗ kỳ diệu của trâu gỗ, không thể phỏng theo mà chế tạo ra được, công dụng của nỏ thần, sao mà vi diệu!)
“Ngụy Thị Xuân Thu” có viết: ‘Tổn ích liên nỗ, vị chi nguyên nhung, dĩ thiết vi thỉ, thỉ trường bát thốn, nhất nỗ thập thỉ cụ phát.’(Công dụng của nỏ liên nỗ, đứng đầu trong các khí giới, mũi tên bằng sắt, dài tám thốn, bắn một phát mười tên cùng lúc.)
Gia Cát Lượng chế tác ra một loại nỏ bắn liên hoàn, gọi là nỏ Nguyên Nhung (vũ khí đứng đầu trong các loại khí giới), một lần bắn ra mười mũi tên, mũi tên chỉ dài tám tấc, uy lực cực mạnh, nhưng kích thước, trọng lượng rất lớn, một người không thể sử dụng, chủ yếu dùng để phòng thủ thành trì và doanh trại. Bộ phận quân đội được trang bị nỏ liên châu này có hỏa lực mạnh gấp nhiều lần cung nỏ thông thường, dễ dàng phá tan thế trận của đối phương. Đồng thời bắn ra nhiều mũi tên nên xác suất trúng đích cao hơn, cũng không có yêu cầu cao về kỹ thuật của người sử dụng.
Lưu Hoằng là Trấn Nam Tướng Quân thời Tây Tấn, là người đầu tiên về thăm chốn cũ của Gia Cát tiên sinh. Ông từng tận mắt xem qua công hiệu của nỏ Liên Nỗ. Lưu Hoằng là một đại tướng quân, rất am hiểu binh khí. Từ thời Chiến Quốc đến nhà Tấn, các loại cung nỏ bắn liền hai, ba mũi tên đã được dùng rộng rãi trong vài trăm năm, Lưu Hoằng cũng đã quen nhìn. Nhưng khi xem nỏ Liên Nỗ của Gia Cát Lượng thì ông thấy được mở rộng tầm mắt, gọi đây là ‘Nỏ Thần’, cho thấy loại nỏ này khác biệt với các loại cung nỏ trước đây.
Trong bộ “Ngọc Hải” thời nhà Tống quyển 150 “Đường Tĩnh Trại Nỗ” từng đề cập: Thời Đường, vùng dân tộc phía Tây Nam vẫn sử dụng một loại nỏ, người bản địa gọi là ‘Tồi sơn nỗ’ (nỏ phá núi), người ta nói rằng đó là nỏ của thời Gia Cát Lượng khi xưa.
Vũ khí của Gia Cát Lượng khi ấy, khiến người ngày nay khó mà tin được, người châu Âu mãi đến thế kỷ thứ 10 mới chế tạo được vũ khí bắn tên đơn giản, khi sử dụng cần tốn nhiều thời gian chuẩn bị, từ đó có thể thấy trí tuệ của Gia Cát Lượng thông mẫn nhường nào.
Không thành kế
Tư Mã Ý dẫn 15 vạn đại quân truy sát, bên thân Gia Cát Lượng chỉ còn chưa đầy hai nghìn lão nhược tàn binh, binh gia viết: “Hư nhi thị chi dĩ thực.” (Hư mà biểu hiện ra như thực), hai nghìn người có thể tạo ra thanh thế của cả vạn hùng binh, nhưng Gia Cát Lượng lại vứt bỏ chiêu hư trương thanh thế này. Ông khoác lên áo lông hạc, đầu đội khăn lụa, tay cầm đàn cùng hai thư đồng bước lên lầu thành, châm hương tỏa ngát, du nhàn ung dung tấu lên khúc nhạc.
Sử gia hình dung Tư Mã Ý: “binh động nhược Thần, mưu vô tái kế” (dùng binh như Thần, kế mưu không lặp lại), là nhân tài cực kỳ kiệt xuất. Tư Mã Ý đích thân tới chân thành quan sát, sau đó hạ lệnh lui quân, ông nói: “Gia Cát Lượng cả đời cẩn thận, không thể mạo hiểm. Nay cửa thành mở rộng, bên trong tất đặt mai phục, nếu ta đưa quân vào bị trúng kế ngay.”
Thế nhưng con trai thứ hai của ông là Tư Mã Chiêu lại hoài nghi: “Phải chăng do Gia Cát Lượng không còn binh lực, nên mới cố ý bày ra trò này?”
Đến Tư Mã Chiêu mà còn nghi ngờ vậy, sao vị tướng ‘dụng binh như Thần’ Tư Mã Ý lại không nghĩ đến đó là mưu kế của Gia Cát Lượng đây? Nhưng đối mặt với một thành mở toang trống rỗng, Tư Mã Ý lại không nhìn ra mưu lược, mà lại nhìn vào tính cẩn thận của Gia Cát tiên sinh.
Trí mưu hữu hình, cẩn thận vô hình, hữu hình dễ thấy, vô hình khó biết. bốn từ bình đạm ‘Nhất sinh cẩn thận’ (cả đời cẩn thận) lại chính là chỗ mà hai đại cao thủ phải so đo tranh chấp.
Gia Cát Lượng hiểu rất rõ Tư Mã Ý, còn biết rằng Tư Mã Ý cũng hiểu thấu lòng mình. Gia Cát Lượng nắm được điểm địa lợi này mà thành công thực thi kỳ mưu tâm lý chiến. Đây không phải là nơi chiến trường khói lửa, mà là trận đấu trí vô hình.
Khi Gia Cát Lượng ung dung buông tiếng đàn khoan nhặt, thì Tư Mã Ý khẳng định ông đã đặt mai phục kỳ mưu, nên chọn cách lui quân. Gia Cát Lượng lên thành lầu gảy đàn cầm, chính là dùng tiếng đàn để chặt đứt mọi ý định thăm dò quân sự của 15 vạn quân Tư Mã Ý.
Cổ ngữ có câu: “Tần sơn băng ư tiền nhi bất cải kỳ sắc” (Núi Tần sụp trước mắt, mặt không biến sắc), đấy chính là chỗ ung dung trấn định của một sinh mệnh chân chính, là một loại tu dưỡng đích thực. Gia Cát Lượng lấy một ngôi thành không mà đối mặt Tư Mã Ý, thứ để dựa vào đó chính là tâm thái ‘Núi Tần sụp trước mắt, mặt không biến sắc’ của một bậc tu hành, ông hiểu mình đã buông bỏ sinh tử, thắng bại, cho nên ngồi trên thành không trước đại địch trùng trùng, tiếng đàn của ông vẫn ung dung bình hòa tròn trịa. Sau khi ông mất rồi, Tư Mã Ý khi nhìn thấy thành lũy xưa của Gia Cát Lượng vẫn thốt lời khen: “Thiên hạ kỳ tài”.
Tác giả: Trịnh Hiếu Kỳ – Epochtimes / Thái Bình biên dịch / NTD Việt Nam