Nhiều người khăng khăng rằng nên cấm trẻ nói chuyện với người lạ, chỉ tiếp xúc với những người thân như ông bà, ba mẹ, anh chị, còn lại thì phải tránh xa ra. Điều này là sai lầm lớn vì sẽ khiến trẻ đồng nhất người lạ là người xấu và cũng tước đi của trẻ cơ hội giao tiếp với những người chưa quen biết, hạn chế sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Những tin tức về trẻ đi lạc và bị bắt cóc xuất hiện trên mặt báo và các trang mạng luôn khiến nhiều bậc cha mẹ Việt Nam lo lắng. Nhiều người đối phó bằng cách… hạn chế cho con đi ra ngoài. Khi con phải ra ngoài, cha mẹ hoặc sẽ bế ẵm con dù con đã lớn hoặc nắm chặt tay con không rời.
Những cách đối phó này thực ra không hiệu quả, vì với trẻ từ ba tuổi trở lên, việc bị ẵm bế hoặc nắm tay đều khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ hãy dạy con các kỹ năng xử lý tình huống khi đi lạc hoặc cách ứng xử với người lạ.
Trong cuốn sách “Dưỡng trí não con tinh” (Saigonbooks phát hành), tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền (tiến sĩ giáo dục học, ĐH East Anglia – Anh Quốc; gần 13 năm công tác với vị trí giảng viên khoa Tâm lý – giáo dục và khoa Khoa học giáo dục ĐHSP TP.HCM), cho biết:
Cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng an toàn và tự bảo vệ bản thân càng sớm càng tốt. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà cha mẹ chọn mức độ phức tạp của thông tin và cách xử lý phù hợp. Và đã gọi là kỹ năng thì ta không thể chỉ dạy trẻ bằng lời mà cần cho trẻ tập đi tập lại kỹ năng đó.
Chị có những chia sẻ cụ thể cùng như đưa ra những lời khuyên cụ thể cho từng độ tuổi:
“Tôi có hai đứa cháu nhỏ. Từ tuổi lên ba, hai cháu đều được dạy học thuộc lòng những thông tin quan trọng như tên của mẹ, tên ông, bà, số điện thoại của mẹ,… Mỗi lần dắt hai cháu đi siêu thị, khi tới cửa, tôi thường chỉ các chú bảo vệ mặc áo xanh và hỏi các cháu: “Các chú kia là ai? Các chú giúp mình được việc gì?”. Khi gặp các nhân viên thu ngân, nhân viên xếp hàng hóa lên kệ, tôi cũng dạy các cháu về việc họ là ai, công việc của họ là gì, họ có thể giúp mình việc gì,…
Khi đang mua sắm trong siêu thị, tôi hỏi cháu: “Nếu con không thấy dì ở đâu thì con làm sao?”. Những câu hỏi và câu trả lời theo chủ đề này sẽ lần lượt được nhắc đi nhắc lại một cách vui vẻ, thoải mái mỗi lần chúng tôi đi cùng nhau đến nơi đông người.
Nhận diện đồng phục của các nhân viên ở những nơi công cộng là điều trẻ nên biết để có thể yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết. Ngoài ra, phụ huynh cũng rất cần dạy trẻ về đồng phục của công an. Những dấu hiệu ban đầu này sẽ giúp trẻ tích lũy dần hiểu biết về những người đáng tin cậy hơn trong số các người lạ.
Vậy phụ huynh nên dạy trẻ như thế nào về sự an toàn để trẻ tránh bị đi lạc hoặc bị kẻ xấu làm hại? Nhiều người khăng khăng rằng nên cấm trẻ nói chuyện với người lạ, chỉ tiếp xúc với những người thân như ông bà, ba mẹ, anh chị, còn lại thì phải tránh xa ra.
Điều này là sai lầm lớn vì sẽ khiến trẻ đồng nhất người lạ là người xấu và cũng tước đi của trẻ cơ hội giao tiếp với những người chưa quen biết, hạn chế sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Chưa kể, khi bị đi lạc, nếu trẻ ghi nhớ lời dạy “tuyệt đối không nói chuyện với người lạ” thì thật nguy hại vì ngoài khóc lóc ra, trẻ sẽ không cung cấp thông tin cho bất cứ ai để được họ trợ giúp tốt hơn.
Nhiều cha mẹ lại luôn nói với trẻ về chuyện bị người lạ bắt cóc, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi mỗi khi đi ra ngoài, và khi đi lạc thì hoảng loạn đến mức quên mất những thông tin cơ bản về bản thân và gia đình.
Có rất nhiều cách dạy trẻ về cách xử lý tình huống khi bị đi lạc. Tùy theo độ tuổi của trẻ mà cha mẹ có thể chọn và hướng dẫn trẻ những cách sau:
- Với trẻ từ hai tuổi trở lên: Dạy trẻ nhớ tên thật của mình, tên của ba mẹ. Khi đi ra ngoài, cha mẹ nên viết tên của mình và số điện thoại vào phía trong đôi giày và hướng dẫn trẻ khi không thấy ba mẹ thì gọi to tên ba mẹ và câu: “Gọi mẹ, gọi ba”, rồi chỉ tay xuống giày.
- Với trẻ từ ba tuổi trở lên: Dạy trẻ nhớ tên thật của mình, tên của ba mẹ, dạy trẻ thuộc thêm số điện thoại ba mẹ để khi trẻ đi lạc, có ai hỏi: “Con đang tìm ba mẹ à? Ba mẹ con tên gì? Con có nhớ số điện thoại của ba mẹ không?” thì trẻ có thể cung cấp chính xác các thông tin này.
Dạy con không bao giờ đi theo người lạ khi chưa có sự cho phép của ba mẹ. Ngay cả khi lạc mất ba mẹ, ngoài việc gọi to tên ba mẹ, cung cấp các thông tin như đã nêu trên cho người khác thì trẻ không nên làm gì khác ngoài việc đứng yên. Trẻ đứng yên để ba mẹ quay lại tìm, đứng yên để người khác gọi ba mẹ tới. Hãy dạy trẻ rằng, nếu có ai bảo: “Cô/chú dắt con đi tìm ba/mẹ nhé!”, thì trẻ tuyệt đối không được đi theo.
- Với trẻ từ bốn tuổi trở lên: Dạy trẻ khi bị lạc hãy biết tìm kiếm sự giúp đỡ nếu không ai để ý và hỏi mình. Nếu ở gần chỗ trẻ đứng có các nhân viên mặc đồng phục như trẻ đã được dạy thì hãy gọi họ. Nếu không thấy có nhân viên nào thì khi thấy cô chú nào đang dắt em nhỏ đi ngang qua hãy gọi họ ngay.
Vì sao như vậy? Vì những người đi với trẻ con thường đáng tin hơn những đối tượng khác. Sau khi họ dừng lại, trẻ hãy nói rành mạch: “Con tên là… Ba con tên là… Mẹ con tên là… Số điện thoại của ba/mẹ là… Con nhờ cô gọi ba/mẹ đến đón con”.
Mỗi khi đưa trẻ đi ra ngoài, cha mẹ hãy dạy trẻ những điều trên, liên tục nhắc đi nhắc lại để trẻ ghi nhớ. Thỉnh thoảng, cha mẹ có thể luyện tập cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống đi lạc bằng cách đóng kịch giả định ở nhà, điều này sẽ giúp trẻ phản ứng nhanh hơn khi bị đi lạc thật”.
Lan Hòa sưu tầm
Xem thêm
Vạn Điều Hay