Robot của Tesla đã gây lo ngại cho công nhân về rủi ro của robot tự động trong nhà máy. Ảnh: Tesla
Các nhân chứng kể lại robot tại nhà máy Tesla đã dùng móng vuốt kim loại tấn công vào lưng và cánh tay của một kỹ sư tại nơi làm việc.
Theo báo New York Post hôm 26/12, một kỹ sư phần mềm của Tesla đã bị thương sau khi bị robot tấn công tại nhà máy Giga Texas ở thành phố Austin, bang Texas (Mỹ).
Vụ tấn công xảy ra vào 2 năm trước, nhưng mới được các nhân chứng tiết lộ gần đây. Kỹ sư này lúc đó đang lập trình phần mềm điều khiển các robot sản xuất.
Trang tin The Information dẫn lời kể của các nhân chứng cho biết, tháng trước, trong lúc 2 robot (làm nhiệm vụ cắt các bộ phận ô tô từ nhôm mới đúc) bị vô hiệu hóa để kỹ sư có thể làm việc với máy móc, thì robot thứ 3 (làm nhiệm vụ nhận lấy và di chuyển các bộ phận ô tô) đã tấn công kỹ sư này.
Hai nhân chứng kể lại robot thứ 3 đã ghìm chặt kỹ sư vào một bề mặt, dùng móng vuốt kim loại của nó tấn công vào cơ thể nạn nhân, khiến lưng và cánh tay của anh ta bị chảy máu.
Sau khi một nhân viên khác “nhấn nút dừng khẩn cấp”, người kỹ sư đã cố gắng thoát khỏi tay của robot, rơi xuống một chiếc máng dùng để thu gom nhôm phế liệu.
Trang tin này cho biết họ đã tiếp cận báo cáo thương tích được gửi lên giới chức liên bang cũng như cơ quan y tế ở quận Travis của Texas.
Theo The Information, tay trái của kỹ sư đã bị một “vết rách, vết cắt hoặc vết thương hở”. Vết thương dường như không nghiêm trọng đến mức buộc người này phải nghỉ làm.
Người kỹ sư bị thương may mắn thoát chết nhưng vụ việc này dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn của công nhân trước sự hiện diện của robot tự động.
Hiện tại hãng xe điện Tesla của tỉ phú Mỹ Elon Musk chưa lên tiếng về thông tin trên.
Rủi ro của robot tự động tại nơi làm việc
Cuộc tấn công liên quan đến robot Tesla đã dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của robot tự động tại nơi làm việc và sự cần thiết phải có các quy định chặt chẽ hơn để giữ an toàn cho con người.
Mặc dù đây là trường hợp robot tấn công công nhân đầu tiên được báo cáo tại nhà máy Giga Texas của Tesla nhưng nó vẫn làm dấy lên lo ngại về rủi ro của robot tự động tại nơi làm việc. Một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) cho thấy từ năm 1984-2013, có 33 trường hợp tử vong liên quan đến robot ở Mỹ. Những sự cố này liên quan đến việc công nhân bị đè, đánh hoặc bị kẹp giữa các máy móc.
Hơn nữa, một báo cáo của Viện An toàn và Sức khỏe Lao động Quốc gia (NIOSH) cho biết robot có thể gây thương tích nghiêm trọng như cắt cụt chi, gãy xương và vết rách. Chúng làm được vậy vì có tốc độ và lực cao, khả năng hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy trình đào tạo và an toàn phù hợp để ngăn chặn những sự cố như vậy xảy ra.
Video về robot tại Tesla:
Trong một vụ việc khác, gần đây, Tesla thu hồi hơn 2 triệu xe điện tại Mỹ để lắp đặt thêm các biện pháp bảo vệ mới trong hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến Autopilot.
Đây là vụ thu hồi xe lớn nhất từ trước đến nay của Tesla, bao gồm gần như tất cả các model đang hoạt động trên đường phố. Hồ sơ thu hồi của Tesla cho biết hệ thống phần mềm điều khiển Autopilot “có thể không đủ mạnh để ngăn chặn việc tài xế lạm dụng” và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.
Xem thêm:
NTD Việt Nam