Logo Tiếng nói Hy vọng. (Được cung cấp bởi “Tiếng nói Hy vọng”)
Khi nói đến việc phát sóng sóng ngắn tới Trung Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến các đài phát thanh quốc gia như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Châu Á Tự do (RFA), BBC và RFI. Quả thực không có gì sai, để thực hiện một dự án lớn như phát sóng tới Trung Quốc, và có thể vượt qua sự can nhiễu tín hiệu mạnh mẽ của ĐCSTQ, ngoài các đài phát thanh cấp quốc gia, còn ai có thể làm được?
Nhưng có thể bạn chưa biết rằng, ngày nay, đài phát thanh sóng ngắn quy mô lớn nhất và mạnh nhất hướng vào Trung Quốc không phải là đài phát thanh của chính phủ, mà hoàn toàn do tư nhân xây dựng. Đó là Đài phát thanh quốc tế Tiếng nói Hy vọng (Sound of Hope), được xây dựng trong 20 năm, bao gồm 100 đài phát sóng hợp thành. Quy mô của nó vượt xa tất cả các đài phát thanh quốc gia, và có thể nói là “Mạng phát sóng Hải âu” đáng kinh ngạc.
Đài Tiếng nói Hy vọng phát sóng vào Trung Quốc: Những câu chuyện ít người biết đến
Hai mươi năm trước, vào tháng 1 năm 2004, một nhóm kỹ sư người Hoa thành lập Tiếng nói Hy vọng (Sound of Hope) ở Thung lũng Silicon, đã đặt ra cho mình một sứ mệnh: Đưa thông tin chân thực đến Trung Quốc.
Những du học sinh đến từ Trung Quốc này quen thuộc nhất với các chương trình phát sóng sóng ngắn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Quả thực, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1946, bắt đầu phát sóng bằng tiếng Trung vào Trung Quốc từ năm 1956. Trong nhiều thập kỷ, đài này đã xây dựng được một lượng khán giả khổng lồ ở Trung Quốc. Họ là những người trong Cách mạng Văn hóa, trùm chăn ‘nghe đài địch’; họ là những người nghe “900 câu tiếng Anh” của VOA những năm 1980. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cả Trung Quốc đã sử dụng VOA để hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Bắc Kinh. Đài phát thanh sóng ngắn để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Trung Quốc trên 30 tuổi lúc bấy giờ, đặc biệt là giới trí thức.
Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc mà ở tất cả các nước cộng sản trong thế kỷ trước, việc nghe đài sóng ngắn gần như là dấu hiệu cho thấy người dân đang theo đuổi tự do. Đài Âu châu Tự Do (RFE) phát sóng vào các nước Đông Âu. Đài Tự do (Radio Liberty) phát sóng vào Liên Xô, được thành lập vào năm 1949 và 1951. Thông qua các đài phát thanh sóng ngắn lớn được thành lập ở Munich, Tây Đức và Lisbon, Tây Ban Nha, truyền bá tiếng nói tự do đến những người sau Bức màn sắt ở châu Âu.
Tháng 6 năm 1980, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan phát động cuộc đình công đòi tự do tại Nhà máy đóng tàu Lenin ở Gdansk. Trong vòng 500 ngày, thông qua Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và hai đài phát thanh sóng ngắn nói trên, tin tức về cuộc đình công đã lan truyền khắp Đông Âu và Liên Xô. 30% người Ba Lan, tức khoảng 10 triệu người, đã gia nhập Công đoàn Đoàn kết, khiến nó trở thành tổ chức quan trọng nhất thúc đẩy sự sụp đổ của Bức màn sắt 10 năm sau đó.
Qua đài phát thanh sóng ngắn, Giáo hoàng Paul II người Ba Lan và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cũng tiếp tục truyền tải tiếng nói của mình tới người dân Liên Xô và Đông Âu lúc bấy giờ, gửi lời hỗ trợ và hy vọng đến những người dân dưới các chế độ độc tài cộng sản.
Tháng 8 năm 1991, phe cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành đảo chính quân sự, các đài phát thanh sóng ngắn liên tục từ phương Tây đưa thông tin kịp thời đến nhân dân Liên Xô, khiến nhân dân Liên Xô xuống đường chặn xe quân sự, dẫn đến quân đội đảo chính nội loạn, khiến cuộc đảo chính chết yểu sau 5 ngày, và sau đó kết thúc Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 1989, Chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Ba Lan Lech Walesa đến thăm và có bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Ông Lech Walesa nói với người dân Mỹ rằng, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và các đài phát thanh sóng ngắn khác, đã mang đến sự khai sáng và hy vọng cho người dân Ba Lan. Ông nói: “Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) có tầm quan trọng lớn đối với Ba Lan, giống như mặt trời đối với trái đất”.
Những người sáng lập Tiếng nói Hy vọng (Sound of Hope) hiểu biết sâu sắc về lịch sử này, đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi của đài phát thanh: “Mang lại Hy vọng cho người dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, việc tham gia phát sóng sóng ngắn tới Trung Quốc bằng sức mạnh tư nhân, nói thì dễ nhưng làm vô cùng khó.
Lúc đó tất cả các đơn vị có khả năng phát sóng sang Trung Quốc đều là đài phát thanh quốc gia, phần lớn không cho thuê đài, dù có cho thuê thì Tiếng nói Hy vọng cũng không có kinh phí như vậy, dù có thuê được thì sự can thiệp tín hiệu mạnh mẽ của ĐCSTQ hoàn toàn có thể át đi tần số phát sóng, khiến người nghe không còn nghe thấy gì ngoài tiếng ồn.
“Lúc đó, tôi cảm thấy như không còn đường đi, và không thể làm gì được, bởi công suất phát sóng ngắn thường lên tới hàng trăm nghìn watt, tiền điện cho một đài phát thanh mỗi tháng lên tới hàng chục nghìn đô la Mỹ, làm sao chúng tôi trả tiền nổi? Làm thế nào đây? Điều duy nhất chúng tôi có thể làm lúc đầu là: Thuê một khung giờ 1 tiếng đồng hồ của Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan, làm từng bước, sau đó xem rồi tính tiếp”.
Cách tiếp cận từng bước này đã gây bất ngờ, vào cuối tháng 11 năm 2004, Đài Tiếng nói Hy vọng đã phát sóng “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (gọi tắt là Cửu Bình) của “The Epoch Times” thông qua một khung giờ thuê của “Đài Phát thanh Trung ương” của Đài Loan (gọi tắt là Đài Trung ương). Cửu Bình gồm bài lời nói đầu và 9 bài bình luận, phân tích ba chiều về bản chất của Đảng Cộng sản và tác hại mà nó mang lại cho Trung Quốc, từ những quan điểm văn hóa và đạo đức khác nhau. Bài xã luận sâu sắc và mạnh mẽ, chạm đến lòng người, Tiếng nói Hy vọng vội vàng sản xuất 10 chương trình phát thanh, phát sóng trong vòng 20 ngày, gây ra tác động rất lớn ở Trung Quốc vào tháng 12 năm đó và tháng 1 năm sau. Dân chúng Bắc Kinh đổ xô đi mua đài sóng ngắn, để nghe chương trình này, khiến 1 thời gian ngắn, tất cả đài thu thanh sóng ngắn ở Bắc Kinh đã bán hết sạch.
“Tin tức này khiến chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi không ngờ đài phát thanh sóng ngắn lại có vai trò to lớn như vậy. Nó cũng mang lại cho chúng tôi niềm tin để tiếp tục” – Tăng Dũng, Tổng Giám đốc của Tiếng nói Hy vọng, cho biết.
Tuy nhiên, việc tiếp tục đi tiếp không phải là điều dễ dàng. Sự thành công của buổi phát sóng “Cửu Bình” đã kinh động chính quyền Trung Quốc, sau khi họ phát hiện ra một đài phát thanh mới này, một đài phát sóng can nhiễu lớn đã được huy động, chuyên dùng can nhiễu việc phát sóng của Tiếng nói Hy vọng.
Lúc này, sau khi hiểu được nhu cầu của Tiếng nói Hy vọng, một người có thế lực đã bước ra, sẵn sàng bỏ tiền để tăng thời lượng phát sóng. Vì vậy, các khung giờ mà Tiếng nói Hy vọng thuê “Đài Phát thanh Trung ương” của Đài Loan tiếp tục tăng lên, tăng lên 25 giờ mỗi ngày (tần số – giờ: frequency-hour) trong vòng 4 năm, và số tiền thuê bỏ ra cũng khiến Tiếng nói Hy vọng trở thành khách hàng lớn nhất của “Đài Trung ương”, và trở thành đài phát thanh cỡ trung bình phát sóng vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, một loạt khó khăn khác lại ập đến, ĐCSTQ hận thù với việc Tiếng nói Hy vọng liên tục mở rộng chương trình phát sóng, nên đã trực tiếp gây áp lực lên chính phủ cầm quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thông qua các kênh ngoại giao và phi chính phủ, yêu cầu họ chấm dứt hợp đồng cho Tiếng nói Hy vọng thuê, cắt đứt chương trình phát sóng của Tiếng nói Hy vọng từ mặt đất.
Nhớ lại những khó khăn lúc bấy giờ, Tổng giám đốc Tiếng nói Hy vọng cho biết: “Để tránh bị phá vỡ hợp đồng, tôi đã bay tới Đài Loan 9 lần trong vài năm. Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi đã chống cự từng bước, vì quyền không phải ở phía chúng tôi. Tôi đã bay tới Strasbourg, nơi đặt Nghị viện Châu Âu, và Washington, thủ đô của Hoa Kỳ, để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Hoa Kỳ, thỉnh cầu họ ngăn chặn Đài Trung ương chấm dứt hợp đồng, nhưng cuối cùng chẳng có kết quả gì”.
Vào tháng 1 năm 2012, không có lý do rõ ràng và hợp lý, Đài Phát thanh Trung ương (của Đài Loan) đã đơn phương chấm dứt toàn bộ hợp đồng cho Tiếng nói Hy vọng thuê 25 giờ (tần số-giờ) mỗi ngày. Thế là Đài Tiếng nói Hy vọng bừng bừng sức sống một thời, kéo dài 8 năm phát sóng vào Trung Quốc bỗng trở nên im lặng.
Nhớ lại tình huống ban đầu, ông Tăng Dũng nói: “Chúng tôi đều cảm thấy rất buồn khi gặp phải thất bại này. Chúng tôi làm thế nào đây? Từ bỏ chăng?”
Cuối cùng, Tiếng nói Hy vọng quyết định không bỏ cuộc, và tiếp tục khám phá con đường phía trước.
May mắn thay, trong khi tiếp tục thương lượng với Đài Trung ương, các nhà phát triển của Tiếng nói Hy vọng đã bắt đầu thực hiện một số nỗ lực: “Tại sao chúng ta phải thuê những đài phát thanh lớn đó? Việc phát sóng từ các đài phát thanh nhỏ có phải là một lựa chọn không? Các đài phát thanh nhỏ có thể nghe được không?”
Các kỹ thuật viên của Tiếng nói Hy vọng với nền tảng công nghệ cao bắt đầu tự mình xây dựng một đài phát thanh sóng ngắn mới, cách sử dụng mạch tích hợp để tạo, truyền và phát tín hiệu sóng ngắn, thử loại ăng-ten nào có thể truyền tín hiệu hiệu quả, và vị trí địa lý nào là cần thiết… Sau khi giải quyết từng vấn đề kỹ thuật như vậy, đài phát thanh nhỏ đầu tiên đã ra đời, công suất chỉ 100 watt, bằng một phần nghìn công suất của đài phát thanh cấp quốc gia. Đài này bắt đầu phát sóng 30 phút sang Trung Quốc. Vài phút sau, chúng tôi nhận được tin khiến mọi người vui mừng: Có thể nghe được!
Sau tin vui lại là tin xấu: Sau khi đài gây nhiễu quy mô lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hiện ra đài phát thanh mới, nó đã chuyển tín hiệu gây nhiễu đến đài, rất nhanh chóng, thính giả chỉ còn nghe thấy tiếng ồn.
Tuy nhiên, nỗ lực này đã mang lại cho Tiếng nói Hy vọng những khám phá quan trọng:
- Nghe các chương trình phát sóng ngắn không cần đến các đài phát thanh lớn truyền thống. Những đài phát thanh sóng ngắn lớn có công suất 100.000, 300.000 hoặc thậm chí 500.000 watt mà mọi người quen thuộc, được thiết kế để vượt qua tín hiệu can nhiễu không ngừng tăng công suất. Đó là kết quả của cuộc “chạy đua vũ trang” trên bầu trời hơn năm mươi năm. Một đài phát thanh nhỏ nhẹ hoàn toàn có thể nghe được.
- Đài can nhiễu lớn có thể át chế một đài phát thanh nhỏ, nhưng khả năng “dập tắt” nó hoàn toàn là rất mong manh, sẽ luôn có những tín hiệu dư thừa truyền qua. Nếu tiếp tục tăng số lượng các đài phát thanh nhỏ, thì không gian sống của từng đài phát thanh nhỏ sẽ được kết nối, và toàn bộ Trung Quốc có thể nghe được. Giống như lượng “nước mưa” thành công lọt qua hàng rào cản trở tín hiệu, khi số lượng tiếp tục tăng lên, cuối cùng trở thành tình trạng mưa rơi khắp nơi. Với tư cách là một thính giả, chỉ cần anh ta vặn tần số đài phát thanh sóng ngắn của mình và tìm được một đài phát thanh nhỏ còn sót lại, anh ta có thể nghe được Tiếng nói Hy vọng. Chẳng phải điều này đã phá vỡ được sự can nhiễu sóng ngắn dường như bất khả chiến bại mà ĐCSTQ đã duy trì thành công trong nhiều thập kỷ qua đó sao?
Đài phát sóng Hải âu ra đời các nơi ở châu Á
Đài phát sóng hình con chim này do Tiếng nói Hy vọng phát triển còn có một ăng-ten rất đặc biệt, phần dưới là một cây cột thẳng, phía trên phân nhánh, giống như con hải âu đang sải cánh, đài phát sóng như vậy nên gọi là gì? Mọi người nói: Cứ gọi nó là Hải âu đi!
Thế là Đài phát sóng Hải âu ra đời, trong 15 năm tiếp theo, các nhân viên tình nguyện của Tiếng nói Hy vọng tại các nơi ở châu Á, đã bắt đầu dự án xây dựng mạng lưới Đài phát sóng Hải âu không mệt mỏi.
Tuy nhiên, một dự án như vậy lại gặp phải những khó khăn chưa bao giờ tưởng tượng được…
Một trong những tháp phát sóng Hải âu sớm nhất được xây dựng ở vùng núi Bình Đông ở phía đông nam Đài Loan.
Để xây dựng một đài phát sóng, tất nhiên trước hết phải có đất, vì đặc điểm của đài Hải âu, nên cũng cần một mảnh đất rộng, có độ cao, thường ở trên đỉnh núi hoặc gần đỉnh núi. Do đó việc đầu tiên là ai đó có thể quyên tiền để thuê một mảnh đất như vậy.
Địa điểm phát sóng cuối cùng là ở một nơi khó tiếp cận trên núi cao, không có đường đi, nên các tình nguyện viên xây dựng cần phải dùng sức người để vận chuyển tất cả vật liệu lên từng chút một. Thế là các tình nguyện viên này đã vác xi măng trong xô sắt, vác toàn bộ các bao đựng linh kiện bằng thép trên vai. Thật không dễ dàng gì khi phải vác một bao sắt, đi qua bãi cỏ đầy rắn độc, và leo lên đỉnh núi. Phải mất hàng chục ngày làm việc cật lực, ngày này qua ngày khác, để cuối cùng xây dựng được tháp phát sóng và phòng máy.
Khi thử tín hiệu, các tình nguyện viên cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì chưa có tiền lệ, hoàn toàn dựa vào tự mày mò, vượt qua từng khó khăn một, và cuối cùng bắt đầu phát sóng. Có lẽ Thiên Đạo thù cần (Đạo Trời ban thưởng cho người cần cù), khi tín hiệu của đài phát sóng Hải âu ở Bình Đông được phát ra, nó không chỉ có thể vượt qua eo biển Đài Loan đến được Trung Quốc ở phía bên kia, mà còn kéo dài đến tận vùng Tân Cương xa xôi, khiến tất cả tình nguyện viên xây dựng đài vô cùng vui mừng.
Sau đó, các đài Hải âu ở Đài Loan lần lượt được xây dựng, dần dần hình thành quy mô phát sóng tới Trung Quốc. Nhưng đằng sau mỗi đài là một câu chuyện: Tìm đất, tiền thuê, xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt, chạy thử, vận hành, bảo trì, v.v. Chi phí duy trì hoạt động bình thường của mạng lưới đài phát sóng như vậy không đến từ bất kỳ chính phủ nào, mà đều do các tình nguyện viên của Tiếng nói Hy vọng tự bỏ tiền ra, từ tiền lương hoặc tiền tiết kiệm của chính họ.
Anh Tạ, một người Đài Loan địa phương tham gia công việc này cho biết: Đại lục là quê hương của tôi, bố tôi từ đó đến Đài Loan, tôi mong muốn góp phần làm cho quê hương tôi tốt đẹp hơn, để người dân không còn bị ĐCSTQ lừa dối bởi sự tẩy não. Tôi hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể trở về quê hương khi đã giành được tự do.
So với Đài Loan, nơi có khí hậu ấm áp, cuộc sống dễ chịu, thì việc xây dựng một đài phát thanh ở phía tây bắc Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. Những đài phát sóng như thế này thường được xây dựng ở những nơi hoang vu, khó tiếp cận. Do khí hậu khắc nghiệt nên đài phát sóng cần được bảo trì nhiều hơn, và các bộ phận cần được thay thế thường xuyên, nên phải có người túc trực để “bảo vệ những con Hải âu này”.
Nhưng làm thế nào để cư trú ở một nơi như vậy? Không nước, không điện, không nhà ở, tất cả đều phải giải quyết từng cái một. Ngoài cần tiền quyên góp, con người cũng là một vấn đề. Ai có thể sống ở một nơi hoang vắng biệt lập như vậy quanh năm, chỉ để chăm sóc các đài phát sóng này?
Có một cặp vợ chồng đã chọn làm người chăm sóc đài, hay còn gọi là “Những người bảo vệ Hải âu”. Họ đã từ bỏ công việc của mình và chuyển đến địa điểm phát sóng của đài Hải âu để làm người bảo vệ toàn thời gian như vậy.
Cuộc sống của họ đầy rẫy những thử thách nguyên sơ nhất: Giải quyết vấn đề ăn uống thế nào? Đào một cái hố dưới đất, cho củi vào, đặt vài thanh sắt lên rồi treo một cái nồi sắt. Đây là bếp. Còn khi ngủ, có thể nghe thấy tiếng gió bắc hú và tiếng sói tru xung quanh lều. Sự an toàn sinh mệnh đối diện với nguy hiểm. Bình thường, những gì trông thấy chỉ là tuyết không bao giờ tan quanh năm, không có hoa hay cây cối, chỉ có cát vàng của sa mạc Gobi. Ở đây không có đời sống xã hội, chỉ có một cặp vợ chồng này, trong môi trường như thế này, đã sinh tồn như thế, hơn nữa còn sinh ra và nuôi một đứa con trưởng thành ở nơi hoang dã.
Vì quá đau lòng khi chứng kiến sự kiên trì như vậy, nên trụ sở Tiếng nói Hy vọng đề nghị họ hủy đài và trở về nhà, nhưng họ nói không. Tại sao? Họ nói: “Đây là sứ mệnh của chúng tôi”.
Đây chỉ là hai ví dụ, trên thực tế, đằng sau việc xây dựng mỗi đài Hải âu đều có một câu chuyện cảm động khó diễn tả.
Khi những câu chuyện này tiếp tục phát triển, các đài phát sóng Hải âu lần lượt được xây dựng, từ Đài Loan vượt biển đến cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, từ những đồng cỏ xa xôi đến những khu rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt, Tiếng nói Hy vọng đã thiết lập hơn một trăm đài phát sóng với các dải băng tần khác nhau.
Phạm vi phủ sóng và độ rõ nét của tín hiệu phát sóng của Tiếng nói Hy vọng tới Trung Quốc, vượt xa hầu hết các đài phát thanh quốc gia do các chính phủ tài trợ. Nó cũng cho phép sự thật được truyền bá một cách rõ ràng, đầy đủ và liên tục đến Trung Quốc đằng sau Bức màn Sắt.
Nhưng lúc này, các tình nguyện viên đài Hải âu của Tiếng nói Hy vọng gặp phải một thử thách mới, và rất khó vượt qua.
Khi ĐCSTQ không thể chặn các đài phát thanh sóng ngắn này trên không, họ đã thay đổi chiến thuật, dùng quan hệ ngoại giao để gây áp lực với các quốc gia nơi đặt các đài phát sóng Hải âu, buộc họ phải dùng quyền lực của chính phủ để tháo dỡ các đài phát sóng này khỏi mặt đất.
Ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, hai bạn trẻ đã thành lập 12 đài phát sóng Hải âu vào tháng 4 năm 2009, phát sóng 18 giờ các chương trình phát thanh đến miền Nam Trung Quốc mỗi ngày. Họ cũng đã phát triển một công nghệ rất tiên tiến, có thể ngay lập tức cảm nhận được trạm gây nhiễu của ĐCSTQ phát sóng can nhiễu tới, sau đó tự động “trôi” đến tần số lân cận để tiếp tục phát sóng. Khi có tín hiệu gây nhiễu tiếp theo, nó lại tự động trôi đi ngay lập tức, và được điều khiển hoàn toàn tự động bởi máy tính, khiến những đài phát sóng như vậy trở thành “Hải âu mãi mãi trên không, cũng không thể nào bắt được”.
Năm 2010, Đảng Cộng sản Trung Quốc gây áp lực với chính quyền Việt Nam, đột kích căn cứ đài Hải âu, phá hủy toàn bộ 12 đài phát sóng, bắt giữ hai người sáng lập đài là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành, đồng thời kết án mỗi người 3 năm tù vào năm 2011.
Trước khi Vũ Đức Trung bị kết án, anh là ông chủ của công ty công nghệ, với hơn một trăm nhân viên, và có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, vì bị bắt lần này, anh không chỉ mất đi tự do, mà còn mất đi cả công ty và của cải của anh. Cuối cùng, kết quả là gia đình bị tan vỡ.
Vài năm sau, của anh được ra tù sau khi mãn hạn, và đến Hoa Kỳ với sự giúp đỡ tị nạn chính trị của chính phủ Hoa Kỳ. Một phóng viên đã hỏi anh một câu: “Nếu phải làm lại, anh có làm vậy không?”
Anh nói anh vẫn sẽ làm lại. Khi các phóng viên hỏi tại sao, anh nói: “Bởi vì đó là việc đúng đắn nên làm”.
Năm 2018, ông Tưởng, Giám đốc kinh doanh người Đài Loan đóng tại Thái Lan, đã hỗ trợ Đài Tiếng nói Hy vọng xây dựng đài phát sóng Hải âu ở Chiang Mai, Thái Lan. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm đó, chính quyền Thái Lan dưới áp lực của ĐCSTQ đã bắt ông Tưởng. Một năm sau, chính quyền Thái Lan kết án ông bị phạt tù. Cuối cùng, sau khi ông trở về Đài Loan, ông bị công ty giáng chức, gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ông vẫn như vậy, không bao giờ hối hận về những gì mình đã làm cho mạng lưới đài Hải âu của Tiếng nói Hy vọng.
Điều gì đã khiến các tình nguyện viên của Tiếng nói Hy vọng không sợ bị đàn áp, sẵn sàng đánh mất cuộc sống thoải mái, thu nhập cao, và thậm chí cả tự do của mình? Đó là bởi vì họ hiểu sâu sắc rằng, mọi người bên trong bức tường cao đều khao khát tự do và ánh sáng, và điều tốt nhất cho người dân Trung Quốc là liên tục không ngừng mang sự thật đến cho họ.
Ngay cả ở Đài Loan, cũng một lần nữa phải đối mặt với sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. ĐCSTQ không có cách nào trực tiếp chỉ huy chính phủ Đài Loan, dưới thời chính quyền Mã Anh Cửu, họ đã huy động người dân ở Đài Loan ‘tố giác’ với chính phủ cái gọi là “các chương trình phát sóng không có giấy phép”. Anh Tạ, tình nguyện viên của mạng lưới đài Hải âu, là chủ một nhà hàng, bị cảnh sát bắt khi đột kích nhà hàng của anh, trong khi anh đang nấu ăn bên bếp lò. Thiết bị vô tuyến mà anh và các tình nguyện viên khác đã dày công chế tạo, xây dựng cũng bị cướp đi như thế.
Sau vụ việc, các tình nguyện viên và những người chính nghĩa ở Đài Loan đã bôn ba khắp nơi, để nói với những người ra quyết định của chính phủ Đài Loan về sự cần thiết và tính tích cực của việc phát sóng tới Trung Quốc. Từ đài phát thanh sóng ngắn Thiên mã do Tổng thống Tưởng Kinh Quốc thành lập xưa kia, đến đài Hải âu của Tiếng nói Hy vọng ngày nay, đều nói về các cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo đang diễn ra ở Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tầm quan trọng, đạo đức và sứ mệnh của việc phát sóng từ Đài Loan tới Trung Quốc là việc rất cần thiết và đúng đắn.
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả rất tốt. Sau đó, các nhà lập pháp của lưỡng đảng của Đài Loan bắt đầu tích cực làm việc, để cùng nhau thúc đẩy tính hợp pháp của các tháp phát sóng dân sự, và bảo vệ quyền lợi của các tháp phát sóng tư nhân. Họ cùng nhau ký một dự luật và nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ của các đảng phái của Lập pháp viện.
Các tình nguyện viên của Tiếng nói Hy vọng ở hầu hết các quốc gia đều phải đối mặt với sự can thiệp của ĐCSTQ, nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài việc giành chiến thắng trong cuộc chiến sóng ngắn trên không, họ còn phải giành chiến thắng trong các cuộc chiến quan hệ công chúng và pháp lý trên thực địa. Trong đó, những hao phí về nguồn lực và tài chính có thể nói là nhiều vô kể.
Sử Thành – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam