Núi Phú Sĩ vào mùa xuân, nhìn từ Công viên Arakurayama Sengen. (Wikipedia)
Trong xã hội Nhật Bản, “nghĩa lý, nhân tình” và phép xã giao mang đặc điểm quy ước, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, tính bất biến tương đối, chiếc gậy Thần đằng sau nó chính là đạo đức và tín ngưỡng.
Trận động đất ngày 11 tháng 3 ở Nhật Bản năm 2011 đã giết chết 18.000 người và ảnh hưởng đến 400.000 người. Trước thảm họa, người Nhật bình tĩnh, trật tự, động viên, giúp đỡ lẫn nhau, đó là biểu hiện tự nhiên của phép tắc lễ nghĩa đã ăn sâu vào tinh thần người Nhật.
Tiến sĩ Chương Thiên Lượng, Phó giáo sư tại Đại học Phi Thiên Hoa Kỳ – một học giả văn hóa và lịch sử nổi tiếng, đã được mời thuyết trình tại Nhật Bản và Đài Loan vào cuối tháng 5. Đây là lần thứ hai ông đến Nhật Bản, so với lần đầu tiên, quan sát của ông về xã hội và văn hóa Nhật Bản toàn diện và chi tiết hơn, đồng thời ông trình bày một số quan điểm sâu sắc từ góc độ ảnh hưởng tư tưởng và văn hóa.
Tiến sĩ Thiên Lượng cho biết trên kênh truyền thông cá nhân “Thiên Lượng thời phân” rằng, ở Nhật Bản, bạn có thể cảm nhận được truyền thống đậm đà của văn hóa Nhật Bản và sự bảo tồn rất tốt văn hóa truyền thống Trung Hoa. Bề ngoài xã hội Nhật Bản có cấu trúc phương Tây, nhưng nền tảng văn hóa của nó lại là truyền thống Trung Hoa. Văn hóa truyền thống Trung Hoa được bảo tồn ở Kyoto và những nơi khác rất chân thực và thuần chính. Ở Nhật Bản, bạn có thể cảm nhận được di sản văn hóa phong phú đậm nét của các triều đại Tùy Đường của Trung Quốc.
Ông chỉ ra rằng, văn hóa Trung Hoa có tư tưởng ẩn nhẫn, phép tắc lễ nghĩa giữa con người với nhau trong văn hóa Nhật Bản được kế thừa từ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Lễ sẽ hình thành một loại ước thúc, người Nhật rất hiền lành và tao nhã từ đứng, đi lại đến nói năng và hành sự, đó là hiện thân thực sự ước thúc của lễ… có thể giúp văn hóa được truyền thừa, bảo vệ các giá trị truyền thống.
Tiến sĩ Thiên Lượng xúc động nói: Nếu không có sự hỗn loạn do ĐCSTQ gây ra ở Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ không khác gì Nhật Bản. Trong tương lai, nếu Trung Quốc có thể quay trở lại truyền thống của mình, nhất định sẽ có những phong tục dân gian thuần phác và tôn trọng truyền thống của mình giống như Nhật Bản.
Xuất phát từ điều này, bài viết này xin giới thiệu sơ lược về phép tắc lễ nghĩa của người Nhật, và tìm hiểu chức năng xã hội của nó.
1. Khái quát về lịch sử du nhập văn hóa Trung Hoa của Nhật Bản
Theo cuốn biên niên sử sớm nhất của Nhật Bản “Nihon Shoki” (Nhật Bản thư kỷ) (720) và các ghi chép khác, Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản Thiên hoàng Jinmu lên ngôi tại Cung điện Kashihara (tỉnh Nara) vào năm 660 trước Công nguyên (năm thứ 15 đời Huệ Vương thời Xuân Thu), và sau đó năm này được chỉ định là năm Thiên hoàng đầu tiên. Đây là bước đầu tiên để nền văn minh Nhật Bản từ thế giới Thần thoại bước vào thế giới phàm trần, tức là sự khởi đầu của nền văn minh hữu hình của Nhật Bản. Khi đó nền văn minh Nhật Bản đang ở cuối thời kỳ Jomon (thời kỳ thắt nút buộc dây).
Tương truyền vào cuối thời Chiến Quốc và nhà Tần (khoảng năm 220 trước Công nguyên), người Trung Quốc bắt đầu đến Nhật Bản nhưng không có ghi chép lịch sử chính thức nào. “Sử ký – Liệt truyện – Hoài Nam Hoành Sơn liệt truyện” ghi lại rằng, Từ Phúc đã ra biển để tìm kiếm những vật Thần. Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng vào năm 219 trước Công nguyên, Từ Phúc đã đi về phía đông đến Nhật Bản, và mang theo tín ngưỡng Bồng Lai. Truyền thuyết về Từ Phúc được truyền bá rộng rãi khắp Nhật Bản, và dòng họ Tần (Hata) ở Nhật Bản ngày nay chính là hậu duệ của ông.
Người ta thường cho rằng mô tả sớm nhất về Nhật Bản trong sách lịch sử Trung Quốc là “Hán Thư – Địa lý chí”: “Có người Oa (người Nhật lùn) ở biển Lạc Lãng. Họ được chia thành hơn một trăm quốc gia. Mỗi năm họ đến triều cống nạp”.
“Hậu Hán thư – Đông Di truyện” cũng mô tả về người Oa trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai. Vào năm 57, sứ thần Nhật Bản đến Lạc Dương, Hoàng đế Quang Vũ Đế đã ban cho chiếc ấn vàng “Hán Ủy Nô Quốc Vương”. Chiếc ấn vàng này được phát hiện vào ngày 12 tháng 4 năm 1784 tại một cánh đồng lúa ở phường Higashi, thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, và đã được chỉ định là Báu vật Quốc gia của Nhật Bản.
“Tam Quốc chí – Ngụy chí” có ghi lại truyện về người Oa. Vào năm 238 (năm Cảnh Sơ thứ hai), Nữ vương Himiko của Vương quốc Yamatai đã cử sứ giả tới triều cống cho Ngụy Vương. Tào Duệ Đế ban cho chiếc ấn vàng “Thân Ngụy Oa Vương” và chiếc gương đồng.
Trong 150 năm tiếp theo, không có ghi chép nào về Nhật Bản trong sử sách Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ tư, sự thống trị của chế độ Yamato (Đại Hòa) được thiết lập. Sau khi bước vào thế kỷ thứ năm, năm vị vua của Vương quốc Oa đã cử sứ thần đến triều cống nhà Nam Tống, được ghi lại trong “Tống thư – Oa quốc truyện” .
Sách “Nihon Shoki” có ghi lại rằng, vào khoảng năm 513 (thời Thiên hoàng Keitai), một bác sĩ Ngũ Kinh đã đến Nhật Bản. Sách “Cổ sự ký” và “Nihon Shoki” cũng có ghi lại rằng, vào thời Thiên hoàng Ojin, Vương Nhân (không rõ ngày sinh và mất) từ Bách Tế (Baekje – Triều Tiên) đến Nhật Bản đem theo sách “Luận ngữ” và “Thiên tự văn” để dạy Nho giáo.
Sau đó, Phật giáo cũng được du nhập vào Nhật Bản. Theo “Nihon Shoki”, vào năm 552, Bách Tế Vương đã dâng tượng Phật và kinh Phật cho Thiên hoàng Kinmei.
Nhà Tùy chấm dứt các triều Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, thành lập nhà Tùy thống nhất vào năm 589. Nhật Bản cũng thay đổi phương thức cũ là tiếp xúc gián tiếp với văn hóa Trung Hoa qua Bán đảo Triều Tiên, chuyển sang trao đổi trực tiếp và tích cực tiếp thu.
Trong thời đại của các Thiên hoàng Suiko (593 ~ 628), Nhật Bản đã sáu lần cử sứ giả đến nhà Tùy (các ghi chép trong Nihon Shoki và Tùy Thư khác nhau) để học tập thể chế và phép tắc lễ nghĩa của Trung Quốc.
Vào thời đại Đường Thái Tông, nhà Đường nghênh đón thời kỳ “Trinh Quán chi trị” (627~649). Nhật Bản bắt đầu cử sứ giả đến nhà Đường với quy mô lớn từ năm 630 đến năm 894, đồng thời cử 20 sứ đoàn liên tiếp đến để nghiên cứu toàn diện nền văn hóa tiên tiến của nhà Đường. Trong khi đó, vào năm 753, hòa thượng Giám Chân vượt biển đi về phía đông sang Nhật Bản.
Kể từ đó cho đến thời Minh Trị Duy tân (Meiji-ishin), Nhật Bản đã du nhập, học hỏi và áp dụng văn hóa Trung Quốc theo nhiều cách và kênh khác nhau.
2. Văn hóa Trung Hoa nở rộ và đơm hoa kết trái ở Nhật Bản
Văn hóa giống như nước, có đặc tính chảy tự nhiên theo hoàn cảnh, tức là nền văn minh tiên tiến, văn hóa cao cấp sẽ tự nhiên được du nhập và áp dụng vào các nền văn minh khác có khoảng cách với nó. Thuộc tính văn hóa này có lẽ là một trong những lý do quan trọng khiến Yamato (Đại Hòa) cử một số lượng lớn sứ đoàn đến các triều đại Tùy và Đường trong một thời gian dài để tìm hiểu và du nhập văn hóa Trung Hoa một cách toàn diện.
Vậy Nhật Bản đã áp dụng những nền văn hóa du nhập này như thế nào? Sau đây chỉ là một vài ví dụ để độc giả có cái nhìn sơ bộ.
2.1. Chữ Hán là nguồn gốc và chỉ thể của cách diễn đạt tiếng Nhật
Cuốn sách còn tồn tại sớm nhất ở Nhật Bản, “Kojiki” (Cổ sự ký), là một cuốn sách lịch sử theo phong cách biên niên sử do Ō no Yasumaro (Thái An Vạn Lữ) biên soạn vào năm 712 (năm Wado thứ 5), có ba tập, thượng, trung và hạ, ghi lại lịch sử từ khi khai thiên tịch địa cho đến thời Thiên hoàng Suiko. Theo lệnh của Thiên hoàng Tenmu, viên quan Hieda no Are đã đọc lại “Hoàng đế nhật kế” và “Tiên đại cựu từ” đã bị thất truyền, được cận thần quý tộc Ō no Yasumaro ghi chép lại. Những cuốn sách lịch sử như “Hoàng đế nhật kế” và “Tiên đại cựu từ” không còn tồn tại, vì vậy “Kojiki” (Cổ sự ký) là thư tịch và cuốn sách lịch sử tồn tại sớm nhất ở Nhật Bản.
Tám năm sau, vào năm 720 (năm Yoro thứ 4), cuốn lịch sử chính thức theo niên đại sớm nhất của Nhật Bản, “Nihon Shoki” (Nhật Bản thư kỷ), được hoàn thành, mô tả lịch sử Nhật Bản từ thời đại Thần linh đến thời đại Thiên hoàng Jito, gồm 30 tập. Theo những gì được ghi lại trong cuốn sách này, Thái tử Shotoku và Đại thần Shima Soga Umako đã giám sát công việc và biên soạn các cuốn sách lịch sử “Thiên hoàng ký” và “Quốc ký” vào năm Suiko thứ 28 (620). Tuy nhiên, những cuốn sách lịch sử cổ đại huyền thoại đã không còn tồn tại, nên sách “Nihon Shoki” đã trở thành cuốn sách lịch sử được ghi chép sớm nhất của Nhật Bản.
Hai cuốn sách lịch sử này được coi là một trong những tài liệu lịch sử quan trọng nhất để nghiên cứu lịch sử và văn hóa Nhật Bản, và có giá trị khá chính xác.
Vậy hai cuốn sách lịch sử tiêu biểu cho nguồn gốc văn hóa Nhật Bản này được ghi chép như thế nào? Nghĩa là: Thuở sơ khai của chữ Nhật xuất hiện dưới hình thức nào?
Nội dung chính của câu chuyện trong “Cổ sự ký” là “Hán văn biến thể”, không phải tiếng Hán văn thuần chính, còn được gọi là Hán văn Hòa hóa, có kèm “Man’yokana” (một hệ thống chữ Hán được mượn để đại diện cho tiếng Nhật cổ, có thể gọi nôm na là chữ Nôm Nhật); “Nihon Shoki” về tổng thể là dùng Hán văn thuần chính, trong đó 128 bài hát tiếng Nhật (tiếng Hòa) được ghi bằng “man’yokana”.
Sau thời Heian (794-1185), nhật ký công vụ, ghi chép sự vụ thường được viết bằng “Hán văn biến thể”, nên còn gọi là thể chữ ký lục. Đặc điểm của nó là: về nguyên tắc, chỉ sử dụng ký tự Hán văn để mô tả và một số từ Man’yokana, Hiragana, Katakana, tạo từ kiểu Nhật, v.v. cũng được trộn lẫn vào. Trên thực tế, chữ Hán thuần chính đã được lưu truyền ở Nhật Bản từ thời cổ đại đến nay (đặc biệt là trước thời Minh Trị Duy Tân), viết thơ và sáng tác bằng Hán văn rất phổ biến trong giới quý tộc và văn nhân trong triều đình, đồng thời là dấu hiệu của tu dưỡng văn hóa.
Nhìn chung có hai phương thức tạo văn tự: sáng tạo riêng và mượn từ văn tự khác. Giới học thuật nhìn chung cho rằng, Nhật Bản ban đầu không có chữ viết, sau khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, nước này bắt đầu sao chép và mượn chữ Hán, dần dần phát triển thành một hệ thống ký hiệu độc đáo. Hai cuốn sách lịch sử đầu tiên của Nhật Bản được đề cập ở trên cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho phán đoán này, và các hiện vật lịch sử được khai quật ở nhiều nơi ở Nhật Bản cũng cung cấp bằng chứng gián tiếp cho phán đoán này.
Bằng cách này, chữ viết tiếng Nhật sớm nhất còn tồn tại chủ yếu là chữ Hán, được bổ sung bằng các ký hiệu biểu đạt tiếng Nhật như “Man’yokana” (chữ Nôm Nhật). Người ta không biết những cuốn sách lịch sử còn tồn tại trước thời kỳ này được ghi lại bằng ngôn ngữ nào. Rất có thể chúng chủ yếu bằng chữ Hán thuần chính hoặc Hán văn biến thể.
Ký hiệu tiếng Nhật ngày nay bao gồm ba phần: Kanji (chữ Hán), Hiragana và Katakana. Trong số đó, Hiragana được phát triển từ chữ thảo của chữ Hán và Katakana được hình thành bằng cách lấy bộ thủ hoặc một phần của chữ Hán. Có nghĩa là, ba phần của tiếng Nhật hoặc được tạo trực tiếp bằng chữ Hán, hoặc được tạo ra với sự trợ giúp của chữ Hán, tất cả đều bắt nguồn từ chữ Hán.
Ngoài ra, có thể thấy từ nguồn gốc của chữ Hán tiếng Nhật, chữ Hán trong tiếng Nhật không chỉ có vai trò biểu đạt âm thanh, ý nghĩa, mà còn có vai trò quan trọng trong việc truyền thừa nội hàm văn hóa của chữ Hán. Có thể thấy, chữ Hán đã đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt và đặt nền móng cho việc hình thành chữ Hán với tư cách là vật truyền thừa văn hóa.
2.2. Nền móng văn hóa của sứ đoàn đi sứ nhà Tùy và Thái tử Shotoku
Dưới thời trị vì của Thiên hoàng Suiko, Thái tử nhiếp chính Shotoku (574-622) đã sáu lần cử sứ đoàn đến nhà Tùy từ năm 600 (năm Thiên hoàng Suiko thứ tám) đến năm 614 (năm Thiên hoàng Suiko thứ 22) để du nhập văn hóa Trung Hoa. Trong số đó, một số du học sinh và tu sĩ đã ở lại Trung Quốc trong thời gian dài và nghiên cứu sâu về văn hóa Trung Hoa, sau khi trở về Nhật Bản, họ nghiễm nhiên trở thành những người lãnh đạo thời đại và là trụ cột của đất nước.
Sau sứ đoàn đi sứ nhà Tùy lần thứ nhất trở về (năm 600, tức năm Thiên hoàng Suiko thứ tám), Thái tử Shotoku đã học theo văn hóa và thể chế của nhà Tùy xây dựng hệ thống cấp bậc quan chức “12 cấp quan vị” vào năm 603, và vào năm 604 ông đã xây dựng “17 điều Hiến pháp”.
“12 cấp quan vị” trước tiên là chia các cấp bậc chính thức thành sáu cấp: đức, nhân, lễ, tín, nghĩa và trí, sau đó chia mỗi cấp thành Đại và Tiểu, do đó tạo ra mười hai cấp quan, từ trên xuống dưới theo thứ tự như sau: Đại đức, Tiểu đức, Đại nhân, Tiểu nhân, Đại lễ, Tiểu lễ, Đại tín, Tiểu tín, Đại nghĩa, Tiểu nghĩa, Đại trí, Tiểu trí. Bản thân chức danh này nhằm mục đích bổ nhiệm các bậc hiền nhân, khuyến khích và kiềm chế quan lại tôn trọng đạo đức và tuân theo lễ, đồng thời thúc đẩy và ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Vào năm 604 (năm Thiên hoàng Suiko thứ mười hai), do Thái tử Shotoku lãnh đạo, ông đã ban hành hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản – Hiến pháp mười bảy điều. (“Nihon Shoki” ghi lại). Tuy gọi là hiến pháp nhưng nó không phải là pháp luật theo nghĩa hiện đại, mà là sự ước thúc đạo đức và quy phạm hành vi, được đưa ra cho các quan chức và quý tộc. Nội dung của nó dựa trên tư tưởng Nho gia.
Nó mở đầu bằng những câu sau: “Lấy sự hòa hợp làm cao quý, lấy sự không ngỗ ngược làm tôn chỉ. Mỗi người có nhóm của mình, cũng có số ít người không thuận theo vua và cha, không thuận theo láng giềng. Tuy nhiên, trên dưới thuận hòa, bàn bạc việc gì cũng hòa hợp, rồi mọi chuyện sẽ tự sáng tỏ, thì có việc gì mà không thành”.
Điều 4: “Bá quan văn võ đều lấy lễ nghĩa làm gốc. Cái gốc để quản lý người dân là lễ nghĩa. Cấp trên không lễ phép thì cấp dưới không dốc sức trợ giúp. Cấp dưới mà không có lễ nghĩa thì sẽ phạm tội. Cho nên, nếu quần thần mà có lễ nghĩa thì thứ tự không loạn. Bách tính có lễ nghĩa thì quốc gia tự khắc thịnh trị”.
Hiến pháp này tuy dựa trên Nho giáo nhưng cũng chứa đựng những tư tưởng Phật giáo, chẳng hạn như: “Tôn kính Tam Bảo. Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Đó là nơi mà tứ chúng (4 loại chúng sinh) quy về, và là tôn chỉ tối thượng của vạn quốc”.
Thái tử Shotoku cũng ban hành “Lễ nghi triều đình” để sử dụng trong triều đình, ông muốn thiết lập một xã hội lý tưởng lấy lời dạy của Thần Phật làm trung tâm, với Thiên hoàng là người đứng đầu chính trị, trong đó tất cả mọi người từ quan chức đến bình dân đều tôn trọng lễ nghĩa và sống hòa thuận.
Trước khi Thái tử Shotoku thiết lập hệ thống cấp bậc quan tước và xây dựng hiến pháp, Nhật Bản không có hệ thống văn bản về chế độ quan chức và quy phạm luân lý. Do đó, cả hai hệ thống đó đều được coi là những sáng tạo lịch sử, đã thiết lập khuôn khổ cơ bản và đạo đức chính trị của Nhật Bản, đồng thời hình thành nên chủ thể tư tưởng và văn hóa.
Ngoài ra, Thái tử Shotoku không chỉ rất thông thạo văn hóa Nho gia Trung Quốc mà còn thành tín Phật Pháp, đồng thời có những đóng góp vô song trong việc hoằng dương Phật Pháp ở Nhật Bản. Ba điểm trên được coi là ba thành tựu lịch sử lớn của ông, đây cũng là bằng chứng lịch sử cho thấy Nhật Bản đã tích cực du nhập văn hóa Trung Hoa và sử dụng nó để đặt nền móng lập quốc của Nhật Bản.
(Còn tiếp)
Trình Thực – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam