Trong số 3.100 loại thực phẩm, đồ uống, gia vị, thảo mộc và chất bổ sung được sử dụng trên toàn thế giới, huyết rồng nằm trong nhóm chất chống oxy hóa phổ biến nhất. (Wikimedia Commons)
Trong số 3.100 loại thực phẩm, đồ uống, gia vị, thảo mộc và chất bổ sung được sử dụng trên toàn thế giới, huyết rồng nằm trong nhóm chất chống oxy hóa phổ biến nhất.
Nhựa cây đỏ sẫm này được nhiều nền văn minh cổ đại (bao gồm cả người Hy Lạp và La Mã) sử dụng làm thuốc trong hơn 1.000 năm. Nó cũng được nhiều hệ thống y học cổ truyền trên toàn thế giới sử dụng, bao gồm y học cổ truyền Trung Quốc, y học Ả Rập, y học Thái Lan và Châu Phi.
Một số công dụng của huyết rồng bao gồm chữa lành vết thương, cầm máu, giảm đau và chữa các bệnh khác nhau như tiêu chảy, kiết lỵ và loét. Ngoài các ứng dụng trong y học, huyết rồng còn được sử dụng làm nguyên liệu tạo màu, sơn bóng, hương và cho các mục đích nghi lễ.
Nghiên cứu đương đại không chỉ khẳng định cách sử dụng huyết rồng theo phương pháp truyền thống, mà còn phát hiện thêm nhiều lợi ích bổ sung mà loài cây này sở hữu, bao gồm tác dụng chống oxy hóa, có thể chậm quá trình lão hóa ở não bộ và cơ thể.
Cây huyết rồng là gì?
Huyết rồng lấy tên từ nhựa màu đỏ sẫm được nhiều loài cây nhiệt đới khác nhau sản xuất, gọi chung là cây rồng. Những cây này thuộc một số họ thực vật, bao gồm Dracaena, Croton, Pterocarpus và Daemonorops, được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới.
Chủng cây khác nhau sẽ có loại nhựa khác nhau, do đó đặc tính cũng khác biệt. Nghiên cứu đề cập ở trên không nêu chi tiết nhựa được lấy chính xác từ loại cây nào, mà chỉ lưu ý rằng nhựa có nguồn gốc từ Peru. Xuyên suốt lịch sử, các nền văn hóa khác nhau đã sử dụng nhựa từ những cây khác nhau.
Một kết quả đánh giá được công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology vào năm 2008 lưu ý rằng, huyết rồng có nguồn gốc từ cây Dracaena cinnabari, đã được người ở lưu vực Địa Trung Hải sử dụng làm thuốc nhuộm và thuốc.
Ngoài ra, một số loài thuộc chi Croton được các nền văn hóa bản địa ở sông Amazon sử dụng để điều trị vết thương nhiễm trùng và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
Lợi ích sức khỏe của huyết rồng
1. Kháng khuẩn và kháng nấm
Nhựa huyết rồng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm, đó là lý do tại sao huyết rồng được sử dụng rộng rãi cho các tình trạng nhiễm trùng da.
Y học cổ truyền đã sử dụng nhiều loại cây để chống lại bệnh nấm. Trong vài năm qua, các nhà khoa học vẫn luôn tìm kiếm các chất chống nấm mới để đối phó với tình trạng các loại thuốc đang dùng tỏ ra kém hiệu quả, gây ra tác dụng phụ và kháng thuốc, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề về da.
Do thực vật có cơ chế bảo vệ riêng chống lại bệnh nấm nên các nhà nghiên cứu đã cân nhắc sử dụng các loại thuốc diệt nấm có nguồn gốc từ thực vật như những lựa chọn thay thế khả thi.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 trên Tạp chí Ethnopharmacology đã thử nghiệm hoạt tính kháng nấm của huyết rồng từ cây Croton urucurana. Nghiên cứu trong ống nghiệm đã khẳng định cách sử dụng nhựa thông truyền thống là một phương pháp điều trị vết thương. Nghiên cứu cho thấy nhựa cây huyết rồng có đặc tính kháng nấm nên có thể dùng để điều trị nhiễm trùng da do nấm gây ra.
Nghiên cứu kết luận: “Cây Croton urucurana có tác dụng kháng nấm, nó có tiềm năng trở thành một phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nấm da liễu, hoặc kết hợp với các loại thuốc chống nấm khác để cho phép sử dụng liều thấp hơn, tránh các vấn đề như tác dụng phụ và kháng thuốc”.
Một nghiên cứu khác vào năm 2005 được công bố trên cùng một tạp chí đã thử nghiệm 5 loại nấm khác nhau và phát hiện ra rằng, huyết rồng có thể ức chế sự phát triển của nấm ở nồng độ từ 0,175 đến 3,0 mg/ml.
Một nghiên cứu vào năm 2011 với huyết rồng từ cây Dracaena cambodiana đã phát hiện ra rằng, 5 trong số các hợp chất được thử nghiệm trong loài này có hiệu quả chống lại vi khuẩn S. aureus.
S. aureus là một loại vi khuẩn phổ biến thường được tìm thấy trên da và trong đường mũi của những người khỏe mạnh, nhưng nó có thể gây nhiễm trùng khi xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt hoặc vết hở khác. Nó gây ra nhiều loại bệnh, từ nhiễm trùng da nhẹ đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Một số chủng S. aureus kháng lại các loại thuốc kháng sinh thông thường, điều này có thể khiến việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, bảy trong số các hợp chất có hiệu quả chống lại vi khuẩn MRSA. Nhiễm trùng MRSA có thể khó điều trị vì những vi khuẩn này đã phát triển khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Các triệu chứng của nhiễm trùng MRSA thường từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi và nhiễm trùng máu.
2. Làm lành vết thương
Một số nghiên cứu đã xác nhận rằng huyết rồng thực sự có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương vì đặc tính chống viêm mạnh của nó.
Trong Tạp chí Traditional and Complementary Medicine, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược đã đo lường khả năng chữa lành vết thương ở 60 bệnh nhân trong độ tuổi từ 14 đến 65. Thử nghiệm này sử dụng một loại kem làm từ nhựa cây Croton lechleri.
Vào cuối giai đoạn thử nghiệm, có sự khác biệt đáng kể trong việc chữa lành vết thương ở nhóm dùng kem huyết rồng so với nhóm dùng giả dược.
Các nhà nghiên cứu lưu ý, họ đã thấy sự cải thiện đáng kể với khả năng chữa lành vết thương ở nhóm dùng huyết rồng chỉ sau ngày thứ ba so với nhóm giả dược.
Họ đưa ra giả thuyết rằng, do nhựa huyết rồng có chứa các hợp chất phenolic như proanthocyanidins và catechin nên quá trình viêm nhiễm được rút ngắn.
3. H. Pylori và điều trị loét
Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng trong dạ dày và là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, hai hợp chất flavonoid trong huyết rồng từ cây Dracaena cochinchinensis có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn H. Pylori.
4. Chống lão hóa
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrient năm 2010 cho thấy huyết rồng từ Peru, còn được gọi là Sangre de Grado, có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất so với tất cả sản phẩm có trong cơ sở dữ liệu được thử nghiệm, với điểm số khả năng hấp thụ gốc oxy (ORAC) là 2.897.110.
Phân tích ORAC là một phân tích trong phòng thí nghiệm cung cấp thước đo tổng thể về hoạt động chống oxy hóa của các hợp chất. Nó đo khả năng chống oxy hóa của thực phẩm, hoặc mức độ hiệu quả của một số loại thực phẩm trong việc ngăn ngừa tổn thương do các chất có hại gây ra.
Thực phẩm có điểm ORAC cao có thể bảo vệ tế bào và các thành phần của chúng khỏi bị hư hại do oxy hóa, đồng thời làm chậm quá trình liên quan đến lão hóa ở cả cơ thể và não bộ.
Tác dụng phụ và chống chỉ định
Cuốn sách với tựa đề “A Materia Medica for Chinese Medicine” phác thảo một số tác dụng phụ có thể xảy ra và chống chỉ định đối với huyết rồng.
Khuyến cáo rằng trong thời kỳ kinh nguyệt, huyết rồng chỉ nên được sử dụng bên ngoài và không bao giờ được sử dụng nó trong khi mang thai.
Đối với độc tính của huyết rồng, các nhà nghiên cứu nói rằng nên tránh dùng quá liều và có thể có các phản ứng dị ứng tiềm ẩn bao gồm ngứa, phát ban và sưng da.
Một nghiên cứu năm 2011 trên chuột lưu ý rằng một số loại huyết rồng có thể gây loãng máu. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, thì nên tránh sử dụng huyết rồng.
Nói chung, trước khi sử dụng huyết rồng, bạn hãy tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ để biết nó chống chỉ định với loại thuốc nào hay không hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Mẹo mua huyết rồng
Huyết rồng trên thị trường có dạng bột hoặc viên nang bổ sung cũng như chiết xuất từ cồn, cồn thuốc và thuốc mỡ bôi ngoài da.
Bạn có thể tự làm thuốc mỡ bôi ngoài da bằng cách trộn bột huyết rồng với các loại dầu như dầu dừa.
Luôn đảm bảo tìm nguồn sản phẩm từ các công ty có uy tín và đáng tin cậy, vì ngành công nghiệp bổ sung không được quản lý chặt chẽ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Matt Roeske, người sáng lập Cultivate Elevate, nói rằng khi mua các sản phẩm huyết rồng, “bạn phải đảm bảo rằng nó không bị thay đổi bằng bất kỳ chất độn, gôm hoặc chất bảo quản tổng hợp nào. Phải luôn đảm bảo rằng huyết rồng có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm tra kim loại nặng”.
Theo Christy Prais từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam