Lúc vui không hứa, lúc nộ không tranh, khi buồn không nói, thất vọng hãy tự bảo mình kiên trì thêm một chút nữa. Quản lý cho tốt cảm xúc của bản thân, bạn mới có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.
Có câu nói rằng: “Mi bất hữu chu, tiên khắc hữu chung”. Ý muốn nói, con người ta khi mới bắt đầu làm gì đó luôn rất nhiệt huyết, nhưng theo thời gian, nhiệt huyết bắt đầu xuống dốc, cuối cùng không thu được kết quả viên mãn nhất. Nếu chúng ta không giữ được cái “tâm” ban đầu, rất khó có được kết quả tốt đẹp.
Khi cảm xúc thất thường, chúng ta thường dễ đưa ra những lựa chọn bốc đồng. Vì vậy hãy duy trì tốt lúc vui không hứa, lúc nộ không tranh, khi buồn không nói, thất vọng hãy tự bảo mình kiên trì thêm một chút nữa. Quản lý cho tốt cảm xúc của mình, bạn mới có thể làm chủ được cuộc sống.
Lúc vui không hứa
Khi tâm trạng đang phấn khích, vui vẻ, đừng tùy tiện hứa hẹn mà hãy giữ lại cho mình đường lui.
Trong lúc nhất thời cao hứng, nếu bạn thản nhiên nhận lời một cách sảng khoái, nhưng chẳng may hứa rồi mà lại không làm được thì sau này sẽ rất khó xử.
Trong “Lễ kí” có viết: “Ngôn nặc nhi bất dư, kì oán đại vu bất hứa”, nghĩa là: Hứa với người ta điều gì đó nhưng lại không làm được, vậy thì chi bằng đừng hứa ngay từ đầu.
Người khác nhờ tới bạn, không đồng ý thì chỉ là khiến người ta thất vọng một chốc một lát, nhưng hứa rồi mà không làm được, là đang làm tổn hại tới chữ tín của bản thân.
Sự tín nhiệm của một người, từ trước tới giờ luôn có giới hạn. Một khi mà sự kì vọng biến thành sự hụt hẫng, sự tín nhiệm cũng sẽ bị thu hồi.
Vì vậy, trước khi sảng khoái đồng ý, hãy nghĩ cho kĩ xem, rốt cuộc là có nên đồng ý hay không. Bởi một khi nói mà không làm được thì sẽ càng khó có được sự tin tưởng của người khác, từ đó cũng mất đi những cơ hội tốt đẹp.
Lúc nộ không tranh
Triều Tống của Trung Quốc có một tể tướng tên là Phú Bật, ông nổi tiếng vì tài biện luận của mình.
Một ngày nọ, một tú tài nghèo chặn Phú Bật ở trên phố, rồi nói: “Nghe nói Ngài rất giỏi biện luận, tôi muốn hỏi Ngài một câu hỏi”.
Phú Bật biết người này cũng không có thiện chí gì, nhưng cũng không thể ngó lơ nên đã để cho anh ta nói.
Tú tài hỏi: “Nếu có người mắng Ngài, Ngài sẽ làm thế nào?”
Phú Bật đáp: “Ta sẽ vờ như không nghe thấy”.
Người tú tài lớn tiếng kinh bỉ nói: “Uổng công Ngài đọc Tứ thư Ngũ kinh, thì ra cũng chỉ là một con rùa rụt cổ”.
Phú Bật không tức giận, quả thực để mặc cho người tú tài ấy mắng mình. Người tú tài cảm thấy vô vị nên một lúc sau đã bỏ đi.
Nô bộc của Phú Bật rất tức giận nói: “Cái người đó vô lễ như vậy, vì sao ngày không phản kích lại hắn ta?”
Phú Bật đáp: “Người này rõ ràng là tìm tới ta với sự tức giận, nếu ta cứ tranh cãi với hắn ta, nhất định sẽ chẳng đi đến đâu. Mà cho dù ta có cãi thắng thì hắn ta cũng nhất định không phục. Đằng nào cũng phí công vô ích như vậy, hà cớ gì ta phải tranh cãi với hắn ta?”
Người làm nên được nghiệp lớn, không bao giờ là người mù quáng tranh cãi tới cùng, mà ngược lại luôn biết cân nhắc nặng nhẹ. Gặp chuyện bất bình, họ sẽ không vì bực tức nhất thời mà đánh mất đi lý trí của mình.
Nếu có ai đó cố tình tới để chọc tức, khiến bạn tức giận, bạn hãy bình tĩnh và không cần quan tâm tới họ.
Tranh cãi với sự tức giận, không những không thể cải thiện tâm trạng, mà ngay cả vấn đề cũng chẳng thể được giải quyết. Không tranh, không cãi, không tính toán, bạn sẽ không bao giờ là người phải chịu thiệt.
Khi buồn không nói
Trưởng thành thực sự là khi trong lòng có nỗi khổ, nhưng miệng không nói ra. Ai cũng có cái khó của riêng mình, khi đau buồn, hãy học cách im lặng.
Thế gian này vốn dĩ không có cái gọi là đồng cảm thực sự, nóng lạnh thế nào, chỉ bản thân mình cảm nhận được.
Người khác sẽ không vì bạn khóc lóc nói ra mà đặc biệt quan tâm tới bạn; cũng sẽ chẳng vì bạn oán than mà đối xử nhẹ nhàng hơn với bạn.
Nếu đã như vậy, hà cớ gì lại phải mang vết thương của mình ra cho người khác nhìn thấy.
Khó khăn trước mắt là không thể thay đổi, vậy thì hãy thay đổi thái độ của mình. Luôn duy trì một tâm thái tích cực, đừng oán thiên hận người. Hãy đợi thời cơ để một lần nữa vùng lên thật vui vẻ.
Khi thất vọng, tự bảo mình kiên trì thêm chút nữa
Trong “Thi Kinh” có câu: “Mi bất hữu chu, tiên khắc hữu chung”. Con người ta luôn bắt đầu một cách rất tốt đẹp, nhưng cũng lại có rất ít người có thể kiên trì được tới cuối cùng.
Người xưa thường nói: “Khởi đầu tốt đẹp, là một nửa của thành công”. Nhưng, cùng với sự tiến triển của sự việc, sự chán nản về tâm lý cũng dần ập tới. Lúc này, có thể khắc phục được sự chán nản trong tâm lý hay không, đó mới là nhân tố mấu chốt quyết định liệu việc đó cuối cùng có thành công hay không. Nếu làm việc có đầu có đuôi, quyết chí ắt sẽ làm nên; còn làm kiểu đầu voi đuôi chuôi thì nhất sự bất thành.
Mỗi khi chán nản, mệt mỏi, hãy nhắc nhở bản thân kiên trì thêm một chút nữa, đừng dễ dàng bỏ cuộc. Bởi thêm một phần kiên trì sẽ bớt một phần nuối tiếc.
Nguồn: cafef
Vạn Điều Hay