Trong đời đôi khi có những chuyện giải thích dài dòng chi bằng không nói năng, có những điều tranh qua cãi lại chẳng thà rằng im lặng còn hơn, trước tiên tự xét lỗi mình, đó là cách tu dưỡng của bậc quân tử xưa nay vậy.
Phạm Thuần Nhân là con trai thứ hai của Tể tướng Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống. Ông vốn đức độ, khiêm cung, cũng nối chí cha, làm quan đến chức Tể tướng trong triều. Sự giản dị, gần gũi của ông khiến nhiều người nể phục, gọi ông là “Tể tướng áo vải”. Thuần Nhân thừa hưởng một nền tảng giáo dục lễ nghĩa, gia giáo, lớn lên quả thực rất có khí phách.
Ông và Trình Di (một học giả Nho giáo nổi tiếng) vốn là bạn thân, thường qua lại với nhau rất ý hợp tâm đầu. Sau này, khi Phạm Thuần Nhân về hưu trí, Trình Di vẫn còn lui tới thăm hỏi luôn. Một hôm, khi đang hàn huyên chuyện cũ, Thuần Nhân nói rằng mình rất nhớ thời còn làm Tể tướng, tiếc vì chưa hoàn thành được nhiều chí nguyện.
Trình Di nghe vậy, thấy chút khó chịu trong lòng. Vốn là người cương nghị, thẳng thắn, ông hỏi ngay: “Năm đó có nhiều chuyện ngài xử lý chẳng ổn thỏa chút nào. Chẳng lẽ ngài không thấy hổ thẹn mỗi lần nhắc lại sao?“. Thuần Nhân tỏ ý không hiểu, liền hỏi Trình Di cụ thể là những chuyện nào.
Trình Di bèn nói: “Năm thứ hai ngài làm Tể tướng, một vùng Tô Châu xảy ra cướp bóc liên miên. Kẻ cướp chiếm đoạt lương thực, giết người hại mệnh, khiến cho dân sinh đồ thán. Nhưng ngài lại không bẩm trình thẳng thắn trước mặt Hoàng thượng khiến cho nhiều dân chúng vô tội bị hàm oan, phải chịu phạt”.
Thuần Nhân liền vội vàng cúi đầu nhận lỗi: “Đúng vậy! Lúc đó tôi thực sự nên thay mặt dân chúng nói rõ ra”.
Trình Di lại kể tiếp: “Năm thứ ba ngài làm Tể tướng, ở Ngô Trung xảy ra thiên tai, dân phải đào rễ cây mà ăn chống đói. Quan viên địa phương báo cáo nhiều lần nhưng ngài vẫn bỏ ngoài tai”.
Phạm Thuần Nhân vô cùng xấu hổ nói: “Việc này đúng là tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình!”. Sau đó, Trình Di lại vạch ra rất nhiều khiếm khuyết mà Phạm Thuần Nhân đã mắc phải trong quá khứ. Lần nào nghe xong, Thuần Nhân cũng rất mực chân thành chắp tay, cúi đầu nhận lỗi.
Một thời gian sau, Hoàng đế cho gọi Trình Di vào cung hỏi về việc nước. Trình Di hiến lên nhiều kế sách an định quốc gia. Hoàng đế xem xong không ngớt lời tán thưởng, khen Trình Di rằng: “Khanh quả thực có khí phách giống như Phạm Thuần Nhân trước đây vậy!“.
Nhưng Trình Di quả thực không cam lòng để Hoàng thượng so sánh với Thuần Nhân, người mắc đầy khuyết điểm. Ông nói: “Thưa bệ hạ, chẳng lẽ Phạm Thuần Nhân từng hiến kế trị nước với bệ hạ chăng?“. Hoàng đế bèn sai người mang đến một chiếc hòm, chỉ tay vào đó rồi nói: “Trong này đều là tấu chương của Phạm Thuần Nhân dâng lên trẫm năm xưa”.
Trình Di nghi hoặc mở những bản tấu chương ra xem. Lúc này, ông mới phát hiện ra trong tấu chương có nhắc đến những sự tình mà ông đã trách mắng Phạm Thuần Nhân trước đó. Hóa ra Phạm Thuần Nhân đã sớm can gián Hoàng đế nhưng vì nhiều lý do những chuyện này không được xử lý tốt đẹp, để lại vài hậu quả đáng tiếc.
Vậy mà trước mặt Trình Di, Phạm Thuần Nhân đều nhận hết lỗi về mình, không một lời giải thích. Trình Di đỏ mặt, trầm ngâm suy nghĩ. Vài hôm sau, ông tìm tới tận nhà Thuần Nhân xin lỗi. Thuần Nhân chỉ mỉm cười, nói: “Ngài vốn không biết sự tình cụ thể, không thể trách được. Hãy bỏ qua thôi!“.
***
Khi gặp phải chuyện oan trái, khi đột nhiên bị đổ vạ lây, thực sự rất ít người có thể giữ vững được cái tâm của mình. Đột ngột gặp một chuyện oan ức, bất bình như thế, ai mà chẳng nổi nóng, trợn mắt dựng tóc lên đòi lại công bằng chứ? Nhưng người xưa lại cho rằng đó không phải là cách một người có học hành, tu dưỡng xử sự.
Có câu: “Thất phu chịu nhục, tuốt kiếm tương đấu“. Kẻ phàm phu tục tử vốn không thể nhẫn nại, thường phản kháng ngay khi bản thân gặp chuyện oan sai, chịu thiệt, bị nhục mạ. Còn người quân tử có hàm dưỡng thì ắt là không hồ đồ như thế. Họ biết nhẫn trước những sự tình tưởng như không thể nhẫn chịu, biết nhận lỗi dẫu lỗi lầm chẳng thuộc về mình. Nhờ đó, họ luôn giữ được sự bình thản trong tâm, không bao giờ oán hận, tranh đấu.
Phạm Thuần Nhân từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ lẽ phải điều hay, tu tập sửa mình, luôn hòa ái, khiêm cung, đối với cái ăn cái mặc thường giản tiện hết mức. Sau này khi làm tới tận chức Tể tướng, trừ khi phải vào cung chầu vua ra, ngày thường Thuần Nhân đều chỉ mặc áo vải thô. Người đời gọi ông là “Tể tướng áo vải” chính vì nguyên do ấy.
Ông cũng thường khuyên bảo con cháu rằng: “Kẻ ngu tối đến mấy cũng có thể trở nên rất sáng suốt trong khi quở trách người khác. Tuy vậy, đối với chuyện của của bản thân thì thường hồ đồ, mê muội không rõ. Nếu có thể lấy tâm trách người mà tự trách mình, lấy tâm tha thứ cho mình để tha thứ cho người thì chẳng lo không có được cái địa vị của bậc thánh hiền vậy“.
Chính sự giản dị, khoan nhu, khiêm nhường ấy đã giúp Phạm Thuần Nhân đạt đến một cảnh giới đạo đức cao thượng, hiểu được đạo xử thế của bậc quân tử. Cái dũng của Thuần Nhân có được là từ việc cúi đầu nhận lỗi, lùi một bước mà không cần tranh đoạt với người. Đối diện với những lời oán trách, nếu biết khoan dung, độ lượng, điều người ta nhận được sẽ là vô giá.
Văn Nhược