Con người càng truy cầu thì lại càng mất đi lý trí, mỗi một bước chân đều biến thành vực thẳm của dục vọng nhân tâm.
Câu chuyện dưới đây xảy ra trong cuộc phỏng vấn các ứng viên leo núi tại Mỹ. Sau khi vượt qua nhiều vòng kiểm tra về kỹ năng và thể lực, cuối cùng chỉ còn lại hơn chục ứng viên được phép tiến vào vòng trong. Lúc này vị giám khảo đưa ra một tình huống giả định:
“Khi sắp lên đến đỉnh núi, bạn thấy người đồng hành trước mắt chỉ còn vài bước chân nữa là chạm đích, sẽ sớm giành được vị trí quán quân. Trong tình huống như vậy bạn cần phải làm gì?”.
Các ứng viên đều trả lời tương tự như nhau: Tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để vượt qua họ, tôi muốn người đầu tiên leo lên đỉnh núi. Vị giám khảo lắng nghe ý kiến của từng ứng viên, nét mặt trầm tư suy ngẫm. Riêng ứng viên cuối cùng trả lời rằng: “Vậy thì tôi sẽ để cho bạn đồng hành của mình về nhất. Chúng ta không cần ở vị trí số 1 thì vẫn có thể vui vẻ mà!”. Gương mặt của vị giám khảo bỗng sáng bừng trở lại, trên môi ông nở một nụ cười tâm đắc. Ông vui vẻ bắt tay chúc mừng, và nói rằng anh đã đủ tiêu chuẩn để tham gia chinh phục đỉnh núi.
Vị giám khảo trên vốn là một huấn luyện viên leo núi có nhiều năm kinh nghiệm. Ông chia sẻ rằng, trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét so vớt mặt nước biển, nếu vận động viên đột nhiên gia tăng tốc độ thì sẽ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều năm trong nghề, ông đã chứng kiến không ít trường hợp các vận động viên mất đi sinh mạng, nguyên nhân không phải vì họ thiếu thể lực hay kỹ năng, mà là vì quá truy cầu danh lợi. Chính cái tâm truy cầu mạnh mẽ ấy đã hạn chế khả năng phán đoán và lý tính của họ. Trong một hoàn cảnh phức tạp, bất cứ khi nào cũng có thể xảy ra tuyết lở, đá rơi, mỗi một bước chân đều tiềm ẩn nguy hiểm sinh tử nên yêu cầu các vận động viên phải thận trọng thời thời khắc khắc.
Một thầy giáo tại Trung Quốc cũng từng đưa ra câu hỏi tương tự cho các em học sinh, kết quả nhận được thật khiến người ta phải kinh ngạc: Ngoài hai em nữ trả lời “không biết phải làm gì” ra thì đa phần các em đều có chung một đáp án, đó là “phấn đấu hết mình, gia tăng tốc độ để trở thành quán quân”. Một em còn trả lời: “Thưa thầy, em sẽ nỗ lực hết mình để là người đứng đầu, em muốn có cảm giác giống như được mọi người vỗ tay khen ngợi!”.
Trung Quốc vốn là quốc gia có nền giáo dục theo kiểu “giáo dục điểm số”. Bởi vậy, không khó để hiểu rằng các em học sinh ngay từ nhỏ đã dưỡng thành nhận thức về thành tích, địa vị. Mỗi khi nghe nói có bạn học được điểm cao, đạt kết quả tốt, hoặc giả được tuyên dương khen ngợi, thì sẽ có người nói: “Có gì mà tự hào chứ?”, tiếp đó là kể về bản thân cũng tài giỏi ra sao…
Nếu một đứa trẻ nhỏ tuổi đã có ý thức về ganh đua, về thành tích, thì thật khó để nói rằng người trưởng thành có truy cầu và dục vọng mạnh mẽ đến nhường nào. Người lớn mỗi ngày đều chìm đắm trong đố kỵ, ghen ghét, đấu tranh, họ không biết rằng đang kìm hãm bản thân mà còn lấy đó làm vui, làm tự hào. Họ khổ não không phải vì được mất của bản thân mà là vì những điều người khác đạt được. Họ sống trong biệt thự xa hoa và lộng lẫy nhưng vẫn nhìn sang người hàng xóm để thấy bất bình trong tâm, vì… “nhà của họ cao hơn nhà mình”.
Có câu nói: “Lòng tham vô đáy”, khi con người khởi lên dục vọng thì mãi mãi không thể lấp cho đầy lòng tham của mình. Vì truy cầu nên sẽ chiếm lợi ích người khác, từ đó mà làm tổn thương người. Để được lợi cho mình thì đối phương khác phải mất, để vượt trội hơn người thì phải chèn ép đối phương xuống thấp hơn, để bản thân thoải mái thì cũng phải khiến người khác sống chật vật hơn. Cuối cùng, cuộc sống ngày càng ngột ngạt, xã hội ngày càng bon chen, người chèn người, giẫm đạp nhau mà sống.
Cuộc sống đương nhiên cần lao động để vươn lên, nhưng “vươn lên” ở đây không có nghĩa là dùng mọi thủ đoạn để mà tranh giành, chiếm hữu. Chúng ta cảm nhận được hạnh phúc chân chính là khi biết sống cho người khác, biết buông bỏ dục vọng bản thân, biết nghĩ cho người khác trong mọi hoàn cảnh. Những người như vậy thì dù đi đâu, làm gì, cũng đều nhận được sự yêu thương và tôn trọng.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, trẻ nhỏ sinh ra vốn mang bản tính thiện lương, không có truy cầu dục vọng, cũng không cần đạt danh đoạt lợi. Chúng ta đến thế gian này, chỉ mang theo một tấm thân trần và một trái tim vô tư, không vị kỷ. Những gì tạo hoá ban cho ta chính là một thân tâm thuần khiết, để chúng ta dẫu sống trong thanh bần mà vẫn có được nội tâm an lạc, yên bình. Không truy cầu thì cũng không cần thoả mãn, nên mới nói, danh vọng, quyền thế, hay tiền tài vật chất không làm nên hạnh phúc, mà chính cái tâm thanh tịnh vô vi mới là báu vật lớn nhất của đời người.
Cuộc sống vốn dĩ cần phải như vậy, khi tư tưởng chúng ta không ngừng thăng hoa, thì cuộc sống cũng không ngừng gạn đục khơi trong, và con người cũng được sống với sự thanh tịnh và thuần khiết trong tâm. Khi dục vọng không còn thì tâm tranh đấu cũng không còn, sự ích kỷ bon chen cũng tan biến. Khi ganh ghét đố kỵ không có thì trong tâm mỗi người sẽ độ lượng, khoan dung, và vị tha.
Vậy nên, cuộc sống cần lắm một bước lùi. “Nhẫn một bước sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, lùi một bước để thấy huy hoàng hạnh phúc, lùi một bước để thấy đời an vui.
Yên Ba / Theo Daikynguyen
- “Lùi một bước” không phải yếu hèn mà là cảnh giới của trí tuệ
- Lùi một bước biển rộng trời cao, ngẩng đầu giải thích chẳng bằng quay lại tự xét mình