Vào thời cổ đại, thư thế ngồi phổ biến nhất được dùng là ngồi quỳ, hai đầu gối chụm vào nhau, gót chân chạm mông, khi ngồi phải thẳng lưng, hai tay duỗi thẳng, đặt lên hai đùi.
Trên thực tế, tư thế ngồi quỳ rất không thoải mái, không phù hợp với cơ học của con người, nếu ngồi một thời gian lâu, eo và chân có thể bị đau và tê liệt. Tuy nhiên, người xưa rất coi trọng tư thế ngồi này, ngược lại ngồi khoanh chân hoặc duỗi chân về phía trước là rất bất lịch sự, hơn nữa điều này còn liên quan đến trang phục họ mặc.
Quần của người cổ đại khác với thời nay rất nhiều. Trước thời Chiến Quốc, người bình thường không mặc quần dài, dù nam giới hay nữ giới thì họ đều mặc một chiếc quần kiểu dạng váy dài rộng thùng thình ở phần thân dưới, thực chất là khoét rỗng.
Vào thời điểm đó, hoàng đế Lưu Bang, vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán, ông rất thích cưỡi ngựa bắn cung, thường nếu mặc váy dài sẽ rất bất tiện khi cưỡi ngựa, vì vậy ông bắt chước những người du mục và mặc một chiếc quần dài bên trong để cưỡi ngựa không bị đau chân, và dễ chủ động hơn.
Mặc dù kể từ đó mọi người đã bắt đầu mặc quần tây, nhưng loại quần này không có đũng quần giống như quần hiện đại ngày nay. Quần người xưa tương tự như hai ống tay, khi mặc chỉ xỏ từ chân vào, chiều dài chỉ đến đầu gối. Trong các tài liệu lịch sử, loại quần này được gọi là “quần ống chân”, nó cũng giống như quần tất, đều đi theo cặp nhưng mỗi chiếc là một chiếc.
Trong thời nhà Ngụy và nhà Tấn, quần ống chân có một cái tên mới, được gọi là quần ống “hakama”. Chiều dài của nó cũng được tăng lên đến đầu gối nhưng vẫn không có đũng quần, để tránh bị lỏng khi mặc, một số người thêm dây buộc để buộc lại khi mặc.
Vào thời điểm này người ta mặc quần như vậy không phải để cưỡi ngựa mà để tránh lạnh. Vào mùa đông, váy tiếp xúc với gió và việc mặc quần hakama làm tăng ma sát, có thể đóng vai trò giữ ấm. Cũng chính vì chiếc quần họ mặc không có đũng nên họ phải ngồi khuỵu gối để không bị lộ.
Lưu Bang từng suýt mất mạng vì tư thế ngồi không đúng đắn của mình. Khi đó Trương Ngao là vua chư hầu nước Triệu, ông tham gia cuộc chiến lật đổ nhà Tần và trở thành phò mã đầu tiên của nhà Hán, chính là con rể của hoàng đế Lưu Bang.
Năm 200 TCN, Lưu Bang từ Bành Thành đi qua nước Triệu, ghé thăm con gái. Triệu vương Ngao hết lòng đón tiếp và cung kính Lưu Bang, theo lễ của hàng con rể. Nhưng trong tiệc rượu, Lưu Bang lại công khai ngồi dạng chân trên tràng kỷ, đối mặt với Triệu Vương.
Mặc dù Triệu vương Ngao không nói gì nhưng các tướng quốc dưới quyền của anh ta rất tức giận, cho rằng đây là một sự sỉ nhục công khai đối với vua nước Triệu, nên đã nhiều lần tìm cách giết Lưu Bang.
Tướng quốc nước Triệu là Quán Cao, Triệu Ngọ, hơn sáu mươi người là khách của Trương Nhĩ, vốn bình sinh là người chuộng khí tiết nên rất bất bình thay cho Trương Ngao. Họ bèn nói riêng với ông:
“Những kẻ hào kiệt trong thiên hạ đều cùng nổi lên, ai có tài thì được lập trước, nay nhà vua thờ hoàng đế rất cung kính mà hoàng đế lại rất vô lễ, chúng tôi xin vì nhà vua mà giết hoàng đế!”
Nhưng Trương Ngao không đồng tình, không cho thủ hạ động thủ. Quán Cao và Triệu Ngọ quyết định tự mình thực hiện ý định sát hại Lưu Bang mà không cho Trương Ngao biết.
Năm 199 TCN, Hán Cao Tổ đi từ Đông Viên về, ghé qua nước Triệu. Quán Cao biết tin bèn sai người ở huyện Bách Nhân, nấp trong tường nhà xí muốn để rình giết. Hán Cao Tổ đi qua muốn nghỉ lại, nhưng khi hỏi tên địa phương biết đó là huyện Bách Nhân, chột dạ cho rằng “Bách Nhân tức là bị người ta bức bách”, nên không ở lại mà đi ngay.
Sang năm 198 TCN, một nhà có thù oán với Quán Cao biết mưu ấy bèn tâu lên Hán Cao Tổ. Vua Hán bèn ra lệnh bắt giữ Triệu Vương Ngao, Quán Cao và các thủ hạ. Hơn mười người đều tự đâm cổ chết. Khi bị tra khảo, Quán Cao khai rằng việc đó do một mình làm, không liên quan đến Trương Ngao.
Dù bị hình phạt nặng như quất mấy nghìn roi, nung sắt dùi vào thịt, thân hình Quán Cao không có chỗ nào lành, nhưng Quán Cao vẫn không nói khác. Lã Hậu cũng vì Trương Ngao là con rể nên nói với Lưu Bang rằng Trương Ngao không có ý định mưu sát vua Hán.
Lưu Bang còn nghi ngờ, sai Tiết Công cầm cờ tiết đến điều tra Quán Cao. Quán Cao vẫn khẳng định Trương Ngao vô tội. Hán Cao Tổ bèn tha Trương Ngao và khen Quán Cao là người hiền, rồi lệnh thả Quán Cao, nhưng Quán Cao cho rằng mình đã có ý đồ sát hại hoàng đế là bất trung nên tự vẫn.
Trương Ngao sau khi được ra, bị truất ngôi Triệu vương. Lưu Bang phong con thứ là Lưu Như Ý làm Triệu vương. Trương Ngao nhờ lấy Lỗ Nguyên nên được phong làm Tuyên Bình Hầu. Hán Cao Tổ khen những người khách theo Trương Ngao vào Quan Trung là những người hiền, nên đều cho làm tướng quốc của chư hầu, hay quan thú ở các quận.
Quay lại câu chuyện về tư thế ngồi của Lưu Bang trước mặt vua nước Triệu. Nếu theo quan niệm của người hiện đại, ngồi dạng hai chân kiểu như Lưu Bang thời đó thì dường như không phải là một việc quá lố.
Nhưng kết hợp với trang phục của người xưa lúc bấy giờ, có thể thấy rõ lúc đó người ta chỉ mặc hai ống quần, còn đũng quần hoàn toàn lộ ra ngoài. Tư thế ngồi của Lưu Bang, để lộ phần dưới của mình trước mặt nhiều người, đối mặt với Triệu Vương, tự nhiên là thiếu tôn trọng, và không có gì đáng ngạc nhiên khi thuộc hạ vua Triệu cho rằng đó là sự sỉ nhục có chủ ý.
Trong “Đệ Tử Quy” có viết, người xưa có yêu cầu đối với tư thế ngồi: Không ngồi xổm, không rung chân, không ngồi duỗi thẳng chân trên mặt đất, không thể lúc nào cũng rung đùi, tất cả đều liên quan đến trang phục thời bấy giờ. Sau thời nhà Hán, quấn có đũng dần xuất hiện, người ta dù không quỳ cũng không dễ bị tụt quần, do đó sau thời nhà Đường, người xưa dần dần mất đi thói quen quỳ và ngồi.
Khải Minh biên tập / Nguồn: xuehua.us / Vạn Điều Hay