Giáo sư Chương Thiên Lượng trong chương trình “Tiếu đàm phong vân” (Ảnh: Epochtimes.com)
Nhiều người nhìn nhận lịch sử như một quá trình phát triển tự nhiên, nhưng tôi lại thấy lịch sử là kịch bản do Thần viết ra. Chúng ta vừa là người tham dự trong đó, đồng thời cũng là khán giả của vở kịch đồ sộ này.
Quá trình xây dựng kịch bản phim truyện có một nguyên tắc cơ bản: Hết thảy mọi tình tiết đều vì để đạt đến cao trào. Cũng chính là nói, mọi tình tiết gay cấn hồi hộp, mọi tính cách, mọi trải nghiệm và hành động của nhân vật, cũng như tất cả mọi sự tình cờ đều là để vở kịch được đẩy tới cao trào vào thời khắc cuối cùng.
Vậy thì cao trào của vở kịch lịch sử mà Thần viết ra là gì? Thông qua lịch sử, Thần muốn nói với chúng ta điều gì? Đây chính là điều tôi muốn thảo luận thông qua loạt bài lịch sử “Tiếu đàm phong vân”.
Trong quá trình kể chuyện, mặc dù về mặt trình bày các sự kiện tôi luôn nghiêm khắc chiểu theo ghi chép trong chính sử và trình bày lịch sử theo thứ tự thời gian, nhưng quan điểm thể hiện ở đây là thể ngộ của cá nhân tôi trong quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cũng là điều tôi thực sự muốn truyền đạt tới khán thính giả. Đương nhiên, vì những hạn chế trong cảnh giới tu luyện cũng như trình độ nghiên cứu của cá nhân tôi nên những điều trình bày không nhất thiết là tuyệt đối chính xác, bạn cũng không nhất định phải đồng ý với kết luận của tôi. Nhưng tôi cho rằng phương thức trình bày quan điểm lịch sử có hệ thống này – vốn rất hiếm thấy ở cả Trung Quốc, Đài Loan và nước Mỹ – bản thân lịch sử quan ấy cũng có giá trị thảo luận nhất định.
Tôi thường nói đến một từ: “đại lịch sử quan”. Đây không phải là một khẩu hiệu tuyên truyền, mà là từ chỉnh thể để nhìn nhận lịch sử, từ đó khám phá và phát hiện mật mã xuyên suốt lịch sử 5000 năm này.
Hai đặc điểm của chương trình “Tiếu đàm phong vân”
Cách nhìn nhận lịch sử của chúng tôi khác với cách nhìn nhận lịch sử của người Trung Quốc như thế nào? Tôi thấy có hai phương diện:
Một là chúng tôi khá tôn sùng những giá trị chính diện trong lịch sử. Bởi vì lịch sử 5000 năm Trung Hoa vô cùng ngoạn mục, kỳ thực lịch sử ấy cũng giống như một vở kịch hoặc một bộ phim điện ảnh vậy.
Hãy thử nghĩ xem, khi chúng ta xem phim thì điều gì dẫn động tình tiết bộ phim? Bất cứ nhà biên kịch nào cũng hiểu rằng, điều quan trọng nhất thúc đẩy tình tiết bộ phim và có sức hấp dẫn khiến khán giả không ngừng theo dõi chính là ‘xung đột’, cần phải liên tục có xung đột. Xung đột giữa người tốt và kẻ xấu khiến nhân vật chính trong vở kịch phải đối mặt với lựa chọn vô cùng gian nan, khi ấy hãy xem xem anh ta coi trọng lợi ích hơn hay là coi trọng nguyên tắc làm người hơn?
Cùng đạo lý như vậy, lịch sử nhân loại cũng có đầy rẫy những xung đột loại này. Trong lịch sử có rất nhiều thăng trầm, gió mây biến đổi, khẳng định trong quá trình ấy sẽ có cả người tốt và cũng có cả kẻ xấu, nếu không sẽ không tồn tại xung đột. Vậy thì là một người tốt, anh ta có thể tốt đến mức khiến bạn cảm thấy như là bậc Thánh nhân, hoặc là nhân vật đáng để chúng ta học hỏi. Tương tự, một kẻ xấu cũng sẽ xấu đến mức đáng kinh ngạc.
Khi xem người tốt và người xấu, bạn lựa chọn điều gì thì bạn cũng sẽ kể về điều ấy khi bạn đang giảng lịch sử. Rất nhiều chương trình lịch sử ở Trung Quốc đều thích kể về những thứ mưu mô đấu đá giữa người với người. Vậy còn chúng tôi, khi giảng lịch sử chúng tôi chủ yếu kể về các giá trị chính diện. Chúng tôi cũng sẽ kể về một số nhân vật phụ diện, nhưng mục đích là để làm nổi bật nhân vật chính diện. Như thế, những câu chuyện lịch sử mà chúng ta kể mới có thể khởi được tác dụng chính diện và tích cực đối với xã hội. Đây là điểm khác biệt thứ nhất.
Một điểm khác biệt nữa là, lịch sử của Trung Quốc không chỉ là riêng của Trung Quốc. Nếu chúng ta xem lịch sử phương Tây hiện nay, toàn bộ việc nghiên cứu của họ kiến lập trên cơ sở thuyết vô Thần và thuyết tiến hóa. “Nguồn gốc các loài” (của Darwin) vốn dĩ chỉ là một giả thuyết, chủ yếu là một loại giả thuyết về giới sinh vật, nhưng sau này đã được ĐCS mở rộng đến lĩnh vực xã hội học. Họ cho rằng đấu tranh giai cấp giữa người với người là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, do đó họ không thừa nhận Thần. Vậy nên họ đã lựa chọn cách giải thích lịch sử như thế, trên thực tế là để biện hộ cho mình.
Nói đến chương trình “Tiếu đàm phong vân”, chúng tôi từng kể một câu chuyện: Năm xưa Hán Vũ Đế từng đưa ra câu hỏi: Tính hợp pháp của vương triều Đại Hán chúng ta nằm ở đâu?
Vào năm 141 TCN, Hán Vũ Đế lên ngôi khi mới chỉ 16 tuổi, ông hạ chiếu hỏi rằng tính hợp pháp của vương triều Đại Hán nằm ở đâu. Lúc ấy có một vị đại Nho tên là Đổng Trọng Thư đã đưa ra đáp án cho Hán Vũ Đế. Vì Hán Vũ Đế hỏi ba lần, Đổng Trọng Thư cũng đáp lại ba lần, vậy nên ba lần hỏi và đáp ấy đã được ghi chép trong “Hán Thư”, bộ thứ hai của “Nhị thập tứ sử”. Ba lần tấu biểu dâng lên hoàng đế ấy có tên là “Thiên nhân tam sách”.
Trong “Thiên nhân tam sách”, Đổng Trọng Thư đề xuất một chủ trương vô cùng quan trọng gọi là “quân quyền Thần thụ” (quyền lực của quân vương là do Thần ban cho). Đây là điều Thần an bài nên mới để ngài làm hoàng đế. Khi nói những lời này, Đổng Trọng Thư đã mang lại cho vương triều tính thần thánh. Chúng ta thấy, phương Tây vốn dĩ cũng là như vậy, một vị hoàng đế lên ngôi đều phải được giáo hoàng đến trao cho vương miện. Điều ấy cũng biểu đạt khái niệm “quân quyền Thần thụ”.
Khái niệm này đã đem lại tính thần thánh cho vương triều, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho vương triều ấy, đó chính là quyền lực của hoàng đế là hữu hạn. Thần ban cho ngài quyền lực này không phải để ngài hưởng lạc, muốn gì làm nấy, mà là ban cho ngài quyền lực để ngài phục vụ dân chúng, cũng chính là “nhân giả ái nhân” (người có nhân đức yêu thương mọi người) mà Nho gia giảng. Bậc quân vương phải có lòng nhân ái, phải thi hành chính sách nhân từ, như thế quân vương mới có thể tiếp tục tồn tại hợp pháp. Do đó khi Đổng Trọng Thư nói về “quân quyền thần thụ”, ông vừa ủng hộ, đồng thời cũng vừa hạn chế quyền lực của nhà vua.
Nhưng ĐCSTQ lại không thừa nhận điều ấy. ĐCSTQ dùng bộ lý luận đấu tranh giai cấp, cũng chính là bộ lý luận của Chủ nghĩa Duy vật Lịch sử để biện hộ cho bản thân mình: Vì sao cho phép ĐCSTQ nắm quyền? Bởi vì ĐCSTQ nắm quyền là quy luật phát triển của lịch sử. Như thế, việc tôi tạo phản là có đạo lý, bởi vì tôi đại biểu cho phương hướng phát triển của lịch sử. Nhưng bạn không thể tạo phản chống lại tôi được! Vì sao? Bởi vì tôi đại biểu cho quy luật phát triển của lịch sử! Nếu bạn làm phản tôi, bạn đã đi ngược lại xu thế của lịch sử. Do đó ĐCSTQ luôn rao giảng bản thân mình là đại biểu cho phương hướng phát triển của lịch sử, hay nói cách khác là vĩnh viễn có tính hợp pháp để nắm quyền. Trên thực tế, ĐCSTQ thông qua logic này để bao biện cho bản thân mình.
Chính là nói rằng, việc nghiên cứu lịch sử của ĐCSTQ không còn là việc làm mang tính giáo dục thuần túy nữa, mà trên thực tế nó là một công cụ tẩy não. Vì thế công tác giảng dạy lịch sử ở Trung Quốc chính là biện pháp để ĐCSTQ duy trì chế độ thống trị của bản thân. Điều quán xuyến bên trong lịch sử và ngữ văn đều là những thứ cần thiết để ĐCSTQ tẩy não người dân, hơn nữa từ rất nhỏ người ta đã được giáo dục theo cách như thế.
Vì thế nên ĐCSTQ rất coi trọng lịch sử, loại coi trọng này là công cụ và phương thức để giáo dục tẩy não. Chúng ta thấy, khi Đại Cách mạng Văn hóa vừa mới bắt đầu vào năm 1966 đã xuất hiện một tiểu tổ cách mạng văn hóa có quyền lực vô biên, trong đó có một nhân vật đặc biệt quan trọng tên là Thích Bản Vũ. Vì sao lúc ấy Thích Bản Vũ lại được Mao Trạch Đông khen ngợi? Chính là bởi họ Thích đã viết một bài báo với tiêu đề: “Vì cách mạng mà nghiên cứu lịch sử”. Mao Trạch Đông vừa đọc liền thấy rất tốt: Chúng ta cần người như thế này! Lúc ấy Mao Trạch Đông nói: Chúng ta không cần những kẻ chuyên nghiên cứu về lịch sử như Tiễn Bá Tán gì đó, mà người chúng ta thực sự cần là những ai biết dùng quan điểm của chủ nghĩa Marx để giải thích lịch sử, giống như Diêu Văn Nguyên này, giống như Thích Bản Vũ này. Nhiều năm qua, hoạt động giảng dạy lịch sử của ĐCSTQ vẫn luôn đi theo đường lối tư duy ấy.
Nhưng trong “Tiếu đàm phong vân”, khi kể về lịch sử Trung Quốc, chúng tôi muốn nhảy ra khỏi cái khung ấy để giảng, chứ không giảng từ góc độ Chủ nghĩa Duy vật Lịch sử như của ĐCSTQ.
Quá trình hưng suy của các dân tộc phía bắc và sức mạnh đồng hóa của văn hóa Trung Hoa
Văn hóa Trung Hoa có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Nếu nhìn vào quá trình phát triển lịch sử của Trung Quốc, chúng ta sẽ phát hiện mỗi lần vương triều diệt vong, mỗi khi có đại sự xảy ra, về cơ bản Trung Quốc đều chịu uy hiếp từ phương bắc. Dưới đây tôi sẽ nói khái quát về quá trình hưng suy của các dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc.
Vào thời Chiến quốc và những năm đầu thời Tần và thời Hán, mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc đến từ Hung Nô. Sau này vào thời Hán, Hán Vũ Đế đã đánh bại khiến quân Hung Nô phải bỏ chạy. Nhưng vấn đề Hung Nô vẫn luôn kéo dài mãi cho tới thời Đông Hán mới cơ bản được giải quyết. Lúc ấy, một người tên là Đậu Hiến đã đánh đuổi Hung Nô đến phía bắc thảo nguyên, sau này dân tộc Hung Nô đã biến mất.
Một nhà sử học châu Âu tên là Edward Gibbon từng viết cuốn “Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã”, trong đó kể rằng: Sau khi Hung Nô bị quân Đông Hán đánh đuổi, người Hung Nô không thể tiếp tục sinh tồn ở châu Á được nữa. Họ bèn đi về phía tây, đến châu Âu, cuối cùng kết hợp với bộ tộc người Goth cùng tiêu diệt đế quốc La Mã. Vì thế, việc người Trung Quốc đánh đuổi Hung Nô đã gián tiếp gây ra sự diệt vong của đế quốc La Mã.
Nhưng bạn sẽ phát hiện một hiện tượng thú vị: Trên vùng đất thảo nguyên rộng lớn thời cổ đại, mỗi khi một làn sóng dân tộc du mục rời đi thì lập tức sẽ có một làn sóng khác tiến vào thế chỗ. Ngoài một bộ phận người Hung Nô đã bị nhà Hán đánh đuổi vẫn còn có một số người sinh sống ở khu vực Hà Sáo. Kết quả là đến thời Tây Tấn, những người Hung Nô này thành lập một quốc gia mới, và quốc gia ấy đã tiêu diệt nhà Tây Tấn. Sự việc này có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử, gọi là “Vĩnh Gia chi loạn”, xảy ra vào năm 311.
Lúc ấy hoàng tộc Tây Tấn phải di chuyển xuống phía nam sông Trường Giang. Trong những người di cư đến phía nam sông Trường Giang, ngoại trừ gia tộc Tư Mã của nhà Tây Tấn còn có rất nhiều gia tộc lớn của người Hán cũng di chuyển về phương nam, ví dụ như họ Vương, họ Tạ. Có thể mọi người đều biết đến Vương Hy Chi – một người thuộc gia tộc họ Vương, và Tạ An – một người thuộc gia tộc họ Tạ, v.v. Họ là những đại gia tộc di cư về phía nam, gọi chung là “y quan nam độ”. Từ đây, trọng tâm của văn hóa Trung Hoa bắt đầu từ phía bắc Trường Giang dần dần di chuyển xuống phía nam sông Trường Giang. Đây là cuộc đại di cư văn hóa đầu tiên của Trung Quốc.
Vậy lúc này phía bắc sông Trường Giang tạm thời bị bỏ trống. Ngay khi bị bỏ trống, nó lần lượt bị năm dân tộc thiểu số chiếm cứ, không chỉ Hung Nô mà còn có Tiên Ti, Yết, Đê, Khương, năm dân tộc chiếm cứ phía bắc Trường Giang, trong lịch sử gọi là “ngũ Hồ loạn Hoa”. Nếu bạn đã từng đọc về sự kiện này trong tiểu thuyết Kim Dung, có thể bạn vẫn nhớ rằng Cô Tô Mộ Dung chính là hậu duệ của người Tiên Ti.
Sau khi người Tiên Ti chiếm cứ phía bắc sông Trường Giang, họ rất nhanh đồng hóa thành người Hán. Bất cứ dân tộc thiểu số nào làm chủ Trung Nguyên cũng đều gặp kết cục: hoặc là bị tiêu diệt trong chiến tranh, hoặc là bị người Trung Quốc đồng hóa về mặt văn hóa. Việc đồng hóa mạnh mẽ nhất là vào năm 494, khi Hiếu Văn Đế của Bắc Ngụy chính thức dời đô. Hiếu Văn Đế vốn là người Tiên Ti, tên là Thác Bạt Hoằng. Kinh đô của ông nằm ở Bình Thành, chính là Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay, sau này ông dời đô đến Lạc Dương, Hà Nam. Sau khi dời đô, ông liền thực hiện một loạt các hoạt động Hán hóa như vũ bão, cưỡng ép tất cả người Tiên Ti phải nói tiếng Hán. Bạn muốn làm quan lớn trong triều? Vậy thì bạn phải nói tiếng Hán, phải đổi trang phục người Tiên Ti thành trang phục người Hán, bạn phải thông hôn với các quý tộc người Hán, thậm chí họ của bạn cũng phải thay đổi, ví dụ trước kia bạn mang họ Thác Bạt thì nay phải đổi thành họ Nguyên.
Với quá trình Hán hóa mạnh mẽ lần này, chỉ trong thời gian 5 năm người Tiên Ti về cơ bản đã bị đồng hóa thành người Hán. Sau khi Hán hóa, họ lại trải qua hơn 30 năm, rồi Bắc Ngụy phân khai thành Tây Ngụy và Đông Ngụy. Khi ấy ở phía tây sông Hoàng Hà, một người tên là Vũ Văn Thái đã thành lập chính quyền Tây Ngụy, toàn bộ Tây Ngụy bị Hán hóa vô cùng mạnh mẽ.
Tây Ngụy có tám vị “trụ quốc đại tướng quân”, họ đều là những nhân vật rất lợi hại. Trong đó có một người tên là Độc Cô Tín, vốn là người Tiên Ti. Mặc dù là nam giới, nhưng Độc Cô Tín lại có vẻ ngoài vô cùng xuất chúng, có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Độc Cô Tín sinh được bảy người con gái, trong đó con gái lớn gả cho hoàng đế Bắc Chu là Vũ Văn Dục. Con gái thứ tư gả cho Lý Bính – con trai của Lý Hổ, cũng là một vị trụ quốc đại tướng quân, sau này sinh ra Đường Cao Tổ Lý Uyên. Con gái thứ bảy gả cho Dương Kiên – con trai của Dương Trung, cũng là một trong tám trụ quốc đại tướng quân. Dương Kiên sau này trở thành Tùy Văn Đế, còn người con gái thứ bảy này chính là Độc Cô hoàng hậu, một nhân vật vô cùng nổi tiếng.
Vì thế, trong bảy con gái của Độc Cô Tín thì có ba người làm hoàng hậu. Từ đó bạn sẽ thấy hai vương triều nhà Tùy và nhà Đường đều có huyết thống của người Tiên Ti: Mẹ của Dương Quảng (sau này là Tùy Dạng Đế) là Độc Cô hoàng hậu, vốn là người Tiên Ti. Mẹ của Đường Cao Tổ Lý Uyên cũng là người Tiên Ti. Sau này Trưởng Tôn hoàng hậu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân lại là người Tiên Ti, và vị khai quốc công thần của ông là Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng là người Tiên Ti. Do đó bạn sẽ thấy Tùy và Đường đều có huyết thống Tiên Ti.
Mặc dù vậy, người Trung Quốc lại không nhìn nhận triều Tùy và triều Đường là ngoại tộc. Khác với triều Nguyên, người Trung Quốc coi nhà Nguyên như kẻ ngoại tộc đang thống trị dân tộc mình. Nhưng đối với Tùy và Đường họ lại không có cảm giác ấy. Vì sao? Bởi vì người Tiên Ti đã Hán hóa. Bắt đầu từ Thác Bạt Hoằng hoặc Nguyên Hoằng, cũng chính là Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế, đã diễn ra cuộc Hán hóa. Sau đó lại từng đời, từng đời, khi đến thời Vũ Văn Thái, triều đình bắt đầu dùng Tô Xước, chọn dùng chế độ quan chức thời Hán và văn hóa thời nhà Hán. Toàn bộ Tây Ngụy bị Hán hóa, sau này Tây Ngụy lại bị Bắc Chu thay thế, còn Bắc Chu sau này lại bị Tùy thay thế, kiến lập nên triều Tùy. Đây chính là quá trình đồng hóa của dân tộc thiểu số.
Sau khi dân tộc thiểu số bị đồng hóa, họ liền xuất hiện một vấn đề: họ đã không còn đánh trận được nữa. Bởi vì trước kia mọi người đều ăn thịt cừu và cưỡi ngựa trên đồng cỏ, nhưng hiện nay họ bắt đầu mặc quần áo làm từ tơ lụa và ăn cơm, do đó sức chiến đấu cũng bị giảm xuống. Sức chiến đấu giảm rồi thì phương bắc lại xuất hiện một dân tộc thiểu số khác đến làm chủ thảo nguyên.
Sau khi người Tiên Ti đến Trung Nguyên, đồng cỏ phương bắc liền bị bỏ trống, bỏ trống rồi lại xuất hiện một dân tộc thiểu số mới gọi là Nhu Nhiên. Nhu Nhiên tồn tại không lâu, sau này họ bị người Đột Quyết thay thế. Lúc ấy Đột Quyết cũng thành lập một quốc gia rộng lớn ở phía bắc Trung Quốc, phía đông trải dài đến Liêu Hà, phía tây kéo dài đến nơi mà ngày nay là Afghanistan và Iran. Một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh như thế là mối đe dọa lớn đối với nhà Tùy và nhà Đường.
Lúc đó, một bộ phận người Đột Quyết đã bị Hán hóa, còn một bộ phận người Đột Quyết chưa bị đuổi đi. Sau khi họ bị đuổi đi, thảo nguyên lại nổi lên một dân tộc mới, chính là dân tộc Khiết Đan. Khi nhà Tùy và nhà Đường bị người Đột Quyết uy hiếp, họ liền khiến người Đột Quyết bị Hán hóa. Hán hóa xong, người Đột Quyết lại không đánh trận được nữa, khi ấy dân tộc Khiết Đan liền nổi dậy chiếm lấy thảo nguyên. Chính tại mảnh đất này họ đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhà Tống.
(Còn tiếp)
Theo Chương Thiên Lượng – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam