Khoang chứa mẫu vật từ vùng tối mặt trăng vừa chạm mặt đất. Ảnh chụp màn hình The Guardian
Lần đầu tiên, mẫu đất đá từ vùng tối của Mặt Trăng đã được Sứ mệnh tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc đem về Trái đất vào ngày 25/6.
Khoang chứa mẫu vật được lấy từ vùng tối Mặt Trăng của tàu Hằng Nga 6 đã đáp xuống khu tự trị Nội Mông vào lúc 2:07 sáng thứ Ba theo giờ EDT (06:07 GMT; 2:07 chiều giờ Bắc Kinh), tức là 13h07 ngày 25/6 theo giờ Hà Nội, theo Space.com.
Tàu Hằng Nga 6 bao gồm 4 module là tàu đổ bộ Mặt Trăng, khoang vận chuyển mẫu vật, tàu bay quanh quỹ đạo và phương tiện phóng lên quỹ đạo (tên lửa nhỏ đi kèm tàu đổ bộ).
Con tàu đã được phóng lên vào ngày 3/5 và tới quỹ đạo Mặt Trăng 5 ngày sau đó. Ngày 01/6, tàu đổ bộ đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ đã dùng xẻng xúc đất trên bề mặt và mũi khoan để lấy đất bên dưới bề mặt, tổng cộng là khoảng 2 kg mẫu vật đất của Mặt trăng. Mẫu vật này được đưa trở lại lên quỹ đạo vào ngày 03/6. Tàu bay quanh quỹ đạo chở theo khoang chứa mẫu vật bay trở về Trái Đất vào ngày 21/6, theo NASA.
Độc giả có thể xem video quay cảnh khoang chứa mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng đang đáp xuống Trái đất tại hyperlink của tờ The Guardian .
Trước đây, Liên Xô cũ, Mỹ và Trung Quốc (nhiệm vụ Hằng Nga 5 năm 2020) đã đưa mẫu vật Mặt trăng trở về Trái Đất, nhưng đó đều là các mẫu đất đá ở vùng sáng (luôn quay về phía Trái đất) của Mặt trăng.
Khám phá vùng tối của Mặt trăng khó khăn hơn rất nhiều, vì không thể quan sát nó từ Trái Đất; cần sử dụng vệ tinh chuyển tiếp ở khu vực này để liên lạc với tàu vũ trụ.
Hằng Nga 6 là nhiệm vụ thứ hai của Trung Quốc ở vùng tối Mặt trăng; vào tháng 1/2019, tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đưa robot tự hành lên thám hiểm vùng này. Ngoài ra, chưa có quốc gia nào khác hạ cánh thành công tàu thăm dò xuống vùng tối Mặt trăng.
Do đó, các nhà khoa học rất hào hứng được xem xét kỹ các mẫu vật của tàu Hằng Nga 6. Các nhà khoa học cho biết những mẫu vật này có thể mở ra một cửa sổ mới về cách người hàng xóm gần nhất của chúng ta hình thành.
Trung Quốc hứa sẽ chia sẻ những phát hiện từ mẫu vật mới được mang về từ vùng tối của Mặt trăng này. Họ cũng đề nghị chia sẻ ít nhất một số mẫu mặt trăng mới của mình với các nhà nghiên cứu Mỹ và NASA và đang cho phép các nhà khoa học Mỹ gửi đề xuất, theo NPR.
Richard Carlson, giám đốc danh dự của Phòng thí nghiệm Trái đất và Hành tinh tại Carnegie Science ở Washington D.C Carlson nói: “Bằng cách nào đó tôi hy vọng rằng nền chính trị quốc tế không làm ảnh hưởng đến mô hình nghiên cứu của chúng ta về nguồn gốc của mặt trăng”.
Ông nói: “Hãy nghĩ về địa chất của Trái đất: Nếu bạn chỉ đặt chân đến Bắc Mỹ, bạn sẽ bỏ lỡ một phần lớn câu chuyện, phải không?”
Jim Head, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Brown, nói rằng: “Rõ ràng là phía xa và phía gần có rất nhiều điểm khác biệt”. “Đó là một vấn đề thực sự quan trọng. Bạn không thể hiểu được nguồn gốc của một hành tinh khi chỉ biết có một bán cầu của nó.”
Trung Quốc và Mỹ hiện đang cạnh tranh với nhau, bao gồm cả vấn đề trên mặt trăng. Cả hai quốc gia đều nói rằng họ muốn đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng vào khoảng cuối thập kỷ này.
NTD Việt Nam