Các nhà khoa học đã đi tìm những lời giải thích khác cho sự giãn nở của vũ trụ mà không cần dựa vào vật chất tối hay năng lượng tối, và phản vũ trụ là một trong số đó. (Ảnh minh họa: ESO/L. Calçada)
Mô hình Vật chất tối lạnh Lambda (ΛCDM) là giả thuyết tốt nhất của chúng ta hiện nay giúp giải thích tại sao vũ trụ đang giãn nở và tốc độ này đang tăng lên…, nhưng nó chứa đầy những lỗ hổng. Vấn đề lớn nhất là mô hình này dựa trên sự tồn tại của vật chất tối và năng lượng tối – những thứ vẫn chưa được quan sát trực tiếp.
Bởi vì những vấn đề lớn nói trên, các nhà khoa học đã đi tìm những lời giải thích khác cho sự giãn nở của vũ trụ mà không cần dựa vào vật chất tối hay năng lượng tối. Điều đó dẫn đến một số lý thuyết rằng có thể vũ trụ của chúng ta đang nuốt chửng các vũ trụ con, rằng sự giãn nở của vũ trụ thực ra chỉ là một ảo ảnh của ánh sáng “già đi”, hoặc rằng các lý thuyết đột phá của Isaac Newton và Albert Einstein có thể cần được hiệu chỉnh lại.
Giờ đây, Naman Kumar, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ấn Độ, đã đưa ra một ý tưởng khác: Vũ trụ của chúng ta thực ra là một phần của cặp vũ trụ liên kết với nhau.
Kumar đã công bố ý tưởng của mình trên tạp chí Gravitation and Cosmology vào tháng Tư, và giải thích chi tiết về nó trong loạt bài Science X Dialog, nơi các nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin về công trình của họ.
Kumar viết trong một thông cáo báo chí: “Trong công trình của mình, tôi đề xuất một mô hình khác để giải thích sự giãn nở ngày càng nhanh hiện nay của vũ trụ. Không giống như các mô hình hiện có, mô hình này không yêu cầu bất kỳ dạng năng lượng tối hoặc cách tiếp cận trọng lực sửa đổi nào”.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, vẫn có một cái giá phải trả: chúng ta cần một đối tác phản vũ trụ (anti-universe), nơi dòng chảy thời gian có mối liên hệ ngược lại với vũ trụ của chúng ta”.
Đây không phải là lần đầu tiên một ý tưởng như vậy được đưa ra. Năm 2018, các nhà khoa học từ Viện Vật lý lý thuyết Perimeter ở Ontario đã đưa ra ý tưởng rằng vũ trụ của chúng ta là hình ảnh phản chiếu của một vũ trụ có dòng thời gian trôi theo chiều ngược lại.
Vào thời điểm đó, các tác giả sẵn sàng thừa nhận rằng ý tưởng của họ vẫn cần phải vượt qua nhiều rào cản quan sát và thực nghiệm, nhưng nó cung cấp một ứng cử viên hấp dẫn cho vật chất tối – neutrino “vô sinh”. Ý tưởng này cũng không vi phạm một quy tắc cơ bản của vật lý được gọi là đối xứng CPT – một điểm cộng lớn cho bất kỳ lý thuyết nào hy vọng giải thích sự giãn nở của vũ trụ.
Dựa trên cách tiếp cận này, Kumar nói rằng bài báo của ông sử dụng các khái niệm vay mượn từ lý thuyết lượng tử (entropy tương đối) và thuyết tương đối rộng (điều kiện năng lượng không) để chỉ ra vũ trụ thực sự sẽ tăng tốc tự nhiên như thế nào với một cặp vũ trụ đối ngẫu như vậy.
Kumar viết: “Trong trường hợp này, entropy tương đối, đòi hỏi hai trạng thái, tương ứng với vũ trụ và đối tác phản vũ trụ của nó. Sự giãn nở ngày càng nhanh dường như không thể tránh khỏi trong một vũ trụ được tạo ra theo cặp tuân theo điều kiện năng lượng không”.
Quá trình nghiên cứu về sự giãn nở của vũ trụ và các hiện tượng liên quan đến Vụ nổ lớn (đặc biệt là “giai đoạn lạm phát”) có vẻ đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và mô phỏng lý thuyết một cách thô sơ, giống như việc “ném tất cả vào tường và xem cái nào dính lại”.
Mặc dù công việc của các nhà khoa học là thách thức các giả định cơ bản và kiểm tra tính bền vững các lý thuyết lâu đời, những lời giải thích được phát triển qua nhiều thế kỷ bởi những tài năng kiệt xuất như Isaac Newton và Albert Einstein có lẽ sẽ tiếp tục đứng vững.
Nhưng trong khi các nhà khoa học trên khắp thế giới tiếp tục tìm kiếm sự tồn tại của vật chất tối và năng lượng tối – những thứ vẫn được nhiều người coi là giả thuyết tốt nhất, thì việc khám phá những lời giải thích khác đáng kinh ngạc về sự tồn tại của mọi thứ sẽ không bao giờ là thừa.
Theo Popularmechanics
NTD Việt Nam