Trương Phu nhân tuổi trẻ khổ cực, sau này vinh hoa làm Tướng quốc Phu nhân. (Một phần tranh Tây Viên Nhã Tập Đồ – Đinh Quan Bằng đời Thanh vẽ phỏng theo Cừu Anh)
Trương Tòng Ân (898-966) là người Thái Nguyên, Tịnh Châu, là tướng lĩnh thời Ngũ Đại Thập Quốc, làm Tiết độ sứ triều Bắc Tống. Những năm đầu triều Hậu Tấn, Trương Tòng Ân với thân phận là họ ngoại, được bổ nhiệm làm Hữu Kim ngô Vệ tướng quân, không lâu sau đổi làm Thứ sử Bối Châu, rồi được thăng làm Phó lưu thủ Bắc Kinh. Sau đó lại được bổ nhiệm làm Phòng ngự sứ, Khu mật phó sứ, Nam viện sứ Tuyên Huy (kiêm Lưu thủ Tây Kinh), không lâu sau đổi làm Tam ty sứ.
Khi Tiết độ sứ An Tòng Tiến nổi binh làm phản ở Tương Dương, Trương Tòng Ân làm Hành dinh Binh mã Đô giám. Thiếu Đế kế vị, gia phong ông làm Đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự (tể tướng). Thời Hậu Chu, ông làm Tả Kim ngô Vệ Thượng tướng quân. Chu Tổ chính phạt Duyện Châu, Trương Tòng Ân tùy tùng. Thế Tông lên ngôi, gia phong ông làm Kiểm hiệu Thái sư, phong làm Bảo Quốc Công. Khi triều Tống thành lập, cải phong cho ông là Hứa Quốc Công. Sau vì bệnh ông từ quan, qua đời năm Càn Đức thứ 4, thọ 69 tuổi.
Khi Trương Tòng Ân làm Hành doanh Binh mã Đô giám, ông có nạp một người thiếp. Cô là người Hà Đông, rất xinh đẹp, thông minh nhanh nhẹn, biết nhiều loại kỹ năng, nghệ thuật. Người thiếp này khi 14, 15 tuổi, bị một viên võ quan chiếm thân thể, sau đó làm vợ bé của ông ta. Viên võ quan đó được điều đến vùng Lạc Dương, cô cũng đi theo.
Khi đến Thưởng Đảng thì cô đột nhiên bị bệnh, viên võ quan đành phải sai người kiệu cô đi. Đến Bắc Tiểu Kỷ, bệnh của cô càng nghiêm trọng, thuốc nước cũng không uống được. Từ sáng đến chiều, cô đi ngoài hơn trăm lần. Người cô chỉ còn da bọc xương, toàn thân vừa bẩn vừa thối, chiếc cáng bẩn thỉu, không ai dám đến gần. Viên võ quan trong lòng lấy làm chán ghét, vứt cô ở ven đường, rồi cùng đội ngũ tiếp tục đi tiếp.
Cô bị vứt bỏ bên lề đường, liền mấy ngày không ăn uống gì. Những người qua lại trông thấy, đều vô cùng thương xót cô. May mắn bên đường có một cái hang đất lõm trong, có thể chứa được vài người. Bọn trẻ kiếm củi chăn trâu, mỗi khi tránh gió mưa thường chạy vào đây. Người đi đường thương xót cô, nên đã cùng nhau khiên cô vào trong cái hang đất đó.
Lại qua mấy ngày, bệnh của cô dần dần đỡ. Nhưng quần áo trên người cô, đã bị những kẻ xấu cướp đi hết rồi. Cô đành nhặt lá cây và cỏ để che thân. Đến khi có chút sức lực, cô gắng sức chậm rãi bước đến một lữ quán gần đó, mỗi ngày xin người ta một chút cơm thừa canh cặn. Đến tối, cô ngủ dưới mái hiên của lữ quán.
Một ngày nọ, có một bà lão nói với cô rằng: “Ta thấy con không giống người ăn xin. Ta sống cách đây không xa, chỉ 300 bước là đến”.
Nói rồi, bà lão dẫn cô về nhà. Bà lão giúp cô tắm gội, lại tìm quần áo cho cô mặc. Hàng ngày cho cô ăn, cũng chỉ có cháo và rau, không có thứ gì hơn nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau, cô đã khôi phục lại được dáng vẻ ban đầu, dung mạo tươi đẹp diễm lệ, quả thực giống như một Tiên nữ. Hàng xóm láng giềng, nhà nào có con trai chưa kết hôn, đều tranh nhau muốn cưới cô, nhưng cô đều từ chối.
Một ngày nọ, ngẫu nhiên có một thư sinh đi qua khu Tiểu Kỷ này, biết được chuyện này, anh một mực xin được gặp cô. Vừa thấy cô, anh lập tức nói với bà lão rằng: “Cụ có thể gả cô ấy cho con làm vợ con được không? Nếu cụ đồng ý, con xin dâng tặng 50 súc lụa màu cho cụ”.
Bà lão đồng ý. Sau đó thư sinh cho cô thay y phục và đồ trang sức mới tinh, và dùng xe chở cô cùng đi. Hai người cùng đến Tương Dương, và thuê nhà cư trú ở đó.
Ở đó chưa được bao lâu thì gặp phải sự kiện Tiết độ sứ Tương Dương là An Tòng Tiến dấy binh tạo phản. Những kẻ phản loạn tham tiền tài của thư sinh, thừa loạn giết chết anh, và chiếm vợ anh. Khi An Tòng Tiến thất bại, trong lúc hỗn loạn, cô lại bị binh sĩ cướp đi. Có người thấy cô xinh đẹp, lại đem cô dâng đến trại của Binh mã Đô giám Trương Đô giám.
Trương Đô giám chính là Trương Tòng Ân. Trong số thê thiếp của ông, thì ông đặc biệt tin tưởng và sủng ái người vợ của chàng thư sinh này. Vài năm sau, người vợ chính thất của Trương Tòng Ân qua đời, ông bèn đưa cô lên làm chính thất, làm vị tân phu nhân. Trương Tòng Ân làm Thứ sử của một quận, cô cũng được phong làm Quận phu nhân. Cô làm phu nhân, giỏi quản lý gia đình, công việc, đặc biệt nghiêm túc coi trọng việc thực hiện các quy tắc, quy củ. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, đều dùng phép tắc lễ nghi để đánh giá.
Sau này Trương Tòng Ân được nhà Hậu Tấn gia phong hàm thừa tướng làm Đồng Trung thư môn hạ Bình chương sự, cô cũng được tấn phong làm Đại quốc Phu nhân. Cuối cùng, cô qua đời tại phủ đệ ở thành Lạc Dương.
Một phụ nữ, cuộc đời trải qua bao nhiêu gian nan hiểm trở, bị các đại nạn như tuổi thiếu niên bị thất thân, trở thành ăn xin, cuối cùng lại vinh hoa phú quý, được tấn phong làm Đại quốc Phu nhân.
Những hiền nhân quân tử thời cổ đại, khi chưa gặp cơ hội, vẫn trong chốn phong trần, đói nghèo bức bách, mặt xanh như tàu lá, thường không được như ý nguyện. Nhưng một khi thời vận đến, kiến công lập nghiệp, như gió thổi mây bay, rồng gầm hổ thét, cao quan hậu lộc, ân sủng vinh hoa, kéo dài không dứt, công lao sự nghiệp lưu sử sách, tên tuổi lưu truyền bất hủ. Những người như thế, nhiều không kể xiết.
Tuy nhiên, một cô gái thấp kém, nghèo hèn, không có gì đáng nói, cũng không thể xem thường, chứ nói gì đến những người văn võ tài cán, tạm thời địa vị thấp kém, sống khó khăn khổ sở trong dân gian. Thế nên, với tất cả mọi người, bất kể họ đang ở vị trí hay giai tầng nào, chúng ta cũng cần có thái độ tôn trọng họ, biết đâu sau này, họ lại là những danh nhân tên tuổi lẫy lừng thiên hạ.
Nguồn “Lạc Dương tấn thân cựu văn ký”
Thái Nguyên – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam