Các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia và Đại học Rutgers đã phát hiện ra rằng một lít nước đóng chai thông thường có thể chứa khoảng 240.000 hạt nhựa có thể phát hiện được. (Ảnh: Wikipedia)
Những mảnh nhựa siêu nhỏ có mặt ở khắp mọi nơi, chúng được tìm thấy trong nước đóng chai với số lượng nhiều gấp 10 đến 100 lần so với ước tính trước đây.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences của các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia và Đại học Rutgers đã phát hiện khoảng 240.000 mảnh nhựa trong một lít nước đóng chai thông thường.
Trong số các hạt nhựa được tìm thấy, 10% là microplastic, 90% còn lại là nanoplastic. Microplastic có kích thước từ 5 milimet đến 1 micromet, còn nanoplastic có kích thước nhỏ hơn 1 micromét. Để so sánh, một sợi tóc của con người có độ dày khoảng 70 micromet.
Microplastic đã được phát hiện trong nhiều bộ phận của cơ thể con người, bao gồm phổi, phân, máu và nhau thai. Một nghiên cứu năm 2018 đã tìm thấy trung bình 325 mảnh microplastic trong một lít nước đóng chai.
Wei Min, giáo sư hóa học tại Đại học Columbia và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nanoplastic có thể nguy hiểm hơn microplastic vì khi vào cơ thể người, nó dễ bị nhầm lẫn với thành phần tự nhiên của tế bào hơn”.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công nghệ mới gọi là kính hiển vi tán xạ Raman kích thích (SRS) để phát hiện các hạt nhựa trong nước đóng chai. Họ đã tìm thấy bảy loại nhựa phổ biến gồm: polyamit 66, polypropylen, polyetylen, polymethyl methacrylate, polyvinyl clorua, polystyrene và polyetylen terephthalate.
Họ đã thử nghiệm ba loại nước đóng chai không tiết lộ tên các thương hiệu.
Beizhan Yan, giáo sư nghiên cứu tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, các hạt mà họ có thể xác định được chỉ chiếm 10% tổng số hạt mà họ tìm thấy. Phần còn lại có thể là khoáng chất, các loại nhựa khác hoặc thứ gì đó khác.
Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế đã lên tiếng về nghiên cứu này. Tổ chức này cho biết họ cần thêm thời gian để xem xét nghiên cứu và rằng cần có thêm nghiên cứu khác để phát triển các phương pháp tiêu chuẩn để đo lường và định lượng nanoplastic trong môi trường. Họ cũng cho biết không có sự đồng thuận khoa học về các tác động sức khỏe tiềm ẩn của nanoplastic.
Phoebe Stapleton, một đồng tác giả khác của nghiên cứu và là giáo sư dược lý và độc chất học tại Đại học Rutgers, cho biết các nhà nghiên cứu đã biết rằng nhựa nano có trong nước. Bà nói: “Nếu bạn không thể định lượng chúng hoặc không thể hình dung được chúng thì thật khó để tin rằng chúng thực sự ở đó”.
Nghiên cứu của nhóm đã “đưa điều đó ra ánh sáng và không chỉ cung cấp hình ảnh do máy tính tạo ra, mà còn cho phép định lượng và thậm chí quan trọng hơn, tính chất hóa học trong việc định lượng đó”, Stapleton nói.
Họ mong muốn nghiên cứu này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về lượng nhựa mà họ thường xuyên đưa vào cơ thể và tác động của nó.
Yan cho biết trong các nghiên cứu tiếp theo, họ dự định sẽ sử dụng công nghệ này để tìm kiếm các hạt nhựa trong nước máy, không khí, thực phẩm và mô người.
Theo Liên Hợp Quốc, con người tạo ra hơn 440 triệu tấn nhựa mỗi năm. Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 80% trong số đó sẽ được đưa vào bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.
Theo npr
NTD Việt Nam