Quần đảo Samoa đang chìm dần xuống đáy biển sâu bởi quá trình kiến tạo hai mảng Thái Bình Dương và Úc châu. Ảnh: NASA
Hoạt động ‘kiến tạo mảng’ của Trái đất làm cho các lục địa thay nhau nổi lên hay chìm xuống đáy biển sâu. Gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một minh chứng cho sự hoạt động này: Quần đảo Samoa thuộc Mỹ đang dần chìm xuống đáy biển.
Sử dụng công nghệ InSAR, các nhà khoa học NASA cho biết quần đảo Samoa của Mỹ, một quần đảo được hình thành từ quá trình hoạt động của núi lửa trong quá khứ, đang gia tăng sự sụt lún một cách rõ rệt, kể từ khi trận trận động đất mạnh 8,1 độ xảy ra gần đó và dẫn đến thảm họa sóng thần năm 2009.
Quần đảo này đang chìm, không chỉ do nước biển dâng, mà sự thật là nó đang bị chìm dần vào lòng đất. Động đất cũng không phải là nguyên nhân gây ra sự cố này, mà nguyên nhân chính là do hoạt động của quá trình ‘kiến tạo mảng’.
Kiến tạo mảng là gì?
Theo thuyết ‘kiến tạo mảng’, toàn bộ lớp vỏ cứng ngoài cùng dày 100 km của Trái Đất được gọi là thạch quyển. Thạch quyển được cấu tạo bởi 7 mảng kiến tạo lớn (tổng cộng có khoảng 20 mảng kiến tạo lớn nhỏ), chúng không đứng yên mà thường có dịch chuyển.
Do sự dịch chuyển,, một số mảng kiến tạo va chạm vào nhau hoặc mài qua nhau và có thể còn bị phân tách ra, dồn nén hoặc đè lên nhau ở khu vực tiếp xúc.
Nguyên nhân dịch chuyển của các mảng kiến tạo là do hoạt động của các dòng đối lưu vật chất quánh dẻo và có nhiệt độ cao trong tầng Manti trên.
Các mảng này cõng trên lưng các phần lục địa và đại dương, do sự dịch chuyển của chúng mà dẫn đến việc các lục địa nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại tách ra. Ranh giới, chỗ tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo là các vùng bất ổn, thường xảy ra các hiện tượng kiến tạo, động đất, núi lửa, hút chìm…
Thời gian cho mỗi chuyển động là rất dài, ít nhất hàng trăm triệu năm cho một lần thay đổi vị trí của các lục địa trên Trái đất, quá lâu để con người có thể đo đạc được, vì vậy kiến tạo mảng mới chỉ được coi là một lý thuyết được xây dựng trên những bằng chứng gián tiếp khác nhau.
Quần đảo Samoa đang chìm dần
Quần đảo Samoa có thể là một bằng chứng trực tiếp hiếm hoi của quá trình gọi là “hút chìm” ở các đại dương, vốn khiến đại dương bị thu hẹp và kéo các lục địa xung quanh lại gần, theo SciTech Daily.
Samoa nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi ranh giới các mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Úc. Hai mảng này đang trượt lên nhau, tạo nên một khu vực hút chìm dọc theo hẻm núi nổi tiếng là rãnh Tonga, nơi hiện nay đang xảy ra các vụ núi lửa phun trào liên miên.
Các nhà khoa học đã đo lường chuyển động thẳng đứng của trái đất sau mỗi lần động đất, bao gồm sự di chuyển của các vật liệu sâu bên dưới bề mặt trái đất, được phản ánh qua sóng địa chấn.
“Trong hàng trăm ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm, quần đảo núi lửa có xu hướng chìm xuống khi nguội đi. Quá trình địa chất lâu dài này đã được thể hiện đối với quần đảo Samoa; các trận động đất đã làm gia tăng quá trình này”, nhà địa vật lý Eric Fieling từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL-NASA) cho biết.
Biểu hiện rõ ràng hơn của ‘hút chìm’ là dường như cả một khu vực rộng lớn quanh quần đảo đang bị kéo xuống, thể hiện qua quá trình theo dõi lâu dài của các nhà khoa học cho thấy mực nước biển ở đây dâng nhanh hơn gấp 5 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Từ phát hiện này, một dự án mang tên NISAR, dự kiến ra mắt năm 2024, do NASA và cơ quan vũ trụ Ấn Độ là ISRO đồng phát triển, để xây dựng mô hình nghiên cứu tác động của kiến tạo mảng đối với quá trình nước biển dâng trên toàn cầu. Bởi vì rõ ràng là quá trình địa chất phức tạp này khiến các nơi khác nhau chìm theo cách khác nhau.
NTD Việt Nam