Khi còn nhỏ chúng ta đều có mơ ước, lớn lên sẽ làm bác sĩ, nhạc công, kỹ sư, hoạ sĩ, danh hài, hay cầu thủ bóng đá… Tuy nhiên phần lớn mơ ước vẫn mãi chỉ là ước mơ, chẳng mấy ai đạt được điều mình muốn. (Ảnh: Shutterstock)
Vì sao cổ nhân xưa nay luôn cho rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”? Có lẽ những ai từng xem qua Tam Quốc, hẳn không lạ gì vị quân sư tài ba phò tá cho nhà Thục Hán đó là Khổng Minh – Gia Cát Lượng…
Nhắc đến Gia Cát Lượng là nhắc đến vị quân sư túc trí đa mưu, dụng binh như thần, thân trong lều cỏ nhưng tỏ tường thế sự trận mạc cách xa nghìn dặm. Với một bậc kỳ tài như vậy, cứ ngỡ Lưu Bị sớm có thể bình định thiên hạ, thống nhất giang sơn nhà Hán. Tuy nhiên ý Trời khó cải, con người vĩnh viễn không thể nào nghịch lại Thiên ý.
Trong xã hội thực tại, hẳn trong số chúng ta cũng có không ít những bậc kỳ tài xuất chúng, nhiều người không tin vào thiên mệnh, cho rằng: cuộc đời mỗi người là do bản thân định đoạt, chỉ cần thứ mà mình muốn, nỗ lực theo đuổi và thực hiện ắt sẽ được. Họ hoàn toàn không biết rằng: “Thuận Thiên thì sống, nghịch Thiên thì vong”, người thuận theo ý Trời thì việc dễ thành, còn nghịch lại Thiên ý thì dù có lao tâm khổ tứ cũng hoài công.
Kỳ thực câu nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” chính là một triết lý thâm sâu của cổ nhân, câu nói này xuất phát từ một điển cố trong Tam Quốc. Tại hồi thứ 103, Gia Cát Lượng đã phải lao tâm khổ tứ dùng đủ mọi phương kế để dẫn dụ cha con Tư Mã Ý vào trong Thượng Phương Cốc những mong dùng hỏa công để thiêu chết hai cha con nhà Tư Mã. Tưởng chừng như mọi chuyện đã xong. Ai ngờ ngay khi cha con Tư Mã đã vào bước cùng, sắp bị lửa thiêu chết đến nơi thì đột nhiên trời nổi bão giông, sét đánh sấm gầm, mưa to rơi xuống, cha con Tư Mã Ý cũng nhờ đó mà thoát nạn diệt vong. Mắt nhìn thấy kẻ thù của mình sắp phải bỏ mạng nơi biển lửa lại được cứu thoát, Gia Cát Lượng chỉ đành đau khổ ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Mưu sự tại nhân, Thành sự tại thiên”.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” không chỉ là một câu thành ngữ thông thường, nó còn là huyền cơ của những người thành công nơi thế tục. Phàm bất kể việc gì cũng đều có Thiên ý, việc thành công hay thất bại không nằm ở chỗ có nỗ lực hay không, hay nỗ lực thế nào. Có người dùng trăm phương nghìn kế để mưu tính, tuy nhiên trời chỉ cần tính một, mọi chuyện sẽ bằng không. Mưu sự là quá trình, thành sự lại là kết quả, mưu sự trước, thành sự sau. Con người xưa nay có quá nhiều chuyện cho dù bạn cặm cụi gian khổ ra sao, kết quả đều là “Hữu ý trồng hoa, hoa chẳng nở; vô tình cắm liễu, liễu đơm bông”. Ở đây có thể thấy, con người không thể định đoạt được việc thành hay bại mà do trời quyết định, sức người có hạn, nhưng hoàn cảnh bên ngoài: Thiên thời địa lợi, nhân hoà lại có sự tác động to lớn, đó cũng chính là ý Trời, là mấu chốt quyết định việc thành hay bại.
Khi còn nhỏ chúng ta đều có mơ ước, lớn lên sẽ làm bác sĩ, nhạc công, kỹ sư, hoạ sĩ, danh hài, hay cầu thủ bóng đá… Tuy nhiên phần lớn mơ ước vẫn mãi chỉ là ước mơ, chẳng mấy ai đạt được điều mình muốn. Thân bất do kỷ, cuộc sống có quá nhiều những điều không như ý, việc muốn làm lại không thể làm, việc chán ghét lại cứ phải ngày ngày đối diện.
Có câu: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Vậy nên làm người, điều quan trọng không phải là bạn cố gắng ra sao, bạn nỗ lực thế nào mà là bạn sống ra sao, đức độ thế nào, nhân phẩm đủ đầy hay không. Vạn sự phải tuỳ kỳ tự nhiên, con người chỉ cần có nhân phẩm đạo đức đủ đầy thì trời cao ắt sẽ an bài, tiêu diêu tự tại một đời sướng vui.
Cổ Phong
NTD Việt Nam