Sử dụng các quan sát vệ tinh và radar xuyên băng, các nhà khoa học đang có được cái nhìn thoáng qua về thế giới đã mất ở Nam Cực. (Ảnh: Wikipedia)
Hàng triệu năm trước, Nam Cực trông rất khác. Thay vì một lục địa chủ yếu được bao phủ bởi băng, nó là một vùng đất rộng lớn với những dòng sông chảy tự do và các thung lũng được tạo thành từ sự trượt của sông băng.
Nhưng từ 14 đến 34 triệu năm trước, một tấm băng dày từ từ bao phủ khắp lục địa và che lấp một phần cảnh quan tươi tốt bên dưới, theo NBC News.
Cảnh quan đó vẫn bị ẩn giấu hàng thiên niên kỷ cho đến tận bây giờ.
Stewart Jamieson, một nhà nghiên cứu về sông băng và tác giả chính của bài báo về phát hiện mới nói với Agence France-Presse: “Đó là một cảnh quan chưa được khám phá. Chưa ai nhìn thấy nó”.
Nam Cực từng có khí hậu ấm hơn
Jamieson và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp của ông đã xem xét một khu vực lục địa rộng khoảng 31.000 km vuông nằm cách bờ biển Đông Nam Cực khoảng 300 km về phía đất liền.
Lớp băng cổ xưa di chuyển chậm đã làm xói mòn nhiều nơi của Nam Cực. Tuy nhiên, ở khu vực mà các nhà nghiên cứu xem xét, băng không đủ dày để gây ra thiệt hại tương tự. Thay vào đó, nó có thể đã giúp bảo tồn cảnh quan ở bên dưới.
“Đột nhiên, khung cảnh đó bị đóng băng theo thời gian”, Jamieson nói với Live Science .
Jamieson và các đồng nghiệp của ông đã xem xét các hình ảnh vệ tinh và dữ liệu đo hồi âm vô tuyến (RES) được thu thập trước đó từ Đông Nam Cực.
RES là kỹ thuật sử dụng sóng vô tuyến để xác định độ dày của băng. Điều này giúp các nhà nghiên cứu xác định kích thước của các đỉnh cao và độ sâu của các thung lũng ẩn dưới lớp băng.
Vẫn còn nhiều điều cần phải khám phá về khu vực này, chẳng hạn như các loài thực vật và động vật có thể đã sống ở đó. Theo một nghiên cứu năm 2012, khoảng 50 triệu năm trước, cây cọ đã mọc ở Nam Cực.
Jamieson nói với NBC: “Thật khó để biết thế giới đã mất này trông như thế nào trước khi băng xuất hiện, nhưng lúc đó chắc chắn nó ấm hơn. Tùy vào việc bạn quay trở lại thời gian nào, bạn có thể có các dạng khí hậu khác nhau, từ khí hậu ôn đới của Patagonia ngày nay cho đến cái gì đó với khí hậu nhiệt đới hơn”.
Nam Cực đang nóng lên
Điều quan trọng khác là phải hiểu nhiệt độ ấm lên sẽ tác động như thế nào đến băng ở Nam Cực.
Đầu tuần này, một nghiên cứu cho thấy thềm băng phía Tây của lục địa này có thể tan chảy ngay cả khi các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Điều đó có thể khiến mực nước biển dâng cao khoảng 5 mét, theo The Guardian.
Jamieson lưu ý rằng “còn rất xa” để băng tan chảy làm lộ ra cảnh quan.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu thêm về khu vực này và cách băng phản ứng với các sự kiện nóng lên trước đó có thể cung cấp manh mối quan trọng cho các nhà nghiên cứu về những gì có thể xảy ra do cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Những phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Theo businessinsider
NTD Việt Nam