Thiền định. (Eventfinda/Bài công pháp số 5 của Pháp Luân Đại Pháp)
Thiền định đang dần trở thành một phương pháp nâng cao sức khỏe phổ biến. Phương pháp này mang lại cho người tập nhiều lợi ích về sức khỏe như giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm, cải thiện năng lượng và giúp giảm nhẹ các bệnh lý mãn tính.
Có rất nhiều nghiên cứu đã đánh giá tác động của thiền định đối với sức khỏe tâm lý và sinh lý của con người.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những lợi ích của thiền định dưới góc độ y học cổ truyền giúp mọi người thực hành thiền định hiệu quả hơn.
Y học cổ truyền
Chúng ta hãy bắt đầu với một số khái niệm cơ bản trong y học cổ truyền. Y học hiện đại đi theo xu hướng về giải phẫu học cơ thể người và các quá trình hóa sinh trong cơ thể. Điều này dẫn đến các phương pháp điều trị bằng hóa dược và phẫu thuật chiếm ưu thế trong thực hành y học hiện đại.
Ngược lại, nền tảng của y học cổ truyền là kiến thức về nguồn năng lượng của con người. Các phương thức trị liệu như châm cứu và thảo dược của y học cổ truyền tập trung vào việc điều chỉnh sự mất cân bằng về năng lượng. Có thể bạn sẽ cảm thấy xa lạ với khái niệm này nếu chưa hiểu về vai trò của điện trong cơ thể.
Khí
Năng lượng của con người trong y học cổ truyền được gọi là khí. Khái niệm này giống như hoạt động điện điều khiển các hoạt động thể chất và tinh thần trong cơ thể theo quan điểm của y học hiện đại.
Không chỉ có các tế bào thần kinh (tế bào não) mới tạo ra điện tích, phần lớn các tế bào đều có thể sử dụng điện tích âm để vận chuyển ion điện tích dương qua màng tế bào, giúp thực hiện nhiều chức năng khác nhau trong đó bao gồm cả chức năng truyền tín hiệu.
Nói cách khác, toàn bộ cơ thể chúng ta phụ thuộc vào những dòng điện nhỏ này. Y học hiện đại đo hoạt động điện trong cơ thể người bằng các phương pháp như điện não đồ (EEG), điện tâm đồ (EKG) và điện cơ đồ (EMG). Ngược lại y học cổ truyền sẽ xác định khí trong cơ thể bằng cách đánh giá toàn diện các triệu chứng cơ thể và tinh thần, xem lưỡi, bắt mạch đồng thời quan sát trạng thái tinh thần.
Kinh mạch
Cũng giống như máu chảy theo các đường mạch máu, năng lượng của con người sẽ được vận chuyển trong các kênh năng lượng gọi là kinh lạc. Y học hiện đại thường tập trung vào hoạt động điện ở một số khu vực nhất định, như não, tim hoặc cơ. Ngược lại y học cổ truyền tập trung vào mạng lưới kết nối của các kinh lạc, kết nối các kênh năng lượng trên toàn cơ thể.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải hiểu được sự tinh tế của hệ thống năng lượng này. Cơ thể con người không phải như một cỗ máy có nhiều bánh răng chạy bằng dầu. Đó là một hệ thống năng lượng được điều chỉnh rất tinh vi. Hệ thống này có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mà bạn không ngờ đến, dù rằng những yếu tố này đều đã được các nhà khoa học cảnh bảo trong nhiều thập kỷ qua.
Không khí sạch và thực phẩm dinh dưỡng
Y học cổ truyền cho rằng có nhiều loại năng lượng khác nhau, trong đó bao gồm cả loại khí có từ trước khi sinh (khí tiên thiên), tuy nhiên chúng ta chỉ tập trung vào loại năng lượng có được sau khi sinh (khí hậu thiên).
Loại khí này được tạo ra từ không khí chúng ta hít thở và thực phẩm chúng ta ăn. Đây là nguồn nhiên liệu được cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng. Giống như máy phát điện đốt khí để tạo ra điện, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa sử dụng không khí sạch và thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng để tạo ra khí. Loại khí này chịu trách nhiệm hỗ trợ chức năng thể chất và tinh thần hàng ngày của chúng ta.
Vì cơ thể chúng ta tạo ra khí từ không khí và thức ăn nên điều quan trọng ở đây chính là những nguồn nhiên liệu này phải đầy đủ và sạch. Nếu bạn hít thở không khí ô nhiễm và ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, cơ thể bạn sẽ không thể tạo ra nguồn năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động chức năng. Khi đó, chiếc máy phát điện của bạn sẽ bị gặp các vấn đề hệ trọng.
Sự tương tác giữa con người và tự nhiên
Bên cạnh thức ăn và không khí, năng lượng của chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi sự tương tác liên tục với năng lượng của môi trường, đồng thời nó cũng rất nhạy cảm với những thay đổi theo mùa và khí hậu nơi bạn sinh sống.
Ví dụ, chúng ta hãy đánh giá tác động của ánh sáng mặt trời đối với cơ thể. Da của bạn sẽ sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra một loại hormone gọi là vitamin D, đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và hàng trăm phản ứng điện hóa trong quá trình trao đổi chất. Không nhận đủ ánh sáng mặt trời sẽ dẫn đến hàng chục căn bệnh do thiếu vitamin D, chưa kể đến những vấn đề về cảm xúc.
Y học cổ truyền thường nhấn mạnh rằng chúng ta cần sống phù với sự thay đổi mùa và thời tiết. Ví dụ, khi chúng ta ăn thực phẩm được trồng tại địa phương, năng lượng của chúng ta sẽ hòa hợp với môi trường hơn. Đồng thời nhiệt độ và thời gian ngày đêm thay đổi, hành vi và chế độ ăn uống của chúng ta cũng cần thay đổi theo.
Mùa xuân là thời điểm của sự phát triển, bởi vậy mùa xuân cũng là thời điểm chúng ta nên bắt đầu những dự án mới hoặc thói quen mới đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Ngược lại, mùa đông là thời điểm để nghỉ ngơi, chúng ta nên tận dụng mùa này để tìm hiểu về bên trong cơ thể mình và cố gắng bảo tồn nguồn năng lượng có hạn của mình.
Kết nối giữa tâm trí và cơ thể
Đây chính là vai trò quan trọng của thiền định. Năng lượng của con người rất nhạy cảm với những suy nghĩ và cảm xúc. Suy nghĩ và cảm xúc chính là biểu hiện của năng lượng con người. Y học hiện đại cũng biết rằng căng thẳng mãn tính sẽ sinh ra bệnh tật.
Nguyên nhân chính là do trạng thái căng thẳng khiến cơ thể tiết ra rất nhiều hormone trong phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” và làm ngừng chu kỳ nghỉ ngơi và tiêu hóa của chúng ta. Y học cổ truyền cũng quan tâm đến vấn đề này, đồng thời cho rằng cảm xúc tiêu cực là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người.
Lý thuyết y học cổ truyền cho rằng có sự kết nối giữa các loại cảm xúc cụ thể với hệ thống năng lượng và kinh mạch tương ứng. Ví dụ, tức giận làm rối loạn kinh mạch và góp phần gây ra các bệnh như đau nửa đầu, hội chứng ruột kích thích, đau cơ xơ hóa, mất ngủ và trầm cảm.
Trong khi y học hiện đại giải thích dựa vào chức năng của hệ thần kinh giao cảm (chiến đấu hay bỏ chạy) và hệ thần kinh phó giao cảm (nghỉ ngơi và tiêu hóa), y học cổ truyền cho rằng cảm xúc tiêu cực khiến khí di chuyển ngược, gây ra triệu chứng ợ chua, buồn nôn, ho và thở khò khè. Cảm xúc đau khổ cũng cản trở dòng khí và gây co thắt kinh mạch, gây đau, ứ máu và tạo nên khối u.
Do đó, từ góc độ y học cổ truyền, duy trì dòng khí đầy đủ, di chuyển đúng hướng là chìa khóa để tạo nên sức khỏe và tuổi thọ. Để làm được điều này, bạn cần duy trì sức khỏe tinh thần tốt.
Các kỹ thuật chính của phương pháp thiền định
Thiền định là một trong những phương pháp tốt nhất giúp bạn ổn định tâm trí và giảm bớt những tác động không tốt của tâm trí đến cơ thể. Có rất nhiều phương pháp thiền định, tuy nhiên những phương pháp này đều có chung một số kỹ thuật. Khi hiểu được các khái niệm cơ bản của y học cổ truyền, chúng ta sẽ hiểu được tại sao cần thực hiện những kỹ thuật này để đạt được hiệu quả thiền định tốt hơn.
Đầu tiên, chúng ta cần giữ cho tâm trí của mình trống rỗng trong thời điểm thực hành thiền định. Con người thường có xu hướng khó chịu khi nghĩ về những điều ngoài tầm kiểm soát. Đó có thể là những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Nghĩ về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến những suy nghĩ ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta sẽ thoải mái hơn nếu được sống theo cách mình muốn và chỉ có thể thực hiện điều này trong thời điểm hiện tại. Khí của chúng ta sẽ được di chuyển tốt nhất ở những kinh mạch mở rộng khi không có cảm xúc tiêu cực nào.
Giữ cho tâm trí trống rỗng, nghe có vẻ dễ tuy nhiên để thực hiện được điều này lại vô cùng khó khăn. Con người ngày nay có quá nhiều thứ trong đầu và gần như không thể loại bỏ những suy nghĩ này. Đôi khi, chúng ta càng cố gắng ngừng suy nghĩ thì càng có nhiều suy nghĩ xuất hiện. Lời khuyên để vượt qua khó khăn này chính là hãy tự mình chủ động loại bỏ mọi những suy nghĩ mà chúng ta không kiểm soát được, đồng thời ngừng phản ứng hay tham gia vào những suy nghĩ đó.
Thứ hai, ngồi thẳng lưng, tốt nhất là ngồi bắt chéo chân (kiết già), hoặc đứng chắp tay ở một số tư thế nhất định là điều rất cần thiết trong thiền định. Với những tư thế này, mạng lưới năng lượng trong cơ thể sẽ được kết nối tốt nhất. Dòng chảy của khí sẽ trôi chảy mạnh nhất và quá trình trao đổi năng lượng với tự nhiên sẽ diễn ra hiệu quả nhất.
Thứ ba, chúng ta cần để đầu lưỡi chạm vào vòm miệng trên. Ở phần trước của cơ thể có đường kinh lạc lớn gọi là mạch Nhâm, kết nối tất cả các kênh năng lượng từ các cơ quan đặc như thận, tim, lá lách, phổi và gan. Đồng thời có một đường kinh lạc lớn khác ở phía sau gọi là mạch Đốc, kết nối tất cả các kênh năng lượng từ các cơ quan rỗng như ruột non, ruột già, dạ dày, túi mật và bàng quang. Hai đường kinh này được nối với nhau ở miệng. Khi chạm đầu lưỡi vào vòm miệng trên, hai đường kinh mạch này sẽ được kết nối liên tục và năng lượng nuôi dưỡng cơ thể sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Chúng ta không cần phải chú ý đặc biệt đến hơi thở khi thiền định mà chỉ cần thở tự nhiên. Tuy nhiên, tập trung vào hơi thở cũng rất hữu ích khi tâm trí của chúng ta bị cuốn theo những suy nghĩ không thể kiểm soát được.
Con người không chỉ là một cơ thể vật lý với các quá trình trình sinh hóa mà còn là một cơ thể có năng lượng. Khi chúng ta duy trì sức khỏe dồi dào, các quá trình sinh hóa và cấu trúc cơ thể chúng ta sẽ dần dần được cải thiện. Thực hành thiền định đúng cách sẽ giúp chúng ta tăng cường năng lượng thể chất và tinh thần, đồng thời giúp chúng ta trẻ hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Theo The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Tiến sĩ Jingduan Yang là nhà thần kinh học, tâm thần học và là chuyên gia về châm cứu, y học cổ truyền và y học tích hợp. Ông thành lập Viện Y học Tích hợp Yang, Phòng khám Châm cứu Tao và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ. Tiến sĩ Yang là đồng tác giả của hai cuốn sách: “Hướng về phương Đông: Bí quyết làm đẹp và duy trì sức khỏe cổ xưa cho thời đại hiện đại” và “Châm cứu lâm sàng và Y học cổ truyền Trung Quốc”.
NTD Việt Nam