Galerie des Gords (Sảnh gương) ở Cung điện Versailles, Versailles, Pháp. (Ảnh: Myrabella / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)
Ba trăm năm trôi qua trong nháy mắt, cung điện Versailles bị phá hủy rồi được xây dựng lại, dường như chưa từng có những trận hỏa họa hay những vũ khí tàn bạo. Dường như tất cả đều không tồn tại, chỉ có nghệ thuật vĩnh hằng xuyên thời gian xuất hiện trước mặt mọi người, nguyên vẹn như xưa.
Một câu chuyện quen thuộc
Giống như nhiều trí thức châu Âu thời bấy giờ, bá tước Macartney rất quen thuộc với những tác phẩm về Trung Quốc của Leibniz, hay cuốn “Trung Hoa đế quốc toàn chí” với nhiều hình minh họa đẹp của Jean-Baptiste Du Halde. Không lâu sau đó, bá tước Macartney sẽ dẫn đầu một phái đoàn nước Anh đến Trung Quốc. Bá tước Macartney rất phấn khởi, mong chờ được thực hiện sứ mệnh của mình.
Năm 1793, phái đoàn nước Anh đến Trung Quốc. Khi nhìn thấy những người phụ nữ thắt bím và búi tóc, bá tước Macartney đã thốt lên rằng: “Tôi kinh ngạc với vẻ ngoài của họ, giống như Miranda trong vở “Bão tố” của Shakespeare đã thốt lên rằng: “Ôi, thật là kỳ diệu! Rất nhiều người đẹp! Thật là những người đẹp! Đúng là một thế giới mới tuyệt vời, nơi có những người đẹp như vậy!”
Thế nhưng đến tháng ba năm sau, khi tàu của Anh rời khỏi Trung Quốc từ Ma Cao, bá tước Macartney lại đưa ra một ý kiến hoàn toàn khác: “Đế quốc Trung Hoa là một con thuyền cũ bị hỏng, nhưng may mắn có một thuyền trưởng cẩn thận mới khiến tàu không bị chìm trong 150 năm trở lại đây. Cơ thể to lớn của đất nước này khiến các nước láng giềng lo sợ, thế nhưng nếu không may gặp phải một người cầm lái bất tài, con tàu sẽ gặp vận rủi ngay….Cho dù tàu không lật ngay lập tức, cũng sẽ giống như một xác thuyền trôi dạt, cuối cùng đâm vào bờ biển mà vỡ nát”.
Sau khi cấm tôn giáo và bế quan tỏa cảng, từ một đất nước tò mò, dũng cảm tiếp thu tri thức phương Tây trong thời đại Khang Hy, đế quốc Đại Thanh đã trở thành một chiến hạm cũ kỹ, không được sửa chữa trong mắt người phương Tây. So với cảnh tượng sôi nổi khi con thuyền Amphitrite từ Trung Quốc cập cảng Port Louis, chiến hạm đổ nát này khiến nhiều người thất vọng. Thời gian giống như một trò ảo thuật, tạo ra một hình ảnh mờ ảo trên vũ đài văn minh nhân loại.
Câu chuyện về đoàn đặc phái viên nước Anh đến Trung Quốc từ lâu đã được đưa vào sách giáo khoa. Còn dưới đây là cuộc thảo luận giữa các giáo sĩ người Pháp, triều đình nhà Thanh và thuyền trưởng tàu Amphitrite trước khi yết kiến Hoàng đế Khang Hy khi thuyền cập cảng Quảng Châu vào năm 1698. Sự khác nhau về thái độ đối xử với phái đoàn nước ngoài của Hoàng đế Khang Hy và Hoàng đế Càn Long cho thấy rằng trong thời gian 100 năm này, hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây đều đã thay đổi.
“Sau quan khâm sai nói xong, các nhà truyền giáo xếp thành hai hàng, thực hiện nghi thức lạy chín lần để cảm ơn Hoàng đế. Việc này diễn ra trước mặt của nhiều người, đám đông dân chúng đã truyền tin tức này đi toàn thành, làm tăng uy tín của các giáo sĩ ở Quảng Châu.
“Bởi vì khi cảm ơn Hoàng đế phải quỳ xuống thực hiện nghi thức thể hiện sự trung thành và phục tùng, tôi và cha Claude de Visdelou đã nói rõ rằng, thuyền trưởng của tàu Amphitrite là quan chức của vị vua vĩ đại và quyền lực nhất ở phương Tây, nên sẽ không thể thực hiện được nghi thức của Trung Quốc, bởi vì vị vua vĩ đại nhất của châu Âu chỉ có thể có thể được người khác thần phục chứ không thể thần phục bất cứ ai.
Quan chức của Trung Quốc trả lời rằng, có thể thực hiện nghi thức giữ thể diện cho cả hai nước là được, có nghĩa là một phần theo phong tục của Trung Hoa, một phần theo nghi thức của Pháp. Vì vậy, các quan chức Trung Quốc đề nghị rằng ngài De La Rocque xoay mặt hướng về Bắc Kinh, cung kính nghe quan tuần phủ ở trước mặt đọc thánh chỉ của Hoàng đế miễn trừ thuế tàu thuyền. Ngài De La Rocque có thể đội mũ quỳ xuống, sau đó thực hiện nghi thức uốn gối của Pháp để tạ ơn, hoặc nếu ngài De La Rocque muốn, ngài ấy có thể ngả mũ khom người, làm nghi thức uốn gối của nước Pháp để tạ ơn mà không cần phải quỳ xuống”. (Thư cha của Joachim Bouvet gửi cho cha François de la Chaise – cha giải tội của vua Louis XIV) (năm 1699, Bắc Kinh)
Ở đây, triều đình nhà Thanh đã thể hiện lý trí và sự rộng lượng trong quan hệ ngoại giao. Đây là điều mà những triều đại sau đó không có được. Ngay cả vị Hoàng đế yêu thích âm nhạc và kiến trúc phương tây như Càn Long cũng không thể có được sự tự tin ung dung thẳng thắn như ông nội Khang Hy của mình.
Sau khi đến kinh thành không lâu, đoàn đặc phái viên nước Anh đã lên đường đến Sơn trang nghỉ mát Nhiệt Hà để mừng thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi. Chúng ta đều biết rằng người Anh có đôi chân dài không linh hoạt, không thể uốn gối quỳ xuống. Tuy nhiên phải biết rằng: đoàn đặc phái viên này đến từ nước Anh, đất nước tự xưng “chủ của Trái Đất”, đang ở giai đoạn cực thịnh, thống trị về hàng hải, nên thái độ của phái đoàn này ở đế quốc phương Đông này rất đáng quan tâm.
Ở Sơn trang nghỉ mát Nhiệt Hà, đoàn đặc phái viên của Anh bị đối xử theo kiểu “nam man tây di”, đêm đó phải đứng đợi mấy tiếng đồng hồ, đợi Hoàng đế Càn Long cùng đoàn tùy tùng đến dự tiệc. Điều không may chính là, nhóm người Anh cúi không đủ thấp, hiện lên rõ giữa đoàn đặc phái viên của các nước, bị Hoàng đế Càn Long nhìn thấy. Từ đó về sau, mối quan hệ giữa đoàn đặc phái viên nước Anh và triều đình nhà Thanh ngày càng xấu đi. Cuối cùng, phái đoàn từ đất nước “chủ của Trái Đất” phải sắp xếp hành lý, bỏ lại rất nhiều đồ đạc cá nhân, vội vàng và chật vật rời khỏi Trung Quốc ngay trong đêm.
Khi nói về hành trình đến đế quốc phương Đông, tùy viên Anderson của sứ đoàn Macartney đã viết lại rằng: “Toàn bộ câu chuyện của chúng tôi chỉ có 3 câu: chúng tôi đến Bắc Kinh như những người ăn xin, khi ở đó, giống như tù nhân, và khi rời đi giống như những tên trộm”.
Với sự tủi nhục và thất bại như vậy, đoàn đặc phái viên này vốn mang theo hy vọng rất lớn khi đến Trung Quốc, hy vọng có thể giao thương mua bán với quốc gia phương Đông giàu có và đông đúc này, thế nhưng phải chán nản trở về nước Anh. Những điều xảy ra trong một trăm năm tiếp theo đã trở thành một phần của lịch sử.
Thiêu rụi Viên Minh Viên
Ở phần trước chúng ta đã biết rằng, theo sự thay đổi thời đại, thái độ sùng bái và say mê văn hóa hóa Trung Quốc trong thời kỳ đầu của châu Âu đã trở thành sự khinh thường và trào phúng. Sự trào phúng này kết hợp với động lực từ quá trình mở rộng của chủ nghĩa đế quốc đã dẫn đến cuộc chiến tranh nha phiến vào năm 1840 và đạt đến cao trào khi liên quân Anh Pháp thiêu rụi Viên Minh Viên.
Trước khi bắt đầu chiến tranh nha phiến, quốc hội Anh đã có những cuộc tranh luận rất sôi nổi. Cuối cùng, bài phát biểu đầy nhiệt huyết của một nghị viên đã dẫn đến quyết định gửi quân đến Trung Quốc. Vị nghị viên này chính là con trai của Staunton, phó đặc phái viên nước Anh trong phái đoàn Macartney. Khi còn nhỏ, con trai của Staunton đã theo cha đến Trung Quốc. Bởi vì cậu bé này có thể nói được một ít tiếng Hán nên Hoàng đế Càn Long đã mở chiếc túi đeo bên hông ban thưởng cho cậu.
Bạn có còn nhớ đến Viên Minh Viên không? Trong khu vườn đẹp như mơ chứa đầy tâm huyết của những sứ giả từ Vua Mặt Trời: có khu lầu Hài Kỳ Thú phát ra những tiếng nhạc giao hưởng du dương của phương Tây, trước lầu có Đại thủy pháp nhảy múa theo điệu nhạc. Năm 1860, khung cảnh đẹp như mơ với những đình đài lầu các và cả khu vực lầu Tây Dương chạm khắc tinh xảo cũng đều bị thiêu rụi trong suốt ba ngày ba đêm. Trong trận hỏa hoạn ấy, ba trăm thái giám, cung nữ, thợ thủ công và khu vườn trong mơ dưới ngòi bút của Hugo đã không còn nữa.
Phá hủy Viên Minh Viên đồng nghĩa với sự phá hủy quá trình giao thoa ánh sáng văn minh phương Đông và phương Tây do Vua Mặt Trời và Hoàng đế Khang Hy cùng nhau tạo nên. Đến hôm nay, những viên đá cẩm thạch vỡ nát của Đại thủy pháp trong Viên Minh Viên, hay bức tường thạch bích của lầu Tây Dương nằm trên mặt đất trong khu phế tích ấy, vẫn đang lặng lẽ kể lại câu chuyện về quá trình con người tự hủy hoại nền văn minh.
“Lửa cháy dữ dội ở khắp nơi, và những đống gạch ngói đã cản đường đi của chúng tôi. Ngọn lửa lan đến nhà của nhiều nông dân gần đó. Chúng tôi ra khỏi Đại Cung Môn của Viên Minh Viên, trong lòng mang theo sự thương cảm, quay đầu nhìn lại, thấy ngọn lửa bùng lên, nhảy múa, như những vòng hoa đang nhẹ nhàng chuyển động, đốt cháy từng cánh cửa. Cùng lúc đó, một cột khói màu đen khổng lồ bay lên không trung khi nóc của Đại Cung môn sập xuống, khiến cho bức tranh do ngọn lửa tạo thành có thêm một cái khung. Ngọn lửa gào thét, nổ lách tách giống như đang reo hò cho sự phá hủy nơi này”.
“Trong suốt hai ngày liên tiếp, khói dày đặc tạo thành những đám mây đen lơ lửng trên bầu trời của một vùng đất từng vô cùng lộng lẫy phồn hoa. Gió nhẹ thổi tới từ hướng tây bắc đã thổi đám mây đen ấy đến chỗ trú quân của chúng tôi, rồi tiếp tục thổi đến thành Bắc Kinh. Kinh thành cách Viên Minh Viên không xa, khói đặc mang đến một lượng lớn tro tàn vẫn còn nóng. Từng đợt từng đợt tro tàn bay đến, rơi xuống từng phố lớn ngõ nhỏ, âm thầm kể lại và vạch trần sự tàn phá và trừng phạt mà khu vườn Viên Minh Viên đang phải gánh chịu. Trong hai ngày này, giữa nơi trú quân của chúng tôi và Viên Minh Viên, ánh mặt trời bị những đám mây đen che khuất, trông giống như hiện tượng nhật thực kéo dài. Những vùng xung quanh cũng mờ mịt” – Những người chứng kiến như phiên dịch lãnh sự Anh Robert Swinhoe, trung tá người Anh Wolseley kể lại
Các vị Thần rời đi
Trong ba trăm năm qua, nền văn minh nhân loại đã trải qua một quá trình tự tan rã. Ban đầu, trong thời đại Khai sáng, sự kính ngưỡng Trời của nền văn minh Trung Hoa cổ xưa được gọi là Thần học tự nhiên, hay còn gọi là tín ngưỡng phi siêu nhiên. Thần học tự nhiên Trung Quốc đã được sử dụng để tấn công cốt lõi của văn minh truyền thống phương Tây là Cơ đốc giáo / Thiên Chúa giáo. Voltaire ca ngợi sự lý trí và bình hòa của Thần học tự nhiên Trung Quốc và gọi tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo là mê tín. Những cuốn sách tấn công Cơ Đốc giáo và các giáo sĩ của Voltaire như lưỡi dao sắc bén, đóng vai trò chí mạng trong cuộc Cách mạng Pháp.
Từ đó về sau, Cơ Đốc giáo đã có một quá trình thay đổi toàn diện. Trước thế kỷ thứ 18, giáo hội Thiên Chúa giáo cai trị toàn bộ châu Âu. Đến thế kỷ thứ 19, thuyết tiến hóa của Darwin đã gọi con người, giống loài cao quý nhất trong tự nhiên, là hậu duệ của loài khỉ. Từ đó, thuyết Sáng thế mà con người tin tưởng trong hàng ngàn năm đã bị lật đổ. Khi con người cho rằng bản thân là hậu duệ của loài khỉ chứ không phải tạo vật của Thượng Đế, họ đã hoàn toàn thay đổi. Có lẽ chúng ta sẽ không cần quá kinh ngạc với điều xảy ra tiếp theo.
Vào đêm trước thế kỷ thứ 20, trong những tác phẩm văn học và triết học, “Thượng đế đã chết” trở thành một câu nói thời thượng. Đến nửa sau của thế kỷ 20, nhiều nhà thờ ở châu Âu và châu Mỹ lần lượt bị bỏ hoang, hoặc được dùng vào mục đích khác, phần lớn các tín đồ cũng rời đi. Trong bầu không khí của chủ nghĩa vật chất, vô Thần luận đã thay thế Thần học, trở thành ý thức chủ đạo của thời đại. Mặc dù Cơ đốc giáo và thành Vatican vẫn luôn có một vị trí nhất định trong xã hội, thế nhưng vị trí của Thượng Đế trong ý thức con người nơi đã dần biến mất ở phía chân trời.
Giống như rút củi đáy nồi, nền văn minh nhân loại đã mất đi hoàn cảnh sinh tồn. Khi cắt đứt liên hệ với Trời và chư Thần, con người đã mất đi nền tảng của cuộc sống, mất đi tiêu chuẩn đạo đức, trở thành những sinh vật không có cội nguồn trong vũ trụ. Nếu suy xét kỹ hơn, chúng ta sẽ phát hiện rằng tất cả những thay đổi của nền văn minh hiện đại đều bắt nguồn từ những biến đổi cơ bản nhất này.
Trong thời kỳ hiện đại, biểu hiện nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại chính là dấu ấn của chủ nghĩa vô Thần. Khi vị trí của Thượng Đế dần lui về sau, một khoảng trống to lớn đã xuất hiện, vượt xa suy nghĩ của của con người, tạo ra một hố đen không đáy mà con người không thể lấp đầy. Ngày nay, khi mất đi tất cả các tiêu chuẩn, con người dần dần phát hiện ra rằng: không có tôn giáo, không có Trời trong triết học Trung Quốc, ý chí quyền lực lấy con người làm trung tâm chính là mấu chốt của tình trạng rối loạn xã hội hiện nay.
Nền văn minh cổ xưa còn tồn tại trên thế giới
Khi xóa bỏ Cơ Đốc giáo, đế quốc Trung Hoa đã trở thành mục tiêu tiếp theo của châu Âu. Theo sau sự bôi nhọ nền văn minh Trung Quốc vào giữa và cuối thời kỳ Khai sáng, vào thế kỷ thứ 19, những chiếc thuyền buồm cao trang bị hỏa lực đã vượt biển đến, đến sát cánh cửa của nền văn minh cổ xưa. Dường như để làm tiêu đi những nghiệp lực đã tích lũy trong 5000 năm của Trung Quốc, chiến tranh nha phiến, thiêu rụi Viên Minh Viên, ba cuộc cách mạng và những khó khăn của đế quốc Trung Hoa lần lượt ập đến,kéo dài mãi tận đến thế kỷ 21.
Năm 1901, để bảo vệ Hoa kiều bị Nghĩa Hòa Đoàn tấn công, lực lượng liên quân tám nước đã phối hợp đưa quân từ Thiên Tân, tiến về phía nam đến kinh thành Bắc Kinh. Đến tháng 8, liên quân tám nước đánh chiếm được Bắc Kinh, cướp bóc và đốt cháy kinh thành, để lại một cảnh tượng lịch sử khiến nhiều người kinh ngạc. Hình ảnh liên quân cưỡi ngựa tiến vào Tử Cấm Thành là một cảnh tượng có vẻ siêu thực hơn nữa. Trong ngọn lửa và khói thuốc súng từ đại bác bốc lên, liên quân tám nước với những bộ quân phục khác nhau và những kiểu râu kháu nhau vui vẻ uống rượu, mừng năm mới 1901. Năm đầu tiên của thế kỷ 20 đã đến. Bạn có còn nhớ ở cung điện Versailles 200 năm trước (và cả những thành phố của Ý) đã tổ chức buổi tiệc “Hoàng đế Trung Quốc”. Có lẽ, chúng ta vẫn còn nhớ rõ châu Âu đã chào đón thế kỷ thứ 18 như thế nào.
Sau quốc nạn chưa từng có do liên quân tám nước tấn công, vận số của Đại Thanh đã hết. Đúng 10 năm sau năm 1901, đế quốc Đại Thanh sụp đổ. Trong suốt thế kỷ thứ 20, Trung Quốc đã trải qua 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quốc dân do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, Cách mạng giai cấp vô sản của chủ nghĩa Cộng sản, và Đại cách mạng văn hóa.
Để tránh diệt vong, đất nước Trung Quốc cổ xưa đã nhiều lần thay đổi con đường của mình. Từ thế kỷ thứ 19 đến nay, nền văn minh cổ xưa duy nhất còn tồn tại này đã vội vàng hấp thu những điều “hiện đại hóa”, rập khuôn theo phương Tây nhưng lại quên cái gốc vốn có của mình. Trên con đường này, Trung Quốc đã đi vào một ngã rẽ chí mạng. Đế quốc phương Đông này đã từng bước thành “Trung Quốc mới” dưới lá cờ máu. Trong sáu mươi năm qua, mảnh đất Thần Châu đã bị u linh phương Tây chiếm giữ, trải qua nhiều trận gió tanh mưa máu, phá hủy nền móng gốc rễ của dân tộc.
Đại cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm tương ứng với cuộc Cách mạng Pháp cách đó hai thế kỷ, đã biến người dân của đất nước cổ xưa này thành những con người vô pháp vô Thiên, đấu với Trời, đấu với Đất. Đến đây, công trình làm tan rã đế quốc Trung Hoa từ vật chất đến tinh thần đã hoàn thành. Nhân tố di truyền biến dị của Trung Quốc đã tạo ra những điều biến dị. Điều bi kịch trên vũ đài lịch sử chính là đế quốc Trung Hoa vẫn đang miệt mài thay đổi chính mình.
100 năm phong trào văn hóa Trung Quốc giờ đây đã trở thành quá khứ. Khi quân đội của các cường quốc phương Tây đưa quân đến, nền văn minh cổ phương Đông đã trở thành nền văn minh bại trận. Thế nhưng, chúng ta cũng không quên rằng, đây chính là nền văn minh cổ xưa duy nhất may mắn còn tồn tại trên thế giới. Vậy trong đống hoang tàn hiện đại ngày nay, nền văn minh cổ xưa ấy có ý nghĩa gì? Sự thất bại của nền văn minh cổ xưa so nền văn minh khoa học công nghệ có ý nghĩa gì?
Nhìn lại thế kỷ 21
Ngày nay, đạo đức dần mất kiểm soát và sự xói mòn tất cả các tiêu chuẩn đã đưa nhân loại đến bên bờ vực thẳm. Đứng trên vách đá của thế kỷ 21 nhìn lại, có lẽ chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của vòng tay hào phóng Vua Mặt Trời đã giang rộng cho Hoàng đế Khang Hy ba trăm năm trước.
Thế kỷ của Vua Mặt Trời đã tạo cơ hội để nền văn minh phương Đông và phương Tây bổ sung cho nhau. Quá trình hướng đến sự khai hóa của châu Âu cần là mô hình văn minh cổ xưa chú trọng đạo đức, kính ngưỡng Trời Đất này. Đối với những người Anglo-Saxon, người Caucasus, người Celt và các dân tộc German hiếu chiến và kiêu hãnh, thuyết Trung dung của Nho giáo và khái niệm Vô vi của Đạo gia chính là liều thuốc trung hòa tốt nhất. Ngược lại lối vẽ tả thực, nhạc giao hưởng của châu Âu truyền đến Trung Quốc chính là tinh túy Trời ban của nền văn minh phương Tây, là chất dinh dưỡng về tinh thần đầy ý vị cho nền văn minh cổ xưa.
Năm 1789, khi phong trào văn hóa Trung Quốc ở châu Âu kết thúc, cơ hội giao thoa ánh sáng văn minh ngàn năm có một ấy đã không còn nữa. Từ thế kỷ 21 nhìn lại, chúng ta có thể thấy rõ con đường nền văn minh nhân loại đã đi qua. Sự thay đổi của sự vật mang theo sức mạnh không thể chống lại. Thông thường, chỉ sau khi mắc phải một sai lầm lớn, chúng ta mới có thể thấy được những hậu quả và hoàn toàn tỉnh ngộ.
Cơ hội lịch sử giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây được Trời cao an bài đã bị bỏ lỡ. Khi bỏ lỡ cơ hội ngàn năm khó gặp này, nền văn minh phương Đông và phương Tây đã đi theo một hướng khác mãi đến tận ngày nay. Trong ba trăm năm sau khi Vua Mặt Trời qua đời, khi con người đã đến một hoàn cảnh nguy hiểm như ngày nay, chúng ta phải tự hỏi rằng: Tất cả những điều này có phải là do một nguyên nhân cao hơn, sâu xa hơn hay không?
Ba trăm sau sau khi Vua Mặt Trời qua đời
Bước vào Cung điện Versailles, di sản được Vua Mặt trời để lại cũng giống như đi vào di chỉ của thế kỷ vĩ đại ấy. Thế nhưng di sản văn hóa của Vua Mặt Trời vượt xa những vật thể hữu hình chúng ta có thể nhìn thấy được. Những điều không thể thấy ấy chính là những điều có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm linh của con người, là những điều đã để lại dấu ấn sâu đậm cho toàn bộ nền văn minh nhân loại. Bản kế hoạch xây dựng văn hóa chính là di sản trân quý nhất mà Vua Mặt Trời để lại cho chúng ta.
Trong Cách mạng Pháp, cung điện Versailles đã nhiều lần bị dân chúng bạo loạn cướp phá. Đồ nội thất, những bức bích hoạt, thảm treo tường, những chiếc đèn treo lộng lẫy bị cướp sạch, cửa sổ và cửa ra vào bị đập vỡ. Năm 1793, các tác phẩm nghệ thuật và đồ nội thất còn lại trong bị cung điện được chuyển đến bảo tàng Louvre. Cung điện Versailles được toàn bộ hoàng gia châu Âu hâm mộ, đã trở thành một phế tích.
Vào năm 1833, cung điện Versailles đã được trùng tu, khôi phục lại những vinh quang ngày trước. Giờ đây, cung điện Versailles đã trở thành bảo tàng lịch sử, với hàng vạn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm mỗi ngày. Du khách có thể dạo chơi trong cung điện nghệ thuật rộng lớn bao la này. Một lần nữa, những tranh tường mái vòm với khí thế khoáng đạt, những chiếc đèn chùm pha lê lấp lánh và hàng nghìn thấu kính trong Phòng Gương được khôi phục giống hệt như khi Vua Mặt Trời còn sống, tỏa ra ánh sáng vô cùng rực rỡ, tẩy sạch những thay đổi trong ba trăm năm lịch sử, chỉ để lại pho tượng của các vị Thần và những nguyên tố vĩnh hằng như vàng, nước và lửa. Trong sân trước của cung điện là bức tượng thần Apollo hùng vĩ ngồi trên xe ngựa, điều khiển những con tuấn mã từ biển sâu rẽ sóng xuất hiện.
Ba trăm năm trôi qua trong nháy mắt, cung điện Versailles bị phá hủy rồi được xây dựng lại, dường như chưa từng có những trận hỏa họa hay những vũ khí tàn bạo. Dường như tất cả đều không tồn tại, chỉ có nghệ thuật vĩnh hằng xuyên thời gian xuất hiện trước mặt mọi người, nguyên vẹn như xưa.
Ở thế kỷ thứ 21, một cơ hội thứ hai được trao cho nhân loại, cơ hội lịch sử đã mất đi đã lặng lẽ quay trở lại. Nền văn minh cổ xưa với tất cả những thành quả huy hoàng từng bị vứt bỏ, đã xuất hiện trở lại trong tầm mắt của con người. Chiếc thuyền lớn đến từ Trung Quốc lại một lần nữa giong buồm. Con tàu vinh quang ấy xuất hiện khi nền văn minh nhân loại đã đi đến điểm cuối, vô tình trở thành liều thuốc giải cho nền “văn minh tiến bộ” của nhân loại hôm nay. Nhìn lại cơ hội lịch sử lạc mất vào ba trăm năm trước, chúng ta lại một lần nữa quay lại con đường chân chính.
(Hết)
Hạ Đảo – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam