Ảnh minh hoạ thảm hoạ hạt nhân. Pixabay
Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, có khả năng khoảng 5 tỷ người sẽ chết chỉ sau 72 giờ và chỉ 2 quốc gia có thể còn sống sót.
Annie Jacobsen, một nữ nhà báo 56 tuổi đến từ Connecticut, Hoa Kỳ, đã dành nhiều năm nghiên cứu những tác động có thể xảy ra của chiến tranh hạt nhân và bà tuyên bố rằng chỉ có 2 quốc gia có thể còn sống sót.
Chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra tình trạng gì?
Các cuộc tấn công hạt nhân từ các cường quốc hạt nhân thế giới sẽ tạo ra một bầu khí quyển dày đặc khói và bụi phóng xạ bao phủ khắp ba lục địa, cuối cùng gây ra một kỷ băng hà nhỏ trên Trái đất.
Điều này rất có thể sẽ lập tức giết chết 5 tỷ người trong số 8 tỷ người hiện tại trên Trái đất chỉ trong vòng 72 giờ.
Trong video Diary Of A CEO của Steven Bartlett, bà giải thích: “Hầu hết thế giới, chắc chắn các vùng vĩ độ giữa Trái đất sẽ bị bao phủ bởi những tảng băng…những nơi như bang Iowa (Mỹ) và Ukraine (châu Âu) sẽ chỉ có tuyết bao phủ trong suốt 10 năm liền.
“Nông nghiệp sẽ thất bại, và khi nông nghiệp thất bại thì con người sẽ chết. Hơn nữa, con người còn bị nhiễm độc phóng xạ vì tầng ozone sẽ bị hư hại và phá hủy đến mức các sinh vật không thể ra ngoài dưới ánh sáng mặt trời – mọi người sẽ buộc phải sống trong lòng đất.”
Chỉ hai quốc gia nào có thể sống sót?
Jacobsen cho biết Giáo sư Brian Toon, chuyên gia hàng đầu về khí hậu và khoa học khí quyển, đã nói với bà rằng chỉ có 2 quốc gia có khả năng sống sót sau mùa đông hạt nhân, đó là New Zealand và Australia, những quốc gia có thể ‘duy trì nông nghiệp’.
Chuyên gia này cũng đề cập về câu chuyện của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry và sự cố suýt xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vào năm 1980 với Liên Xô cũ.
Sau này Bộ trưởng Perry nói: “Đó là một cú sốc. Vụ việc bắt đầu từ một cuộc điện thoại lúc 3:00, lúc đó văn phòng giám sát của Bộ chỉ huy phòng không Mỹ thông báo tổng thống rằng hệ thống máy tính giám sát phát hiện 200 tên lửa hướng thẳng từ Liên Xô tới Mỹ. Nhưng sau đó, họ kịp nhận ra đó không phải là một cuộc tấn công thực sự – bằng cách nào đó các máy tính đã nhận diện sai. Họ liền gọi đến Nhà Trắng trước khi gọi cho tôi”.
Sơ bộ cho đến nay, đã có ít nhất 22 lần báo động sai lầm kể từ khi vũ khí hạt nhân được phát triển. Thậm chí, chúng ta suýt bị đẩy đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân bởi những sự kiện vô hại như một đàn thiên nga bay, sự cố máy tính nhỏ hay thời tiết không gian bất thường.
Có hai loại lỗi có thể dẫn đến báo động sai – công nghệ và con người (hoặc nếu chúng ta thực sự không may mắn, cả hai cùng một lúc).
Rủi ro xảy ra gần đây vào năm 2010, khi Không quân Mỹ tạm thời mất khả năng liên lạc với 50 tên lửa hạt nhân, có nghĩa là sẽ không có cách nào để phát hiện và ngăn chặn một vụ phóng tự động.
Vào ngày 2/1/1995, tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Yeltsin trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên trong lịch sử suýt kích hoạt “chiếc cặp hạt nhân”. Nhóm nhân viên trực radar của Yeltsin nhận thấy một tên lửa được phóng ra ngoài khơi bờ biển Na Uy, và họ lo lắng quan sát khi nó bay lên trời. Nó đã đi đâu – và nó có thù địch không?
Với chiếc cặp trên tay, Yeltsin thảo luận với các cố vấn hàng đầu của mình về việc có nên mở một cuộc phản công hay không. Với vài phút để quyết định, họ nhận ra nó đang hướng ra biển và do đó không phải là một mối đe dọa. Sau đó, người ta cho rằng đây không phải là một cuộc tấn công hạt nhân, mà là một tàu thăm dò khoa học, đã được phóng đi để điều tra ánh sáng phương Bắc.
Tất cả những điều này cho chúng ta thấy rằng thế giới vẫn luôn trong cảnh báo về vũ khí hạt nhân. Mọi cường quốc hạt nhân đều vẫn đang chuẩn bị cho các kế hoạch chống lại một cuộc tấn công vô cớ “chớp nhoáng”.
NTD Việt Nam