Để loại bỏ thấp khí trong hè này, ngâm chân chính là trợ thủ đắc lực, không chỉ giúp tăng cảm giác ăn ngon và ngủ ngon, nó còn giúp tinh thần phấn chấn và da dẻ sạch sẽ hơn… (ShutterStock/The Epoch Times)
Mùa đông ngâm chân giúp làm ấm, mùa hè ngâm chân giúp thải độc, loại bỏ chất cặn trong cơ thể, phòng tránh các bệnh lý ngoài da…
Tại sao mùa hè cần ngâm chân?
Mùa hè chính giữa lúc mà thấp khí (khí ẩm) đang mạnh nhất, khí ẩm này tích lại ở tỳ vị sẽ làm xuất hiện các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi… Để loại bỏ thấp khí trong hè này, ngâm chân chính là trợ thủ đắc lực, không chỉ giúp tăng cảm giác ăn ngon và ngủ ngon, nó còn giúp tinh thần phấn chấn và da dẻ sạch sẽ hơn.
Mùa hè là quý có tiết khí nóng nhất trong năm. Theo Đông Y, người và trời có sự giao hòa hợp nhất với nhau, lại căn cứ vào lý luận “Thiên nhân tương ứng”, dương khí của cơ thể trong mùa hè là cực thịnh. Lúc này, nếu dùng nước ấm để ngâm chân, thì kinh lạc sẽ tăng cường lưu thông, thúc đẩy các hoạt động chức năng của tạng phủ trong cơ thể.
Đông Y chú trọng sự vận hành bình thường của nhân thể, ưu tiên sử dụng các biện pháp hồi phục – thay vì đánh vào bệnh độc. Đối với người mà hậu thiên tỳ vị bị suy yếu, thì ngâm chân vào lúc này lại càng thích hợp hơn. Khi tỳ vị có thể hoạt động trơn tru, sẽ không dễ dàng bị thấp khi xâm phạm (cảm nhiễm), các biểu hiện kể trên sẽ được thuyên giảm.
Chân bạn có đang bị lạnh không?
Ngoài ra, từ góc độ kinh lạc mà nói, thì hai bàn chân là nơi các huyệt vị của cơ thể phân bố dày nhất, các vị trí ấy lại tương ứng với các cơ quan nội tạng, các đường kinh mạch quan trọng của người cũng đều đi qua bàn chân. Ngâm chân có thể truyền dẫn khí thuốc, thông qua kinh lạc, đến tạng phủ, giúp cho quá trình điều dưỡng và trị bệnh thu được hiệu quả tốt nhất.
Hai bàn chân nằm ở rất xa tim, lại là nơi các mạch máu tuần hoàn ngoại vi, vì vậy lượng máu lưu thông kém; lớp mỡ của bàn chân lại mỏng, khả năng giữ nhiệt kém, cho nên nhiệt độ vùng da bàn chân thường thấp và rất dễ bị lạnh. Nếu như bàn chân cứ bị lạnh, nó sẽ làm cho rất nhiều cơ quan bị trục trặc, các tiểu huyết quản của niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi, họng, khí quản cũng sẽ bị co lại, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Lâu ngày, vi khuẩn ẩn phục trong cơ thể sẽ nhân cơ hội đó mà tăng lên và gây bệnh, các mạch máu thì bị rối loạn chức năng giãn mạch, gây ra các bệnh lý như co thắt động mạch, viêm khớp, thấp khớp.
Ngoài ra, bàn chân có nhiệt độ quá thấp còn dễ gây ra các bệnh đau dạ dày, đau bụng, đau lưng, suy giãn tĩnh mạch, bệnh mạch vành…
Dùng hoắc hương, tô diệp nấu nước ngâm chân giúp loại bỏ thấp khí của cơ thể
Vào mùa hè, các bệnh lý như hương cảng cước rất dễ để xảy ra. Bệnh này cũng có thể tạm gọi là nấm chân, biểu hiện nhẹ thì da lòng bàn chân bị khô, bong tróc; nặng thì bàn chân dát ngứa, có các mụn nước, loét các kẽ chân. Ngoài ra còn nhiều bệnh ngoài da khác cũng dễ xuất hiện trong mùa hè. Ngâm chân có thể hỗ trợ loại bỏ thấp khí trong cơ thể, từ đó phòng tránh và xử lý những bệnh này, khiến cả thể chất và tinh thần của người bệnh được cải thiện.
Nước ngâm chân trong mùa đông thường sử dụng sinh khương, quế chi. Tuy nhiên, các nguyên liệu ấy nên thay đổi để phù hợp với mùa hè, bạn nên sử dụng hoắc hương, tô diệp (mỗi vị 20 gram) là thích hợp.
Hoắc hương và tô diệp (lá tía tô) là 2 vị thuốc thơm quan trọng có tác dụng rất tốt để hóa lượng thấp độc. Tinh dầu có trong 2 vị thuốc Đông dược này rất dễ để bay hơi, có khả năng khử mùi hôi và kháng khuẩn, lại có thể làm giãn mao mạch, từ đó mà hỗ trợ bài xuất mồ hôi.
Tuy nhiên, cũng vì tinh dầu trong hoắc hương và tô diệp rất dễ bay hơi, nên không thể đun lâu. Sau khi lấy một lượng dược liệu thích hợp, khi nấu chỉ để sôi tầm 10 phút, sau đó để nguội đến tầm 40 độ, rồi pha thêm chút nước ấm vào là có thể ngâm được.
Mùa hè, khi ngâm chân thấy ra mồ hôi là biểu hiện bình thường, không nên thổi quạt hay mở điều hòa vào thời điểm này. Nguyên do là khi ngâm chân, lỗ chân lông toàn thân đều mở, nếu như để gió thổi vào rất dễ bị cảm lạnh. Sau khi ngâm, thực hiện một số động tác mát xa chân đơn giản sẽ tăng thêm ½ tác dụng bài trừ thấp khí.
Theo lời khuyên của bác sĩ Đông Y Chu Tông Hàn thuộc bệnh viện Nhân Ái, Đài Bắc, Đài Loan.
Thái Hà
– Theo The Epoch Time.
NTD Việt Nam