Các nhà khoa học báo cáo rằng, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường giảm đi khi tiêu thụ chất chống oxy hóa tăng lên, đồng thời lưu ý rằng khả năng chống oxy hóa có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ trung niên. (Tổng hợp)
Tiểu đường loại 2 ảnh hưởng đến hơn 350 triệu người trên toàn thế giới, một con số đã đạt đến mức độ “dịch bệnh”. Nói một cách thận trọng, cứ 10 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và Tây y hiện đại gần như không có biện pháp đặc trị.
Tình trạng này không có dấu hiệu chậm lại. Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán rằng gần 600 triệu người trưởng thành sẽ mắc bệnh tiểu đường vào năm 2035.
Khi các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn, thì một nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa – chẳng hạn như trái cây tươi, rau và trà – làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu tiết lộ: Có thể tránh được bệnh tiểu đường loại 2 với chế độ ăn uống phù hợp
Trái cây và rau quả có chứa chất dinh dưỡng thực vật, được gọi là flavonoid. Các hợp chất tự nhiên này có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ cho phép chúng loại bỏ các gốc tự do có hại và giảm tác hại của quá trình oxy hóa góp phần gây bệnh.
Các nghiên cứu mở rộng đã khám phá những lợi ích chống bệnh tiểu đường của từng chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau quả, nhưng lần này các nhà khoa học rẽ một hướng hơi khác cho nghiên cứu. Để có được cái nhìn toàn diện hơn về mối quan hệ giữa thực phẩm và bệnh tiểu đường, họ đã kiểm tra lợi ích của chế độ ăn tổng thể chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Nghiên cứu kéo dài 15 năm, được công bố trên Tạp chí Diabetologia (tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu) với sự tham gia của hơn 65.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 65. Sau khi phân tích bảng câu hỏi do những người tham gia điền, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ có lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong chế độ ăn uống của họ giảm được 27% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 – một lợi ích rất đáng kể.
Các nhà khoa học báo cáo rằng, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường giảm đi khi tiêu thụ chất chống oxy hóa tăng lên, đồng thời lưu ý rằng khả năng chống oxy hóa có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ trung niên.
Nói cách khác, việc áp dụng một loạt các lựa chọn ăn kiêng đơn giản, lành mạnh một cách nhất quán có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc một căn bệnh có khả năng đe dọa tính mạng và gây tốn kém.
Chất chống oxy hóa hoạt động ở cấp độ phân tử để chống lại bệnh tiểu đường
Nghiên cứu nói trên không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy tác dụng tuyệt vời của flavonoid trong chế độ ăn uống.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard phát hiện ra rằng anthocyanin trong quả việt quất làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Trao đổi chất vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu đánh giá tác dụng sinh học và tiềm năng điều trị của hàng chục flavonoid và anthocyanin trong chế độ ăn uống, từ đó đưa ra kết luận rằng các chất hóa học thực vật có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường.
Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng flavonoid có tác dụng chống lại bệnh tiểu đường bằng cách giúp duy trì lượng đường trong máu, thúc đẩy sự hấp thu glucose và kích thích sản xuất insulin từ các tế bào beta của tuyến tụy.
Ngoài ra, flavonoid đã cải thiện hiệu suất của các enzyme đốt cháy chất béo, đồng thời giảm cholesterol LDL có hại và giảm mức độ của các cytokine gây viêm như interleukin.
Chúng cũng làm tăng đáng kể mức độ của một cặp enzyme chống oxy hóa, chống lại bệnh tật – superoxide dismutase và glutathione. Chúng cũng giúp giảm các sản phẩm cuối cùng của glycation. AGEs là chất độc có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
Thật khó để tin rằng một quả táo bình thường hoặc một bát quả việt quất có thể hỗ trợ điều trị bệnh này, nhưng, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng điều đó là đúng.
Trái cây và rau quả tươi cung cấp một lượng lớn flavonoid
Hầu như tất cả các loại trái cây và rau quả đều là nguồn flavonoid chống oxy hóa tốt. Các hợp chất này có tác dụng hiệp đồng – nghĩa là chúng bổ sung và tăng cường sức mạnh của nhau.
Táo, nho và hành tây rất giàu quercetin flavonoid, trong khi trái cây họ cam quýt cung cấp flavonoid hesperidin, tangeritin, kaempferol và naringenen.
Các loại rau họ cải như bông cải xanh và cải xoăn có chứa kaempferol và luteolin, trong khi quả việt quất và các loại thực phẩm thực vật có màu xanh tía khác là cách tốt nhất để bạn thu được anthocyanin, sắc tố thực vật có lợi với tác dụng chống bệnh tiểu đường. Anthocyanin cũng được tìm thấy trong quả nam việt quất, anh đào, quả mâm xôi đen, nho khô, mâm xôi đỏ và dâu tằm — cũng như trong nho tím, bắp cải tím và vỏ cà tím.
Các loại rau màu cam, chẳng hạn như cà rốt và bí, chứa một lượng beta-carotene tốt cho sức khỏe.
Trái cây và rau quả tươi có xu hướng chứa nhiều vitamin C, bản thân nó là một chất chống oxy hóa mạnh. Chúng cũng có nhiều chất xơ tự nhiên, có thể giúp ngăn ngừa bệnh béo phì góp phần gây ra bệnh tiểu đường.
Bạn nên sử dụng các loại trái cây và rau quả tươi, hữu cơ để làm “tuyến phòng thủ đầu tiên” trong việc chống lại bệnh tiểu đường.
Ngoài các loại thực phẩm đã liệt kê, thực đơn chứa nhiều flavonoid còn có mận, mận khô, quả óc chó, dâu tây, rau mùi tây, cần tây, hành tây, ớt chuông, cà tím, rau lá xanh (sống) và hạt phỉ.
Đồ uống giàu chất chống oxy hóa bao gồm trà – đen, xanh lá cây và hoa cúc – rượu vang đỏ (ở mức vừa phải) và cà phê, đã được chứng minh trong các nghiên cứu là bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2.
Đương nhiên, tốt nhất bạn nên chọn các giống hữu cơ để tránh tiếp xúc không mong muốn với các hóa chất độc hại, vốn được sử dụng trong quy trình trồng trọt của hầu hết các thương hiệu thương mại.
Để có lợi ích chống oxy hóa tối đa, các chuyên gia khuyên bạn nên ăn trái cây và rau sống, hấp nhẹ hoặc áp chảo. Tuy nhiên, vì khả năng chống oxy hóa của cà rốt và cần tây tăng lên khi chúng được nấu chín sơ, nên hấp là một lựa chọn thông minh.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã báo cáo rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có liên quan chặt chẽ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư – hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Giờ đây, nhờ những nghiên cứu mới nhất, chúng ta biết rằng việc đưa trái cây và rau quả tươi vào thực đơn cũng có thể giúp chúng ta nhắm đến một căn bệnh chết người khác.
Theo Lori Alton từ The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam