Người ta thường nói: “Nghé mới sinh không sợ hổ”, mọi người thường lý giải câu này theo nghĩa xấu, cho rằng sở dĩ con nghé mới sinh không biết sợ hổ là vì nó vô tri vô giác, không biết được sức mạnh của con hổ, có nghĩa là “không biết thì không sợ”.
Tuy nhiên, bản thân người viết lại cho rằng, con nghé mới sinh không sợ hổ không phải bởi vì nó vô tri, mà là vì nó có một năng lực tự nhiên, đó chính là sự thuần khiết, loại năng lực này khiến nó trở nên dũng cảm, cho nên không biết sợ hổ. Chúng ta đều biết rằng mọi sự vật trong vũ trụ đều phải trải qua quy luật “thành, trụ, hoại”, bất cứ sinh mệnh nào khi mới sinh ra đều khá lương thiện và thuần khiết, vì chúng chưa bị ô nhiễm bởi những quan niệm phát sinh trong quá trình trưởng thành, bản tính thuần khiết này là đồng nhất với đặc tính của vũ trụ, do vậy khiến chúng không biết sợ cái ác, đồng thời cũng mang đến cho chúng một khả năng kỳ diệu có thể ức chế cái ác.
Con người cũng như vậy, người xưa có câu “nhân chi sơ, tính bản thiện” (Con người khi mới sinh ra thì bản tính là lương thiện), những đứa trẻ sơ sinh so với người lớn mà nói thì rất thuần khiết, nội tâm của chúng thể hiện ra bên ngoài, cho nên ngay cả làn da của đứa trẻ mới sinh cũng mịn màng hơn nhiều so với da người lớn. Những đứa trẻ nhỏ càng ít bị ảnh hưởng bởi những quan niệm trong quá trình trưởng thành, càng giữ được bản tính ngây thơ, chất phác, thì con mắt nhìn thế giới của chúng càng trong sáng, tâm hồn của chúng càng thuần khiết, thiện lương. Khi nội tâm sáng như ánh mặt trời, cũng chính là có được linh khí mà người khác không có, tất nhiên cũng không dễ bị những thứ xấu xa trong xã hội làm cho sợ hãi.
Rất nhiều người còn phát hiện ra rằng, đứa trẻ càng thuần phác, thiện lương thì lại có thể nhìn thấy được những thứ mà người khác không nhìn thấy. Kỳ thực, đây là một loại công năng đặc dị. Kỷ Hiểu Lam, học giả nổi tiếng thời nhà Thanh, Trung Quốc đã viết trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” như sau: trong nhà ông có một đứa trẻ,thuở nhỏ nó có thể nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy, nhưng khả năng này dần dần biến mất sau khi nó được 6, 7 tuổi. Thử nghĩ nếu một người có thể thấy được những sự vật mà người khác không thấy, có thể biết được những đạo lý mà người khác không biết, kỳ thực họ đã có được một trí huệ cao cấp rồi, họ sẽ không bị mê hoặc bởi những biểu hiện bề ngoài của sự vật, mà có thể nhìn thấu được bản chất của sự vật. Con người thường hay sợ hãi đối với những sự vật mà mình không biết, nếu có thể nhìn thấu được bản chất của sự vật thì người ta sẽ không có gì phải sợ nữa. Do vậy, con nghé mới sinh sở dĩ không sợ hổ không phải bởi vì nó vô tri, ngược lại vì nó thuần khiết, thiện lương nên có được trí huệ chân chính, nên mới có thể không biết sợ.
Ngoài ra, câu ngạn ngữ “nghé mới sinh không sợ hổ” kỳ thực còn có một tầng ý nghĩa thâm sâu hơn nữa. Người tu Phật, tu Đạo đều biết về pháp lý “tướng do tâm sinh”, con nghé mới sinh khi chưa bị ô nhiễm bởi xã hội, khi chưa hình thành những quan niệm trong quá trình trưởng thành, thì trong suy nghĩ của nó không có khái niệm “sợ” hay “hổ”. Đã không biết thế nào là “sợ”, ngay cả bản thân sự tồn tại của “hổ” cũng không thừa nhận, vậy thì sao có thể nói đến “sợ hổ” nữa? Chính vì trong tâm “không có sợ, không có hổ”, nên người chân tu cũng không bị “hổ” làm tổn hại.
Một chút thiển ngộ của cá nhân, mong được lượng thứ và chỉ ra những điều chưa phù hợp.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/242875 / chanhkien.org