Nếu là người hâm mộ những bộ phim khoa học viễn tưởng cổ điển, bạn có thể đã xem bộ phim ly kỳ “Fantastic Voyage” năm 1966, trong đó một chiếc tàu ngầm và phi hành đoàn được thu nhỏ đến mức họ có thể được tiêm vào máu của một nhà khoa học để chữa cục máu đông trong não ông. Nửa thế kỷ sau, khả năng đó vẫn có vẻ hơi xa vời, bởi vì chúng ta vẫn chưa phát triển được quy trình thu nhỏ đồ vật chứ đừng nói đến con người.
Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không cần phải thu nhỏ cơ thể lại, vì các nhà khoa học đã phát triển các nanobot – những robot siêu nhỏ được tạo thành từ DNA – một ngày nào đó có thể đi lang thang bên trong cơ thể chúng ta để thực hiện các thủ tục y tế từ bên trong.
Nhân loại đã tiến một bước tới tương lai đó, khi các nhà khoa học Israel tiết lộ rằng họ đã phát triển một loại giao diện não-máy mới, lần đầu tiên cho phép con người điều khiển một nanobot được cấy vào bên trong cơ thể của một sinh vật sống (trong trường hợp này là một con gián), chỉ đơn giản bằng cách sử dụng suy nghĩ của mình.
Trong một bài báo trên Tạp chí khoa học PLOS ONE, họ mô tả các thí nghiệm liên quan đến việc phát triển và huấn luyện một thuật toán máy tính để nhận ra các mẫu sóng não do một người đang thực hiện phép tính nhẩm tạo ra. Người đó đội một thiết bị gọi là mũ EEG để truyền sóng não tới phần mềm máy tính. Mũ EEG được kết nối với một cuộn dây điện từ, và nanobot được tiêm vào gián và đặt bên trong cuộn dây.
Bằng cách suy nghĩ về toán học, người điều khiển có thể khiến một cánh cổng đơn giản bên trong nanobot mở ra và giải phóng một loại thuốc có màu huỳnh quang bên trong con gián.
Nhưng chính con người, chứ không phải côn trùng, mới là người được hưởng lợi từ các nanobot truyền thuốc. Các nhà khoa học hình dung rằng một ngày nào đó công nghệ này sẽ được sử dụng để điều trị các rối loạn về tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) và chứng tự kỷ. Thay vì đưa cho ai đó một viên thuốc để nuốt, các bác sĩ tâm thần có thể tiêm cho họ những nanobot được huấn luyện để phản ứng với những bất thường trong hoạt động sóng não của chính người đó.
Một thiết bị đeo nhỏ (vẫn đang được phát triển) sẽ phát hiện hoạt động EEG. Vì vậy, chẳng hạn, các robot sẽ cung cấp một liều Ritalin nếu thiết bị xác định người mắc chứng ADHD. Sachar Arnon, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích với New Scientist rằng công nghệ này “có thể theo dõi các trạng thái não gây ra chứng ADHD hoặc tâm thần phân liệt… Nó có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của bạn”.
Theo howstuffworks
NTD Việt Nam