Một phụ nữ 31 tuổi ở Texas, bị nhiễm Clostridium difficile (C. Diff) sau khi cứu một con mèo hoang, không những bị tổn thương đường ruột nặng mà còn suýt gây ung thư… (Ảnh chụp màn hình)
Mặc dù việc giải cứu mèo hoang là một hành động đáng khen ngợi nhưng cũng cần phải đề phòng các bệnh truyền nhiễm khi giải cứu chúng.
Trong hầu hết các trường hợp, chó và mèo nhìn chung đều mắc bệnh riêng và hiếm khi lây nhiễm cho nhau. Nhưng mức độ đáng sợ của vi trùng do mèo hoang mang theo có thể vượt xa sức tưởng tượng của con người…
Mới đây, một trường hợp đặc biệt đã được công bố trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ, đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo:
Một phụ nữ 31 tuổi ở Texas, bị nhiễm Clostridium difficile (C. Diff) sau khi cứu một con mèo hoang, không những bị tổn thương đường ruột nặng mà còn suýt gây ung thư…
Cách đây vài tháng, bệnh nhân này sống ở Houston gặp một con mèo hoang trên đường, vì cảm thấy thương xót nên cô quyết định đem mèo về nhà nuôi.
Cách đây hai tháng, cô bắt đầu có vấn đề về hệ tiêu hóa, tiêu chảy nặng, sốt dai dẳng suốt hai tuần, viêm đại tràng nghiêm trọng.
Sau khi đến bệnh viện khám và xét nghiệm, bác sĩ phát hiện cô bị nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile (C.Diff) hiếm gặp, thông thường chỉ những người từng tiếp xúc với đất bị ô nhiễm nặng hoặc đã nhiễm bệnh mới xuất hiện triệu chứng như vậy.
Bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng sinh cho người phụ nữ và thực hiện một số phương pháp điều trị thông thường, nhưng sau một thời gian, tình trạng của cô vẫn không hề thuyên giảm. Bác sĩ rất ngạc nhiên về điều này và quyết định điều tra thêm.
Bác sĩ đã hỏi kỹ bệnh nhân từ thói quen sinh hoạt đến môi trường làm việc và nhận thấy cô không hút thuốc, uống rượu và luôn duy trì thói quen vệ sinh tốt.
Trước đó, trong giới y khoa từng đưa ra ý kiến cho rằng vi khuẩn Clostridium difficile có thể lây truyền giữa người và động vật, tuy vẫn chỉ là lý thuyết nhưng xét đến hoàn cảnh của bệnh nhân, bác sĩ nghi ngờ trường hợp này là một ví dụ thực tế.
Để kê đơn thuốc phù hợp, bác sĩ đã đề nghị xét nghiệm con mèo hoang mà người phụ nữ nhặt được.
Xét nghiệm này đã tìm thấy vấn đề: Clostridium difficile cũng được phát hiện ở mèo hoang, cùng chủng loại mà nữ bệnh nhân đã bị nhiễm!
Vấn đề là, dù mèo hoang bị nhiễm C. difficile nhưng chúng không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào; trong khi đó, bệnh viêm ruột của người phụ nữ ngày càng trầm trọng, nếu không chữa khỏi thì nguy cơ mắc bệnh ung thư khá cao.
Chỉ mới năm ngoái, các nhà khoa học y tế vừa phát hiện ra: Clostridium difficile tiết ra một loại độc tố khiến tế bào cơ thể kích hoạt gen gây ung thư và vô hiệu hoá gen kháng ung thư, khiến người nhiễm bệnh rất dễ mắc ung thư…
May mắn thay, nguyên nhân căn bệnh đã được tìm ra kịp thời, bác sĩ đã cách ly người phụ nữ khỏi con mèo hoang để điều trị, cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh một thời gian và cuối cùng đã khỏi bệnh.
Tình trạng của nữ bệnh nhân cũng trở thành trường hợp nhiễm Clostridium difficile từ động vật sang người đầu tiên được phát hiện tại Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã viết một bài báo về vụ việc và đăng nó trên một tạp chí y khoa gần đây.
Một số chuyên gia cảnh báo: So với các động vật khác, những động vật có tính di động cao như chó mèo (đặc biệt là chó mèo hoang) có nhiều khả năng tiếp xúc với đất bị ô nhiễm và dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh như Clostridium difficile.
Vì loại vi khuẩn này đã được chứng minh là có thể lây truyền sang người và thậm chí có khả năng gây ung thư cao nên chúng ta phải chú ý đến loại nguy cơ này.
Thống kê cho thấy mỗi năm ở Mỹ có 500.000 người nhiễm Clostridium difficile và khoảng 30.000 người chết vì nhiễm trùng.
Có thể thấy rằng, một hoạt động giải cứu mèo hoang thông thường có thể khiến con người trả giá bằng nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây ung thư.
Vì vậy, các hoạt động giải cứu mèo (chó) đi lạc cần phải có những biện pháp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và khử trùng, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền mầm bệnh chết người. Trong khi giải cứu những động vật nhỏ, bạn cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình.
Theo Li Dongqi – Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam