Có nhiều người từ góc độ được mất của bản thân để đo lường sự việc tốt xấu, nhưng biểu hiện bề ngoài vốn không thấy được quan hệ hoạ phúc.
Chuyện hoạ phúc ở đời
Trong cuộc sống, có rất nhiều người đứng từ góc độ được mất của bản thân để đo lường sự việc là tốt hay xấu, là phúc hay họa. Lại có những người vì chút lợi nhỏ mà vui hay buồn. Đó cũng là bởi họ chỉ nhìn thấy biểu hiện bên ngoài của sự việc mà không thấy được quan hệ họa phúc trong đó.
Kỳ thực, có rất nhiều sự tình xảy ra không thể lập tức phán đoán được đó là họa hay là phúc. Con người sống trên đời nếu không có sự thử thách sẽ không có trí tuệ, không có sự trả giá thì sẽ không có được thu hoạch.
Cổ nhân có câu: “Người có phúc không cần vội, người vô phúc chạy hối hả”. Thông thường mọi người lý giải câu nói này như sau: người có phúc thì không cần cả ngày bận rộn, vận may sẽ tự nhiên đến; người không có phúc dù có chạy tới gãy chân cũng không thể thay đổi vận mệnh. Trên thực tế đây là cách hiểu rất nông cạn. Vậy rốt cuộc người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu nói này?
Trong phúc có hoạ, trong hoạ có phúc
Trong Đạo Đức Kinh có viết: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục” tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau. Trong họa có phúc, trong phúc lại có họa. Hay nói cách khác, việc tốt và việc xấu là có thể chuyển hóa được cho nhau.
Ở vào điều kiện nhất định, phúc sẽ biến thành họa và họa cũng có thể biến thành phúc. Loại biến hóa này thâm sâu không lường trước được.
Tái Ông mất ngựa
Một ví dụ minh họa rõ nét nhất về việc phúc họa chuyển hóa cho nhau chính là câu chuyện “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc”. Câu chuyện được ghi trong sách “Hoài Nam Tử. Nhân gian huấn” như sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ, có nuôi một con ngựa. Một hôm con trai ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa chạy vọt qua nước Hồ mất tăm. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Là một người thông hiểu việc đời nên ông bình tĩnh nói:
“Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi”.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất tăm ấy lại quay trở về và dẫn theo một con ngựa khác của nước Hồ, vừa cao lớn vừa mạnh mẽ. Những người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão.
Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói:“Biết đâu việc được ngựa nước Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”.
Con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa nước Hồ cao lớn mạnh mẽ thì rất thích, liền nhảy lên lưng cưỡi nó chạy đi. Con ngựa này chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Một lần, con ông lão không cẩn thận để ngựa hất xuống, té gãy xương đùi, bị què luôn một chân, từ đó mà thành người tật nguyền.
Những người trong xóm lại đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền này lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc”.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lược Trung Nguyên. Tất cả thanh niên trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống giặc Hồ. Quân Hồ mạnh, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng chỉ có con trai ông lão vì bị què chân nên được miễn đi lính; nhờ vậy con trai ông bảo toàn được tính mạng, dẫu què chân nhưng sống an bình suốt quãng đời còn lại.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Kỳ thực, rất nhiều sự việc trong đời người đều đã được định sẵn, vì vậy một sự việc là phúc hay là họa thường không thể phán đoán từ bề ngoài. Trước mọi hoàn cảnh, chúng ta học cách sống thuận theo tự nhiên; gặp việc thuận lợi, tâm không quá đắc ý; gặp sự đau buồn, cũng không quá bi thương, thất vọng. Tĩnh tại, bình thản đối đãi với mọi chuyện là cảnh giới của người có trí tuệ sâu sắc.
Phúc của già Lưu
Để nói về một nhân vật có phúc, chúng ta có thể kể đến già Lưu trong tác phẩm nổi tiếng Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần.
Những người trong phủ họ Giả đều nhìn nhận bà già họ Lưu là trò cười cho thiên hạ. Xuất thân là người quê mùa thô kệch, khi lần đầu tiên gặp Giả mẫu ở Giả phủ liền nói: “Chúng tôi sinh ra đã chịu khổ, còn cụ sinh ra là để hưởng phúc”. Tuy nhiên lúc ở nhà mình bà lại nói rằng “mưu sự tại nhân”; bởi con trẻ sợ hãi không dám tới nhờ cậy gia đình quyền quý xin sự giúp đỡ, bà xung phong đi thay con.
Già Lưu tới đó biết là sẽ trở thành trò cười cho người ta, nhưng đổi lại bà nhận về mấy chục lượng bạc. Đối với họ Giả chỗ đó không đáng kể gì, nhưng đối với gia cảnh nhà họ Lưu thì những thứ này có thể thoát khỏi tình thế khó khăn. Nhờ có tiền, cả nhà được sống khá hơn, lại còn có thể ra tay cứu giúp thiên kim tiểu thư Xảo Nhi.
Bà Lưu hạ mình gọi bà, gọi ông xưng con để vào được cửa nhà họ Giả; những mấy lần mà lần nào cũng có thu nhập đáng kể. Bà cứ đơn giản đi làm những việc bà thấy cần làm, không cần suy nghĩ quá nhiều, vậy mà lúc nào cũng được việc.
Bởi vậy, câu nói: “Người có phúc không cần vội, người vô phúc chạy hối hả” thực sự có hàm ý rất thâm sâu. Người thực sự có phúc đức sẽ có nhân tâm giản dị, đơn giản, nhìn nhận cuộc sống theo góc độ chân thực; điều đó có thể giúp bản thân họ hành thiện, khi gặp bất cứ sự việc gì cũng không cần vội vàng hốt hoảng. Trước hoạ và phúc, họ có thể đối đãi một cách thản nhiên và có lý tính.
Còn người vô phúc thường có cái tôi lớn. Họ coi trọng được mất, không thể chịu một chút thiệt thòi; gặp chuyện không như ý thường dễ nổi nóng, đánh mất lý trí, rơi vào trạng thái bi quan cực độ. Người như vậy chắc chắn sẽ không thể giữ tâm thái bình thản, thường chỉ vì cái lợi trước mắt và khó có được thành tựu.
Theo Vision Times / Truyền Thống