Kinh Cựu Ước có một câu chuyện kể về việc dũng sĩ nhỏ bé David đánh bại gã khổng lồ Goliath. Chỉ sử dụng một chiếc ná bắn đá đã có thể tiêu diệt đối thủ với vóc dáng đáng gờm của mình, David, người anh hùng may mắn đã trở thành vị vua thứ hai của tộc người Do Thái trong lịch sử.
Trong khi rất nhiều người coi sự tích này là một câu chuyện ngụ ngôn đầy màu sắc thuần túy, nhưng một khám phá gần đây—một đoạn văn khắc cổ xưa nhất của tộc người Philistine từng được phát hiện – cho thấy người khổng lồ Goliath có thể thực sự từng tồn tại. Hiện vật này—một mảnh gốm nhỏ —đã được các nhà khảo cổ học từ Đại học Tell es-Safi tìm thấy vào năm 2005 ở Israel.
Mảnh gốm này được khắc dòng chữ “Alwt và Wlt”, mà theo Giáo sư Aaron Demsky – một chuyên gia về lịch sử Kinh Thánh, là từ gốc tiếng Philistine của cái tên “Goliath”. Kết quả nghiên cứu xác nhận dòng chữ này được chạm khắc vào khoảng năm 950 TCN, rất sát (chênh lệch trước sau khoảng 70 năm) với thời điểm xảy ra trận chiến lịch sử theo các học giả Kinh Thánh nhận định.
Tuy rằng khám phá này có thể phần nào củng cố cho thêm tính chân thực của câu chuyện cổ, nó cũng chính là một mắt xích móc nối với một bí ẩn khác thậm chí còn hấp dẫn và ly kỳ hơn. Nhiều người có thể cho rằng, ngay cả khi Goliath và David là các nhân vật có thực, và trận chiến kinh điển giữa họ đã từng thực sự xảy ra, thì tầm vóc và kích thước của Goliath chắc chắn đã được phóng đại, có lẽ để tăng thêm phần kịch tính cho câu chuyện xưa.
Tuy nhiên, các bằng chứng được thu thập từ khắp nơi trên thế giới trong thế kỷ vừa qua đã cho thấy người khổng lồ rất có thể đã từng tồn tại. Trên thực tế, những bằng chứng này đã làm nảy sinh ra một giả thuyết, rằng nhân loại thời xưa có tất cả ba chủng người, phân hoạch bởi kích thước và tầm vóc khác nhau: người khổng lồ, người trung bình và người lùn.
Mùa thu năm 2004, trong quá trình công tác tại Indonesia, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện được di hài của một chủng “người lùn” có chiều cao chỉ vỏn vẹn 1m. Các nhà nghiên cứu xác định chủng người nhỏ bé này đã từng tồn tại song song cùng với con người cho đến khoảng thời gian 13.000 năm trước.
Nhóm nghiên cứu—bao gồm nhà cổ sinh vật nhân chủng học, Giáo sư T. Jacob—đã đặt tên cho chủng người nhỏ bé này là Homo floresiensis, dựa theo tên hòn đảo Flores nơi các bộ xương này được phát hiện. Một số người cho rằng những người lùn này hiện vẫn còn tồn tại trong rừng sâu, khiến rất nhiều du khách đổ dồn về hòn đảo này trong những năm gần đây để tìm kiếm hiện thân “bằng xương bằng thịt” của chủng người lùn hobbit.
Khối lượng các bằng chứng cho thấy sự tồn tại của chủng người khổng lồ thậm chí còn lớn hơn. Di thể của người khổng lồ đã được tìm thấy hầu như ở mọi ngóc ngách trên quả địa cầu: Tunisia; Pennsylvania; Glen Rose, Texas, Mỹ; Gargayan tại Philippines; Syria; Morocco; Australia; và dọc khắp dãy núi Urbasa ở Tây Ban Nha.
Bất chấp số lượng đáng kể các bằng chứng hài cốt được tìm thấy, cùng với các bằng chứng gián tiếp như công cụ lao động, dấu chân và ngón tay được khai quật vốn có kích thước lớn hơn đáng kể so với con người bình thường, nhưng dường như vẫn có rất ít nhà khoa học thật sự để tâm đến việc nghiên cứu hiện tượng lạ thường này. Thậm chí một số chính phủ các nước còn bí mật ém nhẹm chúng đi.
Khi nhắc đến những chủng người với kích thước khác nhau được đề cập đến trong tư liệu cổ đại, con người hiện đại thường cho đây chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng phong phú. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, rất nhiều các nền văn hóa khác nhau đều có các ghi chép rất tương đồng về sự tồn tại của những chủng người này. Đứng trước việc có rất nhiều di thể của những chủng người này được phát hiện trên toàn thế giới, có lẽ những câu chuyện “thần thoại” này lại có thể là bức tranh phản ánh chính xác sự thực.
Nếu những chủng người với các kích cỡ khác nhau đã từng thật sự tồn tại, thì tại sao lại có đến ba loại kích cỡ? Hai chủng người kia đã đi đâu? Đối với tổ tiên chúng ta, họ từng có mối quan hệ xã hội hữu hảo hay thù địch? Họ có kết cấu xã hội như thế nào? Cho đến nay chúng ta chỉ có thể ngoảnh lại xem xét những câu chuyện về một thời quá khứ xa xưa và tự hỏi rằng liệu có thêm bao nhiêu truyền thuyết đang chờ đợi được thực chứng với các bằng chứng chắc chắn, chân thực.
Thạch Khánh, Quý Khải / Theo DKN