Lời nói có thể cứu người, cũng có thể khiến người khác mất mạng, tạo thành nghiệp báo (Pixabay)
Lưu Bị đã để lại cho con cháu đời sau lời dặn dò: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Câu nói này cũng giống với việc chúng ta nói gì, nói như thế nào đều có thể mang lại những kết quả hoàn toàn khác nhau. Điều này mọi người có thể tự mình cảm nhận được.
Một lời nói ra có thể cứu người, liệu rằng lời nói có thể làm người khác mất mạng, tạo thành nghiệp báo cho bản thân hay không? Chúng ta hãy xem hai câu chuyện hoàn toàn trái ngược dưới đây.
Xót thương dân đói khởi tấu cứu người, viên tiểu lại được đại phúc
Hạ Xán Nhiên, tự Bá Ám, hiệu Đạo Tinh, là tiến sĩ khoa Ất Mùi năm Vạn Lịch thứ 23 (năm 1595). Ông là người phủ Gia Hưng, tỉnh Triết Giang, tinh thông bách gia chư tử, thông hiểu cổ kim, không ngừng học tập nghiên cứu, tìm tòi tri thức. Chức vụ đầu tiên của ông là quản lý những việc thăm hỏi, tiếp đón tân khách, sau đó được thăng chức làm Lại bộ Chủ sự. Ông là một vị quan ngay thẳng, đạo đức thanh cao, không màng tư lợi. Hạ Xán Nhiên luôn muốn mang lại lợi ích cho quê hương, dùng lý lẽ để tranh luận, luôn bình tĩnh, không sợ cường quyền. Ông thường quan tâm đến đời sống của người dân. Trong các tác phẩm của Hạ Xán Nhiên có một cuốn “Kiến nghị đề phòng mất mùa” gắn liền với một câu chuyện thời trẻ của ông.
Khi Hạ Xán Nhiên vẫn còn là một nho sinh, huyện Đồng Ấp có vị tiến sĩ là Diêu Tư Nhân (tự là Thọ Trường, hiệu là La Phù,1555 – 1646) đã làm đến Án sát ngự sử. Hạ Xán Nhiên làm nha lại giúp Diêu Tư Nhân điều tra, xét xử, bảo quản công văn. Hạ Xán Nhiên đi theo Diêu Tư Nhân đến điều tra, thị sát vùng Hà Nam. Lúc đó, tại đây đang xảy ra nạn đói lớn, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Hạ Xán Nhiên tận mắt chứng kiến những khó khăn, cơ cực của người dân, nên ông đã viết một bản “Sớ xin cứu đói”, sau đó cố gắng xin Diêu Tư Nhân trình bản sớ này lên Hoàng thượng để cứu trợ thiên tai.
Trước đó, quan Ngự sử Diêu Tư Nhân cũng từng đi tuần tra ở những nơi khác như Sơn Đông, v.v… Diệu Tư Nhân chấp pháp chính trực nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, đã phán tử hình rất nhiều người làm trái pháp luật. Thế nhưng, Hạ Xán Nhiên vẫn rất bình tĩnh, không chút sợ hãi, vẫn cố gắng tìm cách cứu người dân ở Hà Nam. Cuối cùng, Hạ Xán Nhiên đã thuyết phục được Diêu Tư Nhân dâng bản “Sớ xin cứu đói” do ông viết lên triều đình.
Sau này, khi Diêu Tư Nhân mắc bệnh sốt rét, linh hồn của ông bị đưa đến địa phủ. Vừa vào địa phủ, Diêu Tư Nhân đã thấy một đám quỷ đến đòi mạng.
Diêm Vương hỏi Diêu Tư Nhân: “Tại sao ông lại ham thích giết chóc như vậy?”
Diêu Tư Nhân trả lời: “Tôi thay mặt Thiên tử chấp pháp; những người này chết vì bản thân vi phạm pháp luật”.
Diêm Vương nói: “Ông làm quan lại không lĩnh hội được đức hiếu sinh của Thiên thượng, giết người bừa bãi, không có lòng thương xót cứu giúp, tội nghiệp rất nặng, không thể nào thoát tội”.
Diêu Tư Nhân cầu xin: “Năm đó trong nạn đói lớn ở Hà Nam, tôi đã dâng sớ xin triều đình phát chẩn, cứu sống được ngàn vạn người, lẽ nào không thể lấy công bù tội hay sao?”
Diêm Vương nói: “Đây là việc làm của Hạ Xán Nhiên. Bởi vì việc này mà trong mệnh của hắn đã được định sẽ có được phú quý khi đến tuổi trung niên!”.
Diêu Tư Nhân nói rằng: “Tất nhiên bản sớ ấy là do Hạ Xán Nhiên viết, nhưng nếu không có công dâng sớ của tôi, thì bản sớ kia cũng không thể đến trước mặt Hoàng thượng? Lẽ nào không chia cho tôi một nửa công lao hay sao?”
Diên Vương suy nghĩ một lúc rồi cho rằng những lời của Diêu Tư Nhân cũng có lý, liền gật đầu, bảo quỷ sai lớn tiếng đuổi lũ quỷ kia đi, sau đó thả Diêu Tư Nhân trở lại dương gian.
Sau này, vào năm 40 tuổi, Hạ Xán Nhiên đỗ tiến sĩ. Không những thế, quan lộ của ông cũng lên như diều gặp gió, làm đến chức Lại bộ Thượng thư. Vương Tư Nhân sau này cũng làm đến chức Công bộ Thượng thư, thọ 90 tuổi.
Hạ Xán Nhiên lúc đó, tuy rằng chỉ là một nha lại của Diêu Tư Nhân, nhưng lại là một nho sinh có tấm lòng thương xót thiện lương. Ông không sợ quyền cao chức trọng, ngược lại còn dùng những gì có trong tay để tạo phúc cho người dân, hơn nữa còn mang đến phúc phận cho Diêu Tư Nhân. Khi ấy, Hạ Xán Nhiên vẫn chỉ là một người không ai biết đến trên dương thế nhưng khi cứu được hàng vạn người, ông đã tích được âm đức vô cùng to lớn. Người đang làm, Trời đang nhìn, trong cõi u minh, những việc thiện và ác tại nhân gian đều được ghi chép lại; thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Thế nhưng những người lựa chọn trái ngược với sự thiện lương của Hạ Xán Nhiên ở đâu cũng có. Chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu câu chuyện về Dương Tuân. Dương Tuân có tính cách xu nịnh, giỏi đoán tâm ý của người khác, thường ở bên cạnh dụ dỗ xúi giục và lấy lòng người khác.
Thấy người làm sai không khuyên can còn khen ngợi, phải gánh chịu ác báo
Dương Khai là huyện lệnh huyện Đan Dương, làm việc quả quyết, nhưng tính tình tàn nhẫn, hung bạo. Dương Khai có mối quan hệ rất thâm tình với Dương Tuân, nên mỗi khi có chuyện đều sẽ đến hỏi ý kiến. Dương Tuân mặc dù biết Dương Khai không đúng, nhưng cũng không dám nói trái ý, luôn dùng những lời lẽ ngon ngọt để khen ngợi.
Vào một ngày trời nắng gắt, Dương Khai phạt đánh trượng hơn 40 nha lại và phạm nhân, khiến cho hai người chết. Dù vậy, Dương Tuân vẫn khen Dương Khai giải quyết mọi việc quả quyết, nhanh chóng.
Sau đó, Dương Tuân mơ thấy mình đến một nơi xa lạ, ở đó có một người mặc bộ đồ màu vàng tím, khiển trách rằng: “Người khiến Dương Khai làm ác như vậy chính là ngươi. Ngươi cũng đáng phải chịu tội”.
Mấy ngày sau, quả nhiên Dương Tuân mắc bệnh nan y mà chết.
Vì sao nói người khiến Dương Khai làm ác chính là Dương Tuân? Bởi vì Dương Khai khi có việc đều sẽ đến hỏi ý kiến Dương Tuân, chứng tỏ Dương Khai làm sai nên cảm thấy chột dạ, không chắc chắn với hành vi của mình. Nếu Dương Tuân ra sức khuyên bảo, hướng dẫn, nhất định có thể cứu được. Nhưng với sự hung bạo của Dương Khai, Dương Tuân lại nhiều lần tán đồng nhằm lấy lòng, lôi kéo quan hệ. Điều này vốn xuất phát tư lợi cá nhân của Dương Tuân. Cuối cùng, người vô tội bị đánh chết, khiến Dương Khai mắc tội! Âm tào địa phủ khi tra án cũng phán tội tử hình cho Dương Tuân. Đó là tội mà ông ta đáng phải chịu .
Xuất phát điểm cho những lời nói của Hạ Xán Nhiên và Dương Tuân rõ ràng hoàn toàn khác nhau. Kết quả tạo ra cũng khác nhau một trời một vực. Như vậy, những lời nói của chúng ta vẫn có thể tạo thành việc tốt, kết ra thiện quả. Điều quan trọng chính là khác biệt ở chỗ những lời nói ấy là vì tư lợi cá nhân hay vì người khác! Lưu Bị đã để lại cho con cháu đời sau lời dặn dò: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Đây quả là tấm gương sáng người đời sau noi theo.
(Nguồn tư liệu: “Đức dục cổ giám”)
Hoài Nhẫn Nhẫn – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam