Người này đến miếu thắp hương cầu Phật, vì sao lại mang họa về cho người nhà? (Wikipedia)
Trong sâu thẳm nội tâm của mỗi người đều có tấm lòng kính sợ Thần Phật, khi thắp hương bái Phật, mỗi người đều mang tâm thái và mục đích khác nhau. Có người bái Phật cầu Thần để bày tỏ lòng tôn kính, muốn đắc được chính quả; có người lại cầu tiêu tai, giải nạn, hết bệnh; có người lại muốn nổi danh, phát tài.
Trong “Di Kiên Chí” thời Nam Tống, Trung Quốc có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Vào tháng 4 năm Khánh Nguyên thứ hai năm 1196, có một người tên là Lý Ngũ Thất. Một ngày nọ, ông đến miếu Ngũ Hầu ở huyện Vụ Nguyên dâng hương 8 ngày. Vào ngày trở về, ông nhìn thấy lá cờ rực rỡ màu sắc bay phấp phới ngoài cửa, tiếng chuông và tiếng trống vang dội, có hơn trăm người hộ tống một người mặc y phục lộng lẫy tráng lệ đi thẳng đến phòng khách nhà Lý Ngũ Thất ngồi chính giữa.
Người trong nhà Lý Ngũ Thất không biết vị này là vị Thần Tiên phương nào, tất cả đều hướng vào người này mà quỳ lạy. Lý Ngũ Thất cung kính hỏi: “Xin hỏi, Đại Vương là vị Thần linh từ phương nào?”
‘Vị Thần Tiên’ đó cười nói: “Nhà ngươi không nhận ra ta ư? Ta chính là Thái úy của Ngũ Hiển Cung ở miếu Linh Thuận, huyện Vụ Nguyên. Cảm khái trước tấm lòng thành kính của ngươi nên ta đã hộ tống ngươi trở về. Ta sẽ chuẩn bị tạm trú ở đây”.
Sau đó, ‘vị Thần Tiên’ này còn nói về những chuyện đã từng xảy ra trước đây ở nhà họ Lý, như thể đã từng chứng kiến hết thảy, nói tất cả đều vô cùng chính xác. Lý Ngũ Thất trong lòng vui mừng, sau đó liền nhanh chóng dọn dẹp một gian phòng, ra lệnh cho người nhà sắp xếp một bàn hương để đặt tượng ‘Thần’, hằng ngày cúng bái đồ ăn cho ‘Thần’.
Lý Ngũ Thất ra lệnh người giết lợn mổ dê, lại cúng rượu ngon, đôi khi còn tìm người đến hát, uống rượu hầu hạ cả đêm. Cứ như vậy, Lý Ngũ Thất không còn tâm trí làm ăn, mỗi ngày đều tiêu xài phung phí, gia tài cũng cạn kiệt dần.
Vào một ngày của 4 tháng sau, vợ và con gái của Lý Ngũ Thất đột ngột mắc bệnh qua đời. Lý Ngũ Thất thắc mắc không hiểu vì sao vị Thần linh mà mình thờ cúng rượu ngon và đồ ăn ngon lại không phù hộ cho gia đình.
Lý Ngũ Thất cuối cùng mới hiểu ra, bản thân thỉnh mời đến không phải là Thần Phật thật, mà là một con động vật đắc được linh khí. Lý Ngũ Thất thắp hương vái lạy Thần linh, nhưng lại chiêu mời tà ma đến, rước tai họa về nhà. (*)
***
Tâm thái và niệm con người phát xuất ra khi bái Thần Phật là vô cùng quan trọng. Ngày nay, người cúng bái Thần Phật đa số là để cầu tài, cầu danh lợi để thỏa mãn các loại tư tâm và dục vọng của mình. Nếu mục đích bái Thần Phật là bất thuần, vì để thỏa mãn dục vọng, để đạt được mục đích tư lợi cho mình, thì hậu quả đem lại là rất nghiêm trọng.
Đối với người người không tin Thần Phật thường cho rằng, mình âm thầm làm chuyện xấu hoặc trong tâm nghĩ những chuyện xấu xa, dù sao cũng không ai trông thấy, lại có người cho rằng, cứ bày đồ cúng càng nhiều cho tượng Phật, quyên góp nhiều tiền cho chùa, hoặc đứng trước tượng Phật nói những lời thành kính, liền cho rằng Phật sẽ phù hộ và ban phước cho họ. Kỳ thực, đây là những quan niệm sai lầm.
Sống trên đời, duy chỉ có tâm kính Thần Phật, giữ vững thiện lương, tích đức hành thiện thì mới có thể được Thần Phật bảo hộ.
(*): Câu chuyện trong Di Kiên Chí, dịch từ nguồn Chánh Kiến tiếng Trung
Gia Hân
NTD Việt Nam