Trong các bộ phim kiếm hiệp hiện đại thường có câu nói rất thịnh hành: “Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn”, nghĩa là người quân tử muốn báo thù cũng không cần vội vàng, chỉ cần nuôi dưỡng lòng oán hận thì họ luôn có cơ hội để trả thù. Tuy nhiên, trong quá khứ “quân tử” kiểu như thế này, không được các bậc hiền nhân đề cao.
Kỳ thực, nếu một người lúc nào cũng khắc cốt ghi tâm thù hận, thì nội tâm của người đó vô cùng thâm hiểm. Hành xử của họ rất có thể là xuất phát từ tâm oán hận, tâm tranh đấu nên không thể nói đến “chí công vô tư”. Bởi vậy người “quân tử” mang tư tưởng như thế này cũng rất đáng sợ.
“Oan oan tương báo bao giờ mới dứt?”
Rất nhiều nhân vật anh hùng được xây dựng trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung theo mô-tuýp, bị người ta giết mất cha mẹ, vợ chồng, đoạt mất giang sơn nên nuôi chí hướng báo thù sâu nặng. Chẳng hạn nhân vật Hồ Phỉ trong tiểu thuyết ‘Tuyết Sơn phi hồ’, chàng thanh niên Hồ Phỉ ngày đêm cực khổ luyện tập võ công, mục đích cuối là để trả thù cho cha mình là Hồ Nhất Đao.
Về sau, trong hành trình cuộc đời thấm đẫm máu và nước mắt, Hồ Phỉ gặp một cao thủ võ lâm đã thất thế là Thương Lão Thái trong chính gia trang của bà. Khi phát hiện ra Hồ Phỉ là con trai của kẻ đã giết chồng của mình, lòng hận thù của Lão Thái bà trỗi dậy; dù trong đám đông chỉ có một vài người là kẻ thù nhưng vì không muốn bỏ lỡ cơ hội báo thù, bà ta đã giăng bẫy nhốt tất cả vào đại sảnh rồi hun lửa hòng thiêu cháy hết thảy.
Hồ Phỉ võ nghệ cao cường lại nhận được sự tương trợ của các anh hùng hào kiệt mà thoát nạn. Tuy nhiên, một lần nữa anh ta cũng lại giết chết Thương Lão Thái. Trước khi rơi xuống vực, Thương Lão Thái vẫn kịp kéo theo Mã Hành Không- một kẻ thù khác của bà để cùng chết.
Hồ Phỉ yêu thương cô gái tên là Miêu Nhược Lan, tuy nhiên “oan gia ngõ hẹp”, thiên hạ đồn đại, cha của cô ấy lại là kẻ đã hại chết cha của Hồ Phỉ. Chàng một mặt coi trọng tấm lòng hào hiệp trượng nghĩa của Miêu Nhân Phụng nhưng không thể vì thế mà bỏ qua mối thù giết cha. Kỳ thực, Miêu Nhân Phụng cũng không phải người đích thân giết Hồ Nhất Đao, cô con gái ông nhất mực yêu chiều lại cũng đang yêu Hồ Phỉ.
Bởi vậy, hai người khi quyết đấu một trận sống chết trên đỉnh núi tuyết; họ vừa đấu võ với nhau, lại vừa đấu tranh trong chính tâm can của mình, cả hai đều phân vân không biết có nên giết chết đối phương hay không. Phần kết thúc tiểu thuyết cũng bị tác giả Kim Dung bỏ dở ở phân đoạn đó.
Có câu:“Oan oan tương báo bao giờ mới dứt?”, chính là ám chỉ những trường hợp như thế này.
Người mang trong lòng cừu hận, dẫu mất đi lợi ích thiết thân hay phải đánh đổi cả tính mạng, họ cũng khó lòng buông bỏ thù hận. Họ sống trong lửa hận và bị tâm oán hận đó chi phối, thiêu đốt. Đó là khởi nguồn dẫn dắt cuộc đời của những con người này vào một chuỗi những bi kịch không có hồi kết.
Tuy nhiên, bên cạnh “quân tử có thù tất báo”, người xưa cũng ghi chép lại những câu chuyện cảm động về bậc “quân tử lấy đức báo oán”; và nổi tiếng trong đó là câu chuyện của tướng quân Lý Nghi thời nhà Đường tại Trung Quốc trong tập ‘Triều dã thiêm tái’.
Ông là đại biểu cho những người quân tử chỉ ghi nhớ ân nghĩa để đền đáp, không nhớ oán thù; một mặt giúp bản thân an lạc, mặt khác lại xiển dương đạo đức góp phần nâng cao đạo đức xã hội.
Quân tử Lý Nghi lấy ân báo đáp chủ nhân xưa cũ
Lý Nghi vốn mang thân phận địa vị thấp kém, là kẻ phản bội chủ nhân mà bỏ trốn. Về sau, vào cuộc chính biến dưới thời Đường Huyền Tông, ông và Vương Mao Trọng lập được đại công, được bổ nhiệm làm tướng quân hộ vệ.
Một ngày nọ, Lý Nghi đang đi trên đường thì tình cờ gặp lại chủ nhân cũ, lập tức Lý Nghi trốn vào một góc, không dám đối mặt. Sau đó lại ra lệnh cho tùy tùng của mình đi tìm tới gia trang của vị chủ nhân này, mời ông ta đến phủ của Lý Nghi, khiến vị chủ nhân cũ vô cùng sợ hãi, nhưng ông ta cũng không dám trái lệnh.
Vào ngày hội ngộ, Lý Nghi vui vẻ mời vị ấy ngồi ghế trên, lại tự mình cung kính bưng nước rót rượu cho chủ cũ, và nhiệt tình mời ông ấy ở lại gia trang nghỉ dưỡng vài ngày.
Lúc Lý Nghi thượng triều đã trình tấu với hoàng đế rằng:“Thần nhận được ân huệ của quốc gia, được phong chức quan cao và bổng lộc hậu đãi. Nhưng vị chủ nhân xưa của thần nay thân phận lại thấp kém, thần nguyện ý đem một nửa chức quan và bổng lộc cấp cho vị chủ nhân xưa. Kính xin bệ hạ chấp thuận tâm nguyện ngu xuẩn của vi thần”.
Nguyên nhân Lý Nghi rời bỏ vị chủ nhân xưa là vì ông ta đối xử có phần hà khắc với kẻ dưới. Cho nên khi được Lý Nghi mời gọi, ông ta toát mồ hôi hột vì ý nghĩ bản thân sắp bị trừng phạt. Thế nhưng Lý Nghi lại chẳng nhớ gì hiềm khích cũ, mà chỉ nhớ đến ân nghĩa cưu mang thủa hàn vi bần tiện.
Hoàng đế khen ngợi nghĩa khí của Lý Nghi, một mặt đề bạt vị chủ nhân xưa của Lý Nghi làm tướng quân, đồng thời vẫn giữ nguyên chức quan của Lý Nghi. Nhờ sự kiện này mà trong triều đình thịnh hành bầu không khí đạo nghĩa, sử sách cũng ghi lại nhằm tán dương và làm gương cho người đời sau.
Người quân tử chân chính là người đề cao nhân nghĩa, không phải là người ghi nhớ thù hận trong lòng.
Theo Chánh Kiến
Truyền Thống