Người trí tuệ có 4 điều cần gìn giữ – Quân tử tứ thủ: Thủ ngu, thủ tĩnh thủ thời, thủ tín. (Tranh Thanh Phong/NTDVN)
Thủ ngu: Người quân tử có đức lớn thì dung mạo như ngu ngốc
Sử Ký có ghi chép rằng, khi còn trẻ, Khổng Tử đã từng thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử rằng: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”.
Tạm dịch: “Thương nhân khôn ngoan thì giỏi cất giấu của cải, nhìn như là không có gì. Người quân tử có đức lớn thì dung mạo như ngu ngốc”.
Lão Tử khuyên Khổng Tử rằng, cần phải trừ bỏ cái khí cao ngạo và cái tâm tham dục, như thế mới có thể trở thành người quân tử, mới có thể trở thành bậc Thánh nhân. Đây cũng chính là cái gọi là “Đại trí nhược ngu” – người có trí huệ lớn thì trông như ngu ngốc.
Trong ‘Luận Ngữ – Công Dã Tràng’, Khổng Tử đánh giá Ninh Vũ Tử rằng: Con người của Ninh Vũ Tử, khi đất nước được cai trị tốt (có đạo lý), ông thể hiện sự thông minh. Tuy nhiên, khi đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn (vô đạo), ông lại chọn cách giả vờ ngu ngốc. Kiểu thông minh đó của ông, người khác có thể bắt chước. Nhưng kiểu giả ngốc đó của ông, người khác muốn học cũng không học được.
Thủ tĩnh: Mỗi khi gặp đại sự đều tĩnh lặng
Tĩnh cũng là một đại trí huệ. Đạo Đức Kinh có giảng rằng, tĩnh là vua của âm thanh. Tĩnh có thể khắc phục tính khí nóng nảy ồn ào của con người. Sách Đại Học giảng rằng, tĩnh rồi sau đó mới có thể an, an rồi sau đó mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ rồi sau đó mới có sở đắc. Có thể nói, tĩnh chính là nền móng của an định, suy nghĩ và sở đắc.
Có một câu chuyện như thế này: Khi một người thợ mộc đang làm việc, ông làm rơi chiếc đồng hồ của mình xuống mặt đất đầy vụn bào và tấm gỗ. Ông vô cùng sốt ruột, cuống cuồng tìm kiếm khắp nơi, nhưng càng vội lại càng không tìm được. Khi trời dần tối, mấy người học việc cùng nhau đến giúp ông tìm nhưng vẫn không thấy gì, người thợ mộc bèn bảo họ về nhà, mai lại tìm tiếp. Lúc này, người con trai út của ông lại tìm thấy chiếc đồng hồ.
Người thợ mộc kinh ngạc hỏi: “Chúng ta có nhiều người như vậy mà không tìm được, sao con lại tìm thấy?”.
Cậu con đáp: “Lúc đêm khuya tịch lặng, con nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, lần theo tiếng mà tìm được nó”.
Thủ thời: Người quân tử chờ thời mà hành động
Thủ thời không phải là đúng giờ, mà là nắm bắt đúng thời cơ. Chu Dịch có giảng rằng: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động”.
Tạm dịch: Người quân tử cất giấu tài năng trong người, chờ tời mà hành động.
Tức là người tân tử có tài năng, kỹ năng siêu quần trác việt, cũng không khoa khoang, hiển thị, mà đến thời khắc cần thiết thì mới đem tài nghệ ra thi triển. Lã Thượng (Lã Vọng) gặp Chu Văn Vương chính là như thế.
Câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, khi chúng ta lặng lẽ không ai hay biết, thì phải tăng cường tu dưỡng bản thân, đợi đến khi có thời cơ, thì có thể thi triển đầy đủ tài hoa của mình.
Thời cơ, thời thế là khách quan, không phải con người tạo ra được. Thế nên, chúng ta chỉ có thể làm tốt những gì chúng ta có thể làm, và chờ đợi thời cơ, nắm bắt thời cơ. Đó chính là thủ thời. Một người biết thủ thời thì nhất định sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, sẽ không để thời cơ vuột mất.
Thủ tín: Con người mà không giữ chữ tín thì không biết có thể làm được gì
Sách Luận Ngữ có viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?”.
Tạm dịch: “Con người mà không giữ chữ tín, thì không biết có thể làm được gì. Giống như xe lớn không có đòn ngang lớn, xe nhỏ không có đòn ngang nhỏ, sao có thể đi được?”.
Tăng Tử, người nước Lỗ, là học trò của Khổng Tử, đã kế thừa và hoằng dương Nho giáo. Một hôm, vợ của Tăng Tử đi chợ, con trai khóc lóc đòi đi cùng bà. Thế là bà nói với con trai: “Con về nhà đi, lát nữa mẹ đi chợ về sẽ giết lợn cho con ăn”.
Khi bà đi chợ về, Tăng Tử bắt lợn ra định giết lợn. Vợ ông ngăn lại và nói rằng, bà chỉ nói đùa với con trai thôi, không nên coi đó là thật. Tăng Tử nói: “Không thể đùa giỡn với trẻ con! Trẻ con không có khả năng suy nghĩ và phán đoán. Chúng đang chờ cha mẹ dạy dỗ và nghe theo lời dạy dỗ của cha mẹ. Hôm nay bà lừa dối con thì chính là bà đang dạy nó lừa dối người khác. Mẹ đã lừa dối con, thì con sẽ không tin mẹ. Đây không phải là cách dạy con trở thành bậc chính nhân quân tử”.
Vì vậy, Tăng Tử cuối cùng đã giết con lợn và nấu cho con ăn.
***
Người có trí tuệ lớn ắt sẽ gìn giữ 4 điều trên. Người bình thường, nếu luyện được, gìn giữ được 1 trong 4 điều này ắt cũng sẽ có trí tuệ và phước lành, còn người nào luyện được cả 4 điều này thì ắt sẽ phước huệ song toàn, là bậc đại trí tuệ.
Trung Hòa biên dịch và tổng hợp từ Aboluowang và NTDVN
NTD Việt Nam