Người có tín ngưỡng không phải là người mê tín hay ngu muội. Ví dụ Trương Hoành, một nhà thiên văn học, địa chấn học thời Đông Hán, người đã phát minh ra máy đo địa chấn, từng viết rằng: “Thần linh trong trời đất biết rõ mọi việc, những tai họa Thần giáng xuống đều có nguyên nhân và quy luật”. (Được sự cho phép của Ally)
Với đa số mọi người, dịch bệnh trong những năm gần đây có thể được xem một trong những tai họa lớn nhất mà chúng ta từng trải qua. Thật ra, trong lịch sử cổ đại, từng có rất nhiều dịch bệnh hoặc thiên tai trên quy mô lớn đã được ghi chép lại.
Chúng ta có thể học hỏi trong những câu chuyện thời cổ đại, hãy xem từ hoàng đế cho đến nhân dân trăm họ đã dùng cách nào để vượt qua tai nạn. Biết đâu trong tương lai chúng ta cũng có thể dùng đến phương pháp này.
Hoàng đế tự trách tội mình
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu câu chuyện của những người lãnh đạo thời cổ đại, phần sau sẽ là câu chuyện về những người dân bình thường
Vào thời cổ đại, mỗi khi đất nước xảy ra một thiên tai nào đó, trách nhiệm sẽ đặt trên vai hoàng đế. Trong “Minh quân thủ tắc” có chép, cổ nhân cho rằng quân quyền Thần thụ (quyền vua là do Thần trao cho), hoàng đế thời cổ đại được gọi là Thiên tử, nghĩa là con của Trời, thay Trời quản lý và dạy dỗ con người thế gian.
Sách “Vương bộ” có ghi chép:
Vương là nơi thiên hạ quy tụ về. Đổng Trọng Thư viết: “Người sáng tạo chữ viết thời cổ đại viết ba nét nối với nhau gọi là Vương. Người có thể quán thông thiên, địa, nhân chính là Vương”. Khổng Tử viết: “Nhất quán tam vi vương”. (Người có thể quán tam tài gọi là Vương). Phàm những thứ thuộc về Vương đều phải phục tùng Vương.
Khổng Tử nói rằng: “Nhất quán tam vi Vương” là nói chữ Vương có ba nét ngang, một nét thẳng, ý nghĩa là người có thể quán thông Tam tài chính là Vương. Triết học gia thời Tây Hán, Đổng Trọng Thư giải thích rằng, ba nét gạch này tương ứng với Tam tài – Thiên, Địa, Nhân, cũng chính là nói chức trách của Vương là liên thông Thiên, Địa và nhân dân. Vương có quyền lực chí cao vô thượng, đồng thời cũng phải gánh vác trách nhiệm được Trời giao phó.
Một khi xuất hiện thiên tai nhân họa, chính là Thiên thượng muốn cảnh cáo Thiên tử đã có chuyện làm sai. Vì vậy Thiên tử phải chịu trách nhiệm với tất cả thiên tai nhân họa xảy ra. Vậy Thiên tử phải chịu trách nhiệm như thế nào? Đầu tiên Thiên tử phải tự kiểm điểm bản thân, nhận thức được lỗi lầm của mình đồng thời phải biết sửa đổi. Và có một điều thần kỳ là thông thường sau khi Thiên tử thành tâm tự xét lại bản thân và biết hối hận, những thiên tai này sẽ được cải thiện. Có rất nhiều tài liệu lịch sử đã ghi chép lại điều này, chúng ta hãy cùng xem.
Sách “Lịch đại danh thần tấu nghị” có ghi chép:
Khi vua Thành Thang nhà Thương tại vị, xảy ra hạn hán lớn liên tục trong vòng 7 năm. Quan Thái sử trong triều gieo quẻ bói, rồi tâu rằng: “Lúc này phải dùng người để tế”.
Vua Thành Thang nói: “Trẫm đã gây nên tai họa này cho người dân. Nếu cần phải lấy người để tế, hãy để Trẫm làm người bị tế”.
Sau đó vua Thành Thang liền trai giới, cắt tóc và móng tay, đi một cỗ xe đơn sơ với ngựa trắng, thân quấn cỏ tranh, tự lấy thân mình làm vật tế, đi vào rừng dâu để cầu mưa. Vua Thành Thang đưa ra 6 việc để tự trách bản thân: “Là do chính sách con đưa ra có chỗ không thoả đáng; Do con quản lý bất thiện, khiến từ đó dân chúng thất nghiệp, bách tính không có chốn nương thân; Có thể do cung thất của con xây dựng quá cao, quá xa hoa; Hay bởi vì con tin nghe phi tần mà lộng quyền loạn chính? Có thể vì chính sách con đưa ra không nghiêm mà quan lại công nhiên tham ô hối lộ; Có lẽ do con không dụng người lành để cho kẻ nịnh hót tiểu nhân đắc thế…”.
Lời chưa nói hết, mưa đã đổ xuống như trút, rộng đến mấy ngàn dặm.
Sách “Luận ngữ” có ghi chép:
Vua Nghiêu nói: “Bản thân Trẫm có tội, không phải ở muôn dân, muôn dân có tội, tội cũng đều ở Trẫm”.
Trong lịch sử, những vị vua anh minh sáng suốt này không chỉ tự kiểm điểm lỗi lầm của bản thân, mà còn chủ động chịu tội thay cho người dân trong thiên hạ.
Sách “Trinh quán chính yếu” có ghi chép:
Năm thứ hai thời Trinh Quán, kinh đô xảy ra hạn hán và nạn châu chấu. Thái Tông ra ruộng xem lúa, thấy châu chấu, liền bắt lấy mà nói rằng: “Nhân dân dựa vào lương thực mà sống, ngươi lại ăn hết hoa màu, chính là làm hại dân chúng. Nhân dân có nạn, hãy để mình ta chịu, nếu ngươi có linh, có thể ăn tim gan của ta, đừng làm hại dân chúng”.
Nói rồi Thái Tông nuốt châu chấu vào bụng, quan quân đi theo vội vàng can ngăn: “Thứ châu chấu này có hại lắm, ăn vào sẽ sinh bệnh, xin Hoàng thượng đừng nuốt”.
Thái Tông trả lời rằng: “Tất cả nạn đều chuyển qua cho Trẫm, sợ bệnh tật gì chứ?”. Sau đó liền nuốt châu chấu. Từ đó, không còn nạn châu chấu nữa.
Trong lịch sử, không chỉ có những vị hoàng đế dám hy sinh tính mạng vì người dân, còn có những hoàng đế tình nguyện từ bỏ giang sơn, quyền lực vì hạnh phúc của nhân dân.
Sách “Sách phủ nguyên quy” có ghi chép:
Tháng sáu năm thứ tư Mậu Thân, do hạn hán lâu ngày, Hoàng đế Đường Văn Tông nhiều lần hạ lệnh cho quan lại cầu khấn xin mưa. Từ khi vua Đường Văn Tông lên ngôi, mỗi năm đều có hạn hán nên đều phải thành tâm cầu nguyện. Khi hạn hán kéo dài, vua đến Tử Thần điện cầu mưa, Hoàng đế Văn Tông lộ vẻ lo lắng với tể tướng. Tể tướng cho rằng hạn hán là do thiên tượng, xin Hoàng đế bớt ưu sầu. Khi đó Văn Tông thay đổi sắc mặt, nói rằng: “Trẫm là chủ của thiên hạ, nhưng không có đức để bảo vệ dân chúng, dẫn đến nạn hạn hán. Nếu trong ba ngày không có mưa, trẫm sẽ thoái vị, các đại thần hãy chọn một vị quân chủ hiền minh để lãnh đạo thiên hạ”.
Tể tướng nghẹn ngào rơi lệ, tự xin nhận tội, xin bãi miễn chức vị. Đêm đó trời đổ mưa to.
Người dân sửa đổi
Những câu chuyện ở trên đều cho thấy, khi có thiên tại, những người lãnh đạo đều phải gánh vác trách nhiệm và tìm cách ứng phó. Tuy nhiên, từ một góc độ khác mà xét, phải chăng thiên tai chỉ do người lãnh đạo thôi hay sao?
Có thể các bạn đã từng nghe câu danh ngôn của triết gia người Anh Edmund Burke: “Điều kiện duy nhất khiến tà ác hoành hành là những người tốt không làm gì cả”.
Dù là hoàng đế, tổng thống, quan chức hay là một người dân thường, ai cũng đều phải trả giá cho hành động của mình.
Những người cầm quyền khi phạm sai lầm phải tự xét lại bản thân, tự biết tội và sửa đổi thì có thể thoát được tai họa, còn người bình thường thì sao, tự sửa mình có thể tránh được tai họa không?
“Thái Bình quảng ký – Thần tiên bát – Trương Đạo Lăng” có ghi chép:
Trương Đạo Lăng muốn lấy sự liêm chính để dạy dỗ người dân, không muốn áp đặt hình phạt, ngược lại còn đặt ra một chế độ: người có bệnh, đều phải viết ra tội mà mình đã phạm trong đời, ném xuống nước, và lập ra lời hứa với chư Thần sẽ không tái phạm nữa, lấy tính mạng của bản thân để giao ước. Làm như vậy, thứ nhất người bệnh có thể được chữa khỏi, thứ hai tự biết hổ thẹn, không dám tái phạm, còn biết kính sợ trời đất mà tự thay đổi. Từ đó về sau, những người phạm tội đều trở thành người thiện lương.
Chỉ cần con người có thể thành tâm kiểm điểm bản thân, biết sám hối và sửa đổi thì Thần sẽ giúp giải trừ tai họa, bệnh tật. Những người chỉ muốn muốn thay đổi ở bề ngoài, tuyệt đối sẽ không lừa được Thần Phật.
Sách “Canh Tỵ Biên” có ghi chép:
Vào mùa hạ năm Chính Đức Tân Vị, dịch bệnh hoành hành. Ở Phong Môn, Quỳnh Cơ Đôn Tây ở Tô Châu có gia đình Cố Trấn. Người già, trẻ nhỏ trong nhà đều mắc bệnh. Để cầu bình an, cả gia đình đã hứa với Thần sẽ ăn chay. Đúng lúc quan tuần phủ mở kho cứu tế, Cố Trấn vào thành để nhận gạo, quên mất lời thề, mua ba con cá và một bầu rượu. Sau khi ăn uống xong, Cố Trấn lên thuyền trở về, không kể lại chuyện cho người nhà. Cùng ngày đó mắc bệnh, không ăn được mà chết. Người nhà thấy ba con cá ở sau lưng, khi khâm liệm thấy ba con cá nhảy vào quan tài, nhưng tìm kiếm thì không thấy nữa. Người cùng vào thành với Cố Trấn kể lại trước đó anh ta đã ăn ba con cá này. Chính là Thần dùng việc này để cảnh báo người đời.
Thật ra, không chỉ có người phương Đông mới tin vào sự tồn tại của Thần và nhân quả báo ứng. Trong xã hội cổ đại, những giá trị phổ quát trên toàn thế giới đều rất giống nhau. Mọi người đều biết rõ nguyên nhân đằng sau của tai nạn, dịch bệnh, vì vậy người dân trên toàn thế giới đều có một phương pháp chung để tránh tai họa.
Ví dụ, vào năm 1633, khi Đại dịch cái chết đen tàn phá châu Âu, những người dân trong một thị trấn nhỏ ở Đức tên là Oberammergau cũng bị nhiễm bệnh. Những người mắc phải dịch bệnh này chắc chắn sẽ chết, vì vậy người dân địa phương đã tập trung lại để cầu nguyện một cách thành kính và hứa rằng nếu Chúa bảo vệ họ, người dân trong thị trấn sẽ dùng những hành động thiết thực để cảm tạ và luôn nhớ đến Chúa.
Nhờ lời hứa này, tất cả những người bị nhiễm bệnh trong thị trấn đều được chữa khỏi một cách thần kỳ và không ai bị chết vì đại dịch này…
Sách “Thượng thuận đế phong sự” có ghi chép:
Thiên địa đều tra xét rõ ràng, gặp phải tai họa, ắt phải có nguyên nhân.
Người có tín ngưỡng không phải là người mê tín hay ngu muội. Ví dụ Trương Hoành, một nhà thiên văn học, địa chấn học thời Đông Hán, người đã phát minh ra máy đo địa chấn, từng viết rằng: “Thần linh trong trời đất biết rõ mọi việc, những tai họa Thần giáng xuống đều có nguyên nhân và quy luật”.
Con người hiện đại thường coi thiên tai là hiện tượng tự nhiên. Con người không thừa nhận sự tồn tại của Thân, không có nghĩa là Thần không tồn tại.
“Xuân Thu phồn lộ – Giao ngữ” có viết:
Nếu không kính sợ Trời, tai họa sẽ đến mà không rõ ràng, người ta sẽ không nhìn được nguyên nhân, và cho rằng đó là điều tự nhiên.
Thực ra, sự bùng phát của dịch bệnh hiện nay cũng không phải là ngẫu nhiên, ông Trời đang muốn trừng phạt ai? Mỗi người chúng ta có thật sự vô tội không? Điều này mọi người tự suy ngẫm nhé.
Theo Ally – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam