Học vấn không ở chỗ biết nhiều mà là có thể chuyên tâm thực hành, nhà sư ngốc chỉ thuộc một câu kệ mà cuối cùng có thể thành Đạo, đắc quả vị.
Nhà sư ngốc được Đức Phật dạy cho một câu kệ
Vào thời Đức Phật Thích Ca tại thế, khi Ngài ở thành Xá Vệ, có một vị tỳ kheo (chỉ người xuất gia của Phật giáo) tên là Bàn Đặc, ông luôn rất dụng công học tập; tuy nhiên chỉ là một chút tiến bộ cũng không có. Vì vậy mọi người thường xuyên cười nhạo sự ngu ngốc của ông.
Đức Phật thương xót ông, vì vậy mới đích thân dạy cho ông một câu kệ; cũng giải thích cặn kẽ ý nghĩa từng chữ trong câu kệ cho ông.
Đức Phật nói với Bàn Đặc rằng: “Tuy chỉ là một câu nói, nhưng chỉ cần con ghi nhớ thật tốt, dụng tâm lĩnh hội, vậy thì có thể cầu đắc Phật Đạo”.
Bàn Đặc cảm ân sự từ bi của Đức Phật, mỗi ngày đều khổ niệm câu kệ này; dụng tâm suy nghĩ và ghi nhớ; cuối cùng lý giải được diệu pháp ẩn hàm trong đó, trong tâm sáng tỏ thông suốt, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Bàn Đặc giảng câu kệ, chúng tăng đều tâm phục
Một ngày nọ, Đức Phật nói Bàn Đặc vào trong tịnh xá để giảng kinh văn cho ni chúng tăng đoàn nghe. Tin tức truyền đi, các tỳ kheo ni (chỉ người nữ xuất gia) đều cười nghiêng ngả, đàm tiếu mãi không thôi.
“Ha ha! Cái người ngốc đó một chữ, nửa câu kệ còn không biết, vậy mà bây giờ lại giảng kinh cho chúng ta”. Các tỳ kheo ni vừa nói vừa nghĩ đến bộ dạng chật vật của Bàn Đặc, cả đoàn người vừa nói vừa vui vẻ cười đùa.
Ngày hôm sau, La hán Bàn Đặc đi đến tịnh xá của các tỳ kheo ni. Các tỳ kheo ni nín cười, mời La hán Bàn Đặc lên giảng kinh. Chỉ thấy Bàn Đặc đi lên vị trí cao, hai mắt nhìn thẳng rồi nói:
“Nói ra thật xấu hổ, tôi lớn tuổi rồi, học tập cũng không được nhiều, hôm nay đến giảng kinh cho mọi người, cũng chỉ là cố gắng hết sức vì mọi người mà giảng một câu kệ thôi; hy vọng các vị có thể tĩnh tâm để lắng nghe”.
Giảng giải đạo lý thâm sâu
La hán Bàn Đặc nói những lời này xong, ở phía dưới vẫn xì xào bàn tán. La hán Bàn Đặc cũng không để ý phản ứng ở phía dưới, liền bắt đầu giảng câu kệ mà Đức Phật đã chỉ dạy cho ông: “Giữ miệng dưỡng ý thân không phạm, như là hành giả đắc độ thế”. Sau đó cẩn thận giải thích ý nghĩa từng chữ trong câu kệ,
Những tỳ kheo ni vốn là muốn trêu chọc ông, nhưng khi nghe ông giảng giải pháp lý cao thâm như vậy, thì biết là đạo hạnh của ông đã vượt xa họ; trong tâm vạn phần hối tiếc, rối rít quỳ xuống dưới chân La hán Bàn Đặc khấu đầu tự trách. Sau khi nghe giảng xong, tạp niệm của 500 tỳ kheo ni đã được tiêu trừ, lần lượt chứng đắc đạo A-la-hán.
Nhà sư ngốc bị coi thường
Một lần nọ, vua Ba Tư Nặc mời Đức Phật vào trong cung để cúng dường, Đức Phật mang theo 200 vị tỳ kheo vào trong cung dự tiệc. Đức Phật lấy bình bát của mình đưa cho La hán Bàn Đặc, nói ông cầm lấy và đi theo sau lưng. La Hán Bàn Đặc vì vậy mà kính cẩn lễ phép đi theo Đức Phật vào trong cung.
Khi mọi người đến trước cửa cung điện, không ngờ La hán Bàn Đặc bị đám người thị vệ chặn lại: “Ngươi không phải là lão tỳ kheo Bàn Đặc đó sao? Dừng lại!” Đám thị vệ từ sớm đã nghe về sự ngu ngốc của ông.
“Người ngu ngốc như ngươi dựa vào cái gì mà hưởng thụ ân huệ của quốc vương! Ngươi không cần phải đi vào đâu”.
Đức Phật nói với La hán Bàn Đặc: “Con cầm lấy bình bát của ta đứng chờ ở đây!” La hán Bàn Đặc không còn cách nào khác đành phải đứng chờ ở ngoài cửa cung.
Khi vào trong đại điện, Đức Phật cùng 200 tỳ kheo ngồi xuống ngay ngắn, cùng với vua Ba Tư Nặc, vương hậu và văn võ bá quan làm lễ ra mắt, chuẩn bị dự tiệc.
Lúc này Đức Phật bất ngờ nói lớn: “Bàn Đặc! Mang bình bát đến cho ta”.
La hán Bàn Đặc ở ngoài cửa cung liền vận dụng thần thông, đưa bình bát từ ngoài cửa cung vào bên trong.
Triển hiện thần thông
Quốc vương và chúng thần trong điện bỗng nhìn thấy một cánh tay thật dài đưa bình bát vào tay cho Đức Phật; tất cả đều sợ ngây người, lao xao hỏi: “Là tay của ai vậy? Làm sao mà dài đến như vậy?”
“Là cánh tay của La hán Bàn Đặc, đệ tử của ta” Đức Phật cười đáp.
Vua Ba Tư Nặc nghe thấy vậy, lớn tiếng khen ngợi: “Đệ tử Đức Phật khá lắm, lại có thần thông như vậy! Tại sao lại không thấy người đâu?”
“Ông ấy bị thị vệ giữ lại ở ngoài cung, không cho tiến vào”, các đại thần đứng một bên vội vàng bẩm báo cho quốc vương.
“Ẩu quá! Tại sao lại có thể như vậy được? Mau mời ông ấy vào!” Vua Ba Tư Nặc tức giận nói với các đại thần.
Học vấn không ở chỗ biết nhiều
Sau đó quốc vương lại quay sang nói với Đức Phật: “Thế tôn, nghe nói người tỳ kheo này vốn là ngốc nghếch, vì sao có thể đắc Đạo được?”
Đức Phật nói: “Học vấn không ở chỗ nhiều, mà có thể thực hành mới là trọng yếu. Bàn Đặc tuy chỉ học một câu kệ, nhưng ông ấy có thể lĩnh hội thâm sâu, thấu hiểu quán thông, nỗ lực thực hành; không giống như người tham biết nhiều và cầu mau chóng, kết quả không có chuyên tâm; cuối cùng chẳng phải cũng vô ích hay sao?”
“Đúng vậy! Đúng vậy!” Quốc vương, vương hậu và văn võ bá quan nghe xong đều không ngừng gật đầu đồng ý.
Lúc này, La hán Bàn Đặc ung dung đi vào bên trong, ngồi sau lưng Đức Phật. Đức Phật và ông ngầm hiểu ý cười lên một tiếng.
Mọi người trong lòng đều có ý kính nể đối với La hán Bàn Đặc; cũng không dám cười cợt ông là nhà sư ngốc nữa.
Nguồn: nguyenuoc
Xem thêm
Vạn Điều Hay