Vào sinh ra tử cùng các huynh đệ Lương Sơn, nhưng trong khi nhiều hảo hán khác đã phải chết oan dưới làn tên mũi giáo hay bị gian thần hãm hại, thì Yến Thanh lại có một kết thúc nhẹ nhàng viên mãn.
Vậy nguyên do vì đâu mà Yến Thanh lại được hưởng hậu phúc như vậy?
Người xưa cho rằng “Văn dĩ tải Đạo”, văn chương vốn là để truyền tải Đạo lý; là một trong Tứ đại danh tác của Trung Hoa, Thuỷ Hử trên bề mặt là chuyện anh hùng tụ nghĩa, mà đằng sau là nội hàm văn hoá bác đại tinh thâm.
Tác giả Thi Nại Am có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà ưu ái dành tặng cho Yến Thanh một kết thúc trọn vẹn.
Chân dung Yến Thanh
Yến Thanh vốn là một nhân vật có thật trong lịch sử, nổi danh khắp chốn với môn võ Yến Thanh quyền. Trong Thuỷ Hử, Yến Thanh là đầu lĩnh thứ 36 của Lương Sơn Bạc, được sao Thiên Xảo Tinh chiếu mệnh, ngoại hiệu là Lãng tử.
Yến Thanh sinh tại phủ Đại Danh Bắc Kinh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Thanh được Lư Tuấn Nghĩa đem về làm gia nhân trong nhà, nhưng quan hệ giữa 2 người không khác gì cha-con nuôi là mấy.
Sau này, khi giải cứu thành công chủ nhân Lư Tuấn Nghĩa, Yến Thanh theo chủ lên Lương Sơn Bạc tạ ơn cứu mạng của các đầu lĩnh. Ông cũng giúp đỡ Lư Tuấn Nghĩa giết Sử Văn Cung, báo thù cho thủ lĩnh Tiều Cái.
Lòng trung nghĩa của kẻ lãng tử
Ngày đó, Lư Viên Ngoại bị Ngô Dụng bày kế đánh lừa rằng sắp có đại kiếp nạn, phải xa lánh về phía Đông Nam, một nghìn dặm thì mới có thể thoát được.
Biết đường đi nhất định phải qua Lương Sơn Bạc, quản gia Lý Cố tìm đủ mọi cách thoái thác, viện cớ chân đau không đi theo được. Ngược lại, Yến Thanh khi thấy ý chủ nhân đã quyết thì nguyện ý xin được đi vào chốn hiểm nguy để bảo vệ Lư Viên Ngoại, bèn chắp tay thưa:
“Nếu vậy thì tôi nhờ phúc ấm chủ nhân cũng học được đôi món côn quyền, nay tôi xin đi hầu chủ nhân, ngộ lỡ ra gặp đám giặc cỏ quấy nhiễu, thì tôi cũng có thể đánh đuổi được dăm ba đứa, không ngại điều chi… Xin chủ nhân cho Lý Đô Quản ở nhà thì phải”.
Lần thứ hai ta xúc động trước lòng trung nghĩa của Yến Thanh là khi Lư Tuấn Nghĩa bị quản gia Lý Cố và vợ là Cổ Thị thông đồng tố cáo tội làm phản, cướp hết tư gia, Lư Tuấn Nghĩa bị giam vào ngục.
Yến Thanh quỳ xuống nước mắt ròng ròng, nói với quản ngục Sái Phúc rằng:
“Xin Thiết Cấp Ca Ca thương hại chủ nhân tôi là Lư Viên Ngoại, nay chẳng may bị giam vào trong lao, không có ai đưa tiền cơm nước, vậy tôi kêu xin được thúng cơm đây, để đem vào cho chủ tôi ăn tạm, xin ông rộng phép cứu cho”…
Nói đến đó thì khóc nấc lên, rồi nằm phục xuống đất. Sái Phúc đồng ý cho Yến Thanh mang đồ ăn vào Lư Tuấn Nghĩa.
Giữ gìn sắc giới
Trong phim điện ảnh, mối tình Yến Thanh – Lý Sư Sư được tô vẽ theo mô-típ anh hùng – mỹ nhân, cuối cùng còn bỏ trốn theo nhau phiêu bạt giang hồ, kỳ thực trong nguyên tác của Thi Nại Am không hề có.
Sự thật là, trước tấm nhan sắc mỹ miều của người con gái được Hoàng đế sủng ái, Yến Thanh đã giữ vững tâm.
“Lý Sư Sư xiêm áo thướt tha, lững thững dời gót sen bước ra phòng khách, thấy Yến Thanh lanh lợi đẹp trai, nói năng hoạt bát, lòng riêng đã lấy làm ưa. Yến Thanh là người thông minh, làm gì chẳng hiểu chuyện ấy? Nhưng chàng là một hảo hán có nghị lực, sợ làm hỏng việc lớn của huynh trưởng, đâu dám đáp lại sự tỏ tình của Lý Sư Sư!”
Công thành lặng lẽ thoái thân
Luận về trung nghĩa, Tống Giang và nhiều anh hùng Lương Sơn cũng một tấc lòng son như Yến Thanh. Luận về tửu sắc, ngoại trừ Vương Anh háo sắc ra thì các vị hảo hán nơi Thuỷ Bạc cũng đều chẳng bị mê hoặc bởi nữ sắc, thậm chí còn căm ghét phường dâm ô lăng loàn. Ấy vậy mà Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa… chết đi thật oan uổng. Là vì sao vậy?
Trong Hồi 89: Núi Ngũ Đài, Tống Giang đi lễ Phật, Trấn Song Lâm, Yến Thanh gặp bạn xưa, Yến Thanh có dịp gặp lại người bạn cũ tên là Quán Trung. Quán Trung dựng một mái nhà tranh ở nơi non xanh nước biếc, xa lánh thế tục. Khi Yến Thanh lại lựa lời khuyên Quán Trung về kinh sư tìm đường xuất thân, Quán Trung đã thở dài đáp:
– Thời nay, bọn tà gian điều hành chính sự, ghen ghét kẻ hiền tài, rặt những quỷ quái yêu ma đeo đai đội mũ, còn những kẻ trung lương ngay thẳng đều bị hãm hại ở chốn lao tù. Tấm lòng của đệ đã nguội lạnh. Đến ngày công thành danh toại, huynh trưởng cũng nên tìm đường thoái lui. Từ xưa đã có câu: “chim săn đã hết, cung báu cất đi”.
Chính câu nói ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời Yến Thanh. Sau này, khi dẹp xong giặc Phương Lạp, các huynh đệ Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa… đều ra làm quan với triều đình, còn Yến Thanh lại bay bổng giang hồ như cánh chim tự do.
Lẽ thường xưa nay, ai mà chẳng mong công thành danh toại, rạng rỡ tổ tông, “phong thê ấm tử”? Những mong ước ấy thiết nghĩ không có gì sai, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là truy cầu danh, lợi, tình nơi thế tục.
Trong thời bình trị vua sáng tôi hiền thì không nói làm gì, nay trong buổi loạn lạc, gian thần lũng đoạn triều chính, hiển thị công danh chẳng khác nào làm mồi cho lang sói.
Vốn là vì Tinh Tú trên trời giáng sinh, chịu tội khổ hoàn trả nợ nghiệp, nay đã trải đủ bão táp phong ba, Lãng Tử Yến Thanh thoát khỏi kiếp phong trần, siêu thoát tự do tự tại. Ngẫm về thế đạo hôm nay, nhân tâm suy đồi, tranh danh đoạt lợi…, câu chuyện cuộc đời Yến Thanh nhắn nhủ gì với chúng ta?
Thái An
Theo Thanh Ngọc – dkn.tv
Vạn Điều Hay