Hiểu rõ sự phát triển của con là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Bài viết này nhằm giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của con và đưa ra những cách thức hợp lý, kịp thời, đồng hành cùng con vượt qua khó khăn, hiểu được những yếu tố này, cha mẹ sẽ yên tâm hơn và bớt lo lắng hơn.
Dưới đây là “tám năm vàng” trong cuộc đời của trẻ, các bậc cha mẹ hãy điểm qua những điểm mấu chốt trong việc nuôi dạy con mỗi năm của mình nhé.
Khi bé 1 tuổi, không thể bỏ qua việc nuôi dưỡng sự an toàn
Khi trẻ được một tuổi, điều cha mẹ nên làm là chơi với con nhiều hơn. Điều này tốt hơn bất kỳ kiến thức cứng nhắc nào, bởi vì ở đây trẻ sẽ học được những điều quý giá hơn, trẻ biết mình được người khác yêu thương, trẻ sẽ biết mình là đứa con quý giá nhất của cha mẹ, biết sẽ có người giúp đỡ mình, và trẻ biết rằng mọi thứ trên thế giới này đều thật đẹp.
Trẻ em trong giai đoạn này phải trải qua những thất bại và khó khăn mỗi ngày. Trẻ đặc biệt thích có người ở bên, chú ý đến hành động của trẻ, khiến trẻ vui vẻ và trò chuyện, chơi đùa với trẻ một cách tự nhiên nhất thì trẻ mới cảm thấy an toàn và trưởng thành thuận lợi hơn.
Điều chúng ta nên làm nhất là kiên nhẫn bao dung với con cái và nuôi dưỡng cảm giác tin cậy và hạnh phúc suốt đời cho chúng.
Khi bé 2 tuổi, không thể bỏ qua trong việc phát triển khiếu hài hước
“Hài hước” là một phần quan trọng trong việc thể hiện tính cách của trẻ, lứa tuổi hai tuổi rưỡi là thời điểm tốt nhất để nuôi dưỡng khiếu hài hước của trẻ. Khi đó trẻ sẽ rời khỏi vòng tròn của riêng mình và hòa vào đám đông. Khi người khác cười, trẻ cũng sẽ cười. Khi ở cùng người lớn, trẻ vẫn chủ động mỉm cười như một cách để giao tiếp với người lớn, khi thấy những điều không nhất quán, bé sẽ cảm thấy buồn cười và sẽ cố tình mặc ngược áo khoác để cho mọi người vui vẻ.
Cha mẹ nên chú ý mở rộng sở thích của con và thêm những tình huống hài hước, khả năng hài hước mạnh mẽ có thể loại bỏ rất nhiều căng thẳng, rắc rối cho con, đồng thời có thể mang lại lợi ích cho con trong suốt cuộc đời.
Khi bé 3 tuổi, không thể bỏ qua việc nuôi dưỡng khả năng sáng tạo cho bé
Khả năng sáng tạo của trẻ sẽ nảy mầm khi trẻ được 3 tuổi, khả năng sáng tạo của trẻ đến từ sự tò mò và hoạt bát, chỉ cần có môi trường phù hợp và cơ hội để truyền cảm hứng cho trẻ thì tiềm năng của trẻ tự nhiên sẽ được phát huy tối đa.
Cho trẻ đọc chuyện, vẽ tranh bằng bút chì màu, và động viên trẻ cố gắng là cách tốt để rèn luyện khả năng sáng tạo của trẻ. Bạn có thể cố tình bỏ đoạn kết khi kể cho trẻ nghe một câu chuyện và để trẻ tự hình dung và sáng tạo ra; sắp xếp lộn xộn các bức tranh và để trẻ tự sắp xếp lại cho đúng và sáng tác câu chuyện của mình dựa trên các bức tranh đó.
Những hoạt động này giúp trẻ tư duy tích cực, phát triển trí tưởng tượng và đặc biệt là nâng cao khả năng tư duy logic. Có thể trồng thêm hoa và cây, nuôi những con vật nhỏ và thường xuyên đưa bé đi chơi cũng có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo của trẻ.
Khi bé 4 tuổi, khả năng biểu đạt ngôn ngữ phát triển nhanh chóng
Ngôn ngữ là một trong những môn học yêu thích của những cô bé, cậu bé bốn tuổi, khi này trẻ đột nhiên trở nên rất nói nhiều.
Xin đừng cười nhạo khi trẻ nói sai, nếu không trẻ sẽ cảm thấy lo lắng vì sợ nói sai điều gì đó, thậm chí có thể là nói lắp bắp hoặc đơn giản là không chịu nói. Bạn có thể diễn đạt lại những gì trẻ đã nói bằng những từ ngữ chính xác nhưng đừng nhấn mạnh lỗi của trẻ.
Bốn tuổi cũng là độ tuổi thích đặt câu hỏi. Trẻ sẽ có vô số câu hỏi “tại sao”, một phần là mong muốn được biết những điều mới mẻ, một phần là để vui vẻ và tiếp tục trò chuyện, một phần là để bày tỏ suy nghĩ. Tất nhiên mục đích chính của trẻ vẫn là tìm kiếm kiến thức nên các bạn hãy cố gắng hết sức để thỏa mãn cho bé nhé.
Khi bé 5 tuổi, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên thân thiết và hòa hợp nhất
Khi trẻ 5 tuổi có thể làm chủ hành vi của mình, trẻ sẽ hành động trong khả năng của mình và hòa hợp, thân thiết với người khác. Ở giai đoạn này, bé rất yêu mẹ, việc bé thích làm nhất là làm cho mẹ vui, lời nói của mẹ là nguyên tắc vàng đối với bé, những lời khen ngợi và khẳng định của mẹ cũng rất quan trọng đối với bé.
Bởi vì một đứa trẻ năm tuổi cho rằng mẹ nhất định phải có mối liên hệ về tư tưởng với mình nên đôi khi nó lầm tưởng rằng mẹ hẳn phải biết mình đang nghĩ gì. Khi nói chuyện với mẹ, trẻ thường không đủ kiên nhẫn để nói hết những điều cần nói, rồi giận dỗi vì mẹ không hiểu mình muốn nói gì. Lúc này tâm trí của người mẹ phải chuyển động đủ nhanh để hiểu trẻ cần gì.
Khi bé 6 tuổi, năm mà mâu thuẫn nội tâm nổi bật nhất
Đây có thể là độ tuổi có sự vướng mắc giữa mẹ và con nhiều nhất, khi trẻ 5 tuổi, mẹ là trung tâm thế giới của trẻ, nhưng khi trẻ 6 tuổi, trung tâm thế giới của trẻ trở thành chính mình. Đứa trẻ đang tìm kiếm điểm mạnh của ban thân, và khi trưởng thành và độc lập hơn, nó ngày càng muốn phá vỡ sự cân bằng cũ và thành lập thế giới độc lập của riêng mình.
Một mặt, trẻ rất yêu mẹ, cần mẹ và không thể làm gì nếu không có sự yêu thương và chấp nhận của mẹ; mặt khác, trẻ khao khát được tự lập nên thường đẩy mẹ ra xa.
Khi một đứa trẻ mất bình tĩnh hoặc sắp xảy ra rắc rối lớn giữa hai mẹ con thì lúc này người cha sẽ xuất hiện trên sân khấu và thường có thể cứu cả gia đình khỏi mâu thuẫn.
Khi bé 7 tuổi, năm mà tư duy trừu tượng bắt đầu phát triển
Học sinh bảy tuổi có xu hướng tin rằng chúng là trung tâm của thế giới và bất cứ thứ gì chuyển động đều có sự sống. Trẻ cũng sẽ hiểu rằng sự xuất hiện của một số sự vật có liên quan đến mong muốn của chúng: “Tôi muốn trời mưa, và trời sẽ mưa.” Trẻ thậm chí còn tin rằng các vật thể và hiện tượng tự nhiên cũng có cảm xúc và suy nghĩ giống như con người; trẻ tin rằng chúng có phép thuật kỳ diệu để nhìn thấy nhiều thứ .
Sự phát triển tư duy trừu tượng cho phép trẻ nhìn thấy cả điểm tương đồng và khác biệt giữa các đồ vật. Trẻ có thể hiểu rằng việc thay đổi hình dạng của vật chứa không gây ra sự thay đổi về số lượng và bắt đầu hiểu ý nghĩa của số lượng. Nếu bạn sắp xếp 10 viên đá thành một hàng và đặt 8 viên đá thành một hàng có cùng chiều dài cách nhau một chút thì trẻ cũng có thể biết hàng nào có nhiều viên đá hơn.
Khi bé 8 tuổi, đam mê tư duy và suy nghĩ tích cực
Một đứa trẻ tám tuổi đã có thể bắt đầu suy nghĩ về nhiều câu hỏi. Tư duy và ngôn ngữ phát triển toàn diện, khả năng phán đoán được nâng cao, bạn có thể hỏi một số câu logic đơn giản để bé đưa ra những kết luận nhất định và thực hiện những suy luận suy diễn đơn giản.
Một thay đổi quan trọng khác trong tư duy là: giờ đây bé ngày càng nhận thức được sức mạnh khách quan của tự nhiên; về mặt ngôn ngữ, trẻ vẫn còn nói rất nhiều, nhưng trẻ đã có thể nhận ra sự khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế.
Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu được tâm lý của trẻ, giúp trẻ thăng hoa cả về đạo đức và tinh thần, để trẻ có nền tảng vững chắc để vượt qua những thăng trầm trong trong lai.
Thùy Dung biên tập
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)
Vạn Điều Hay